GN - Phật dĩ nhiên là chính Ngài, với các phẩm hạnh thù thắng không ai có thể sánh của bậc giác ngộ tối thượng. Nhưng kỳ thực, trong tâm tưởng của mỗi người tin Phật thì đều hình dung cho riêng mình một vị Phật khác nhau.
Thuở xưa, Bà-la-môn Đậu-ma biết Phật không phải là người nhưng là ai thì ông không thể biết. Lạ lùng là, khi Đậu-ma hỏi Ngài có phải là trời thần hay thiên long bát bộ thì Phật đều phủ nhận. Vậy Phật là ai?
Phật là bậc giải thoát
“Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, ngồi nghỉ trưa dưới một bóng cây giữa hai thôn Hữu-tùng-ca-đế và Đọa-cưu-la. Lúc ấy có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Đậu-ma đang đi trên con đường kia, đến sau Phật. Ông thấy dấu chân Phật hiện ra như bánh xe ngàn căm, dấu chỉ rõ ràng, chỉ bên trong thì đều, vòng chỉ bên ngoài thì tròn, tất cả đều đẹp đẽ và đầy đặn. Thấy vậy, liền tự nghĩ: “Ta chưa từng thấy người thế gian nào mà có dấu chân như vậy. Giờ ta phải theo dấu mà tìm ra người này”.
Ông liền theo dấu chân đưa đến chỗ Phật, thấy Đức Thế Tôn đang ngồi nghỉ trưa dưới một bóng cây, dung mạo đoan nghiêm tuyệt thế, các căn vắng lặng, tâm Ngài an định tịch tĩnh, điều phục đệ nhất, thành tựu chánh quán, ánh sáng rực rỡ, giống như núi vàng.
Sau khi đã thấy vậy rồi, liền bạch:
- Ngài là Trời chăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Ta chẳng phải là Trời.
Lại hỏi:
- Là Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân chăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Ta chẳng phải Rồng… cho đến Nhân, Phi nhân.
Bà-la-môn bạch Phật:
- Nếu bảo rằng chẳng phải Trời, chẳng phải Rồng… cho đến chẳng phải Nhân, chẳng phải Phi nhân, vậy thì Ngài là ai?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:
Trời, Rồng, Càn-thát-bà/ Khẩn-na-la, Dạ-xoa/ A-tu-la không lành/ Những La-hầu-la-già/ Nhân cùng chẳng phải Nhân/ Đều do phiền não sanh/ Lậu hoặc phiền não này/ Tất cả, Ta đã bỏ/ Đã phá, đã diệt sạch/ Như hoa Phân-đà-lợi/ Tuy sanh từ trong nước/ Nhưng chưa từng dính nước/ Ta tuy sanh thế gian/ Chẳng bị nhiễm thế gian/ Nhiều kiếp thường lựa chọn/ Thuần khổ không chút vui/ Tất cả hành hữu vi/ Thảy đều bị sanh diệt/ Trừ nhơ, không lay động/ Đã nhổ sạch gai góc/ Cùng tột bờ sanh tử/ Cho nên gọi là Phật.
Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Đậu-ma nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, rồi tiếp tục mà đi”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh 101)
Đức Phật là bậc đã ra khỏi tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) nên không thể lấy những loài trời thần hay chúng sinh trong tam giới mà liên hệ hay hình dung về Ngài. Thế Tôn đã khẳng định, mọi loài trong tam giới, từ thấp đến cao, “Đều do phiền não sanh”.
Dĩ nhiên, Phật cũng không hẳn luôn ngồi trên tòa sen đảnh phóng hào quang với các tướng hảo quanh minh rực rỡ mà chúng ta hằng kính lễ. Vẫn biết, với công đức huân tu thù thắng từ vô lượng kiếp, Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nhưng hảo tướng ấy là hình thức bên ngoài, quan trọng là những phẩm chất giác ngộ và giải thoát bên trong. Thành ra, Phật là bậc phước trí nhị nghiêm, bi trí viên mãn, trong ngoài đều toàn thiện.
Phật như hoa sen, sinh ra từ bùn nhưng không dính mắc bùn nhơ, ngược lại tỏa hương thơm ngát cuộc đời. Phật là bậc đã nhổ sạch vi tế phiền não, lậu hoặc, đã sang bên kia bờ sinh tử. Phật là bậc ngang qua cuộc đời mà chẳng nhiễm thế gian, là bậc giác ngộ và giải thoát.