Sức sống Việt Nam qua diện mạo kiến trúc thời Trần Nhân Tông (Kỳ 1)

Lăng mộ Trần Nhân Tông ở Yên Tử.(Ảnh trích từ www.vuonlam.us)
Lăng mộ Trần Nhân Tông ở Yên Tử.(Ảnh trích từ www.vuonlam.us)
Nói đến nhà Trần, người Việt Nam thường liên tưởng đến chiến tích oai hùng của nước Đại Việt với ba lần đánh bại quân Mông - Nguyên (1258, 1285, 1288), nối tiếp cha ông làm dày thêm những trang sử chống xâm lược vẻ vang của dân tộc.

Song, mặt trái của chiến tranh, dẫu là người giành được thắng lợi, vẫn luôn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cả về nhân mạng lẫn đời sống xã hội, gây trì trệ trong phát triển đất nước, không thể dễ dàng khắc phục.

Ấy vậy nhưng nhà Trần- mà trách nhiệm chính là vua Trần Nhân Tông, với 15 năm làm vua (1278-1293), 15 năm dưới danh nghĩa Thái Thượng hoàng và Phật hoàng (1293-1308), vừa trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên (1285 và 1288) vừa đảm nhận trọng trách phát động công cuộc trùng tu, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh- vẫn nhanh chóng lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng, thể hiện qua diện mạo kiến trúc thời Trần Nhân Tông.

Qua ba lần xâm lược, dưới vó ngựa của hàng chục vạn quân Mông Cổ rồi quân Nguyên, làng mạc, ruộng vườn khắp nơi tiêu điều xơ xác; rất nhiều công trình như thành quách, đền đài, cung điện, lăng miếu, chùa tháp, dinh thự, nhà cửa bị triệt hạ. Ngay cả Kinh đô Thăng Long cũng ba lần bị quân giặc đốt sạch, phá sạch; đến nỗi vào ngày 27 tháng 3 năm Mậu Tý (28-4-1288), khi vua tôi nhà Trần chiến thắng trở về thì không còn cung điện để ở, phải nghỉ tạm ở lang thị vệ.

Vì thế, một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà vua Trần Nhân Tông phải tiến hành ngay sau cuộc chiến là tái thiết Kinh đô. Năm 1289, Kinh đô Thăng Long được xây dựng lại với qui mô lớn. Triều đình không những huy động thợ thủ công cả nước, mà còn bắt số quân dân trước đây từng đầu hàng giặc phải đảm trách công việc nặng nhọc là chuyên chở gỗ đá xây dựng để chuộc tội. Đáng tiếc là sử sách nhà Trần không ghi rõ công việc tu tạo của thời kỳ nầy ra sao, nên không thể tường tận chi tiết xây dựng các công trình kiến trúc thuở đó.

Tuy nhiên, qua một vài đoạn mô tả trong bài thơ An Nam tức sự của Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên đi sứ sang Đại Việt sau chiến tranh (1293), có thể hình dung phần nào bộ mặt cung điện lầu gác Thăng Long sau khi tái thiết.

Chẳng hạn: Từ sứ quán đi 60 dặm thì qua cầu Yên Hòa, đi một dặm nữa thì tới phía bắc cầu Thanh Hoa, trên cầu có xây 19 gian nhà. Đến nơi tù trưởng ở (tức cung điện vua Trần ở) có Dương Kinh môn; trên cửa có gác gọi là Triều Thiên các, cửa nhỏ bên trái gọi là Vân Hội môn, bên trong cửa có khoang Thiên tỉnh ngang dọc độ vài mươi trượng (khoảng 7m x 7m). Từ bậc thềm bước lên thấy dưới gác có một tấm biển đề là Tập Hiền điện, bên trên có gác lớn gọi là Minh Linh các. Từ chái bên phải đi tới, gặp một điện lớn gọi là Đức Huy điện, cửa bên trái gọi là Đông Lạc môn, cửa bên phải gọi là Kiều Ứng môn, các biển đều bằng chữ vàng.

Mô tả trên của sứ giả Nguyên chứng tỏ đất nước đã bước đầu vượt qua được những khó khăn, tổn thất nghiêm trọng của nền kinh tế sau chiến tranh để đi lên. Thêm vào đó, bộ mặt Kinh đô có phần khởi sắc chắc hẳn một phần còn do vua Trần Nhân Tông cố gắng sửa sang lại Thăng Long để tương xứng tầm vóc thắng lợi to lớn mà toàn dân tộc vừa giành được.

Diện mạo Kinh đô Thăng Long thời Trần Nhân Tông đã phần nào xuất lộ ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long được phát hiện từ năm 2002, nhưng quả thật rất khó để đối chiếu cụ thể với những mô tả của sứ nhà Nguyên. Dẫu sao thì các công trình giai đoạn đó cũng đã góp phần làm nên Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (và ngày 28-12-2007, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ký quyết định công nhận xếp hạng di tích quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới).

Cùng với việc tu bổ Kinh đô, vua Trần Nhân Tông tiếp tục chú trọng xây dựng vùng đất phủ Thiên Trường (Từ năm 1239 các vua Trần đã cho xây dựng ở Tức Mặc hàng loạt cung điện, lầu gác, nhà cửa để làm nơi ở cho con cháu, họ hàng, thân thích thuộc hoàng gia và cho chính bản thân các vua sau khi đã nhường ngôi lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 1262 nhà Trần đổi Tức Mặc thành phủ Thiên Trường).

Vua Trần Nhân Tông cho dựng nhà dạy học để dạy dỗ con em quý tộc; nhiều cung thất, phủ đệ của các vương tôn, công hầu, khanh tướng lần lượt mọc lên ở đó. Tất cả các công trình hợp lại, biến phủ Thiên Trường thành một nơi sầm uất, thái bình thịnh vượng.

Ngày nay, tại các xã phía bắc thành phố Nam Định (địa bàn phủ Thiên Trường xưa) vẫn còn lưu dấu các công trình kiến trúc thuở đó qua các tên làng như Phương Bông, Liễu Nha, Hậu Bồi, Đệ Nhất, Đệ Nhị...; tên các xứ đồng như Vườn Quan, Nội Cung, Vườn Văn Chỉ, Đường Chức Ngự, Cồn Đình, Cửa Triều... Những tên gọi đó gợi lên hình ảnh một quần thể kiến trúc với quy mô lớn, đa dạng và hoành tráng.

Khung cảnh tươi vui, đầm ấm của Thiên Trường được chính vua Trần Nhân Tông trong một lần về thăm viết thành bài thơ Thiên Trường vãn vọng đầy cảm xúc:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.
Dịch nghĩa:
Thôn trước thôn sau khói phủ mờ
Nửa không nửa có bóng chiều hôm.
Mục đồng thổi sáo xua trâu ngủ
Cò trắng từng đôi lượn xuống đồng.

Không riêng các công trình kiến trúc của nhà nước; nhiều dinh thự, trang ấp, phủ đệ, lầu gác, từ đường, am động, lăng mộ của quý tộc Trần cũng mọc lên nhan nhản. Sự phát triển nầy một phần do chế độ điền trang, thái ấp thời Trần khá phổ biến; mặt khác do nhiều tướng sĩ, quý tộc Trần có công lao lớn trong kháng chiến chống xâm lược nên được phong thưởng nhiều đất đai, tài sản.

Thời  vua Trần Nhân Tông, nhiều nơi có các công trình kiến trúc tư nhân lớn như trang ấp của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp (nay thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương); trang ấp của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ở Tức Mặc (Nam Định); của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư ở Vân Đồn (Hải Phòng); của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão ở Phù Ủng (Hưng Yên)...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày