Nói dối đa số là không tốt...

GNO - “Cá tháng 4” (1-4) vốn dĩ là ngày hội vui, tinh nghịch và hài hước được gọi là “ngày nói dối”. Thông qua đó, bạn bè, người thân có thể bị... lừa vui, không sợ phiền hà, không sợ trách móc. Tuy nhiên, có người không phải mỗi năm mới có một ngày “cá tháng 4” mà đối với người ấy phải gọi là “cá cả năm” bởi lúc nào cũng có thể nói dối - thành thói quen khó bỏ...

1 noi doi 4.jpg

Một lời kêu gọi thiết tha khi có quá nhiều người đang mắc bệnh nói dối trong xã hội

Có hai khía cạnh nói dối: nói dối có ý tốt và nói dối bất thiện. Nói dối có ý tốt nhằm mục đích cứu người, giúp người, tuy nhiên cũng tùy hoàn cảnh mà có nên nói hay không. Bản thân chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất vì nói như thế sẽ trở thành thói quen, dần dần sẽ chuyển từ ý nghĩ nói thiện sang nói bất thiện.

Nói dối bất thiện là lừa lọc, qua mặt người khác nhằm che đậy lỗi lầm của mình - đây là hành vi cần tránh. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng quy cho cùng thì lời nói dối xuất phát từ việc sợ người khác biết lỗi lầm của mình, chẳng hạn: người nổi tiếng nói dối là vì sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm, doanh nghiệp nói dối là vì sợ mất uy tín trên thương trường, trẻ con nói dối là vì sợ bị la mắng…

Giới luật nhà Phật quy định rõ trong Ngũ giới có giới cấm nói dối, vì khi nói dối sẽ làm mất lòng tin với nhiều người ví như chuyện chú bé chăn cừu. Chú bé la lên cứu tôi với, có chó sói về bắt đàn cừu. Thế là mọi người trong làng chạy ra xem tình hình để đuổi chó sói đi, nhưng mọi người đã bị mắc lừa chú vì chẳng có chó sói nào. Trong lúc mọi người tức giận thì chú có một trận cười khoái trá. Mấy hôm sau chó sói về thật, chú liền kêu cứu, mọi người không ai giúp chú vì người ta nghĩ chú nói dối như lần trước - thế là cừu bị chó sói ăn thịt mất.

Tuy đó chỉ là chuyện ngụ ngôn nhưng nếu thật sự quan sát thì nó cũng có trong đời sống thường nhật với nhiều người, biểu hiện tương tự, gây mất niềm tin nơi người khác. Đau đớn nhất là vì một lần dối, sau đó không còn ai đặt niềm tin nơi mình, mình nói gì cũng bị hoài nghi.

Cách đây không lâu, Giác Ngộ có làm chuyên đề 2 kỳ về nói dối trên trang Phật giáo - Tuổi trẻ nhân việc hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay - Thực trạng và Giải pháp” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai (năm 2013) công bố những con số đáng quan ngại: bậc tiểu học có tới 22% học sinh biết... nói dối cha mẹ. Bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh không thật thà. Bậc đại học, cao đẳng có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh.

Trong chuyên đề đó, ĐĐ.Thích Giác Nhường (Tiến sĩ, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM) cũng khẳng định: Nói dối được xem là một trong những nguyên nhân đưa đến những kết quả bất hảo hơn là kết quả có lợi ích. Có thể ai đó cho rằng, nói dối không hại đến ai thì không sao; hoặc nói dối giúp người khác thì sao lại không nói… Những điều này có thể đúng trong một số (rất ít) tình huống nào đó xảy ra trong cuộc sống, vì tất cả các ứng xử đều nằm trong sự tương đối mà thôi.

Vấn đề quan trọng là khi nói, mình có kiểm soát được lời nói hay không? Ý niệm khởi lên ngay khi thực hiện lời nói đó là thiện hay bất thiện? Nếu làm chủ được lời nói đó, với tâm niệm thiện thì mình có thể tùy duyên trong các tình huống trên.

Hành vi nói dối, nói không thật đó được tái diễn trong cuộc sống của mình nhiều lần, dần dần hình thành thói quen. Thói quen ấy chi phối, ảnh hưởng trong giao tiếp, ứng xử, nhận thức của mình, Phật giáo gọi đó là nghiệp hay tập tánh. Chính vì thế, Đức Phật khuyến tấn chúng ta cần phải duy trì và thực tập nói lời chân thật, vì đây cũng chính là phương pháp thực tập Chánh ngữ - một trong tám phương pháp (Bát Chánh đạo) xây dựng cuộc sống hạnh phúc, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời”.

Nay, nhân ngày nói dối, Giác Ngộ online trở lại đề tài này, có phỏng vấn ngắn với ThS.Tô Nhi A, giảng viên tâm lý học Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM. Thạc sĩ chia sẻ:

1 noi doi 1.jpg

ThS.Tô Nhi A

- Nói dối hiện nay là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội, ở mọi tầng lớp, mọi đối tượng, nói dối đôi khi vì hoàn cảnh ép buộc. Nói dối về năng lực bản thân, nói dối thay cho người khác về một vấn đề nào đó, việc nói dối xuất phát từ những áp lực của xã hội, áp lực công việc, đôi khi họ mong muốn một kết quả nhanh, bất chấp hậu quả; nói dối cũng nhằm che giấu những cái xấu hay đôi khi vì sĩ diện mà nói dối...

Ảnh hưởng của việc nói dối sẽ làm cho hình ảnh của chúng ta trong mắt mọi người bị lu mờ. Người xưa có câu “kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” - đồng nghĩa với lời nói của chúng ta không có giá trị trong mắt người khác nữa.

* Hình như ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên rất giỏi trong việc bịa ra những nguyên nhân khác nhau để đối phó với việc trả bài, thi cử, với cả cha mẹ…?

- ThS.Tô Nhi A: Đứng trên vai trò là một người mẹ và là một giáo viên - gần gũi với các em, tôi cảm thấy rất lo lắng về hành vi nói dối của các em. Tuy nhiên, tôi hết sức thông cảm cho các em, vì có quá nhiều áp lực đè lên vai. Áp lực đó là việc học hầu như các em không phải học cho mình... mà học cho gia đình, cha mẹ vui lòng, bị ép học.

Bên cạnh đó cũng có những em có ý thức học để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình, nhưng đôi khi vì thời gian, áp lực từ cuộc sống nên các em quen dần với việc bịa ra nhiều lý do thoái thác trách nhiệm.

* Thạc sĩ có chia sẻ gì với những bậc phụ huynh trong việc giáo dục ý thức cho con em mình về việc nói dối?

- Theo tôi là cha mẹ, đừng phó thác hết cho nhà trường, thầy cô mà các bậc cha, mẹ phải lưu tâm, không áp đặt con, cùng lớn với con theo độ tuổi của chúng.

Đôi khi cha, mẹ cũng vô tình nói dối mà để con trẻ phát hiện thì chúng ta phải ngay lập tức lý giải cho chúng hiểu. Phải cương quyết giáo dục, không thể thấy con mình nói dối mà không quan tâm hoặc cho vào quên lãng; mặt quan trọng là cha mẹ phải biết làm gương cho con.

* Thạc sĩ là người theo đạo Phật, chắc chị đã từng nghe nói đến Tam quy - Ngũ giới Phật dạy. Trong Ngũ giới có giới không nói dối, chị có ý định đem giáo lý đó vào môi trường học đường?

- Thật ra giáo lý của Đức Phật rất khớp với công việc giáo dục. Giáo lý của Phật phù hợp toàn diện, ví dụ: không nói dối là không phạm vào khẩu nghiệp, không sát sanh là nuôi dưỡng lòng từ, thương xót muôn loài…

Đạo Phật có một sức mạnh nhất định, là nền tảng giáo dục toàn diện tốt đẹp mà người làm giáo dục như chúng tôi cũng đang học hỏi và dĩ nhiên sẽ phải áp dụng vào học đường để các em vừa học được cái hay của cuộc sống (đời) và vừa học được cái đẹp của Phật (đạo) - hai cái hòa hợp vào nhau rất tốt, rất hữu ích.

Xin cảm ơn Thạc sĩ!

Trần Hà Vân thực hiện

1 noi doi 3.jpg
1 noi doi 2.jpg
1 noi doi 5.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày