Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh và hơn 100 ngàn Phật tử, quần chúng nhân dân đã hân hoan về non thiêng từ rất sớm để dự lễ. Phần khai hội xuân Yên Tử năm 2010 sẽ chính thức diễn ra ngay sau lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông và lễ cầu nguyện Quốc Thái Dân An.
Phần nghi lễ tưởng niệm Vua Phật Trần Nhân Tông nhập Niết bàn
tại Yên Tử. (Ảnh: Văn Tuyên)
Trước đó, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội Yên Tử 2010 đã hoàn tất với nhiều hoạt động phong phú cho ngày khai hội. Trong mùa lễ hội năm nay, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ quyết liệt chỉ chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn các hoạt động mê tín, dị đoan, tự ý tăng giá dịch vụ để đảm bảo an toàn cho du khách.
Để kịp phục vụ du khách tham quan Yên Tử, nhiều công trình lớn nhỏ đã được xây dựng. Hệ thống cáp treo 2 chặng lên Hoa Yên và chùa Đồng cũng được đầu tư nâng cấp phục vụ lên 2.500 khách/1 giờ để giảm cảnh ùn tắc tại các ga cáp treo
sẽ đón khoảng 3 triệu lượt du khách. (Ảnh: Văn Tuyên)
Theo Ban tổ chức, từ mồng 1 đến mồng 9 tết, Yên Tử đã đón trên 24 vạn lượt người hành hương. Dự kiến mùa lễ hội năm nay, Yên Tử sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách đến tham quan. Yên Tử là thánh địa tâm linh, được xem là Đất tổ - nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Vua Phật Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng để lên tu hành tại vùng non thiêng Yên Tử. Với sự hiện diện của 3 vị sư tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành một biểu tượng giá trị tinh thần, văn hóa của người Việt.
Ngoài các giá trị văn hóa, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại một hệ thống kiến trúc đặc biệt với chùa Đồng đóa sen, các chùa các tháp ở Yên Tử đã làm cho núi rừng Yên Tử trở thành kỳ tích mang hồn thiêng dân tộc.