Nỗi khổ của tại gia và xuất gia

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1199 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khổ đau nói chung là một thực trạng của hết thảy chúng sinh. Người đời khổ đau vì nhiều thứ thì đã đành, người xuất gia học đạo nếu vụng tu cũng chịu nhiều đau khổ.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn, sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

- Này Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.

Thế Tôn nói: Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi. Phạm chí Sanh Văn bèn hỏi:

- Cù-đàm, người tại gia có những sự khổ nào? Và người xuất gia có những khổ nào?

Đức Thế Tôn trả lời rằng:

- Người tại gia vì không được tự do mà khổ. Người xuất gia vì tự do mà khổ.

Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:

- Cù-đàm, tại sao người tại gia vì không được tự do mà khổ? Và tại sao người xuất gia vì tự do mà khổ?

Thế Tôn đáp:

- Nếu người tại gia mà tiền tài không tăng trưởng, kim ngân, chơn châu, lưu ly, thủy tinh thảy đều không tăng trưởng; súc mục, lúa, gạo cùng nô tỳ, sai dịch cũng không tăng trưởng; lúc bấy giờ người tại gia ưu sầu, khổ não. Do sự kiện này mà người tại gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng mang nhiều sầu bi.

- Này Phạm chí, nếu người xuất gia học đạo mà sống theo dục vọng, theo sân nhuế, ngu si, lúc bấy giờ xuất gia học đạo có nhiều ưu sầu khổ não. Do sự kiện này mà có người xuất gia có nhiều ưu tư khổ nhọc, trong lòng chất nhiều sầu bi.

- Này Phạm chí, như vậy người tại gia vì không được tự do mà khổ, và người xuất gia học đạo vì tự do mà khổ".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Hà Khổ, số 148 [trích])

Khổ đau nói chung là một thực trạng của hết thảy chúng sinh. Người đời khổ đau vì nhiều thứ thì đã đành, người xuất gia học đạo nếu vụng tu cũng chịu nhiều đau khổ.

Người tại gia vì không được tự do mà khổ. Tự do đây nói theo ngôn ngữ hiện đại là tự do tài chính. Làm ăn, làm giàu, gầy dựng tài sản, phát triển sự nghiệp là mục tiêu then chốt của mọi người. Kiếm tiền và giữ được tiền, thiết lập một đời sống sung túc và khá giả vốn là điều không dễ dàng. Làm ăn không thuận lợi, thu nhập không ổn định, đời sống không cải thiện dù đã nỗ lực thật nhiều khiến người ta ưu tư, sầu khổ.

Nguyên nhân của việc làm ăn thất bại thì rất nhiều. Không ít người lý giải cho thất bại trong làm ăn từ những lý do khách quan, bên ngoài. Điều này không sai nhưng không phải là nguyên nhân chính. Theo đạo Phật, chính phước phần ở bên trong mỗi cá nhân mới là nhân tố cốt lõi giúp thuận duyên trong việc làm giàu và giữ vững thành quả lao động. Nên muốn làm ăn thành công cần tránh mọi hình thức khiến tổn phước (làm ăn bất chính, phi pháp, lợi mình mà hại người…).

Người xuất gia học đạo vì tự do mà khổ. Tự do đây là tự do phóng túng, buông lung theo nghiệp xấu. Người mới xuất gia, trước hết cần nương theo khuôn phép của giới luật và giáo pháp để hoàn thiện mình. Dù tu tập theo pháp môn nào cũng không ngoài việc hướng đến và thành tựu Giới-Định-Tuệ. Nếu buông lung phóng dật thì chắc chắn bị tham sân si chi phối và chịu nhiều khổ đau.

Để không bị buông lung phóng dật, tạo ra ác nghiệp, người học đạo cần phát huy chánh niệm tỉnh giác, làm chủ các giác quan (sáu căn), làm chủ tâm của mình. Cảnh trần vốn không có lỗi, lỗi ngay nơi sự buông lung phóng dật của người tu. Khi lực tu còn non yếu, sự ràng buộc và che chắn của giới luật rất cần thiết. Người học đạo mà ưa thích tự do, buông lung phóng dật thì chắc chắn rơi vào đau khổ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày