GN - Tuệ tri hay thấy biết từng cảm thọ sẽ mang ta đến đạo lộ an lạc, giải thoát nhờ những quyết định sáng suốt.
Chúng ta mỗi ngày quyết định không biết bao nhiêu việc và phần nhiều là những chuyện không quan trọng. Nhưng có đôi lúc, một quyết định nhỏ có thể ảnh hưởng không chỉ đến chính mình, mà còn lan rộng đến mọi người chung quanh như gia đình, bà con, dòng họ, bạn bè, và đôi khi, cả những thế hệ về sau. Đối với chúng ta khi ấy, quyết định đó chỉ là chuyện nhỏ, tầm thường. Nhưng thật ra đó là một quyết định có tính định mệnh. Cho nên khi đối diện với những chuyện sanh phiền não, bực giận, oán thù mình phải cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định làm một chuyện gì. Trong lúc mình đang nông nổi, thích làm một chuyện gì đó để giải tỏa sự căng thẳng, bực tức trong tâm, và đây là chuyện dễ làm vì mình có thể làm được ngay nhưng mình phải tự nhắc rằng đây là giây phút quyết định quan trọng. Nó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mình và cho người khác. Mình phải chấp nhận khó khăn, kỷ luật bản thân để không làm điều có hại về sau.
Sự khó chịu, tù túng trong lúc mình phải khép mình theo giới luật Phật dạy ít đau đớn hơn cái buồn khổ khi mình hối hận về điều mình đã làm trong phút giây định mệnh đó! Mình cảm thấy mãn nguyện với quyết định về cách hành xử để thỏa mãn lòng giận hờn, ghen tức của mình và nó có thể mang đến sự khoái trá, hả hê tạm bợ lúc ấy. Nhưng kết quả của hành động nông nổi đó sẽ có thể đem đến khổ đau lâu dài về sau. Trong tâm mình khi ấy sẽ nói rằng: ‘Chuyện này là chuyện nhỏ, không hệ trọng gì cả. Nếu mình không làm vậy, họ sẽ khinh thường mình’. Hãy bình tĩnh, đừng nghe những lời dụ dỗ dối trá đó. Nó sẽ khiến mình làm bậy, xâm phạm những nguyên tắc căn bản đạo đức mà mình lâu nay trân quý, giữ gìn, và sẽ hối tiếc lâu dài về sau.
Ở phương Tây có câu chuyện về một đứa con chuẩn bị ra trường và trong nhiều tháng anh ta ngắm nghía một chiếc xe thể thao trong phòng trưng bày của một đại lý bán xe ô-tô. Biết rằng cha mình có thể mua nổi chiếc xe đó, nên anh đã ám chỉ cho cha biết về món quà ra trường mà anh thích nhất. Ngày ra trường, anh mong chờ một dấu hiệu cho thấy cha mình đã mua chiếc xe đó rồi. Cuối cùng, sáng hôm đó cha gọi anh vào phòng riêng và nói rằng, ông rất hãnh diện vì anh và đưa tặng anh một món quà gói trong một chiếc hộp thật đẹp. Háo hức, nhưng hơi thất vọng anh mở món quà ra, và trong đó anh thấy một quyển sách bìa bọc da thật đẹp. Tức giận vô cùng vì không thấy món quà mình yêu thích, anh bật la lớn, ‘Cha giàu như vậy mà chỉ cho con cái thứ này thôi ư?’. Và anh giận dữ chạy ra khỏi nhà, bỏ lại quyển sách trên bàn.
Sau nhiều năm đi biệt vì giận cha mình đã không mua chiếc xe mới như anh mong ước, một hôm, anh nhận được tin cha anh vừa mới qua đời, và mọi người mong anh về kế thừa sự nghiệp. Khi anh về đến nhà, nhìn lại cảnh xưa thì một nỗi buồn man mác xâm chiếm hồn anh. Lục lọi trong phòng của cha, anh thấy quyển sách (món quà) xưa vẫn còn đó. Nước mắt tuôn rơi, anh mở sách ra, và bất ngờ thấy một phong thư. Trong thư là một cặp chìa khóa xe mà anh khao khát khi ra trường và hóa đơn còn mới toanh với dòng chữ in đậm “đã trả tiền”.
Không chỉ người con trai trong câu chuyện trên, mà chúng ta đã bao nhiêu lần hành xử hấp tấp, nóng vội vì những cảm xúc bộc phát mạnh khi đó. Và không biết bao nhiêu lần mình đã hối hận vì những quyết định nông nổi, sai lầm trong suốt cuộc đời. Khi bắt đầu một ngày, mình nên cầu nguyện chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ cho mình giữ vững tâm Bồ-đề, tỉnh giác, chánh niệm, không quyết định làm những chuyện trái với lương tâm. Nhớ rằng, mọi chuyện đều bắt đầu bằng một ý nghĩ trong tâm. Đây chính là trận địa, nơi quyết định sự chiến thắng hay thất bại của đời mình. Đức Phật dạy: “Tránh xa những ý tưởng bất thiện” vì nếu mình để cho chúng mọc rễ và phát triển trong tâm, sớm muộn gì mình cũng sẽ làm theo chúng.
Theo sách Thủ Lăng nghiêm trực chỉ đề cương của Pháp sư Thích Từ Thông: “Ngài A-nan đi khất thực ngang nhà Ma-đăng-già, một cô gái phóng túng. Nàng ta bèn dùng tà chú Tiên Phạm Thiên của ngoại đạo dụ ngài vào phòng riêng dụng ý lẳng lơ, diễn trò má dựa vai kề, nâng niu âu yếm, làm cho A-nan gần mất giới thể...”. Thực tình mà nói, rất có thể là khi ấy ngài A-nan suýt mất giới thể vì bị sự cám dỗ dục lạc quá mạnh. Nhưng trong giây phút định mệnh đó, ngài nhớ đến Đức Phật, và nhờ vậy mà giác tỉnh vượt thoát được sự cám dỗ kinh khiếp của Ma-đăng-già. Nếu ngài A-nan phá giới, thì hôm nay chúng ta có thể đã không có một bậc Thánh đệ nhất đa văn, lưu truyền đủ tam tạng kinh điển để mà nghiên cứu, tu học. Vì vậy, muốn sống đời an lạc, chân thật mỗi người phải vượt qua được những thử thách của chính mình.
Trong đời, ta dễ dàng quyết định một chuyện gì đó căn cứ theo tình cảm hay cảm xúc của mình lúc đó và nhượng bộ, cũng như chìu theo ý thích của mình. Nhưng nếu muốn đạt được lý tưởng trong cuộc đời thì mình phải vượt qua những thách thức và học cách tránh rơi vào những cạm bẫy của cám dỗ dục lạc và những quyết định sai lầm mà sẽ khiến mình hối hận suốt đời. Cám dỗ luôn có mặt khắp nơi và đủ loại - nào là cám dỗ dụ mình bỏ cuộc, dụ mình nhụt chí, dụ mình đổi đen thành trắng, dụ mình làm bậy để xóa những sai lầm do chính mình tạo ra… Để cưỡng lại những cám dỗ trên, làm chủ được bản thân không phải là điều dễ dàng. Cho nên hành trì, tu niệm thường xuyên sẽ giúp mình vượt qua những cám dỗ, hoặc theo thói quen đã chứa sẵn trong tâm thức. Nên Tổ Huệ Năng có dạy: “Nếu nói về Phật tánh thì không có gì khác biệt giữa một kẻ ngu và một ông thánh. Một niệm giác ngộ thì người đó sẽ thành Phật. Một niệm si mê thì người kia sẽ thành một kẻ ngu”.
Sở dĩ, Phật dạy mình phải luôn tỉnh giác, chánh niệm là để giúp mình tránh được những giây phút quyết định sai lầm, mà theo tập khí quen thuộc có thể dễ dàng thực hiện. Như ông bà mình thường dạy: Ly nước đầy đã đổ xuống đất thì khó mà hốt lại được! Cho nên, để tránh được những sai lầm này chúng ta phải luôn tỉnh giác, đặc biệt là trong những lúc mình đang xúc động dâng trào. Con người, ai cũng có tình cảm nhưng nếu chỉ dựa vào những cảm thọ để hành xử thì chúng ta sẽ làm nhiều điều sai quấy và sẽ hối hận không nguôi. Nên một trong bốn căn bản của thiền quán (quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp) mà Đức Phật đã dạy, là quán sát cảm thọ của mình. Trong kinh Trung bộ (số 10), có bài kệ dạy quán cảm thọ như sau:
“Kế đến, quán cảm thọ
Là cảm giác thân, tâm
Gồm ba loại: Khổ, vui,
Và không vui không khổ.
Tuệ tri từng cảm thọ
Là nghe ngóng theo dõi
Sinh, trú diệt của nó
Chánh niệm, gột tham ưu”.
(Ni sư Trí Hải dịch)
Nhờ chánh niệm chúng ta thấy rõ và tránh được những cảm thọ vui, khổ (tham ưu) khiến mình có những quyết định sai trái. Cho nên, tuệ tri hay thấy biết từng cảm thọ sẽ mang ta đến đạo lộ an lạc, giải thoát nhờ những quyết định sáng suốt, dù đôi lúc, mình phải cắn răng kham nhẫn để vượt qua những cám dỗ để thỏa mãn lòng mình trong nhất thời!
Những cảm xúc thường ngày như sự cô đơn, lo sợ, buồn chán, hay hoảng sợ sẽ dễ khiến mình hành động nông nổi. Tuệ tri hay thấy biết những cảm thọ của mình, không phải là một cách sống che đậy, giấu kín hay đè nén mà là nhận biết, cảm thông và tiếp cận với những xúc cảm mình đang trải nghiệm hầu hiểu rõ con người thật của mình và những thói quen hành xử dựa vào những cảm xúc trên. Những người thành danh trong đời đều phải trải qua những thử thách này. Và chỉ khi nào họ vượt qua được những cám dỗ, dằn vặt, khổ đau, và quyết định không nhượng bộ những sự cám dỗ đó để làm những điều trái với lương tâm, nhằm thỏa mãn bản ngã của mình, thì họ mới thực sự là kẻ chiến thắng.