Pháp tu cho người đồng tính

GN - HỎI: Tôi là Phật tử trẻ đồng tính nam. Xin hỏi, Đức Phật chỉ dạy phương pháp tu cho người đồng tính thế nào? Có nên phẫu thuật chuyển đổi ngoại hình để sống đúng với giới tính của mình không? Phật giáo có chấp nhận hôn nhân đồng tính?

(CÔNG HẢI, datinhasforever@yahoo.com)

dongtinh.jpg


Dù là đồng giới hay dị giới cũng cần sống có trách nhiệm và tử tế với người bạn đời,
cam kết và thực thi đầy đủ bổn phận của người vợ, người chồng - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Công Hải thân mến!

Vào thời Đức Phật, người đồng tính chỉ bị giới hạn trong hàng ngũ xuất gia vì những nguyên nhân có tính đặc thù, còn hàng Phật tử đồng tính tại gia dường như Đức Phật không có quy định gì khác với người dị tính. Thành ra, người Phật tử dù dị tính hay đồng tính thì cũng tu tập giống nhau. Căn bản vẫn là quy y Tam bảo, giữ năm giới cấm, chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý, chuyên làm các hạnh lành v.v…

Về việc “phẫu thuật chuyển đổi ngoại hình để sống đúng với giới tính của mình”, đạo Phật cũng không có quy định cấm ngăn nào. Vì thế bạn có thể cân nhắc các phương diện liên quan rồi tùy duyên quyết định.

Riêng vấn đề “Phật giáo có chấp nhận hôn nhân đồng tính?” thì đạo Phật không có quan điểm cụ thể mà linh động tùy duyên. Trong hôn nhân của hàng Phật tử, Đức Phật chú trọng đến bổn phận và trách nhiệm của người vợ, người chồng nhằm thiết lập hạnh phúc. Tuy vậy, không ghi nhận được có trường hợp nào Đức Phật chấp nhận hoặc ngăn cấm hôn nhân đồng tính. Nên cụm từ “bổn phận và trách nhiệm của người vợ, người chồng” ở đây không nhất thiết là vợ chồng dị tính.

Mặt khác, trọng tâm của giới thứ ba là chung thủy, trong khi các tập tục của xã hội bấy giờ liên quan đến hôn nhân như chế độ đa thê (hoặc đa phu) chẳng hạn vẫn tồn tại trong các cộng đồng Phật tử, chứng tỏ Đức Phật rất linh động tùy duyên và tùy thuận trong vấn đề hôn nhân.

Từ nền tảng này, chúng ta có thể rút ra một số vấn đề về hôn nhân đồng tính theo quan điểm Phật giáo như sau: Thứ nhất, dù Phật giáo tùy duyên (không chấp nhận và cũng không ngăn cấm) nhưng phải tùy thuộc luật pháp và luật tục của cộng đồng xã hội nơi bạn ở đồng thuận hay ngăn cấm hôn nhân đồng tính để tuân theo. Thứ hai, sống có trách nhiệm và tử tế với người bạn đời, cam kết và thực thi đầy đủ bổn phận của người vợ, người chồng trong hôn nhân dù dị hay đồng tính.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày