Phát hiện tàn tích giống một tu viện Phật giáo

GNO - Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã khai quật được các cấu trúc giống như một tu viện Phật giáo (ảnh) ở thành phố Vadnagar, bang Gujarat (Ấn Độ), phát hiện có thể thiết lập được tầm quan trọng của khu vực như một trung tâm Phật giáo phát triển mạnh.

anh vch.jpg

"Việc khai quật mới nhất cho thấy các cấu trúc tương tự như các tăng phòng. Tuy nhiên, chỉ khi nào việc khai quật được tiếp tục tại khu vực này mới có thể giúp xác định liệu các cấu trúc này là một phần của một tu viện hay không thuộc về một công trình tôn giáo", nhà khảo cổ học của ASI, Madhulika Samanta nói.

"Chúng tôi đã khai quật được 6-7 tăng phòng nhưng toàn bộ quy hoạch chỉ có thể được xác định sau khi khai quật mở rộng, đó là điều không thể bây giờ vì những ngôi nhà bê-tông đã được người dân địa phương xây dựng ở đó. Chúng tôi đã không thể kết luận đây là một cấu trúc tôn giáo nhưng chúng tôi giả định đó có thể là một tu viện".

ASI tiến hành khai quật tại Vadnagar trong 2 giai đoạn từ tháng 1-2015 và tháng 5-2016, sau khi Thủ tướng Narendra Modi, người đến từ Vadnagar nhậm chức.

Theo Madhulika Samanta, "Mục tiêu của cuộc khai quật là để chứng thực thị trấn, nằm ở huyện Mahesana, là một trung tâm Phật giáo quan trọng, đặc biệt như đã đề cập trong các ghi chép của du Tăng Trung Quốc Huyền Trang".

Trong ghi chép của mình vào thế kỷ thứ 7, ngài Huyền Trang nói có khoảng 10 tu viện Phật giáo hưng thịnh ở Onantopulo, hoặc Anandpura, tên cổ xưa của Vadnagar.

Phật giáo rất có thể đã phát triển mạnh mẽ ở Vadnagar vào giữa thế kỷ thứ 3 và thế kỷ thứ 9, cô nói.

"Trong năm 2007, một khai quật được tiến hành tại Vadnagar bởi bộ phận khảo cổ của tiểu bang đã cho thấy một tu viện với 12 tăng phòng, được cho là đã được sử dụng giữa thế kỷ thứ 2 và thế kỷ thứ 4. Khám phá này đã chứng thực những miêu tả của ngài Huyền Trang về thị trấn cổ này", cô cho biết.

Tàn tích của các cấu trúc giống như tu viện được khai quật lần này có thể đã được xây dựng trong ít nhất 3 giai đoạn khác nhau của lịch sử vào giữa thế kỷ thứ 3 và thế kỷ thứ 9.

Văn Công Hưng (Theo DNA)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày