Nuôi con Pháp tu của Quan Âm Thị Kính

Tượng Quán Âm  Thị Kính -Chùa Tây phương
Tượng Quán Âm Thị Kính -Chùa Tây phương
Tư tưởng Phật giáo và văn hóa Việt hòa quyện vào nhau, như hai mà một. Cho đến nay, không mấy ai quan tâm đâu là tư tưởng Phật giáo và đâu là của người Việt. Bởi vì, họ không chỉ ứng dụng tư tưởng Phật giáo vào đời sống hàng ngày, mà qua những câu chuyện Phật giáo, họ cũng thể hiện được quan điểm của mình. Điều này thể hiện khá rõ trong dòng văn học dân gian. Motif truyện người có đức tính nhẫn nhục, từ bi thì sẽ được giải thoát xuất hiện khá phổ biến, mà câu chuyện Quan Âm Thị Kính là một điển hình. Hơn nữa, trong câu chuyện còn ẩn chứa tư tưởng tu hành thú vị. Nhân mùa Vu lan về, khi đọc lại câu chuyện này, cảm nhận đức hạnh nuôi con của Thị Kính mà thấy lòng ngập tràn tình yêu của mẹ.

Quan Âm Thị Kính kể về kiếp trước của Bồ tát Quan Thế Âm. Ngài vốn là người đã trải qua nhiều kiếp tu hành mà vẫn chưa đắc đạo. Đến kiếp thứ 10, Đức Thích Ca muốn thử lòng, bắt vào đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở nước Cao Ly. Và từ đây, một kiếp đời đầy những thử thách trái ngang khởi đầu.
Thị Kính là người tài sắc nết na lại hiếu thảo hết lòng. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho thư sinh Sùng Thiện Sĩ và chịu mang nỗi oan giết chồng đến nỗi phải rời bỏ nhà chồng ra đi. Phát nguyện xuất gia, đang yên ổn tu hành, Thị Kính lại gặp vạ oan Thị Mầu. Oan sau khắc nghiệt hơn oan trước, oan sau chồng chất hơn oan trước, oan sau ngang trái hơn oan trước, và nàng lại tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng những oan khiên không thể tỏ bày. Nhưng cũng ngay khi vương mắc vào nỗi oan nghiệt uất ức này, Thị Kính đã được thực hiện thiên chức phụ nữ của mình, đó là làm mẹ, là nuôi con - đứa con bị bỏ rơi của Thị Mầu. Nỗi oan Thị Kính chỉ được sáng tỏ khi nàng đã chết và được thoát hóa làm Phật Quan Âm.
Có thể nói, câu chuyện Oan Thị Kính đã ảnh hưởng sâu sắc trong dân gian và vì thế cũng nhận được nhiều xu hướng phê bình khác nhau.
Theo xu hướng của các nhà nghiên cứu văn học hiện nay, câu chuyện là lời tố cáo sắc bén, mạnh mẽ chế độ phong kiến thối nát. Điển hình, Nguyễn Huệ Chi, khi nhận xét về mặt hạn chế của câu chuyện, đã viết: “… Quan Âm tân truyện ảnh hưởng quan niệm hư vô của nhà Phật trong cách lý giải hiện thực. Hình như sau bao phen hoạn nạn, tư tưởng yếm thế đã thấm vào những người viết truyện, khiến họ cảm thấy cuộc đời là vô nghĩa và tu hành mới là cứu cánh cho con người. Bởi vậy, trong truyện, tất cả mọi cảnh ngộ gay cấn của cuộc đời Thị Kính tưởng chừng đều do Đức Phật muốn bày trò thử thách đối với nàng, để nàng chứng tỏ bản chất kiên trì cầu đạo. Càng gặp oan khiên, nàng càng nhẫn nhục, thì càng chóng nhận được phần thưởng xứng đáng của Như Lai. Triết lý nhẫn nhục này làm cho Quan Âm tân truyện thiếu đi một sức phản kháng cần thiết” (1). 

Tuy vậy, cũng có nhận xét tích cực hơn về nội dung tư tưởng của tác phẩm. Điển hình là lời nhận xét của nhà văn Vũ Khắc Khoan trong lời giới thiệu sách Vở chèo Quan Âm Thị Kính: “Tư tưởng Phật giáo lại càng tỏ rõ khi Thị Kính cam chịu tiếng oan, vì lòng từ bi, vì đức hiếu sinh, hy sinh cuộc sống của mình để nuôi đứa bé sơ sinh của Thị Mầu. Nỗi oan mưu sát chồng đã đưa Thị Kính đến con đường giải thoát, nỗi oan quyến rũ Thị Mầu không làm cho nàng nản chí trên con đường giải thoát; nhưng chính lòng từ bi, đức hiếu sinh, chính hành động tích cực nuôi con Thị Mầu mới thực sự đưa nàng lên cõi giải thoát. Trên hành trình vượt sông mê để cập bến giác, tinh thần Phật giáo đã là một ngọn hải đăng soi sáng bước chân Thị Kính. Để Thị Kính trở thành tiểu Kính Tâm, để tiểu Kinh Tâm trở thành Đức Phật Quan Âm” (2). 
Ở góc nhìn của Phật giáo, các nhà nghiên cứu lại có quan điểm gần với nhà văn Vũ Khắc Khoan. Về nhẫn nhục, Thị Kính nhẫn nhịn khi bị chồng vu oan và vẫn can đảm sống. Ðó là một đức nhẫn nhục lớn. Thứ nữa, khi đi tu bị người ta vu oan là quan hệ với Thị Mầu có thai, vì muốn được tiếp tục tu hành, Thị Kính không muốn tiết lộ tông tích, chấp nhận mọi hình phạt. Đó là sự nhẫn nhục có mục đích: vì sự nghiệp tu hành.

Trong quan niệm Phật giáo, đức tính nhẫn nhục được đặt lên hàng đầu, tức khả năng chịu đựng của một bậc tu hành. Muốn chứng đắc đạo quả thì phải có sức chịu đựng vượt mức bình thường. Nói rõ hơn, người quyết chí tu hành phải vượt lên được mọi nỗi oan trái thị phi của cuộc đời gán ghép cho họ. Nỗi oan mưu sát chồng đã đưa Thị Kính đến con đường giải thoát, hay là lời giải thích của người Việt về quan điểm của Phật giáo Đại thừa: phiền não tức bồ đề. Từ đó, người Việt đã hình tượng hóa quan điểm tu tập này của nhà Phật thông qua câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Vì sức chịu đựng đã vượt trên mức bình thường mà Thị Kính được người đời ngưỡng mộ. Hơn nữa, Thị Kính can đảm chấp nhận hết mọi nhục nhã, mọi hình phạt để nhận nuôi đứa bé vì cứu một chúng sinh:
“Dù xây chín đợt phù đồ
Sao bằng làm phúc cứu cho một người”.
Lòng từ bi không chỉ là quan điểm của Phật giáo, mà còn thể hiện đức tính hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Đây là sự gặp gỡ tuyệt vời giữa hai luồng tư tưởng đó. Câu chuyện phản ánh khá rõ nét tâm lý của người phụ nữ Việt Nam. Họ dễ động tâm trước những cảnh đời éo le, mà trường hợp điển hình ở đây là đứa con bị bỏ rơi của Thị Mầu. Vì thế, khi đặt mình giữa hai chọn lựa - công lý hay từ bi - thì họ sẵn sàng hy sinh sự công bằng, cam chịu tiếng oan (chấp nhận bản án của xã hội), chọn cách giải quyết theo hướng từ bi để cứu người:
Nhưng mà trong dạ hiếu sinh,
Phúc thì làm phúc, dơ thì đành dơ.
Cá trong chậu nước sởn sơ,
Thì nay chẳng cứu, còn chờ khi nao
Chẳng sinh cũng chịu cù lao,
Xót tình măng sữa, nâng vào trong tay
.

Câu chuyện cũng đã bộc lộ cách ứng xử của người phụ nữ Việt Nam trước những nghịch cảnh của xã hội. Nói cách khác, đây là những đức tính của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện qua nhân vật Thị Kính. Cũng có thể nói, đức từ bi, sức chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam xứng đáng được tôn thờ như một bậc Thánh.
Mặt khác, như đoạn đầu câu truyện giới thiệu, Thị Kính đầu thai vào nhà họ Mãng ở kiếp thứ 10 để tu hành hạnh Bồ tát trước khi đạt được quả vị Phật. Ở kiếp này, ngoài hạnh nhẫn nhục, Thị Kính đã chọn cách thể hiện lòng từ bi bằng hình thức nuôi con và nàng đã tìm thấy sự an lạc bên cạnh tiếng mõ lời kinh trong khi thực hành phép tu này:
Ra công nuôi hộ thiệt là,
Đương buồn có trẻ hóa ra đỡ buồn.
Khi trống giục, lúc chuông dồn,
Tiếng chuông lẫn tiếng ru con tối ngày.

Qua câu truyện, ta thấy quan niệm của người Việt thể hiện khá rõ: nuôi con là một pháp tu. Từ đó, câu truyện góp phần tôn vinh hạnh nhẫn nhục nuôi con của người phụ nữ Việt Nam, xem đó là pháp tu khó nhất, mà Thị Kính phải vượt qua trước khi thành Phật. Những người mẹ Việt Nam cũng vậy, họ xứng đáng được thành Phật vì hạnh nguyện nuôi con của mình.
Đọc Quan Âm Thị Kính khi mùa Vu lan về, tôi lại bồi hồi nhớ về những người mẹ, luôn hy sinh cả cuộc đời mình vì sự hạnh phúc của con. Họ hạnh phúc và mãn nguyện khi thấy con mình trưởng thành. Vì thế mà tất cả những người mẹ đều tìm thấy sự an lạc trong từng lời ru con giữa phong ba bão táp của cuộc đời. Những người mẹ đang nuôi con, đang từ bỏ tất cả những hân hưởng của cuộc đời vì hạnh phúc của con là họ đang thực hành pháp tu của ngài Quan Âm Thị Kính.
Đọc Quan Âm Thị Kính và để cho cảm xúc trào dâng… lúc đó ta mới thấu cảm được tại sao Thiều Chửu đề nghị xem tác phẩm Quan Âm Thị Kính là một bản kinh Phật Việt Nam.
Đọc Quan Âm Thị Kính và nguyện cầu cho tất cả những người mẹ sống trọn đời vì con sẽ được Đức Như Lai đón về cõi Phật. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày