Ý nghĩa Phật xuất gia, thành đạo

Kính lễ Đức Thế Tôn - Bậc Thầy của trời người - Ảnh: Làng Mai
Kính lễ Đức Thế Tôn - Bậc Thầy của trời người - Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ý nghĩa xuất gia, thành đạo và thuyết pháp giáo hóa của Đức Phật là ba vấn đề chính mà quý thầy cô cần suy nghĩ để khéo vận dụng những lời dạy trong kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa.

Về ý nghĩa xuất gia của Đức Phật xin được nhắc sơ lại, các kinh điển đều nói rằng khi còn là thái tử, Phật đã quan sát cuộc đời là biển khổ, nên Ngài có ý niệm cứu khổ chúng sanh. Bằng mọi cách, Ngài đã cố gắng tối đa để giúp mọi người thoát khổ, nhưng cũng không có kết quả. Vì vậy, thái tử xuất gia, tầm sư học đạo, vì lý thuyết đã học rồi, nên muốn tìm thực chất của người tu khổ hạnh.

Ngày nay, chúng ta học lý thuyết ở trường lớp, nhưng giai đoạn hai, thực hành điều đã học bằng cách chúng ta phải sống chung với người đã thực hành.

Pháp tướng Đức Thế Tôn theo trường phái nghệ thuật Gandhara

Pháp tướng Đức Thế Tôn theo trường phái nghệ thuật Gandhara

Hiểu biết lý thuyết là những nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư đã có công nghiên cứu. Bắt đầu học, tôi cũng học lý thuyết và tôn trọng những nhà nghiên cứu là bậc thầy; nhưng xuất gia, tôi không bằng lòng với thực tế, vì nhận thấy có người không học vẫn được quần chúng kính trọng. Kính trọng cái gì. Thực tế chúng ta thấy có vị không học, nhưng thực tập pháp Phật đạt được kết quả tạo thành sức sống tâm linh, tự nhiên được mọi người kính trọng.

Chúng ta kính trọng các học giả và các nhà khoa bảng, vì họ có trình độ học thức, nhưng chúng ta kính trọng sự tu hành của nhà tu. Học đạo là học với nhà tu.

Trước tiên, Thái tử Sĩ Đạt Ta học lý thuyết ở hoàng cung, nhưng sau Ngài học với các nhà tu thực hành pháp có kết quả thực sự. Điều này kinh Nguyên thủy diễn tả khác kinh Đại thừa, vì pháp môn tu khác nhau, nên sở đắc, sở chứng cũng khác.

Kinh Nguyên thủy nói thái tử tìm các nhà tu khổ hạnh, thân cận và thực tập theo, trong đó nổi tiếng là ông Kamala và Uất Đầu Lam Phất được Phật nhắc tới nhiều nhất. Nói chung, Ngài đã tìm đến tất cả nhà tu đương thời và học hết. Về điểm này, theo nghiên cứu nói rằng Ngài học văn minh của nhân loại, ngày nay gọi là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đó là sự tiến bộ của loài người theo từng giai đoạn phát triển khác nhau, mà các loài khác không thể làm được. Vì vậy, Phật xác định trong tứ sanh lục đạo, chỉ loài người có văn minh, có tiến bộ và có thể làm Thánh Hiền, Tiên, Phật, còn các loài khác không có khả năng tốt đẹp này.

Về kiến thức của con người, triết học ra đời khi con người suy nghĩ và kiểm chứng trong thực hành cuộc sống mới phát hiện những điều mới. Vì vậy, văn minh của loài người phát xuất từ suy nghĩ, kiểm chứng mà chúng ta gọi là khoa học tự nhiên. Nhưng vì không phát minh được, không kiểm chứng được khiến con người trở thành lệ thuộc thiên nhiên, mới đi lệch hướng, trở thành tà kiến, biên kiến, chẳng hạn như người ta tưởng tượng ra thần sấm, thần sét, thần cây, thần sông, thần núi… rồi sinh ra sợ hãi, khuất phục trước thần linh. Từ khởi xuất này, tôn giáo phát sinh là đa thần giáo thì đó cũng là văn minh con người. Như vậy, tôn giáo có trước, nhưng vì không hiểu biết, nên tưởng tượng ra đủ loại thần linh chi phối cuộc sống con người.

Đức Phật học đạo cũng tìm các nhà tôn sùng thần linh, nhưng Ngài không bằng lòng nhận thức của họ, mới thực tập phương cách của riêng Ngài để không lệ thuộc thần linh. Tuy nhiên, ngày nay, bước theo dấu chân Phật, nếu không khéo, chúng ta lại đi vào vết xe đổ của tôn giáo đa thần, sống lệ thuộc thần linh.

Đức Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn

Đức Phật là bậc đã giác ngộ hoàn toàn

Mang tư tưởng không lệ thuộc thần linh, thái tử đã gặp được hai nhà hiền triết Kamala và Uất Đầu Lam Phất cũng tự thoát ly sự chi phối của thần linh, vì hai ông này đạt được Ly sanh hỷ lạc, Định sanh hỷ lạc, Ly hỷ diệu lạc và Xả niệm thanh tịnh. Đó là kết quả của đời sống tâm linh khả dĩ thái tử chấp nhận được, vì ít nhất họ không lệ thuộc xã hội và không lệ thuộc thiên nhiên. Về sau, lý này được mở rộng gọi là kiến hoặc và tư hoặc của con người.

Chi phối của tình cảm, của xã hội là tư hoặc, gần nhất là tánh tham lam, ghét ganh, thù hận, say đắm… Con người bị kiến hoặc áp đảo, quay quắt trong cuộc sống đời này và khiến họ trôi lăn trong dòng sinh tử không ngừng. Nỗ lực thoát ly sự tác động mãnh liệt của kiến hoặc là thể hiện ý nghĩa xuất gia. Còn người đời thì luôn bị kẹt quyền lợi, danh vọng, địa vị, của cải, thương ghét, oán hận, khổ đau…

Chúng ta đi tu không bị xã hội, không bị tình cảm chi phối, nhưng còn bị thiên nhiên chi phối là còn lệ thuộc đói khát, nóng lạnh. Vậy tìm hiểu xem tại sao chúng ta có đói khát, nóng, lạnh. Dễ dàng nhận ra rằng vì chúng ta có thân tứ đại ngũ uẩn mới có cảm giác đói khát, nóng lạnh. Chúng ta tu, thực tập pháp Phật để thoát ly sự chi phối này và nhận thấy Phật hoàn toàn tự tại, sống ngoài sự chi phối của thiên nhiên.

Ông Kamala dạy thái tử thoát ly sự chi phối của đói khát nóng lạnh bằng cách đừng nghĩ tới cuộc sống. Vì tư duy đến cuộc sống thì sẽ bị lệ thuộc cuộc sống. Tôi thực tập cách này, đứng một mình trong đêm tối, hay nhập thiền, quên mình có thân tứ đại, quên cả đói khát.

Pháp tu này mà ông Kamala thực tập có kết quả, nên nói cho thái tử thì thái tử nhận được liền, hai tư tưởng gặp nhau là ngộ. Điều này dễ hiểu, thí dụ tôi tập trung tư tưởng, quên đói khát, thì thầy cô nào từng làm như vậy, nên nghe tôi chia sẻ ý này là hiểu ngay. Đọc lịch sử thiền, chúng ta thấy vị thiền sư nói, vị khác trực nhận dễ dàng, gọi là khai ngộ; nhưng người không có tâm trạng đó, không có suy nghĩ đó, không thể nào khai ngộ được. Nói cách khác, cùng một tần số sẽ dễ dàng truyền thông sở đắc cho nhau.

Hòa thượng Thanh Kiểm kể khi học ở Nhật, lúc đó nước Nhật bại trận, nên cuộc sống còn đói nghèo. Lúc nào cũng đói, thèm ăn, thậm chí khoai lang cũng thèm. Cứ nghĩ đến đói thì càng đói càng muốn ăn đến không chịu được. Hòa thượng mới uống nước lã, lên thiền sàng tĩnh tâm, quên đói. Tôi đã thực tập pháp này, nên nhận ra ý ngài liền.

Tôi phát hiện ba thứ đói. Một là chúng ta đói con mắt, hai là đói cái bụng và ba là đói cái tâm, là nghiệp. Phật muốn giúp chúng ta phá bỏ cái tâm ham muốn thèm ăn vì nó quan trọng hơn. Nghĩa là Phật chấp nhận cho đói cái bụng thôi, không được đói con mắt, đói cái tâm.

Kinh nghiệm người trước dạy rằng các loài dã thú nhịn ăn cũng sống được, trong khi chúng ta là người hơn loài vật, sao không nhịn ăn được. Rùa nhịn ăn một năm không chết. Con gấu tuyết nhịn ăn sáu tháng không sao. Con ốc sên nhịn cả mùa nắng không ăn.

Rùa sống nhờ thở. Người tập tu theo rùa là tập thở. Thuở nhỏ, thầy dạy tôi giữ hơi thở nhu nhuyến đến mức dán miếng giấy lên đầu mũi mà hơi thở không làm miếng giấy phập phồng. Tôi thực tập, nhịn thở được một phút. Tập thiền, trước tiên tập điều tức là điều hòa hơi thở sao cho nhẹ và kéo dài.

Và điều tức rồi, chúng ta phát hiện thêm việc ăn uống có liên hệ quan trọng đến cơ thể. Ngài Thiên Thai nhắc chúng ta không ăn quá nhiều, không ăn quá ít, không ăn khi vào thiền và không ăn thức ăn không thích hợp với mình. Ông Kamala, Sa-môn Cù Đàm và Trí Giả đã thực hành pháp ăn uống lợi lạc cho đời tu. Chúng ta học những người trước để áp dụng cho mình không bệnh hoạn, không trở ngại việc tu.

Ngài chủ trương hướng sống trung đạo trong tu tập, tránh các cực đoan khổ hạnh cũng như hưởng thụ dục lạc

Ngài chủ trương hướng sống trung đạo trong tu tập, tránh các cực đoan khổ hạnh cũng như hưởng thụ dục lạc

Đức Phật đã từng thực tập pháp tu khổ hạnh, không ăn đến mức da bụng dính với xương sống khiến Ngài cảm thấy đau nhức, vì tế bào bị bỏ đói, hành hạ làm thân đau nhức. Trong sử ghi trước khi Niết-bàn, Phật phải xả Báo thân, tức sống với tư duy, tâm tưởng để không bị tác động của thân.

Thực tế khi chúng ta chỉ bị đau bụng, nhức răng, đau khớp… mà còn cảm thấy khó chịu, nhưng đó là những cái đau nhỏ nhặt không đáng kể so với đau đớn khi lìa xác thân. Vì chưa chết nên chúng ta không biết sự đau đớn trước khi chết như thế nào, nhưng kinh diễn tả rằng thân người phải chịu sự hành hạ đau nhức toàn thân một cách kinh khủng, không tưởng tượng nổi. Vì vậy, có người trước khi chết, thân đau đớn quá sức làm tâm họ dao động dữ dội dẫn họ đọa lạc vào đường ác.

Phật bảo cho thân ăn uống để chúng ta sống, để tu, không nên ép thân làm nó chết thì lấy gì tu. Ăn ít, thân đói khát không tồn tại, nhưng ăn nhiều sẽ sanh bệnh. Các thầy ăn ngọ thường rơi vào tình trạng này, ráng ăn đầy một bụng, vì chiều không ăn, nhưng ăn no như vậy, làm sao ngồi thiền được và sẽ khiến hơi thở dồn dập, trong khi Phật dạy hơi thở phải đều và nhẹ.

Muốn hơi thở kéo dài phải để cơ thể nghỉ ngơi, không ăn thì hơi thở mới nhẹ như hơi thở con rùa. Các thiền sư sống chung với dã thú, nên có kinh nghiệm dạy mình và nếu thực tập theo đúng lời dạy của các ngài, chúng ta có thể nhịn ăn từ một tuần đến một tháng vẫn sống khỏe. Nhịn ăn cao nhất là Hòa thượng Trí Quang nhịn đến 100 ngày. Về pháp nhịn ăn, mỗi người có cách khác nhau.

Chứng Ly sanh hỷ lạc là vào ốc đảo tâm linh để sống. Nếu không có đời sống tâm linh, lệ thuộc vật chất chắc chắn khổ vô cùng; nhưng có đời sống tâm linh, mà vật chất thiếu thốn cũng không khổ.

Đức Phật đã theo học với tất cả nhà tu đương thời và theo ngoại đạo thực tập đủ cách, những gì mà họ thất bại giúp Ngài tránh được sai lầm và Ngài làm theo cái được của họ.

Trở về kinh Hoa nghiêm, Thiện Tài cầu học qua 52 thiện tri thức thì những điều này thuộc về siêu hình, chúng ta không biết; vì kinh Hoa nghiêm Phật nói trong thiền định, không có trên thực tế cuộc đời.

Nhưng đối với tôi, 52 thiện tri thức là chính cuộc sống tâm linh của Phật được diễn tả bằng hình ảnh Thiện Tài cầu đạo với họ. Lý này được kinh Pháp hoa ghi rằng Phật có thiên bá ức Hóa thân, hoặc nói việc mình, hoặc chỉ việc người. Có thể hiểu rằng Phật hành đạo có đầy đủ phương tiện, nên Ngài không nói là Ngài, mà nói là Thiện Tài đi cầu đạo.

Đầu tiên, Thiện Tài học với Văn Thù Sư Lợi. Anh em nên suy nghĩ điều này. Học với Văn Thù, nhưng mở đầu phẩm Nhập Pháp giới, kinh Hoa nghiêm, chúng ta thấy Văn Thù Sư Lợi xuất hiện dạy 6.000 Tỳ-kheo tại Đại bảo phường đình. Đến đây, trí tuệ tập thể của chư Tăng được diễn tả bằng hình ảnh Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát.

Đức Phật học đạo cũng tìm các nhà tôn sùng thần linh, nhưng Ngài không bằng lòng nhận thức của họ, mới thực tập phương cách của riêng Ngài để không lệ thuộc thần linh

Đức Phật học đạo cũng tìm các nhà tôn sùng thần linh, nhưng Ngài không bằng lòng nhận thức của họ, mới thực tập phương cách của riêng Ngài để không lệ thuộc thần linh

Phật giáo Nguyên thủy không công nhận Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, nhưng tôi hỏi các vị tu Nguyên thủy có công nhận trí tuệ tập thể của chư Tăng hay không. Phật đã dạy rằng những gì Phật chế và chư Tăng tập hợp, chia sẻ mà thấy không thích hợp thì được phép bỏ. Điều Phật dạy như vậy đã khẳng định quyết định của tập thể Tăng-già là quan trọng. Tất nhiên, Phật giáo Nguyên thủy không thể phủ nhận lời Phật dạy.

Vì vậy, Nguyên thủy công nhận trí tuệ tập thể của chư Tăng, nhưng không công nhận Bồ-tát Văn Thù. Nhưng tôi nói Văn Thù tiêu biểu cho trí tuệ tập thể chư Tăng, gọi là Ngũ trí nghiêm thân.

Trên đời này không ai có đủ ngũ trí. Muốn có ngũ trí phải tập hợp chư Tăng. Thể hiện lý này, trong kinh Pháp hoa, Phật Thích Ca muốn mở tháp Đa Bảo, Ngài phải tập trung phân thân, nói cách khác đó là trí tuệ tập thể.

Văn Thù Sư Lợi dạy các Tỳ-kheo xong, ngài nói các thầy tiếp tục tu, ngài phải đi đến Phước Thành để độ Thiện Tài. Nếu tụng kinh suông sẽ không thấy có gì hay, có suy nghĩ mới thấy yếu nghĩa quan trọng cho chúng ta thực tập.

Các Tỳ-kheo chuyên tu, không làm lợi ích cho đời, chỉ lợi ích cho mình gọi là tự lợi để thoát ly tam giới, thì pháp Tứ Thánh đế, 37 Trợ đạo phẩm là đủ. Thực tập pháp này lên Niết-bàn, nhưng muốn giáo hóa chúng sanh đòi hỏi phải có phước đức, trí tuệ.

Các thầy có trí tuệ, nhưng là trí tuệ thuần lý do thiền định mà có, chưa trải qua thực tế cuộc sống gặt hái được. Các Tỳ-kheo chứng Nhứt thiết trí là thuần lý do thiền định hiểu biết được, nhưng xả định sẽ thấy khác. Thật vậy, trong định, hay trong ốc đảo của thế giới tâm linh thấy cuộc đời đẹp tuyệt vời, nhưng xả định, trở về thực tế cuộc sống thấy phức tạp vô cùng. Vì vậy, các Thanh văn tu muốn ở Niết-bàn luôn, không muốn trở ra cuộc đời.

Trí tuệ tập thể cho chúng ta thấy phải đến Phước Thành giáo hóa chúng sanh để trả nợ cơm áo gọi là trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ. Lý này được kinh Pháp hoa khẳng định rằng nếu thực sự đắc La-hán mà không tin việc làm của Bồ-tát đạo để dẫn tới quả vị Phật thì đó không phải là A-la-hán, mà là tăng thượng mạn.

Đắc La-hán phải tin kinh Pháp hoa nghĩa là tin phải thể hiện mẫu người đạo đức, mẫu người tri thức và mẫu người làm lợi ích cuộc đời. Có đầy đủ ba việc làm này mới trọn vẹn tư cách người tu.

Tâm an trụ pháp Phật vững vàng mới vào đời hành đạo để không bị phiền muộn, vấp ngã, bỏ cuộc con đường tu theo Phật...

Tâm an trụ pháp Phật vững vàng mới vào đời hành đạo để không bị phiền muộn, vấp ngã, bỏ cuộc con đường tu theo Phật...

Có đạo đức thôi chưa đủ, vì đầu óc ngơ ngơ không học, không làm được gì. Hòa thượng Thiện Hoa bảo tôi còn trẻ phải nỗ lực học, vì không học sẽ thua kém người, không làm được. Thử nghĩ tu có đạo đức và được quý trọng, nhưng người hỏi, mình không biết thì khổ tâm lắm. Vì vậy, có đạo đức, được tin tưởng, nhưng phải giải đáp được thắc mắc của cuộc đời.

Trí tuệ tập thể cho chúng ta thấy xa rằng chúng ta đắc La-hán, Phật cũng là La-hán. Nhưng Phật là La-hán còn có đầy đủ mười hiệu là Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên, Nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Phật giáo Nguyên thủy cũng công nhận Phật có mười hiệu này. Trong khi các La-hán khác chỉ có một hiệu là Ứng cúng và La-hán chỉ có đạo đức, không có trí giác như Phật.

Và trí tuệ tập thể cũng cho thấy Phật giáo muốn tồn tại phải đi lên, không thể chỉ giữ chùa. Có chùa và có Tăng, nhưng Tăng thất học thì nguy hiểm vô cùng. Vì nhận thức như vậy, Tổ Khánh Hòa đã bán chùa để thỉnh kinh dạy chư Tăng học. Căn cứ vào kinh Hoa nghiêm, chư Tăng phải học. Cho nên mẫu người tu, bắt đầu ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật. Ngũ hạ dĩ hậu thính giáo tham thiền.

Trong phẩm Nhập Pháp giới, Thiện Tài theo Tỳ-kheo Đức Vân rèn luyện đạo đức suốt mười năm. Con người đạo đức là Tỳ-kheo phải có oai nghi, lấy 250 giới nhân cho bốn oai nghi là đi đứng nằm ngồi thành 1.000 oai nghi. Trong mười năm trì giới cho được 1.000 oai nghi nhân cho ba nghiệp thân, khẩu, ý thành 3.000 oai nghi. Tỳ-kheo đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, nhìn ở khía cạnh nào cũng tốt đẹp, nói năng hay yên lặng cũng là biểu tượng của Chánh pháp.

Rèn luyện xong 3.000 oai nghi như vậy mới thính giáo tham thiền, là học với Hải Vân Tỳ-kheo. Vị này trải qua suốt 12 năm ngồi ở bờ biển quán sát thấy rõ nghiệp lực của tất cả chúng sanh. Ý nói bước thứ hai, chúng ta quan sát cuộc đời, gần là xã hội, xa là quán sát lục đạo tứ sanh..

Tỳ-kheo Hải Vân đứng ngoài cuộc đời quán sát cuộc đời xong rồi, việc này cũng không khó, nhưng việc khó hơn là Tỳ-kheo dấn thân vào đời dễ bị cuộc đời làm ô nhiễm.

Thật vậy, nhiều thầy cô nghĩ rằng học xong, sẽ làm việc này việc nọ, nhưng tu chưa vững thì làm một thời gian, tâm bị nhiễm ô trước. Nghĩa là biết buồn giận, lo lắng, tính toán để giải quyết cuộc sống của chùa sẽ làm tâm lý rối bời, công phu tiêu mất.

Vì vậy, Thiện Tài học xong, Hải Vân nhắc rằng chính ngài chưa dám bước vào đời. Muốn vào đời phải học với Thiện Trụ Tỳ-kheo làm được tất cả mọi việc, nhưng lúc nào cũng thanh thản, vì đã trụ tâm kiên cố.

Có thể thấy điều quan trọng khi tâm chúng ta chưa trụ pháp vững mà vào đời sẽ bị chi phối, bị nhiễm ô. Thuở còn là học tăng, tôi thấy Hòa thượng Thiện Hoa đối trước việc khó, việc xấu, hay việc chống đối, ngài đều mỉm cười được. Vì vậy, sau này, mỗi khi tôi gặp chướng ngại thường nhớ đến hình ảnh tự tại giải thoát của Hòa thượng Thiện Hoa là động lực giúp tôi nghĩ mình phải được như bậc thầy của mình, phải là Thiện Trụ Tỳ-kheo.

Thiết nghĩ tâm chúng ta an trụ pháp Phật vững vàng mới vào đời hành đạo để không bị phiền muộn, vấp ngã, bỏ cuộc con đường tu theo Phật, chắc chắn phải như vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày