PG tỉnh Phú Thọ: Phát triển xứng tầm cái nôi đất Tổ

GN - Đất Tổ Hùng Vương được xem là cái nôi của dân tộc Việt. Phật giáo ở đây cũng được khảo cứu là một trong những nơi phát triển sớm nhất trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo. Dù qua thời gian thuận theo sự biến thiên, khí chất Phật giáo của vùng đất này dường như đang hồi sinh và phát triển trở lại.

Phát triển cả về chất và lượng

Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IV và sự chỉ đạo của TƯGH, BTS GHPGVN (BTS) tỉnh Phú Thọ đã kiện toàn nhân sự Thường trực BTS gồm 9 thành viên do TT.Thích Minh Nghiêm làm Trưởng ban. Dù với số lượng Thường trực ít nhưng các cuộc họp vẫn diễn ra đều đặn hàng tháng theo lịch, nhằm kiểm tra và định hướng cho các hoạt động Phật sự.

IMG_9887.JPG


Xe hoa kính mừng Phật đản trên quê hương Phú Thọ - Ảnh: VP BTS PG tỉnh Phú Thọ

Là một tỉnh có địa bàn rộng, nhân sự mỏng, số lượng Tăng Ni chưa nhiều nhưng việc kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội cơ sở vẫn được triển khai có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn Phật giáo tỉnh Phú Thọ, hầu hết các xã phường, thị trấn đều có Ban Đại diện cấp cơ sở. Đây là một nét đặc thù riêng của Phật giáo đất Tổ Hùng Vương. Mô hình này ban đầu cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, sau khi triển khai đã thể hiện rõ tính khả thi, ưu việt cho việc thúc đẩy các hoạt động Phật sự “Tốt đời -  Đẹp đạo” trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê của BTS thì đến nay 13 huyện thị đã có BTS Phật giáo cấp huyện. 247/253 xã phường, thị trấn có Ban Đại diện cùng cấp. Toàn tỉnh có 144 Tăng Ni hành đạo. Số lượng Phật tử đã quy y Tam bảo ước tính trên 300 ngàn người. Trong đó số lượng Phật tử đi sinh hoạt thường xuyên và được cấp Giấy chứng nhận Phật tử trên 90 ngàn Phật tử.

Các công tác ban ngành cũng được Thường trực BTS tỉnh quan tâm theo sát, để triển khai các hoạt động chuyên ngành được sâu sát với sự chỉ đạo của TƯGH. Những khóa về Bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính, Bồi dưỡng Hoằng pháp, Bồi dưỡng của Ban Tăng sự… của TƯGH tổ chức, BTS đều cử chư tôn đức các ban ngành trực thuộc theo học và cập nhật kiến thức, cũng như chủ trương của Giáo hội.

Hàng năm với sự chỉ đạo của TƯGH về an cư kiết hạ theo đúng giới luật, BTS tỉnh đều thực hiện việc an cư tập trung cho Tăng Ni trong tỉnh tại chùa Bảo Ngạn (TP. Việt Trì). Số lượng hành giả an cư mỗi năm một tăng lên. Năm 2016 có 81 vị Tăng Ni thực hiện an cư tập trung. Thời khóa an cư được quy định đúng theo truyền thống. Bên cạnh những thời khóa tu học nội điển Kinh-Luật-Luận, Ban Tổ chức an cư cũng lồng ghép những buổi học về những chủ trương, thông bạch của TƯGH và nghị quyết của BTS.

Với số lượng Tăng Ni tương đối khiêm tốn thì việc phát triển tu sĩ là một nhiệm vụ tối quan trọng. Công việc ấy không chỉ là tăng số lượng nhân sự cho tỉnh trong tương lai, mà còn là sự nối tiếp mạng mạch Tăng-già cho Phật pháp nơi đây. Mỗi nhiệm kỳ BTS đều tổ chức đều đặn 2 năm một Đại giới đàn truyền giới cho Tăng Ni. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Giáo hội tỉnh Phú Thọ đã tổ chức 2 Đại giới đàn Nguyệt Trí với số lượng giới tử cầu thọ các giới pháp trên 100 vị. Dù đây có thể là con số khiêm tốn so với những tỉnh thành khác, nhưng số lượng Tăng Ni tu học và giới tử cầu giới pháp sau mỗi đàn giới đều tăng lên. Đó là tín hiệu đáng mừng.

Hiện nay GHPGVN tỉnh Phú Thọ chưa có trụ sở hoạt động nên việc xây dựng trụ sở của BTS Phật giáo tỉnh là một Phật sự trọng tâm. Sau khi BTS trình hồ sơ dự án xây dựng trụ sở, UBND tỉnh Phú Thọ đã chấp nhận cho việc quy hoạch xây dựng Trung tâm PG Hùng Vương. Đây là dự án được quy hoạch và xây dựng trên diện tích gần 4ha, tại khu Núi Bằng Lớn (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh), với tổng kinh phí xây dựng dự kiến hơn 100 tỷ đồng. Công tác xây dựng, tôn tạo, trùng tu các tự viện cũng được BTS hỗ trợ các chùa. Rất nhiều chùa đã được tôn tạo và đưa vào sử dụng.

Là địa bàn vùng núi đặc thù nên công tác hoằng pháp cũng được chú trọng. Ban Hoằng pháp của tỉnh là ban có nhân sự nhiều nhất trong các ban ngành, quy tụ nhiều Tăng Ni có tâm huyết và năng lực. Những địa bàn vùng sâu vùng núi đều được các vị Tăng Ni giảng sư thuyết pháp, hướng dẫn tu học. Nhiệm kỳ qua, Ban Hoằng pháp tỉnh đã triển khai nhiều khóa bồi dưỡng hoằng pháp và phổ biến kiến thức luật pháp cho Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh. Ban cũng đã kết hợp với Ban HDPT tổ chức lớp bồi dưỡng giáo lý căn bản cho hơn 200 khóa sinh tham dự. BTS các huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Sơn… đã duy trì tốt các khóa hoằng pháp thường xuyên cho các Phật tử trong địa bàn huyện. Sau mỗi khóa, các học viên đều được thi trắc nghiệm để kiểm tra khả năng tiếp nhận cũng như trình độ Phật học. Đặc biệt, ngoài các buổi thuyết giảng theo định kỳ ở các chùa, tại chùa An Thiên (TP.Việt Trì) đã giữ truyền thống thuyết giảng từng bộ kinh. Điều này giúp cho Phật tử dễ dàng hiểu, nắm bắt giáo lý có hệ thống để tu học và áp dụng vào thực tế đời sống.

Giới trẻ luôn là một đối tượng được chư tôn đức quan tâm hỗ trợ. Ngoài kết hợp các khóa tu hàng tháng cho đa số các Phật tử, khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên cũng được tổ chức. Tại các chùa Đại Bi, Bảo Ngạn, Thiên Long (TP.Việt Trì), Phúc Lâm (H.Phù Ninh), Cây Thị (TX.Phú Thọ), Giác Nguyên (H.Đoan Hùng)… đều tổ chức đều đặn các khóa tu cho giới trẻ. Số lượng các em tham gia tu học ngày một đông hơn.

Phối hợp chặt chẽ để các hoạt động phát triển

Hạn chế quan trọng của nhiệm kỳ IV là thiếu nhân sự; một số vị thành viên chưa thật nhiệt tình với công việc chung; lãnh đạo một số BTS cấp huyện là cư sĩ nên trình độ giáo lý và quản lý hành chính còn yếu… dẫn đến một số các hoạt động Phật sự của Giáo hội khá hạn chế; một số hoạt động không ăn khớp, nhịp nhàng như kế hoạch đề ra.

Để khắc phục từ những kinh nghiệm rút ra trong suốt hoạt động thời gian qua, BTS đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, phối hợp các ban ngành, các BTS huyện thị để nhiệm kỳ V được tốt hơn, toàn diện hơn. Theo đó, Thường trực BTS sẽ tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp hơn đối với các BTS huyện thị. Đảm bảo sự thông tin hai chiều để có sự phối hợp và phản hồi tốt các công tác giữa BTS tỉnh và Giáo hội địa phương. Duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ của các ban ngành chức năng và của các BTS huyện thị, các Ban Đại diện xã phường.

Công tác Tăng sự: Tiếp tục mở các khóa bồi dưỡng kinh nghiệm trụ trì và nghiệp vụ hành chính cho Tăng Ni cũng như cư sĩ Phật tử là thành viên các BTS. Tiếp tục xét duyệt các hồ sơ bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì tại các tự viện có yêu cầu. Tổ chức các giới đàn truyền giới cho các giới tử trong và ngoài tỉnh.

Công tác giáo dục Tăng Ni: Xúc tiến ra mắt Trường TCPH tỉnh Phú Thọ. Giới thiệu và tạo điều kiện cho Tăng Ni của tỉnh theo học các chương trình Phật học ở các cấp học trong và ngoài nước, nhằm đào tạo đội ngũ nhân sự phục vụ Giáo hội tỉnh và lực lượng kế thừa có trình độ trong tương lai. Khuyến khích, nhân rộng mô hình giáo dục tự viện theo hướng “gia giáo” thầy trực tiếp dạy trò, nhất là đối với các vị mới sơ cơ nhập đạo tu học.

Công tác hoằng pháp: Tiếp tục bổ sung giảng sư cho ban để có nhân sự đáp ứng phục vụ nhu cầu thuyết giảng, hướng dẫn tu học tại các đạo tràng địa phương, vùng sâu vùng xa. Để có nguồn nhân lực giảng sư, Ban Hoằng pháp sẽ cử Tăng Ni theo học các lớp đào tạo ngắn hạn hay dài hạn của Ban Hoằng pháp T.Ư. Bên cạnh đó cũng sẽ tiếp tục mở các hội nghị bồi dưỡng hoằng pháp tại các huyện thị. Cử đoàn giảng sư về các chùa ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các chùa chưa có Tăng Ni trụ trì để thuyết giảng cho đồng bào Phật tử. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các khóa tu cho các đạo tràng, có hướng ưu tiên các khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên và sinh viên - học sinh.

Công tác của các Ban Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa, Từ thiện xã hội… cũng được đề ra và chú trọng cho phù hợp đặc điểm tình hình địa phương và xã hội. Trong đó việc kết hợp hoạt động Phật sự với các lễ hội truyền thống của tỉnh, địa phương; các hoạt động xã hội mang tính chung… nhằm thu hút đồng bào và Phật tử tham dự.

* Tin liên quan: Phiên trù bị Đại hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày