Phật của mệ

Bảy đóa sen trên dòng sông Hương
Bảy đóa sen trên dòng sông Hương
0:00 / 0:00
0:00
GN - Mệ là người Huế, Phật tử thuần thành, theo gia đình di cư vào thành phố này sống đã mấy chục năm.

Ngày đó, tôi là thằng bé thường một mình đến chùa. Hôm nọ, khi đang rón rén đi vào chánh điện chờ tới giờ tụng kinh, tôi bỗng nghe sau lưng mình có tiếng gọi: “Thằng cu ơi, con đó, đúng rồi, lại đây mệ nói nghe!”. Tôi đưa mắt nhìn quanh để chắc chắn rằng cái “thằng cu” mà bà cụ đang ngồi trong góc chánh điện vẫy tay gọi đích xác là tôi chứ không phải một thằng nhỏ nào khác nữa. Tôi nhìn bà bằng ánh mắt thoạt tiên ái ngại, nhưng rồi, ở nụ cười ấm áp trên gương mặt của bà cụ ngoài bảy mươi đó có một cái gì thu hút tôi tiến lại gần.

Từ sau hôm đó tôi “kết bạn” với bà. Cũng từ sau hôm đó, tôi biết mình phải xưng hô với bà ra sao: mệ Nga.

Thuở đời, những thằng nhóc hiếm hoi xuất hiện ở chỗ như chùa chiền, thường được các bà cưng chiều hơn hết cả. Tôi cũng không là một ngoại lệ. Kể từ biết được mệ Nga, hầu như không buổi tụng kinh nào trong mùa an cư năm ấy là tôi không được mệ đem cho khi thì chai nước pha chút gừng ấm, khi thì cái bánh hay một thứ quà nào đó ăn vui miệng. Cũng kể từ khi được biết mệ, rồi được mệ “chiếu cố” cho tới nhà chơi, tôi dần được biết thêm một trường thiên nề nếp của một Phật tử thuần thành “kiểu Huế thâm căn”.

Nhà mệ Nga ở trong một con hẻm ngay khu trung tâm thành phố. Con hẻm nhỏ xíu, sâu hun hút, cái nhà mệ cũng nhỏ xíu nốt. Phía trong đủ kê cái giường, ngăn lại bằng một tấm rèm, phía ngoài đặt bàn máy may của mệ, bên cạnh là cái cầu thang nhỏ dẫn lên gác lửng. Đi qua khỏi cửa vào nhà, ngước mắt lên, có thể trông thấy bàn thờ Phật nhỏ nhắn nhưng không kém phần trang nghiêm. Treo trang trọng trên vách tường bên hông bàn thờ là một tấm phái quy y với những nét chữ Hán và hoa văn rồng phụng đã phai mờ. Thấy tôi chăm chú nhìn, mệ tới gần tự hào khoe: “Bổn sư của mệ cho, Ôn Linh Mụ đó!”. Rồi mệ im lặng nhìn lên. Lúc đó tôi chẳng biết Ôn Linh Mụ là ai, cũng chưa kịp hiểu bổn sư là gì, chỉ đoán chắc hẳn đó là một người vô cùng quan trọng với mệ.

Mệ Nga là một bà thợ may, chỉ may y hậu và đồ “vạt khách” cho quý thầy, quý cô. Có một lần, tôi chứng kiến mệ may một tấm y người ta đặt cúng dường một vị thầy nào đó mới thọ giới Tỳ-kheo. Không biết nhờ ai, mệ kéo xịch được cái giường ra phía ngoài cửa, kê sát cái máy may vào cạnh giường. Mệ ngồi trên giường đo, cắt bằng tất cả sự tỉ mẩn, từng đường cắt, ráp, vắt sổ được mệ làm bằng một tốc độ… sốt ruột. Ngồi bên cạnh ngó nghiêng một lúc, tôi buột miệng kêu lên: “Mệ làm gì chậm dữ vậy!”. Lúc đó mệ chỉ quay sang nhìn tôi lắc đầu rồi cười: “Lâu hả, ‘đóng’ y không phải chỉ đóng bằng tay mô, phải đóng bằng tâm nữa, y là áo của Phật”.

Tôi nghệch mặt ra. Những gì mệ Nga nói quá xa với tầm hiểu biết của tôi, một thằng nhỏ chỉ vừa lên lớp 8. Chỉ duy nhất một điều, tôi thấy được bằng mắt: kể từ lúc mệ ngồi trên giường cắt những đường kéo đầu tiên, cho đến khi tấm y được phơi trên sợi dây căng ngang phòng khách nhỏ nhà mệ, tấm “áo Phật” ấy chưa bao giờ chạm đất, mệ cũng chưa bao giờ thay đổi tốc độ “sốt ruột” trong công việc của mình.

Mùa Phật đản về, trong phố lác đác có những nhà mang cờ Phật giáo ra treo trước cửa. Chùa chiền bắt đầu rộn ràng dựng lễ đài, tập văn nghệ. Một buổi chiều, sau giờ học, tôi đạp xe ghé qua nhà mệ Nga. Thấy tôi, mệ đứng dậy với tay lấy cái áo khoác mỏng vắt trên lan can cầu thang, quay ra nói dứt dạc: “Chở mệ đi coi lễ đài Phật đản!”.

Những vòng xe đạp đều đều lăn qua những con phố, những ngôi chùa đang rộn ràng trong mùa vui: Tân Ninh, Tỉnh Hội, Từ Nghiêm, Tam Bảo,… Tới trước cửa mỗi chùa, tôi và mệ xuống xe, tấp vào đứng nhìn ngắm cho thỏa một hồi, rồi đi tiếp. Có lễ đài hình đóa sen đang nở, lễ đài này với vầng hào quang năm sắc khổng lồ, lễ đài kia dựng đài hoa vô ưu cao vút,… Rồi những con phố quanh chùa Tỉnh Hội cờ phướn, đèn lồng giăng rợp,… Hai người, một bà một cháu, vừa đi vừa tíu tít chỉ trỏ, nói cười. Mệ thường ngày trầm lặng bao nhiêu, những ngày Phật đản, khi được đi quanh phố phường, mệ như trở thành trẻ trung hơn, sôi nổi hơn,… Trên đường đi, mệ Nga kể hằng hà sa số chuyện, từ chuyện ngày xưa dân quê mệ đi bộ từ hơn một ngày trước vô Huế coi rước Phật, được mẹ dẫn lên quy y với Ôn Linh Mụ, chuyện lần đầu tiên mệ được đứng trước chùa Từ Đàm,… Suốt mấy năm sau đó, năm nào tôi cũng giữ những cái hẹn chở mệ Nga, đi một vòng quanh thành phố coi lễ đài vào mùa Phật đản. Và mỗi năm đó, tôi lại tích thêm được một mớ chuyện cho mình, những câu chuyện rất đạo, mà cũng rất đời.

Tôi xa thành phố, đến một thành phố khác để học tiếp rồi bám trụ mưu sinh. Năm ngoái, có dịp tình cờ về lại quê ngay mùa Phật đản, bằng một thói quen cũ, tôi ghé xuống Tỉnh Hội xem người ta dựng lễ đài. Dắt chiếc xe máy dựng nơi cổng chùa rồi lững thững đi bộ vào, tôi bỗng bắt gặp một bóng hình quen thuộc. Là mệ Nga. Tôi vội rảo bước tới một góc khuất bên hông sân chùa nhìn ra. Mệ già hơn nhiều, tóc bạc trắng, mắt dõi lên hướng tôn tượng Đức Phật sơ sanh được đặt trên lễ đài mang dáng hình một bánh xe Pháp khổng lồ. Ánh mắt mệ thành kính, hân hoan, say mê, có vẻ đang thoáng cười. Ánh mắt chẳng thể diễn tả bằng lời. Ánh mắt quen thuộc, như nhìn đi từ quá vãng xa xôi.

Phút giây ấy, tôi chợt nhớ lại câu chuyện mệ kể năm nào, khi những vòng xe rảo trên con phố rợp cờ năm sắc. Câu chuyện về cô gái nhỏ quê làng Phù Bài, lần đầu tiên được đứng trước lễ đài Phật đản “đẹp chi mà đẹp hung lắm” ở chùa Từ Đàm, ánh mắt say sưa hướng về tôn tượng Bổn Sư sơ sanh như sáng rực dưới nắng mai…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày