Sau sự lung linh của đêm hoa đăng

GN - Lễ hội hoa đăng thường tạo nên không gian lung linh, huyền ảo, đem đến nhiều cảm xúc cho người tham dự.

Có những lễ hội hoa đăng được tổ chức quy mô, tuy nhiên Ban Tổ chức không chủ trương thả các hoa đăng xuống nước mà chỉ sắp đặt theo sơ đồ trên cạn; sau lễ hội, rác hoa đăng sẽ được gom lại xử lý. Ở một số nơi, từng có ý kiến phản ánh về rác hoa đăng sau các lễ hội, như hiện tượng báo động gần đây làm dư luận quan tâm là rác của hậu đêm hoa đăng - một nội dung trong Đại lễ Vu lan - Báo hiếu thu hút hàng nghìn người tham dự vào tối 11-8 vừa rồi, tại Khu du lịch Cát Bà, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng.

Sau vẻ lung linh của tối 11-8, chỉ vào sáng hôm sau, hàng chục nghìn hoa đăng được thả xuống vịnh Lan Hạ đã trôi dạt tấp vào bờ, gây nên hình ảnh và cảm xúc trái ngược, bởi hoa đăng giờ trở thành loại rác khó phân hủy, có hại cho môi trường sinh thái, có nguy cơ đe dọa sự sống của các loài thủy sinh.

DSC_9820-Copy.jpg


Sự lung linh hoa đăng tối 10-8 ở Cát Bà  - Ảnh: Thành Trung

Tình thương đúng cần sự hiểu biết sâu sắc

Trong Phật giáo, tình thương đúng luôn cần có ánh sáng trí tuệ chiếu soi. Sự kính ngưỡng mà thiếu hiểu biết sẽ dẫn tới cuồng tín - điều mà Đức Phật luôn nhắc nhở cần phải tránh xa, vì đó là biểu hiện của sự cực đoan.

Người viết từng tham dự nhiều lễ hội và những sự kiện có tổ chức phần hoa đăng. Thú thật, đó là một trong nội dung làm cho cảm xúc cầu nguyện của người tham dự được thăng hoa bởi ý nghĩa được thuyết minh, nghi lễ tôn giáo kết hợp, ánh sáng huyền ảo và sự chuyển động của những ánh nến phản chiếu trên mặt nước, được sắp xếp theo mô hình ý nghĩa hay được thả lên bầu trời...

Trước đây, hoa đăng thường được xếp - tạo hình bằng giấy truyền thống, khi giấy thấm nước sẽ dễ dàng tiêu hủy và ít gây ô nhiễm môi trường. Nhưng gần đây, quan sát các lễ hội, hoa đăng được làm từ nhiều chất liệu đa dạng, từ giấy xếp cho tới các chất liệu tổng hợp có ny-lông, thậm chí cả nhựa và vải, và để khi thả có thể nổi thăng bằng trên mặt nước, hoa đăng còn được gắn tấm xốp bên dưới.

Lễ hội hoa đăng ở Khu du lịch Cát Bà tối 11-8 nói trên sử dụng loại hoa đăng với những chất liệu được cảnh báo là rất khó tiêu hủy trong môi trường tự nhiên.

Được biết, đây là năm thứ 5 lễ hội này được tổ chức. Trả lời báo chí, vị Phó Giám đốc Ban Quản lý Vịnh Cát Bà cho biết, các năm trước, sau buổi lễ, Ban Tổ chức phối hợp với đơn vị tháo dỡ, thu dọn vệ sinh và thu gom những gì được thả trên vịnh, trục vớt lên bờ chuyển về khu vực xử lý rác thải. Nhưng năm nay, do sự kiện kéo dài tới gần nửa đêm, số lượng cũng nhiều hơn, nên việc đó không tiến hành kịp và để lại sự việc như vậy.

Tình trạng rác hoa đăng cũng đã được thu dọn vào chiều ngày 11-8, nhưng dư luận cho đến nay vẫn âm ỉ, lan truyền trên mạng xã hội với thái độ chỉ trích và lên án gay gắt. Đó cũng là điều đáng báo động về ý nghĩa của đêm hoa đăng được tổ chức gắn liền với nghi thức cầu nguyện âm siêu dương thái trong tinh thần tri ân và báo ân của người dân có tín ngưỡng, được tuyên bố trở thành “lễ hội văn hóa tâm linh thường niên” nơi đây.

Chúng ta thường viện dẫn tâm linh tốt lành, nhưng trong đạo Phật không có khái niệm thiện lành chung chung, mà được xác định nội hàm rất cụ thể, đó là những việc làm đem tới lợi lạc cho bản thân, cho người khác và cho môi trường. Nếu khuyết một trong ba yếu tố này, thì việc dẫu thực hiện với lòng thành cũng chưa phải là điều thiện, tốt đẹp.

Việc thả hoa đăng cầu nguyện là nghi lễ khá phổ biến không chỉ ở nước ta, mà còn được tổ chức ở nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Sri Lanka… Hoa đăng cầu nguyện cũng được thực hiện đa dạng, thắp sáng thả lên bầu trời; với các hoa đăng thả xuống nước, người ta thường làm bằng các chất liệu tự nhiên như lá cây, một số loài hoa; phần cân bằng khiến cho hoa đăng nổi trên nước được làm từ thân cây chuối.

Theo đó, để cho lễ hội hoa đăng được thực hiện một cách trọn vẹn ý nghĩa, Ban Tổ chức cần ý thức tới việc sử dụng chất liệu hoa đăng và có cách thức phù hợp không tổn hại tới môi trường, đe dọa tới sự sống của những loài vật trong khu vực. Và cũng có thể không nhất thiết phải thả xuống biển, sông, hồ, mà có thể sắp đặt trên cạn như nhiều nơi đã thực hiện an toàn, để lại những ấn tượng sâu lắng cho người tham dự một cách trọn vẹn.

Môi trường, trong quan niệm của đạo Phật, có sự tương quan mật thiết với sự sống của chính mỗi chúng sinh. Hủy hoại môi trường, dù với sự cố ý hay vô tình, chính là tự hủy hoại sự sống của mình và những người thân yêu. Do đó, vấn đề cần quan tâm không chỉ là đem lại những hiệu ứng mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng, cảm xúc; mà hơn thế nữa, phải nghĩ tới hậu hoa đăng bằng cách cân nhắc phương thức tổ chức cũng như chất liệu phù hợp với tinh thần của đạo Phật là thân thiện, không gây tổn hại trong và sau buổi lễ.

“Không có gì là bất biến và mọi sự đều có thể vãn hồi”

Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng là điều đã được cảnh báo khắp nơi trên thế giới. Trong tinh thần của người Phật tử, phát biểu tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 15 ở Thái Lan, Thủ tướng Vương quốc Bhutan Tshering Tobgay đã nhấn mạnh tư tưởng được áp dụng vào các chính sách đặc biệt là trong việc bảo vệ môi trường ở đất nước đề xuất khái niệm Tổng hạnh phúc quốc dân - GNH, thay vì Tổng thu nhập quốc nội - GDP, rằng với người Phật tử thì phải tâm niệm: “không có gì là bất biến và mọi sự đều có thể vãn hồi”. Do đó, mỗi suy nghĩ đúng, lời nói ái ngữ, việc làm thiện lành sẽ là những tác động cải thiện môi trường.

le_hoi_hoa_dang_Thai_Lan7.png
Hoa đăng cầu nguyện được làm bằng hoa và lá cây ở Thái Lan (Ảnh: FB)

Trước Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Việt Nam vừa rồi, một vị tu sĩ đã có tâm thư kêu gọi mọi người hãy chung tay giữ gìn môi trường không để dẫn tới tình trạng tệ hơn bằng cách nói không với việc sử dụng các vật dụng nhựa. Một nữ sinh lớp 6 ở Hà Nội cũng có lá thư kêu gọi bảo vệ môi trường đã làm lay động trái tim nhiều người, và một số vị hiệu trưởng đã quyết định không sử dụng bóng bay trong nghi thức khai giảng năm học mới, vì bóng sau khi được thả sẽ trở thành rác nguy hiểm trên không, gây hại cho các loài chim nếu ăn phải. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kêu gọi nói không với rác thải nhựa; một số tỉnh, thành cũng phát đi thông điệp như vậy. Riêng tại TP.HCM, năm ngoái, chính quyền đã phát động phong trào nói không với việc bỏ rác nơi kênh rạch, phân loại rác đầu nguồn…

Nhiều chùa cũng đã tham gia, vận động Phật tử, tín đồ hưởng ứng tích cực việc làm ý nghĩa này qua việc tặng các thùng rác và hướng dẫn phân loại rác từ đầu nguồn. Vị giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN TP.HCM - Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng cũng đã có lời nhắn nhủ, khuyến tấn các cơ sở của Giáo hội, chư Tăng Ni ý thức không dùng đồ vật để lại rác thải nhựa và hạn chế đồ dùng nhựa dùng một lần.

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy rằng đừng coi thường những việc ác, tiêu cực vì cho là nhỏ mà cứ làm; vì điều đó như từng giọt nước, nhỏ hoài sẽ làm tràn bình. Cũng vậy, đừng coi thường những việc thiện lành vì cho là nhỏ không đáng quan tâm, nhưng chính những suy nghĩ, lời nói và việc làm đó sẽ góp phần thay đổi, vãn hồi tình trạng xấu, cải thiện để trở nên tốt đẹp hơn.

* Bài liên quan: Hoa đăng trên sông

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày