Phật giáo luôn đồng hành cùng sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng

Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng trang nghiêm cử hành Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 tại chùa Pháp Lâm (quận Hải Châu)
Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng trang nghiêm cử hành Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 tại chùa Pháp Lâm (quận Hải Châu)
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đà Nẵng từ lâu được biết đến là thành phố trung tâm năng động bậc nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đồng thời, với vị trí tiếp giáp hai vùng văn hóa lớn của miền Trung là Huế và Quảng Nam, Phật giáo Đà Nẵng cũng mang những nét đặc thù, vừa gìn giữ được rường mối của các thế hệ Tổ sư truyền thừa từ xa xưa, vừa thích ứng với những thay đổi của thời đại trong việc hoằng dương Chánh pháp.

Theo kế hoạch, vào ngày 7-7-2022, Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng sẽ được tổ chức tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng - chùa Pháp Lâm (quận Hải Châu). Dịp này, Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Toàn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội. Hòa thượng chia sẻ:

- Có thể nói, sự phát triển của Phật giáo Đà Nẵng đồng hành cùng sự phát triển của TP.Đà Nẵng. Cụ thể, từ khi Đà Nẵng tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng cũng được thành lập ngay sau đó. Tính từ thời điểm ấy đến nay, số lượng chùa chiền trên địa bàn thành phố tăng lên đáng kể, đó là biểu hiện cụ thể nhất cho sự phát triển của Phật giáo TP.Đà Nẵng trên phương diện cơ sở tự viện.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.Đà Nẵng hiện có 114 cơ sở tự viện; trong đó Bắc tông có 110 cơ sở, Nam tông Kinh có 1 cơ sở, 3 cơ sở của Hệ phái Khất sĩ. Tổng số Tăng Ni thường trú gồm 731 vị (440 vị Tăng, 291 vị Ni).

Thứ hai, về mặt con người, số lượng Tăng Ni thường trú tu học tại thành phố cũng có sự gia tăng. Số lượng Tăng Ni sinh được đào tại tại các trường lớp, đặc biệt là tại Trường Trung cấp Phật học TP.Đà Nẵng cũng đông hơn. Đặc biệt đối với Ban Hướng dẫn Phật tử của Phật giáo TP.Đà Nẵng, ban đầu chỉ có 2 phân ban là Phân ban Cư sĩ và Phân ban Hướng dẫn Phật tử.

Trong đó, hoạt động của Phân ban Cư sĩ trước đây chưa đi vào nề nếp nhưng đến nay đã có những khởi sắc. Bên cạnh đó là việc thành lập Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử với những hoạt động bổ ích cho các em thanh thiếu niên, đặc biệt trong những dịp như sinh hoạt hè.

Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng cũng thành lập thêm Tiểu ban Phật tử Khất sĩ, còn lại Phật giáo Nam tông Kinh chưa có Tiểu ban Phật tử. Dự kiến trong chương trình Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng lần thứ VI sắp tới đây sẽ đưa ra thảo luận về việc thành lập Tiểu ban Phật tử Nam tông Kinh, từ đó góp phần hoàn thiện các hoạt động của ngành hướng dẫn Phật tử.

Ngoài ra, còn có Ban Từ thiện xã hội của Phật giáo TP.Đà Nẵng hoạt động hết sức tích cực, được UBND tặng Bằng khen, Trung ương Giáo hội trao Bằng tuyên dương công đức. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, Phật giáo TP.Đà Nẵng nói chung và Ban Từ thiện xã hội nói riêng đã có những đóng góp rất lớn, thể hiện tình tương thân tương ái, chia sẻ cùng đồng bào thành phố vượt qua những khó khăn của đại dịch.

Đó là vài nét tổng quan những thành quả tiêu biểu, thể hiện cho sự phát triển của Phật giáo TP.Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua.

Hòa thượng Thích Thiện Toàn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng

Hòa thượng Thích Thiện Toàn, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng

* Trong nhiệm kỳ V (2017-2022), bên cạnh những thành quả thu được, còn có những tồn đọng, khó khăn nào Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng chưa khắc phục được, thưa Hòa thượng?

- Cũng như các địa phương khác, Phật giáo TP.Đà Nẵng tất nhiên cũng có những khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động của mình. Khó khăn chung mà tất cả chúng ta đều biết đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian gần 2 năm trở lại đây.

Ngoài ra, khó khăn chủ quan cần nhắc đến đó là một vài cơ sở tự viện trên địa bàn TP.Đà Nẵng chưa tham gia sinh hoạt trong hệ thống chung của Giáo hội, hoặc một số tự viện chưa bổ nhiệm được trụ trì, hoặc một vài vướng mắc trong nội bộ cơ sở tự viện chưa tháo gỡ được. Tất nhiên trong thời gian sắp tới, Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng sẽ cố gắng tìm phương cách giải quyết để tất cả các tự viện có thể cùng hội nhập, sinh hoạt với nhau.

* Nhiệm vụ trọng tâm nào mà Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng ưu tiên trong định hướng hoạt động cho nhiệm kỳ sắp tới, thưa Hòa thượng?

- Chủ đề Đại hội năm nay được Trung ương Giáo hội đưa ra đó là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”, Phật giáo TP.Đà Nẵng cũng đi theo chủ đề đó và định hướng hoạt động cũng không ngoài phương châm của GHPGVN. Riêng với vấn đề kỷ cương, tất cả Tăng Ni, Phật tử TP.Đà Nẵng hoạt động theo đúng Hiến chương của GHPGVN, tuân thủ Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo thành phố và các quận, huyện.

Ngoài ra, dự kiến trong chương trình đại hội lần này, chúng tôi cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc từ các cơ sở tự viện, quán triệt và hưởng ứng tinh thần chung của Giáo hội và MTTQVN TP.Đà Nẵng trong việc tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy Phật giáo TP.Đà Nẵng phát triển.

* Trên cương vị Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Đà Nẵng lần thứ VI, Hòa thượng có thể chia sẻ thêm về những tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự nhiệm kỳ tới?

- Tính cho đến hiện nay, công tác lựa chọn nhân sự dự kiến để giới thiệu vào Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ VI đã ổn định, dựa trên tiêu chuẩn được đưa ra từ trước. Riêng với nhân sự giới thiệu vào Ban Thường trực Ban Trị sự, do một số vấn đề chủ quan đã có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Tôi đã có một số đề nghị về tiêu chuẩn để cơ cấu 62 thành viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Thứ nhất, đề nghị tất cả những thành viên Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ V chưa quá tuổi quy định tiếp tục tham gia Ban Trị sự nhiệm kỳ mới. Thứ hai, theo Quy chế hoạt động Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2017-2022 do Trung ương Giáo hội ban hành, với Phật giáo TP.Đà Nẵng, chúng tôi sẽ mời các vị Phó ban và Chánh Thư ký Ban Trị sự các quận, huyện tham gia Ban Trị sự Phật giáo thành phố nhiệm kỳ mới, do các vị Trưởng ban Trị sự các quận, huyện đã tham gia Ban Trị sự Phật giáo thành phố từ nhiệm kỳ V.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có suy nghĩ tới việc cơ cấu tỷ lệ chư Ni tham gia Ban Trị sự, lựa chọn từ mỗi Ban Trị sự các quận, huyện 1 vị Ni để giới thiệu nhân sự dự kiến cho nhiệm kỳ tới; đồng thời quan tâm nhân sự của 2 hệ phái Nam tông Kinh và Khất sĩ.

Đối với 5 ủy viên dự khuyết, chúng tôi ưu tiên chọn các vị trẻ tuổi, có trình độ đại học hoặc cao học, đang tham gia Ban Thường trực Ban Trị sự các quận, huyện.

* Trên cương vị của một vị giáo phẩm đã có hoạt động tích cực qua nhiều cương vị của Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng, Hòa thượng có những kỳ vọng, gửi gắm nào đến Tăng Ni, Phật tử thành phố trước thềm Đại hội sắp tới?

- Chúng tôi có mong muốn rằng làm sao chư tôn đức tham gia trong Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng phải là các vị có thực tu thực học, có bằng cấp, trình độ vững vàng. Bản thân tôi cũng từng có lần tâm sự với chư tôn đức trong Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TP.Đà Nẵng rằng làm sao trong nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ sau đó nữa, những vị Trưởng ban Trị sự phải có học vị thạc sĩ, tiến sĩ và những vị trong Ban Thường trực cũng phải có trình độ từ đại học trở lên. Đó có lẽ cũng là suy nghĩ hơi táo bạo của chúng tôi mà mong rằng trong tương lai sắp tới, GHPGVN TP.Đà Nẵng có thể hiện thực hóa được phần nào.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày