Nương trí tuệ Phật, nương nghĩa lý kinh

Nương trí tuệ Phật, nương nghĩa lý kinh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đạo tràng Pháp Hoa chúng ta tu Pháp hoa Bổn môn khác hơn Pháp hoa Tích môn. Pháp hoa Tích môn theo hình thức nhiều hơn. Pháp hoa Bổn môn tìm về cái gốc, tức diệu lý tiềm ẩn trong kinh để tu cho có kết quả.

Phật dạy chúng ta trước nhất tu hành phải nương tựa ba pháp là quy y Phật, Pháp, Tăng. Nếu theo hình thức thì quy y như vậy là xong, nhưng theo Bổn môn, nương vào pháp Tam quy là tìm nghĩa sâu bên trong để thọ trì. Vì vậy, phải nương pháp Phật dạy để thực hành trong cuộc sống được lợi lạc là tu, không nên dừng lại ở phần hình thức bên ngoài.

Người chỉ thấy hình thức thì nói rằng con theo Phật tu, nhưng Phật bảo họ đừng đi theo cái thân vật chất hữu hình vì đã là người mang thân sanh diệt thì không thể sống mãi được. Nói cách khác, Phật muốn nhắc chúng ta đừng vướng vào hình thức bên ngoài, hay pháp sanh diệt khiến muôn đời không thoát ra sanh tử luân hồi, nhưng ít người hiểu được điều này để thực hành.

Nương pháp Phật dạy, có hai thứ quan trọng mà chúng ta cần nương là Phật Pháp thân và Phật Báo thân, tức thân chân thật vĩnh hằng bất tử của Phật.

Ngài Trí Giả dạy rằng thân người có ba thứ là thân vật chất, vọng thức và chân linh. Đã là người thì ai cũng bị thân vật chất chi phối mãnh liệt ví như bốn núi là sanh, già, bệnh, chết đè nặng. Thứ hai, chúng ta có vọng thức là cuồng tâm ví như người bị điên. Chỉ vì cuộc đời nhồi nhét cho chúng ta vô số nhận thức sai lầm làm chúng ta khổ suốt đời cho đến chết là đi vào địa ngục.

Có thể nói con người bị sự tác động của thân vật chất và tình cảm lăng nhăng tạo thành vọng tưởng điên đảo làm mất bản tâm thì dù có Phật xuất hiện trên cuộc đời cũng không biết đó là Phật.

Còn người bản tâm trong sáng, thanh tịnh thấy được ông Phật bên trong hiện hữu trong thân tướng bên ngoài. Điển hình cho cái thấy trong sáng của bản tâm là tiên A Tư Đà 120 tuổi, tu hành không lệ thuộc vật chất và tình cảm. Nói đơn giản là tiên nhân này không khổ vì miếng ăn, cũng không khổ vì khen chê, thương ghét; đối với ông, đó là việc của thiên hạ, ông chỉ lo gìn giữ cái tâm trong sáng của ông.

Còn mãi lắng tai nghe thiên hạ nói này nói nọ khiến cho tâm hồn thất điên bát đảo. Câu chuyện hai cha con dắt lừa đi bán nói lên ý này. Một người thấy hai cha con dắt con lừa, họ nói hai người này thiệt ngu, có lừa mà không biết cỡi, dắt đi bộ cho cực thân. Người con nghe vậy mới nói cha lên cỡi lừa để con dắt nó. Đi một đoạn, gặp người khác nói ông này bắt thằng nhỏ dắt lừa thiệt tội nghiệp cho nó. Nghe vậy, người cha trèo xuống, bảo con lên cỡi lừa. Đi một đoạn nữa, gặp một người mắng rằng thằng này bất hiếu, dám chễm chệ cỡi lừa, bắt cha già dẫn đi.

Rõ ràng cuộc đời này mình làm thế nào, người ta cũng chê được. Phật dạy hãy buông bỏ tất cả vọng tưởng bên ngoài, đừng nghe để tâm sáng thì biết mình nên làm gì, cần gặp ai. Suốt đời làm nô lệ cho vật chất, hoặc nghe người xúi dại xúi khôn đủ kiểu rất nguy hiểm. Trong khi người đắc đạo, với trí sáng thấy không cần gặp thì họ tránh và với người cần gặp, họ tự tìm đến độ.

Người tu tâm thanh tịnh mới thấy những điềm lành là thấy Phật, Bồ-tát, Hộ pháp, chư thiên nên họ tìm đến gặp. Như đã nói, tiên A Tư Đà xuống núi ra mắt Phật lúc Phật đản sanh còn là thái tử, vì ông đã biết, đã thấy được Phật bên trong hài nhi.

Tôi nhắc các Phật tử tu hành, hãy tập thấy tánh bên trong của người mới quan trọng. Chúng ta thường nói người có căn lành mới tu được là ý này. Thuở còn học tiểu học, tôi được ông thầy cạo đầu cho đi tu, ông nói tôi có căn lành vì tôi thuộc kinh dễ dàng mà không cần học. Vì đời trước tôi đã tu rồi và đúng thiệt, đời này tôi học đạo rất nhanh.

Thực tế mình thấy có đứa trẻ thông minh, hiền lành, nhưng có đứa ranh mãnh, khôn lanh quỷ quyệt là ác ma, cũng có đứa còn nhỏ nhưng đã tham lam, lừa dối là biết tánh ma của nó sẵn có rất mạnh, dù đi tu cũng làm ma.

Phải hiền lành, thông minh, trung thực là tánh của người tu, tức con người bên trong hay tâm con người rất quan trọng. Vì vậy, có người thấy Phật nhờ tánh linh bên trong, không phải ai cũng thấy Phật được.

Ý này nếu quan sát thực tế, tôi thấy có những đứa trẻ nhỏ 1, 2 tuổi được cha mẹ dắt tới thăm tôi và nó cười với tôi một cách tự nhiên, đó là đứa bé có căn lành, có tu rồi, nên nhìn tôi thấy quen. Còn thấy thầy tu mà sợ, khóc, la thì biết anh này là ma.

Và Đức Phật có tình thương bao la với tất cả chúng sanh. Thật vậy, khi còn là thái tử mới 9 tuổi, Ngài thấy con chim nhạn bị vương tử Đề Bà Đạt Đa 8 tuổi bắn rớt xuống. Ngài thương xót nó, đem về chăm sóc cho nó khỏe mạnh và thả nó tự do bay về bầu trời. Tánh ác và tánh thiện thể hiện rõ nét trong cuộc sống của hai hoàng tử này ngay từ lúc còn bé.

Ngoài ra, Thái tử Sĩ Đạt Ta còn có trí thông minh, học văn võ không ai hơn Ngài. Thậm chí mới 8, 9 tuổi mà Ngài đã hỏi ông thầy dạy rằng tất cả các sách này, ông định dạy sách nào. Ông thầy quỳ xuống lạy Ngài, không dám dạy, vì thái tử đã nói những tên sách mà ông chưa hề đọc, chưa hề biết thì gan của ông cỡ nào mà dám dạy Ngài.

Về ngôn ngữ học, thái tử đã kể 36 ngôn ngữ thời xưa khiến ông thầy phải khiếp sợ kiến thức bao la của Ngài. Điều này cho thấy sức thông minh, ngày nay gọi là chỉ số IQ tột đỉnh của thái tử, nên chỉ trải qua 6 năm thiền định, Ngài thành tựu quả vị Phật. Riêng tôi tu 71 năm mà chưa thành Phật vì không thông minh như Phật, tâm từ bi chưa lớn như Phật. Vì vậy, phải nỗ lực tu để có trí thông minh và tâm từ bi cao tột mới thành Phật.

Trên bước đường tu học, chúng ta kính phục và theo học những người có tâm từ bi thương chúng sanh, có hiểu biết hơn người. Tôi còn nhớ khi thọ giới, giới sư dạy rằng nếu không phải là Hiền thì không nên làm bạn, không phải là Thánh thì không tôn thờ. Thánh là người có hiểu biết hơn mình, mình tôn làm thầy. Người hiền là người tốt, mình làm bạn với họ. Thầy tà bạn ác thì mình tránh xa.

Người tu hình thức và mê tín nghĩ rằng quy y Tam bảo để không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và quy y xong, lãnh phái về treo để đó; nhưng họ vẫn bị đọa vào ba đường ác nếu tạo tội, không thực hành lời Phật dạy trong cuộc sống. Chính vì vậy, Phật dạy thêm rằng y nghĩa bất y ngữ, nghĩa là phải tìm nghĩa sâu bên trong mà tu, không chỉ nương theo văn tự bên ngoài.

Điển hình là Trí Giả đọc kinh Pháp hoa ghi rằng Phật thuyết kinh này ở Linh Thứu sơn khiến ngài nhận ra nghĩa sâu của ba chữ Linh Thứu sơn là chân linh, vọng thức và thân tứ đại và theo ngài, chân linh chúng ta bị ngăn che bởi vọng thức. Thật vậy, thực tế cho thấy người biết nhiều việc thì phiền não nhiều, vì họ hiểu biết theo vọng thức, nên không biết đúng sự thật. Không biết bằng trực giác, mà chỉ biết bằng kinh nghiệm thì biết đúng một nửa là may lắm rồi.

Về điều này, Hòa thượng Trí Tịnh nói rằng khi tôi hỏi, ngài trả lời đúng được 50% hay 60% thôi. Không ai hỏi, nhưng ngài thấy bằng trực giác, tức không suy nghĩ tính toán thì ngài biết chính xác đến 80%. Vì vậy, suốt đời ngài ở trong thiền thất thấy yên, ra ngoài thấy bất an.

Thật vậy, tu hành ngồi tịnh niệm cảm nhận an lạc, bước ra cuộc đời thì bị muôn mặt tác động khiến vọng tâm sanh ra, vì nghe người ta nói nhiều quá làm mình không còn biết tin cái gì.

Tu theo Phật, cắt bỏ vọng tình, vọng niệm để được thanh tịnh. Và từ đó, tìm nghĩa sâu bên trong của kinh điển, đừng theo hình thức bên ngoài.


Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng "Ý nghĩa của y pháp bất y nhân"

Ngoài “Y nghĩa, bất y ngữ”, đi sâu một bước nữa là “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”, tức Phật dùng phương tiện để nói ý nghĩa thích hợp trong trường hợp đó thôi, cho nên điều này cũng chưa hẳn là đúng tuyệt đối. Thật vậy, mình tu đến mức độ nào thì sẽ có cái thấy tương ưng đến mức đó. Có thể nói lúc mới tu, tôi thấy ý nghĩa của kinh khác với lúc tôi đã tu được mười năm và trải qua sáu mươi năm hành Bồ-tát đạo, tôi lại thấy khác nữa. Và nghĩa lý của Phật dạy càng ngày thấy càng sâu thì mình càng gần Hiền Thánh, Bồ-tát và đến gần Phật hơn nữa. Nói cách khác, đó là tu gặt hái được thành quả tốt đẹp theo Phật dạy.

Vì vậy, việc tu hành quan trọng nhất phải có kết quả tốt, dù mang hình thức nào cũng được, từng bước chúng ta đi lên. Không phải quy y rồi đến ngày 15 tháng Giêng, tháng 7 đi chùa, như vậy chưa đủ, phải học hiểu nghĩa lý bên trong của kinh để ứng dụng vào cuộc sống được lợi lạc.

Quy y Phật không đọa địa ngục, vì Phật có trí tuệ, Ngài biết đúng tất cả mọi việc trên thế gian. Nhờ nương theo trí sáng của Phật mà trí tuệ của mình được mở lần. Còn thấy sai và đi theo sai lầm, mình mới đọa. Thấy đúng theo Phật và làm đúng theo Phật, làm sao đọa.

Thuở nhỏ, thầy đọc câu chuyện anh học trò lên chùa thấy ông thầy ngồi yên nhập định. Anh hỏi lúc nào con cũng thấy thầy ngồi làm thinh chi vậy. Ông thầy nói ngồi vậy hay lắm. Anh ta liền hỏi thầy dạy con thử được không. Ông thầy bảo ngồi nhiếp tâm nghĩ đến Phật, Bồ-tát thì sẽ đi vào thế giới của các Ngài. Ông thầy dắt học trò đi vào thiền định. Nhưng tâm ông thầy thanh tịnh thì vào thiền định là thấy Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng. Còn anh học trò vọng niệm cuồng tâm thì vào thiền thấy ma quỷ.

Vào thế giới tâm linh, ít có người cùng đi chung một đường được. Nhắm mắt lại, mỗi người đi theo nghiệp của mình. Vì vậy, ông thầy nhắm mắt vào định. Trong khi anh học trò nhắm mắt thì theo nghiệp trần là nghiệp ái dục mới thấy hiện ra cô gái anh quen biết thuở còn đi học. Anh hỏi chị đi đâu đó. Chị đáp đi đầu thai. Vì nghiệp dẫn, anh chạy theo cô này đi đầu thai và chui vô nhà có con heo sanh ra đám heo con, trong số đó có con heo nửa trắng nửa đen là cô bạn gái mặc quần đen, áo trắng mà anh chạy theo và dĩ nhiên cũng có anh mang thân heo con cùng nằm chung ở đó. Câu chuyện nghe ớn xương sống!

Vọng thức và nghiệp dẫn mọi người đi đầu thai, không tự chủ. Trong khi Phật và Bồ-tát theo nguyện sanh lại loài nào là các Ngài hoàn toàn tự do, tự chủ và bằng trực giác biết rõ các Ngài cần đi đâu để làm gì. Điển hình như Đức Phật Thích Ca ở cung trời Đâu Suất hiện thân làm Thái tử Sĩ Đạt Ta, nhưng con người bên trong của Ngài là Hộ Minh Bồ-tát có trí tuệ vô thượng. Vì vậy, Ngài thấy rõ đã đến thời điểm giáo hóa độ sanh những người hữu duyên với Ngài để dìu dắt họ tiếp tục con đường giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi và tiến tu Bồ-tát đạo.

Chính vì lý này, mình nương Phật tu để làm Phật, làm con người tự do, vì trong vòng sanh tử luân hồi trải qua biết bao nhiêu kiếp mang đủ thứ thân hình trong nhiều loài khác nhau, gánh chịu vô vàn khổ đau, nên mình sợ quá muốn thoát ra và nói con về nương theo Phật để tu, nghĩa là nương trí tuệ Phật để phát huy trí tuệ mình bằng cách dẹp bỏ tham vọng thì trí tuệ mình tự sáng. Phật ví điều này như mặt trăng bị mây che, khi mây tan thì ánh sáng mặt trăng tỏa ra. Cũng vậy, nghiệp thức mất thì có trực giác là chơn tâm sáng sẽ có được hiểu biết đúng đắn vượt trội hơn mọi người.

Và do tâm thanh tịnh giúp chúng ta có trực giác mà biết được phải trái của người, nên mình không bị dụ dỗ, mắc lầm. Hoặc không có trực giác, nhưng nhờ đã tu kiếp trước có bạn đắc đạo trở thành Hiền Thánh chỉ giúp, hay là được chư thiên mách bảo trong giấc ngủ mơ và thực tế xảy ra đúng như vậy.

Phật tử phải nương trí tuệ Phật, nương lời Phật dạy mới không phạm tội, không vào địa ngục. Chỉ quy y hình thức thôi thì không có kết quả tốt.

Đã được làm người, dù chưa là Phật, là Tiên thì cũng ráng giữ kiếp người, đừng để đọa súc sanh rất khó tu. Vì muốn tu, phải gặp người có đạo lực cao tác động mới thoát khỏi kiếp súc sanh.

Muốn được làm người trong kiếp tái sanh phải giữ Tam quy Ngũ giới. Quy y Phật là nương theo bậc sáng suốt nhất. Quy y Pháp là nương theo lời Phật dạy cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc, và quy y Tăng là nương theo người tu có hiểu biết đúng đắn và có đức hạnh để không lệ thuộc vật chất và tình cảm ủy mị của trần gian. Thực hiện đúng ý nghĩa của pháp Tam quy như vậy, chắc chắn không bị đọa.

Ngoài ra, Phật dạy đừng sát sanh hại mạng, vì sát sanh hại mạng là thiếu mạng thì đời sau phải trả nợ mạng. Thứ hai, không gian tham trộm cắp thì không đọa ngạ quỷ là không bị nghèo đói. Thứ ba, không tà dâm thì không đọa súc sanh. Thứ tư, không nói dối, sống ngay thật sẽ được người tin tưởng, quý mến. Thứ năm, không uống rượu, ngày nay là không sử dụng ma túy. Không giữ năm giới cấm này là đã làm những việc tội lỗi, hiện đời bị tù tội, nghèo đói, khổ sở và chết vào địa ngục.

Quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ năm giới, hãy cố gắng giữ trọn con đường làm người để kiếp sau được tu lên, đừng cho đọa xuống.

Và trải qua một thời gian giữ gìn Tam quy Ngũ giới, các Phật tử nâng cấp, tu theo thiên đạo, giữ thêm mười điều lành chắc chắn chết sẽ lên trời là thế giới cao hơn loài người. Loài người thuộc thế giới bậc trung. Muốn lên thiên đường, ba nghiệp của thân phải giữ trước. Thí dụ, lúc trước giữ giới không tà dâm, sống một vợ một chồng. Nhưng lên trời sống bằng tình cảm trong sạch, không có dâm dục. Loài người còn thân tứ đại, vợ chồng còn nghiệp ái nặng, còn dâm dục. Trong khi chư thiên có thân vi tế, nên đời sống nhẹ nhàng hơn loài người, họ bay được và không lệ thuộc vật chất, tình cảm.

Ngoài ra, chư thiên không có bốn nghiệp của miệng và ba nghiệp của ý. Vì vậy, tu thành tiên thì thân tâm trong sạch và hiện tướng xinh đẹp, nhưng lỡ nóng giận, bực tức liền bị đọa làm thần, thì mỗi ông thần có tướng khác nhau.

Ngoài con đường làm người, làm trời dù có cuộc sống hạnh phúc vẫn ở trong vòng sanh tử luân hồi, Phật dạy con đường thứ ba dành cho Thanh văn tu để ra khỏi sanh tử luân hồi. Các thầy tu chọn con đường này, không lệ thuộc vật chất, xã hội, tình cảm, cũng không muốn hưởng thụ giàu sang, chỉ sống giải thoát.

Con đường Thanh văn chọn Niết-bàn, những gì của sáu đường sanh tử cắt bỏ, nên Phật dạy 37 Trợ đạo phẩm gồm Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và Bát Thánh đạo. Tu chứng từng bậc nối tiếp nhau cho đến cao nhất ra khỏi sanh tử là thực hiện trọn vẹn con đường Thanh văn. Tiếp theo, con đường thứ tư hành Bồ-tát đạo để cứu đời và con đường thứ năm, làm Phật.

Tóm lại, có năm con đường tu, chúng ta chọn con đường làm người, làm trời để không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, chỉ qua lại chốn nhơn thiên để vun trồng căn lành. Và điều quan trọng tôi nhắc Phật tử quy y Tam bảo phải đọc kinh, nghe pháp, tìm hiểu lời Phật dạy và thực hiện trong cuộc sống để mở mang trí tuệ, trở thành người tốt, hết kiếp này lên trời hay tái sanh làm người giàu có, khỏe mạnh, tài giỏi để hộ đạo tốt đẹp.

Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ cầu siêu chơn linh gần 400 bộ hài cốt được tìm thấy tại phố Tây Sơn

Hà Nội: Lễ cầu siêu tại nơi phát hiện gần 400 hài cốt ở phố Tây Sơn

GNO - Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội, sự đồng thuận của chính quyền các cấp, ngày 30-11, tại chùa Bộc (P.Quang Trung), Ban Trị sự TP.Hà Nội cùng Ban Trị sự Q.Đống Đa tổ chức Lễ cầu siêu cho các hương linh tại ngõ 167 phố Tây Sơn - nơi phát hiện hàng trăm bộ hài cốt.
Ảnh minh họa

Cái lõi

GNO - Mục đích và tôn chỉ của đạo Phật là giác ngộ giải thoát, cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện của người tu Phật cũng vậy. Đây là chỗ rốt ráo của Phật đạo, cũng là cốt lõi mà Phật Tổ muốn chỉ bày cho tất cả chúng ta. Vậy thì giác ngộ điều gì? Diệu lực nào cho chúng ta giải thoát?
Logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tổ chức tại TP.HCM, Việt Nam đã được ICDV chọn và thông qua

Đã có logo chính thức của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam

GNO - Thông tin với Báo Giác Ngộ chiều nay, 2-12, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại Việt Nam cho biết đã thống nhất chọn logo (biểu trưng) chính thức cho sự kiện quan trọng này.

Thông tin hàng ngày