Quan niệm về hiếu theo Lục độ tập kinh (*)

Lục độ tập kinh là một trong những bản kinh cổ xưa nhất được lưu hành trên đất nước ta - hình thành vào khoảng thời Hai Bà Trưng. Bởi soạn tập mà thành, do đó Lục độ tập kinh được xem là ngoại kinh (extra-canonical); truyền bản hiện nay gồm 8 quyển, 91 truyện, đa phần có nguồn gốc từ dòng văn học bản duyên Pali và Phạn ngữ, đáng kể nhất là Jataka (Chuyện tiền thân Đức Phật) với ít nhiều cải biên.

Lục độ tập kinh được thống nhất là do ngài Khương Tăng Hội dịch ra tiếng Hán vào đời Ngô, Tam quốc, và được thu vào Đại chính tạng, tập 3. Một số học giả còn chấp nhận thời điểm Hán dịch chính xác của bộ kinh này là vào năm Thái Nguyên Tân Mùi của Tôn Quyền nhà Đông Ngô, tức năm 251.

Tuy nhiên, Lục độ tập kinh do ai soạn tập và có phải ngài Khương Tăng Hội dịch bộ kinh này trực tiếp từ bản tiếng Phạn hay không vẫn còn là một sự tồn nghi. Học giả Lê Mạnh Thát, sau khi nghiên cứu Lục độ tập kinh từ nhiều góc độ, đã đi đến kết luận rằng, Khương Tăng Hội đã sử dụng một bản đáy tiếng Việt với một hệ thống văn từ Phật giáo đã được Việt hóa mang sắc thái văn hóa Viễn Đông, để dịch bản Lục độ tập kinh sang tiếng Trung Quốc(1).

Lục độ tập kinh (còn gọi là Lục độ vô cực kinh, Lục độ vô cực tập, Lục độ tập, Tập vô cực kinh), như tên gọi của nó, đã sử dụng những câu chuyện tiền thân của Phật khi Ngài còn tu hạnh Bồ tát để minh họa cho Sáu pháp Ba la mật (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ). Tập kinh, vì thế, mang đậm màu sắc văn học dân gian và có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Cho dù bản kinh này đã được định thành văn bản tiếng Việt trước khi dịch ra tiếng Hán hay không thì nó cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn hóa, văn học dân tộc ta ngay từ buổi đầu, góp phần hun đúc nên một dân tộc Việt nhân ái, hiếu đạo, nhẫn nhục, xả thân… Lê Mạnh Thát gọi Lục độ tập kinh “là nơi tập đại thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước v.v… làm chủ nghĩa cho cột sống nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam”(2). Và dĩ nhiên, trong những chủ đề tư tưởng lớn này, hiếu đạo cũng ít nhiều được đề cập đến.

Đối với Việt Nam , hiếu đạo chính là truyền thống và nền tảng đạo lý của dân tộc. Đạo lý này tuy xuất phát từ tâm tính dân tộc, tâm thức con người nói chung, song không thể không xét đến những yếu tố tiếp thu từ văn hóa ngoại lai, mà trong đó phải kể đến Phật giáo và Nho giáo.

Lục độ tập kinh tuy không nhấn mạnh đến chữ hiếu, song bàng bạc trong những câu chuyện xả thân của Bồ tát khi thực hiện những hạnh thương vô bờ, đã thể hiện những quan niệm rất rõ về hiếu đạo, và quan niệm này hẳn nhiên phù hợp với đạo lý Việt, nếu không muốn nói là góp phần tạo nên nền tảng đạo lý của dân tộc.  

Kính tín vâng lời, giữ tròn gia hạnh

Theo quan niệm của Nho giáo, đạo hiếu trước hết là ở sự tri ân các đấng sinh thành đã tác tạo nên hình hài, thân thể; sau là phải phát huy, làm rạng rỡ tông môn. Trong Hiếu kinh, Khổng Tử nói: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo… thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu”.

Nội dung này đã được Tăng Tử, vị học trò xuất sắc của Khổng Tử, khai triển thêm: “Hiếu có ba điều: đại hiếu phải tôn thân, sau nữa không làm điếm nhục, sau nữa mới nuôi dưỡng”. Có lẽ xuất phát từ tư tưởng này mà Nguyễn Trãi, sau khi tiễn cha qua ải Nam Quan, đã vâng lời cha không theo ông đi đày mà trở về chiêu binh mãi võ, tìm cách báo thù. Do đó, ông cũng được xem là một người con hiếu.

Lục độ tập kinh cũng đề cao việc vâng lời dạy phải của song thân, giữ gìn và phát huy gia hạnh. Tuy nhiên, khái niệm “nếp hạnh gia đình” trong kinh này mang đậm tư tưởng Phật giáo. Theo đó, người con không đơn thuần phát huy và làm rạng rỡ tông môn trên con đường thành đạt công danh, sự nghiệp, mà chính là ở việc giữ gìn “nếp đạo”, từ bỏ oán thù, giữ lòng bi mẫn, sống theo lời Phật. Lục độ tập kinh không dạy người vì nỗi “nhục” của cha mẹ hay bản thân mà tìm mọi cách để báo thù.

lucdo-1.gif

Câu chuyện số 10 trong Lục độ tập kinh kể về nhà vua nhân từ Trường Thọ (tiền thân Phật) và thái tử Trường Sinh (tiền thân A Nan); khi vua tham nước láng giềng muốn khởi quân xâm chiếm, vị vua hiền đức đã quyết định hy sinh thân mình cho người dân vô tội khỏi phải chịu cảnh đầu rơi máu chảy - “để toàn thân mình mà hại dân chúng thì bậc hiền không làm”. Vua cùng thái tử từ bỏ ngai cao, vượt thành vào chỗ núi đồng tìm nơi thiền định. Rồi vì muốn giúp cho vị Phạm chí nọ có được một khoản tiền thưởng, vua đã khuyến khích vị ấy trói ngài đem nộp cho vua tham. Trước lúc bị thiêu sống ở ngã tư đường, vua còn căn dặn thái tử: "Nếu trái lời trăng trối của cha, ngậm hung ôm dữ, chất chứa oán giận chập chồng, để tai vạ đến muôn đời. Đấy không phải là người con hiếu. Chư Phật lòng từ bốn bậc rộng thấm, đức trùm trời đất, ta theo đạo ấy, giết mình để cứu chúng, còn sợ không một chút của hạnh hiếu đạo, huống làm chuyện ngỗ ngược báo thù sao? Nếu không trái bỏ lời ta mới có thể gọi là hiếu".

Sau khi cha mất, Trường Sinh vì ôm lòng oán hận vua tham, tìm cách báo thù. Cơ hội đã đến nhân một chuyến đi săn, khi vua và chàng cùng lạc vào rừng; vua vì mệt nên gối đầu lên chân chàng mà ngủ, chàng ba lần rút gươm ra, ba lần tra gươm lại vào vỏ, vì bên tai cứ văng vẳng lời cha căn dặn. Sau cùng, chàng quăng kiếm và nói: "Ta vì cha ta nhân từ mà tha mạng cho ngươi đó!". Vua tỉnh dậy bảo: "Ta mộng thấy Trường Sinh vừa tha mạng". Thái tử nói: "Trường Sinh chính là tôi đây! Cũng vì thương nhớ cha mà tôi theo đuổi kẻ thù đến nay. Cha tôi khi chết, miệng còn để lại lời răn nhân từ, bảo tôi tuân theo đạo nhẫn nhục, ác đến lành đi của chư Phật. Nhưng tôi giữ tính cực ngu, muốn đem hai cái hung dữ luyện vào nhau. Nhưng ba lần nhớ lại lời cha dạy, ba lần buông kiếm...". Vua liền tán thán: "Ta làm chuyện bạo ngược, không biết phải trái. Tiên Vương của ngươi hạnh cao thuần đủ, mất nước chứ không mất hạnh. Có thể gọi là bậc Thượng thánh. Ngươi giữ tròn hạnh cha, có thể gọi là hiếu". Chính đức nhân từ của vua Trường Thọ và lòng hiếu thuận của thái tử Trường Sinh đã cảm hóa được vua tham.

Như vậy, vâng lời cha là hiếu, giữ tròn hạnh cha, nối tiếp truyền thống tu tập đạo đức của gia đình là chí hiếu. Nếu không luận đến lòng nhân cao tột của Bồ tát, thì nghĩa hiếu trong câu chuyện kể trên cũng rất gần với lời dạy của Khổng Tử: “Cha còn thì phải xem cái chí của cha, cha mất rồi phải xem việc làm của cha, ba năm không đổi cái đạo của cha, mới gọi là hiếu vậy” (Luận ngữ, Học nhi, I).

Trong một bộ kinh khác, Đức Phật cũng dạy rằng người con hiếu, ngoài việc phụng thờ cha mẹ, phải có bổn phận giữ gìn truyền thống của gia đình: "Người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” (Giáo thọ Thi ca la việt, Trường bộ kinh IV).

Hạnh kính tín vâng lời, không làm trái ý cha như thế cũng được kể lại trong câu chuyện số 30 của Lục độ tập kinh. Chuyện kể về Bồ tát khi còn làm thái tử con vua, có tên Pháp Thí. Chàng được giới thiệu là “trong ngoài thanh tịnh, thường lấy cái họa theo tà tự răn lòng mình, tôn trọng bậc thánh, hiếu dưỡng cha mẹ, thương cứu chúng sinh”. Vị thiếp yêu của vua giữ ý tà hạnh, muốn được ân ái cùng chàng, nhưng chàng đã “cự mạnh nên mới được thoát”. Người thiếp ôm lòng oán hận, tìm cách hại chàng, xúi vua cha đày thái tử ra trấn nhậm cõi ngoài rồi giả dấu ấn của vua, bảo: "Ngươi có tội mạn thượng, không nỡ giết ngay, vậy khi thư đến, mau móc con ngươi đưa cho sứ giả đem về kinh đô". Quần thần đều nói: "Đây là sứ giả của kẻ yêu loạn, chẳng phải từ đại vương". Thái tử bảo: "Có dấu ấn răng cửa của đại vương, nay ta phải tin. Yêu mình mà trái ý mẹ cha, đó gọi là đại nghịch". Chàng liền cùng quần thần vui chơi ba ngày, dạo khắp trong nước, cứu nghèo giúp thiếu, đem khuôn phép Phật dùng lòng từ dạy dân, rồi tìm người có thể móc mắt mình trao cho sứ giả.

Câu chuyện cảm động này vốn được lưu truyền sâu rộng trong dân gian, với tên gọi là Cặp mắt thái tử Câu Na La, và được dựng thành phim ảnh, tuồng tích cải lương nhằm nêu cao hạnh bố thí cũng như tấm lòng hiếu thảo của thái tử. Chuyện này cũng có nhiều chi tiết rất gần với Chuyện vương tử Liên Hoa (Tiền thân Mahà - Paduma, Jataka 472) trong Tiểu bộ kinh.

lucdo-2.gif

Hết lòng cung dưỡng, kính thờ cha mẹ

Không hẹn mà gặp, quan niệm về việc phụng dưỡng và thờ kính cha mẹ giữa Nho giáo và Phật giáo khá giống nhau. Xét về lời dạy của Đức Phật trong kinh Giáo thọ Thi ca la việt nêu trên với lời dạy của Đức Khổng Tử trong Hiếu kinh, chúng ta thấy rõ điều đó. Trong Hiếu kinh, Khổng Tử nói: “Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm”.

Không những vậy, Đức Phật còn nhấn mạnh hơn: “Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường” (Tăng Chi I).

Những lời dạy này đã được Lục độ tập kinh minh họa qua nhiều câu chuyện sinh động, hấp dẫn. Như chuyện thái tử Tu Đại Noa số 14 - câu chuyện nổi tiếng bậc nhất về hạnh bố thí của Bồ tát - mở đầu chuyện, thái tử được giới thiệu là “thờ cha giống như thờ trời”. Cần nói thêm rằng, nguyên bản chuyện này chính là chuyện tiền thân số 547 trong Tiểu bộ kinh - Chuyện đại vương Vessantara (Vessantara Jataka), trong đó, chi tiết nêu trên không được nhắc tới; nó chính là “sản phẩm” riêng của Lục độ tập kinh. Chuyện này lưu hành ở xứ ta từ rất sớm. Theo Mâu Bác trong Lý hoặc Luận, thì vào những năm 195, vấn đề bố thí không biên giới của thái tử Tu Đại Noa đã dẫn đến một cuộc tranh luận từ thắc mắc của một người ngoài Phật giáo. Đến cuối thế kỷ XVIII, Thiền sư Chân Nguyên đã viết lại câu chuyện này thành thơ tiếng Quốc âm dưới tên Đạt Na thái tử hạnh(3).

Chuyện số 86 kể rằng, tiền kiếp nọ Bồ tát sinh làm Phạm chí ở nước Bát Ma tên Nho Đồng. Chàng học hỏi với một vị thầy và trở nên làu thông thiên văn, sấm ký, đồ trận, lại một lòng giữ chân chuộng hiếu, khiến cho nho sĩ trong nước đều khen ngợi. Thầy bèn hỏi: "Ngươi đạo đầy nghề đủ, sao không lập chí ra đi dạy người mới học?" Chàng đáp: "Tôi vốn nghèo thiếu, không có của gì đền ơn thầy, nên không dám đi, vả lại mẹ bệnh rất nặng, không có thuốc chữa, xin đi làm thuê mua thuốc dâng me". Sang nước bên, gặp các chúng nho đang mở cuộc tranh biện, chàng tham dự và được các nho sĩ nhất tề thán phục, nhân đó chàng nói: “Đem đạo truyền cho thần, đem đức trao cho thánh, thần thánh truyền nhau thì nền giáo hóa vĩ đại mới không hư, như vậy mới gọi là kẻ nối dòng tốt. Các ngươi muốn lấp nguồn đạo, chặt gốc đức, như vậy có thể gọi là kẻ vô hậu”.

Không chỉ đề cao việc nuôi dưỡng, phụng thờ cha mẹ, câu chuyện số 17 kể về Bồ tát khi còn làm vị Phạm chí Duy Lam, trong đó Đức Phật dạy: “Lại như Duy Lam, trước bố thí và dâng cơm cho các hiền thánh, không bằng hiếu thờ mẹ cha. Con hiếu hết lòng mình không gì riêng ngoài”. Tuy nhiên, Phật cũng dạy rằng, công đức dâng cơm cho cha mẹ không bằng công đức dâng cơm cúng Phật; và công đức lập chùa giữ giới lại còn cao hơn; sau cùng, công đức dùng lòng tứ đẳng, thương nuôi chúng sanh mới là vô tận. Bởi theo quan niệm của Phật giáo, xuyên qua bao kiếp luân hồi, tất cả chúng sanh đều từng là cha mẹ.

Một câu chuyện khác, chuyện số 43, kể về Bồ tát, bấy giờ tên Thiểm, lòng thương rộng khắp, xót vì người đời không trọng Tam bảo, nên quyết vào chốn núi đầm tu tập, đem theo cha mẹ già để dễ bề phụng dưỡng. Bấy giờ “cha mẹ tuổi già, đôi mắt hết sáng, Thiểm lấy làm buồn, nói đến rơi lệ. Đêm thường ba lần dậy, thăm hỏi hàn huyên. Nết hạnh chí hiếu, tiếng thơm bay khắp. (...) Sáng dậy, hái quả, chưa từng thử trước. Đức nhân chiếu xa, cầm thú nương nhờ”. Không may, trong một lần cha mẹ khát nước, Thiểm đi ra suối, bị vua Ca Di lắp tên bắn nhầm. Trong cơn sinh tử, chàng thốt lời rằng: “Ai lấy một mũi tên mà giết ba đạo sĩ? Cha mẹ tôi tuổi già lại bị mù lòa, một buổi không có tôi, thì ắt phải chết”. Lòng không hề oán hận, chàng chỉ một mực nghĩ đến song thân. Khi hay chàng “đem cha mẹ vào ở núi này, bỏ hết dơ, học lên chí đạo”, vua Ca Di chỉ biết nghẹn ngào rơi lệ, đau xót than rằng: “Ta vì bất nhân, giết oan mạng vật lại giết người chí hiếu”. Lòng từ hiếu của chàng lay động cả trời thần. Trời Đế Thích bèn hóa thân xuống trần, lấy thuốc trời cứu Thiểm. Cha mẹ Thiểm và vua rất đỗi vui mừng. Vua nói: “Do đức thờ Phật, chí hiếu, nên mới được vậy”, rồi ra lệnh cho quần thần: “Từ nay về sau nhân dân cả nước đều phải thờ Phật và mười đức lành, tu theo hạnh chí hiếu của Thiểm”. Cả nước làm theo, sau đó nước giàu dân mạnh, bèn được thái bình.

Trong kho tàng truyện kể Phật giáo, chuyện này được xem là đệ nhất hiếu hạnh. Và nguyên nó là Chuyện hiếu tử Sama (Jataka số 540) trong Tiểu bộ kinh, được kể lại một cách tóm gọn song khá trung thành so với bản gốc.

Kính tín Tam bảo, giữ gìn cấm giới

Khác với Nho giáo, người con hiếu lý tưởng của Phật giáo ngoài việc vâng lời, phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ... còn phải biết quy y Tam bảo, giữ gìn cấm giới, biết hướng cha mẹ quay về nẻo chánh, bố thí làm lành, nương theo pháp Phật tu hành để có được trí tuệ chơn chánh. Vì vậy, Phật giáo không cho “vô hậu vi đại” - không con nối dõi là bất hiếu. Ngược lại, với Phật giáo, những người xuất gia lại là những người chí hiếu, vì họ biết đem niềm tin chơn chánh đến cho cha mẹ. Phật dạy: "Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm phương diện. Thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin, lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về bố thí, lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên vì năm sự lớn lên này" (Tăng Chi II).

Theo đó, trong Lục độ tập kinh, bất kỳ người con hiếu nào cũng là người con có niềm tin chơn chánh vào Tam bảo, luôn giữ gìn cấm giới và cảm hóa người bằng chính đức hạnh của mình. Chuyện kể về Bồ tát tên Thiểm (số 43) nêu trên là một thí dụ. Trong đó, Thiểm được xưng tụng là luôn “thờ Phật, giữ mười lành, không giết chúng sinh, không nhặt của rơi ngoài đường, giữ trinh không vợ, các họa về thân đều dứt. Hai lưỡi, chửi mắng, nói dối, nói thêu dệt, khen chê tà vạy, lỗi miệng đều diệt. Những uế trong lòng, tham ăn ganh giận, tâm bẩn đều diệt. Tin làm lành có phúc, làm ác chịu họa, lấy tranh làm nhà, rơm rác làm chiếu, thanh tịnh vô dục, chí như vàng trời”.

Chuyện số 68 thì kể rằng: “Xưa có Bồ tát, làm con mẹ góa, sáng đến chùa Phật, bỏ tà chuộng chân, đảnh lễ Sa môn, vâng theo lời Phật, sáng học chiều luyện. Bình minh trời mọc, tìm hiểu các kinh, hạnh hiếu hiền xưa tin thành ngưỡng mộ, như đói mơ ăn”. Nhờ vào trí đức của mình, Bồ tát đã cảm hóa được vua tham, đem lại sự an lành cho trăm họ.

Chuyện số 22 (dị bản của Chuyện tiểu triệu phú - Tiền thân Cullakasetthì - Jataka 4), kể về một người ăn mày, nhân học theo câu nói của một người giàu hiền đức (tiền thân của Phật) mà trở thành triệu phú, sau lại được làm rể người ấy. Người giàu hiền đức đem hết sản nghiệp giao cho con rể và dạy rằng: "Con là con cháu của ta, phải thờ ba ngôi báu, đem lòng tứ đẳng, cứu giúp chúng sinh". Chàng đáp: "Con quyết tu theo lời Phật dạy". Sau chàng nối dõi nhà giàu ấy, cả nước đều khen ngợi là có hiếu.

Bên cạnh việc khuyến hóa người phải biết hiếu thuận cha mẹ, giữ gìn cấm giới, tu theo lời Phật, Lục độ tập kinh còn răn đe kẻ bất kính cha mẹ, không tin Tam bảo sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu khổ vô cùng.

Chuyện số 39, tức kinh Di Lan, kể về chàng trai Di Lan (tiền thân Phật) cùng đi biển với 499 lái buôn. Gặp phải cá thần lật thuyền, 499 lái buôn đều chết, riêng Di Lan vì cưỡi ván mà được thoát hiểm. Rồi chàng lần lượt đến được các thành bằng bạc, vàng, thủy tinh, lưu ly và được các mỹ nhân tiếp đón, vui hưởng lạc thú. Di Lan bỗng dưng mà được mọi thứ, nghi có cớ gì, bèn tìm cách trốn đi, sau đến thành bằng sắt không người tiếp đón. Chàng vào thành, gặp một con quỷ; quỷ lấy vòng lửa đội lên đầu chàng, khiến óc chảy thân phồng. Di Lan bị vòng lửa thiêu đốt suốt sáu ức năm mới được giải thoát… Đức Phật bảo: "Di Lan đó nay là ta. Sở dĩ như thế, vì lúc chưa thờ Tam bảo, ngu mê tin tà, mẹ tắm mặc áo mới nằm ngủ, ta đạp lên đầu mẹ, nên núi Thái lấy vòng lửa bịt lên đầu. Lại thường giữ Bát quan trai vào ngày tám tháng tư, trong lòng vui vẻ, nên được thành báu, thọ mạng vạn ức, mọi việc đều như ý, không có gì cầu mà không được. Thấy đời không biết đủ, chỉ đắc đạo mới thôi". Kết thúc câu chuyện, Phật tiếp: "Di Lan khỏi ngục núi Thái, ngăn lòng ba ác, dứt miệng bốn dao, xét thân ba lỗi hiếu thuận cha mẹ, thờ phụng ba ngôi báu, đội giới làm mũ, mặc giới làm áo, giữ giới làm lương, nếm giới làm món ăn. Ăn, thở, ngồi, đi không quên giới Phật, trong nửa bước chân, nhờ giới đức mà thành cho đến khi thành Phật. Hạnh người phàm phu bất hiếu cha mẹ, không tôn phụng thầy, ta thấy người ấy, sau tự mắc tội nặng...” (Chuyện này cũng xuất từ Tiểu bộ kinh - Chuyện bốn cổng thành, Tiền thân Catu-Dvàra, Jataka 439).

Chuyện số 23 - câu chuyện có mô-tip người mẹ sinh trăm trứng, rất gần với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ của nước ta - đã nêu rõ: "Tội lớn phản nghịch có ba. Không xa bọn tà, đời sau chịu tội, đó là một. Sống không biết cha mẹ, làm ngược hiếu hạnh, đó là hai. Ỷ thế giết cha mẹ, độc ác với ba ngôi báu, đó là ba. Ôm giữ ba nghịch, ác ấy không gì che nổi..."

Tóm lại, mặc dù không phải là bộ kinh nói về hiếu đạo, song Lục độ tập kinh vẫn thể hiện một quan điểm rất rõ và xuyên suốt về đạo lý này. Bản kinh đã được cải biên ít nhiều so với nguyên bản nhưng vẫn giữ được cốt ý pháp tu của đạo Phật. Lối cải biên cùng với một số tình tiết, nhân vật được thêm vào hay thay đổi ấy hẳn nhằm mục đích muốn đem đến cho người Việt một nền tảng đạo lý gần gũi, không xa rời với tâm tính của dân tộc. Những đạo lý, nhất là hiếu đạo, trong bản kinh cổ xưa này phần nhiều vẫn được dân ta tôn trọng và gìn giữ, thể hiện sức sống của Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam .  

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày