“Phượt” tâm linh hướng biển

GN - Đầu năm, chúng tôi gọi điện rủ nhau đi du lịch bụi, “phượt” là cách hay để thư giãn. Và, lần này trưởng nhóm bảo “Chúng ta sẽ theo một cách khác: phượt tâm linh hướng biển…”.

“Phượt hiền lành”

Ý tưởng “phượt” tâm linh của trưởng nhóm đề ra là do anh rất tâm đắc với những nơi sẽ đến: đó là những ngôi thiền viện, thắng tích Phật giáo nổi tiếng tọa lạc ngay trên lộ trình. Hải, trưởng nhóm phượt chia sẻ: Hành trình phượt của năm nay rất có ý nghĩa bởi chúng tôi quyết định chuyến đi nhẹ nhàng hơn, sẽ có thời gian tự chiêm nghiệm và soi rọi lại mình trong suốt chuyến hành trình. Chúng tôi đến những ngôi tự viện, thiền viện dọc từ TP.HCM đến thành phố Vũng Tàu, có được những trải nghiệm thú vị để mỗi người sẽ nhận ra những giá trị khác lạ trong không gian thiền vị mà mỗi người cảm nhận. Chúng tôi muốn chia sẻ với nhau những khoảnh khắc chậm rãi trôi qua, những điều học được từ những nơi vừa quen vừa lạ: mái chùa ngày xuân mới…”.

DSC_0026.JPG
Tượng Tam thế Phật lộng lẫy giữa khung trời lộng gió, nắng xuân dịu, mây bay

in trên mặt hồ bán nguyệt trước chùa đúng như là cảnh… Bụt - Ảnh: H.D

Cách mà Hải chọn là cuộc hành trình khá “hiền lành” so với những cuộc “phượt” trước bởi chuyến phượt bằng xe máy khởi hành từ TP.HCM vào sáng mùng một Tết và chặng cuối là những ngôi tự viện hướng mặt ra biển Đông mênh mông và trưa mồng 3 Tết có mặt tại điểm xuất phát để chuẩn bị cho hành trình làm việc bắt đầu của một năm mới.

Không “hầm hố” như mọi năm, không có các “sự kiện” ngủ bờ ngủ bụi, các thành viên chuẩn bị cho mình vật dụng thông thường trong những chuyến hành hương, quần áo lam, thức ăn, túi ngủ, máy ảnh… Trước lúc lên đường, trưởng nhóm “cảnh báo”, sẽ ăn chay, ngồi thiền và ngủ bụi lại chùa… để có những trải nghiệm tâm linh mới và thưởng thức vẻ đẹp của những ngôi tự viện hướng biển.

Khởi hành sau đón giao thừa với gia đình, từ Hàng Xanh, TP.HCM đến khu Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu (Đồng Nai); khu Đại Tòng Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu); chùa Hòn Một, tịnh xá Ngọc Hải (thị trấn Long Hải) và quay ra hướng biển Vũng Tàu đến các tự viện nổi tiếng: thiền viện Chơn Không, tịnh xá Ngọc Bích, Linh Sơn cổ tự, Niết Bàn tịnh xá, Thích Ca Phật đài. Và dĩ nhiên, đến biển là được tắm táp thỏa thích.

Búp sen chào nhau

Một thành viên trong đoàn tỏ ra lo lắng, thế nhưng đó chỉ là thoáng qua bởi trong đoàn đã có một anh lớn tuổi và kinh nghiệm phượt hiền kiểu này. Chúng tôi thật sự đã hòa mình vào những đoàn hành hương khác nối dài nhau ở các thiền viện khu vực “Chiếu”.

Niet ban tinh xa.jpg

Niết Bàn tịnh xá tọa lạc trên sườn núi Nhỏ cũng trên cung đường Hạ Long như một bức tranh,
pho tượng Phật nhập Niết-bàn giúp ngôi tịnh xá này trở nên rất nổi tiếng

Ngày đầu tiên trong hành trình, chúng tôi đặt chân đến thiền viện Thường Chiếu, rồi các “Chiếu” khác gần đó. Cái cảm xúc mới lạ dâng trong lòng, sự bình yên len lỏi trong tim khi chúng tôi đi dạo ven hành lang yên tĩnh, nhẹ bước trên những thảm cỏ xanh, tiếng chuông ngân nhẹ, thấp thoáng vạt áo lam trong nhà trù của thiền viện…

Tất cả là sự tĩnh lặng, tĩnh lặng đến nhẹ lòng. Chúng tôi ai cũng không dám cười đùa quá trớn, tự học cách đi nhẹ, lắng nghe, “miệng mỉm cười” như cách mà các thiền sư dạy. Anh Thành, thành viên lớn tuổi bảo chúng tôi khi gặp quý thầy thì chắp tay hình búp sen trước ngực, cúi đầu và niệm A-di-đà-Phật, đó là cách chào nhau của con nhà Phật. Sen, cô em gái nhỏ thực hiện ngay và bảo “sao thấy lạ quá, thấy lòng mình nhẹ tênh”.

Ấn tượng với cả đoàn là chứng kiến cung đường đẹp dẫn vào cổng chính chùa Vạn Phật Đại Tòng Lâm, hòa vào dòng người chơi Tết, hành hương đổ về đây mỗi lúc một đông, cả một bãi đậu xe mênh mông, trong vài giờ đã chật kín. Tượng Tam thế Phật lộng lẫy giữa khung trời lộng gió, nắng xuân dịu, mây bay… in trên mặt hồ bán nguyệt trước chùa đúng như là cảnh… Bụt. Chúng tôi bảo nhau vào chánh điện lạy Phật, chứng kiến một tòa chánh điện lộng lẫy với ngàn bức tượng Phật, nụ cười của Đức Thích Ca hiền lành in dấu trong lòng.

Ăn cơm trưa bụi tại một quán nhỏ ven quốc lộ, chúng tôi tiến thẳng đến Bà Rịa - rẽ trái hướng đến Khu di tích Minh Đạm, xã Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ. Từ đằng xa, những hàng hoa anh đào rực rỡ, mùi biển đã đậm dần. Chùa Hòn Một ẩn hiện trên cao, thấp thoáng trong cánh rừng xanh là màu ngói đỏ rực. Sau khi cả đoàn khăn áo chỉnh tề đến thỉnh chuông, lạy Phật, chúng tôi nán lại ở bàn trà nghe thầy tri khách tận tình giảng giải những nề nếp ở chùa và tận hưởng những giây phút tĩnh lặng nhất.

Tết ở biển

Mồng một Tết sắp sửa trôi qua, Phước - chàng kiếng cận cho biết vẫn thấy năng lượng còn “rất hoành tráng” vì được hòa mình trong không gian linh thiêng, thanh thoát ở những ngôi chùa, thiền viện và sẵn sàng cho “thử thách” mới. Chinh phục vẻ đẹp giữa sự tĩnh lặng và những âm ba của sóng vọng từ xa. Tịnh xá Ngọc Hải đã xuất hiện trước mặt, biển đã bao la trước mắt chúng tôi. Tịnh xá Ngọc Hải tọa lạc ngay tại bờ biển Long Hải hướng mặt ra biển Đông mênh mông, tịnh xá có vườn tượng nhập Niết-bàn, vườn tượng Đản sanh, tượng thái tử xuất gia… khung cảnh xanh mát và sóng vỗ ầm ào suốt cả ngày lẫn đêm.

linh-son-co-tu-2.jpg


Linh Sơn cổ tự, một ngôi chùa cổ nhất TP.Vũng Tàu uy nghi, trầm mặc,

khách viếng chùa ngày xuân đông đúc nhưng rất tĩnh lặng...

Chúng tôi thật sự bị chinh phục bởi vẻ đẹp của tịnh xá, bờ biển sạch và trong veo. Chúng tôi được dịp thỏa thích tắm biển ngay trước cổng của tịnh xá. Tối, chúng tôi tập thiền trên bãi biển, lắng lòng nghe từng hơi thở hòa vào lòng biển. Một bạn trong nhóm đố vui, tịnh xá còn có một tên khác nữa. Cả đoàn ai cũng lắc đầu, chịu. Nhưng ít ai biết, mới đầu khởi dựng tại khu Dinh Cô này, tịnh xá làm bằng thiếc nên được người dân ở đây gọi là chùa Thiếc.

Chúng tôi được ở lại đêm ở tịnh xá Ngọc Hải, được ăn cơm chay, ngủ trên đơn và suốt đêm được ướp mình trong hương trầm tỏa ra từ rất nhiều bát nhang, bát trầm trên chánh điện, nhà tổ. Tinh sương, thức dậy, Tết ở biển mặn nồng, tinh khôi.

Khác với những lần đi chơi biển trước, sự chậm rãi của chúng tôi cũng đầy chủ đích. Và vì thế, chúng tôi nhận ra mùa xuân ở cung đường đẹp nhất TP.Vũng Tàu - đường Hạ Long như đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Những chậu mai nở sớm ở ven đường vàng rực, rơi xuống và được gió biển xô nhau, bay đi. Linh Sơn cổ tự, một ngôi chùa cổ nhất TP.Vũng Tàu uy nghi, trầm mặc, khách viếng chùa ngày xuân đông đúc nhưng rất tĩnh lặng. Niết Bàn tịnh xá tọa lạc trên sườn núi Nhỏ cũng trên cung đường Hạ Long như một bức tranh, pho tượng Phật nhập Niết-bàn giúp ngôi tịnh xá này trở nên rất nổi tiếng.

Tịnh xá Ngọc Bích cũng là một thắng tích Phật giáo bậc nhất, tọa lạc trên đường Hạ Long với kiến trúc độc đáo hình bát giác và các quần thể Quan Âm các, Lâm-tỳ-ni, Phật nhập Niết-bàn… là tổng thể hài hòa. Khi xưa, trên đường du hóa, Tổ sư Minh Đăng Quang đã đến “vùng Cấp” (Cap Saint Jacque - TP.Vũng Tàu) dừng chân và dựng chùa nơi chân núi Nhỏ, trước mặt là biển. Ngày nay, tịnh xá Ngọc Bích tọa lạc trên cao với hàng chục bậc tam cấp mới lên tới chánh điện, là những điểm đến cho khách hành hương và du lịch viếng cảnh.

Năng lượng mới cho chúng tôi là những tiếng chuông chùa lẩn khuất trong những âm vang của sóng vỗ vào bờ. Không gian chùa ở biển ngày Tết càng khiến người ta thêm yêu những “cảnh Bụt” này. Sức hút từ đây là sự thanh thoát, uy nghi, trầm mặc giữa sự bao la của biển, sự khó nắm bắt của những con sóng mà đứng từ sân chùa nhìn xuống, người ta khó mà lường trước nó sẽ đổ vào ghềnh nào… Và, núi Lớn nơi tọa lạc của Thích Ca Phật Đài là một cảnh Bụt thật sự thu hút với bức tượng Thích Ca tọa thiền, một pho tượng hiếm có, thể hiện hết vẻ đẹp thanh thoát, từ bi toát ra trên từng nét mặt hòa vào sự tương giao của trời và biển.

thichca-8.gif

Tượng Thích Ca tọa thiền, một pho tượng hiếm có, thể hiện hết vẻ đẹp thanh thoát,
từ bi toát ra trên từng nét mặt hòa vào sự tương giao của trời và biển

Điểm cuối trong cuộc hành hương tâm linh hướng biển của chúng tôi là thiền viện Chơn Không, cũng tọa lạc trên sườn núi Lớn. Nơi mà Sư ông Thích Thanh Từ đã chọn và xây dựng thiền viện từ năm 1966. Có đặt chân lên thiền viện mới cảm nhận hết sức quyến rũ của sự thanh thoát, thảnh thơi, nhẹ nhàng của khung cảnh thanh tịnh vốn có của một ngôi thiền viện. Thiền viện Chơn Không còn là một vẻ đẹp hiền hòa của một quần thể độc đáo (diện tích rộng 2.000m2) trong sự mênh mông của sắc trời và mùi của biển.

Một nụ cười của chú điệu nhỏ nơi tháp chuông, một tiếng chuông nhẹ ngân ở thiền viện, một vạt áo vàng vừa khuất phía cành mai ở hàng hiên… đã cho chúng tôi một cái nhìn khác, một cảm nhận khác. Hành trình phượt tâm linh hướng biển đã mở rộng ra một thế giới khác có sự độ lượng, niềm tin và yêu thương cuộc sống này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày