NSGN - Phẩm 28, phẩm cuối của kinh Diệu pháp liên hoa là Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát. Khuyến là khuyến khích, động viên… còn phát ở đây là Phát tâm Bồ-đề, là bước khởi đầu của con đường Bồ-tát đạo. Đã đến lúc không chỉ nói mà phải làm; không chỉ học, hiểu mà phải “đúng theo lời dạy mà tu hành”… Tu và hành đi đôi với nhau. Tu để hành và hành để tu. Pháp hoa khởi đầu với Văn Thù và kết thúc với Phổ Hiền là “tri hành hợp nhất” vậy.
Phổ Hiền Bồ-tát
Bản hoài của chư Phật xưa nay chẳng phải là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật” hay sao? Khai đã xong, đã cho thấy toàn cục bức tranh Nhất thừa, đã cho thấy cái “lý vô ngại”; thị cũng rồi, khi mở toang cánh cửa tháp báu, cho gặp Như Lai Đa Bảo ngồi cười tủm tỉm bên trong, đã cho thấy cái “sự vô ngại”; ngộ cũng đã hướng dẫn từng bước đi cụ thể qua hình tượng các vị Bồ-tát thể hiện những hạnh tôn trọng, chân thành, thấu cảm, lắng nghe, từ-bi-hỷ-xả… và sau cùng cũng đã được trang bị vô số Đa-la-ni - thần chú, minh chú - tức những công thức vừa giúp trí nhớ vừa giúp nhất tâm bất loạn - để tự tại mà vào đời hành hiệp, “lý sự vô ngại”. Bây giờ đã đến lúc nhập với sự xuất hiện của một vị Bồ-tát tiếng tăm lừng lẫy (danh văn) Phổ Hiền: “sự sự vô ngại”. Có thể nói Hoa nghiêm đã nở rộ ở Pháp hoa!
Người xưa đã rất sâu sắc tạo nên hình tượng “Tam thánh”: Phật Thích Ca ở giữa, Văn Thù cưỡi sư tử một bên và Phổ Hiền cưỡi voi sáu ngà một bên. Phật Thích Ca bấy giờ là Phật pháp thân, là Tỳ-lô-giá-na. Văn Thù với gươm báu trí tuệ trên tay, cưỡi sư tử oai dũng, “vô phân biệt trí”. Nhưng nếu chỉ dừng lại đó thì chưa đủ:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Phổ Hiền chính là hành động, là vào đời, là từ bờ bên kia nhảy lại bờ bên này, để độ chúng sanh. Độ chúng sanh ấy là đoạn phiền não, độ người cũng là tự độ mình! Cho nên Phổ Hiền không dừng lại ở lý mà đã chuyển thành sự. Dĩ nhiên “lý sự” đều đã viên dung vô ngại, để rồi bước thêm một bước đến “sự sự vô ngại”, lúc đó thì như Duy Ma Cật “thõng tay vào chợ” mà không còn sợ hãi, lo âu... Nếu Văn Thù là thể: bất biến, thì Phổ Hiền là dụng, tùy duyên.
Phổ Hiền thưa Phật:“Con dùng tâm nghe và phân biệt những hiểu biết của chúng sanh… con cưỡi voi trắng sáu ngà phân thân trăm ngàn đến khắp... Dù người kia bị nghiệp chướng sâu nặng chưa thấy được con, con ở trong tối xoa đầu, an ủi ủng hộ, khiến người kia được thành tựu...” (Lăng nghiêm).
Thiện Tài Đồng Tử trên hành trình của mình, đã khởi đi từ “vô phân biệt trí” của Văn Thù, đến Đại từ Đại bi của Quán Thế Âm để rồi sau cùng nhập thế, hành động theo nguyện hạnh Phổ Hiền với “sai biệt trí”. Có “sai biệt trí” mới chẩn đoán phân biệt đúng và điều trị đúng: cái nào ma, cái nào quỷ, cái nào là chúng sanh tham, chúng sanh sân, chúng sanh si, nghi, kiến, mạn v.v... để bốc thuốc ba chén sáu phân đủ liều đủ lượng.
“Lúc bấy giờ, ngài Phổ Hiền Bồ-tát dùng sức thần thông tự tại oai đức danh văn, cùng vô lượng vô biên chúng đại Bồ-tát từ phương Đông mà đến”.
Không như Diệu Âm mắt xanh dịu dàng với ngàn cánh sen nhẹ nhàng bay đến, rồi lẳng lặng bay đi, Phổ Hiền ầm ầm đến với đàn voi sáu ngà cùng với vô lượng vô biên các vị Đại Bồ-tát cùng đi, nên không lạ, “các nước đi ngang qua khắp đều rúng động, rưới hoa sen báu, trỗi nhạc” vang lừng!
Phổ Hiền uy dũng, tự tại oai đức tiếng tăm lừng lẫy sầm sập đến khiến “chúng ma” khiếp sợ thực sự, không dám hó hé phá bĩnh kẻ chân tu!
“Năm trăm năm sau trong đời ác trược, nếu có người thọ trì kinh điển này, con sẽ giữ gìn trừ các sự khổ hoạn làm cho đặng an ổn, khiến không ai đặng tiện lợi rình tìm hại…”.
Phổ Hiền dõng dạc bạch Phật, như một lời hứa. Cho nên không lạ, Phật khen: “Hay thay! Hay thay! Phổ Hiền! Ông có thể hộ trợ kinh này làm cho nhiều chúng sanh an vui lợi ích. Ông đã thành tựu bất khả tư nghì công đức, lòng từ bi sâu lớn, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà có thể thực hành nguyện thần thông để giữ gìn kinh này…”.
Phổ Hiền ra mắt Đức Phật xong bèn đi quanh bên hữu bảy vòng. Sao lại bảy vòng? Phải chăng để nhắc con đường Thất giác chi, dẫn trực tiếp đến Bồ-đề tâm? Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả? Phải chăng Lục độ là để “tu thân” còn Thất giác chi là để “trị quốc”, tạo một quốc độ an vui hạnh phúc cho chúng sanh trong pháp giới.
Phổ Hiền đặt câu hỏi cốt lõi: “Người trai thiện, người gái lành sau này làm sao có được kinh Pháp hoa khi Phật đã nhập Niết-bàn?”.
“Có được” ở đây không phải là thỉnh hay mua một cuốn kinh ở đâu đó mà có nghĩa là “thọ trì đọc tụng biên chép giải thích và theo đúng lời dạy mà tu hành!” để thành tựu chánh quả.
Phật trả lời, cần phải có 4 điều kiện:
Một là được các Đức Phật hộ niệm,
Hai là trồng các cội công đức,
Ba là vào trong chánh định,
Bốn là phát lòng cứu tất cả chúng sanh.
Rồi Phật khẳng định: “Thiện nam tử, thiện nữ nhơn thành tựu bốn pháp như thế, sau khi Như Lai diệt độ quyết đặng kinh này”.
Bốn pháp đó thật ra không xa lạ, nhưng rất cốt lõi, như “điều kiện ắt có và đủ” vậy: Một là được các Đức Phật hộ niệm, tức có trí huệ; hai là trồng các cội công đức, tức có giới đức; ba là vào trong chánh định (thiền định) và bốn là từ bi, “phát lòng cứu tất cả chúng sanh”. Tóm lại đó chính là giới-định-tuệ và từ bi.
Phổ Hiền trực tiếp giúp đỡ, khuyến phát bằng cách trao cho chúng sanh một thứ Đà-la-ni, “pháp âm phương tiện Đà-la-ni”, hay “Triền đà-la-ni”. Triền là xoay, uyển chuyển, diệu dụng.
Từ cái tri đã đến cái hành. Sức “oai thần” của Phổ Hiền chính là cái diệu dụng của thực hành, của vào đời, và từ đó mà tâm càng rộng mở, qua hành động, nhờ thể nhập, thể nghiệm, chớ không “hý luận” suông.
Tôn tượng Bồ-tát Phổ Hiền trên núi Nga Mi - Trung Quốc
Con đường Bồ-tát đạo được Phổ Hiền cụ thể hóa thành mười đại hạnh:
Một là Lễ kính chư Phật: Phật là chúng sanh đã giác ngộ, còn chúng sanh là Phật... chưa giác ngộ. Lễ kính chư Phật cũng có nghĩa là lễ kính chúng sanh vậy.
Thứ hai là Xưng tán Như Lai: Như Lai quả đáng khen quá đi chớ! Hiểu được Như Lai thì thấy Như Lai thật dễ thương, nhu nhuyến, tùy thuận mà thần thông vô ngại!
Thứ ba là Quảng tu cúng dường: không ngoài giới-định-tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến.
Thứ tư là Sám hối nghiệp chướng: Nghiệp mà “chướng” được là do thân-khẩu-ý chưa thanh tịnh. Ý dẫn các pháp. Ý thường sinh sự cho sự sinh.
Thứ năm là Tùy hỷ công đức: Lòng đố kỵ, hờn ghen, ganh tị, so sánh hơn thua... vốn đã gắn chặt vào gène chúng sanh nên phải trừ bỏ.
Hạnh thứ sáu Thỉnh Phật chuyển Pháp luân, thứ bảy Thỉnh Phật trụ thế, thứ tám Thường tùy Phật học là những hạnh nhằm để “độ tha”. Chữ Phật ở đây không phải là một vị Phật cụ thể nào đó mà Phật pháp, với vô lượng pháp môn, phù hợp với vô lượng tâm chúng sanh.
Thứ chín là Hằng thuận chúng sanh và thứ mười là Phổ giai hồi hướng: “hằng thuận” là chân thành, là thấu cảm, là tùy cơ ứng biến, là phương tiện thiện xảo để có thể hóa độ, rồi “hồi hướng” là để sẻ chia, rộng mở...
“Phổ Hiền! Nếu có người thọ trì, đọc tụng, ghi nhớ chơn chánh tu tập biên chép kinh Pháp hoa này, phải biết người đó thời là thấy Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, như từ miệng Phật mà nghe kinh điển này”.