Sách cười

Sách cười

Chợ phường, nên rất nhỏ. Và người trong phường phần lớn là lao động bình dân, nên chợ càng đơn sơ. Vậy mà mấy tháng nay bỗng xuất hiện một quầy sách nhỏ xíu ngay góc cột điện, như một đốm nắng lung linh…

Bà cụ già 70 tuổi lom khom lấy hàng cho khách mua. Những bó hoa bằng nhựa, bằng vải xanh đỏ lòe loẹt, dùng để trang trí bàn thờ, phòng khách khi không kịp hoặc không có tiền mua hoa thật. Những con thú bằng thủy tinh lóng lánh chỉ vài ngàn đồng, để tụi nhỏ làm quà lưu niệm. Và những cuốn sách đặt rải rác trên cái kệ nhiều tầng cũ kỹ. Đều là sách cũ, báo cũ. Báo cho phụ nữ, sách dạy nuôi con, dạy dưỡng sinh, nấu ăn, truyện tranh, truyện kinh dị đọc lúc nửa đêm, xem phong thủy, và một cuốn sách Phật. Mấy chị trung niên xách giỏ đi chợ, ghé qua, xem chừng cũng rộn ràng. Và bà cụ bán hàng móm mém, khách vừa trả giá đã vội bán ngay, không kì kèo bao nhiêu. Bà cười thật tươi khi hai chị em người khách cùng nhất trí mua cuốn sách dạy nấu chay, vừa giở xem vừa bàn tán xôn xao về những món sẽ nấu, cứ như sắp thưởng thức trên bàn ăn nóng hổi…

Tôi chờ mọi người đi hết rồi mới ngồi xuống lựa hàng. Mà lựa chọn gì đâu! Nhà tôi mấy ngàn cuốn sách rồi. Nhưng tôi vẫn cố chọn để mua cho bà cụ. Cuối cùng chọn cuốn sách nấu chay còn sót lại. Bà hớn hở nói: “Tôi lấy có 3 cuốn mà bữa nay bán hết luôn”. Rồi bà bắt đầu xếp hàng dọn về, bởi trời cũng đã khá trưa, hơn 10 giờ, nắng tràn lên góc chợ. Tôi ngồi lại với bà, vì trong giỏ tôi chỉ có tàu hủ và rau, không vội về, đâu có cá thịt gì mà sợ ươn.

Bà nâng niu những con thú thủy tinh, nhẹ nhàng xếp chúng vào những hộp nhựa có lót miếng xốp. Vậy mà có con vẫn gãy tai, gãy cánh. Tôi cầm con chó cún màu xanh xinh xắn, một bên tai lìa mất. Bà chỉ lấy 1/3 giá, nhưng tôi trả luôn bằng giá bán. Ngay cả cuốn sách tôi cũng trả thêm, coi như biếu bà chút đỉnh. Và mua thì ít, mà tỉ tê thì nhiều. Má tôi nếu còn sống cũng trạc tuổi bà. Nhìn tóc bạc ấy, nụ cười ấy cứ như thấy má quanh đây….

Bà vui vẻ tâm tình với tôi như đứa cháu thân quen. Những người Nam Bộ chúng tôi giản dị như thế, chỉ cần dăm phút đã có thể bên nhau. Bà kể mấy năm nay bà bán kim chỉ, muỗng đũa, nhưng mấy món đó lâu lâu người ta mới mua, vì mua một lần rồi xài lâu lắm mới hư. Thành ra bà bán rất chậm. Bà đổi sang bán sách, hình như đỡ hơn. Ban đầu bà không biết chỗ lấy hàng, cứ ra nhà sách Sài Gòn mà mua, giá bìa dĩ nhiên cao ngất, phải ngâm vốn, thậm chí bán lỗ cho xong. Sau có người chỉ ra quận 5 mua sách cũ. Quận 5 bao la, biết chỗ nào? Bà đi xe buýt, nói với anh xé vé “Cho tui xuống chỗ nào có bán sách cũ”. Anh xé vé la lên: “Trời đất, con đâu có biết! Bà ngoại hỏi thăm mấy ông xe ôm thử coi”. Và xe buýt thả bà xuống đại một trạm. May nhờ mấy chú xe ôm chỉ dẫn, thế là bà tìm được mấy tiệm sách cũ. Vô đó lựa một hồi, bà nơm nớp lo không đủ tiền trả. Chừng ông chủ tính tiền, mèn ơi, rẻ quá. Vậy là cứ vài bữa bà đi xe buýt ra đó mua một lần, lắt nhắt chỉ vừa đủ số vốn ít ỏi, và cũng vừa đủ trưng bày trên cái kệ nhỏ xíu là thôi. Chợ phường, bán tới 10 giờ đã vắng teo. Nhưng đã đủ cho tuổi già yên tâm. Bà cười: “Vui nhất là người ta được đọc sách. Cháu nghĩ coi, thời buổi khó khăn, ai cũng chạy tiền lo cơm gạo, con cái đi học, xăng dầu, điện nước… trăm thứ mắc mỏ, làm sao dám mua sách mà đọc. Giờ có sách cũ, giá chỉ phần hai, phần ba, thì họ đọc được. Đọc sách tốt lắm chớ!”. Tôi gật đầu ngay. Và nói thêm: “Lần sau bà lấy sách Phật về bán nhé”. “Có, có. Mấy người khách dặn bà lấy báo Phật giáo nữa. Đọc sách Phật thì làm lành lánh dữ hen cháu!”. Tôi và bà cùng mỉm cười.

P1026567.jpg

Bà gốc ở Củ Chi, theo cô con gái xuống đây thuê nhà sinh sống. Năm đứa con cả thảy, nhưng đứa nào cũng nghèo, thậm chí anh con trai còn mượn luôn tiền dưỡng già của mẹ, rồi làm ăn thua lỗ, không trả nổi cho mẹ. Bà thương con, vì anh ta phải nuôi thằng con trai học đại học, thế là bà tiếp tục ra chợ buôn gánh bán bưng tự nuôi thân mình. Hóa ra nước mắt chảy xuôi. Mẹ lo cho con, xong lại lo cho cháu nội. May còn cô con gái, dù khó khăn cũng không bỏ mẹ. Dẫu ở nhà thuê, nhưng cô vẫn lo cho mẹ được hai bữa cơm mỗi ngày, còn tiền thuốc thang, sinh hoạt thì bà bán buôn cũng tạm chi dùng. Bà thở dài: “Nhưng ngại con rể của mình, không biết nó có buồn không, vì mình có con trai mà vẫn để vợ chồng nó nuôi. Muốn trở lại Củ Chi quá…”. Tôi trấn an: “Bà ơi, chính đứa nào nuôi mẹ thì làm ăn mới khấm khá. Bà hãy để cho con mình được báo hiếu. Có hiếu mới nên nhà nên cửa. Hồi má con còn sống, thằng em trai con lo cho má nhiều nhất, thì sau này chính nó lại khá giả nhất. Và nuôi được mẹ là niềm tự hào, hạnh phúc, chứ không phải gánh nặng đâu”. Bà nhìn tôi mừng rỡ: “Vậy hả?”. Tôi gật đầu chắc nịch.

Thật ra, có hiếu không phải để nhận về kết quả giàu sang, nhưng tôi cố nhấn mạnh điểm này cho bà yên lòng ở lại với cô con gái. Điều quan trọng là nuôi được mẹ để thấy lòng mình thanh thản, kẻo sau này mẹ mất đi thì ân hận, ray rứt. Nhưng dĩ nhiên, đứa con có hiếu thì nhân quả cũng thật sự là được khấm khá. Tôi ước ao giá mà gặp được cô con gái của bà để khen ngợi, động viên cô, mong cô tiếp tục nuôi mẹ bằng trái tim yêu thương thật sự và bằng cả niềm tin vào luật Nhân quả. Và nếu cô giàu có lên một chút thì mẹ cô đỡ phải dãi nắng dầm mưa. Tối đó, trong thời khóa lễ Phật, tôi hướng tâm về cô, thầm cầu nguyện cho cô giữ được chữ hiếu mãi mãi.

Chợ mỗi ngày vẫn lăng xăng kẻ bán người mua. Đời mỗi ngày vẫn tranh đoạt, tính toan. Nhưng chỉ cần tôi biết dừng chân một chút thì sẽ khám phá ra góc chợ, góc đời còn đẹp, còn lành. Như kệ sách kia, nhỏ xíu mà rất duyên, điểm trang cho khu chợ nghèo thêm nét thẩm mỹ. Và điểm trang cho những tâm hồn bớt nghèo nàn, vô cảm. Cảm ơn mái tóc bạc của bà lặng lẽ gieo mầm trong cuộc mưu sinh…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày