GN - Ngày 5-10-2016, tại chùa Bửu Quang - quận Thủ Đức (TP.HCM) đã xảy ra án mạng gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Nghi can là một thanh niên 21 tuổi có biểu hiện bệnh lý tâm thần đã từng được nhận vào chùa Bửu Quang, do một vị sư đồng hương tại chùa bảo hộ. Điều đáng nói là người thanh niên này mới vào “tu gieo duyên” chừng hơn 4 tháng, nhưng vì vụ việc xảy ra trong chùa, nên giới truyền thông và dư luận cho rằng đó là nhà sư, tu sĩ.
Chùa Bửu Quang bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra
của cơ quan chức năng - Ảnh: N.Danh (chụp ngày 5-10)
Phản ứng nhằm định hướng dư luận, tránh những suy diễn cảm tính và chủ quan trong vụ việc nghiêm trọng đó, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã có thông báo rất kịp thời sau 24 giờ kể từ lúc vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang. Thông báo này lập tức có tác dụng rất tích cực, giải tỏa những căng thẳng trước án mạng nghiêm trọng xảy ra ở chốn thiền môn.
Ngay sau khi có thông báo - tiếng nói chính thức của Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo thành phố, nhiều báo chí đã trích dẫn, điều chỉnh thông tin liên quan tới vụ việc án mạng tại chùa Bửu Quang, xác định nghi can là “tín đồ bình thường”, “người mới tập tu - tu gieo duyên” chứ chưa phải là tu sĩ, nhà sư chính thức.
Qua đó, chúng ta thấy rằng, phát ngôn của Giáo hội trước, trong và sau mỗi vụ việc, sự kiện Phật giáo cũng như các vấn đề liên quan mang tính cấp thiết khác là vô cùng quan trọng và ý nghĩa, có tác động và quyết định độ ảnh hưởng đến số đông.
Nếu Giáo hội có những phát ngôn kịp thời, thẳng thắn và rõ ràng thì sẽ hướng dẫn được dư luận, giải quyết các cuộc khủng hoảng truyền thông, mà sự ảnh hưởng tiêu cực, xấu, lâu dài đến hình ảnh của Phật giáo là không thể tránh khỏi.
Còn nếu không có phát ngôn chính thức, chắc chắn báo chí sẽ khai thác các nguồn khác, và đó là khoảng trống cho những thông tin thiếu chính xác, suy diễn chủ quan của cá nhân người cung cấp thông tin và cách tiếp cận thông tin, như chúng ta đã thấy trong nhiều vụ việc liên quan gần đây, gây tổn thương cho niềm tin của nhiều người và cả cho đạo Phật, một tôn giáo truyền thống tại nước ta.
Tín đồ nói riêng và người dân nói chung rất muốn nghe tiếng nói chính thức của Giáo hội, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Khác xa với mấy mươi năm về trước, các cuộc khủng hoảng truyền thông trong bối cảnh này có sức lan nhanh đến chóng mặt, bên cạnh các cơ quan báo chí chính thống, còn có cả mạng lưới chập chùng các kênh cá nhân trên mạng xã hội. Chính do vậy, ai cũng có thể tham dự, đưa tin, bày tỏ ý kiến, chia sẻ về một vụ việc, theo đó, sẽ đẩy các cuộc khủng hoảng đi xa, nhanh, sâu rộng và phức tạp hơn.
Tác động của những cuộc khủng hoảng kiểu này, chưa có thống kê, nhưng sơ bộ qua các công cụ tìm kiếm trên mạng, chúng ta có thể hình dung được phần nào thông tin gì được lan nhanh, nhân rộng nhiều nhất.
>> TƯGH ra công văn chấn chỉnh việc xuất gia, tập tu ||
Thích Tâm Hải