Suy ngẫm về Chánh tư duy

GN - Tư duy là gì? Hiểu một cách đơn giản là nghĩ ngợi, suy xét (gọi chung là suy nghĩ) về một cái gì đó trước khi biến nó thành hiện thực bằng lời nói và việc làm. Chánh tư duy theo nghĩa thông thường là suy nghĩ chín chắn, đúng đắn về sự vật và hiện tượng để có hướng xử lý và cải tạo chúng phù hợp với cuộc sống.

Theo triết học duy vật thì tư duy là sản phẩm của vật chất, còn theo triết học duy tâm thì nó là sản phẩm của tinh thần, gọi là “ý niệm tuyệt đối”. Dù theo quan điểm nào, nó vẫn là sản phẩm cao cấp, được cấu tạo đặc biệt trong não, gắn liền với mọi sinh hoạt của con người trong cuộc sống.

a chanhtuduy.jpg


Bằng thiền định và quán chiếu, nhìn thẳng vào sự vật,
người học Phật nhìn vấn đề toàn diện, sâu sắc hơn - Ảnh minh họa

Tư duy được hình thành từ lao động. Có lao động mới có sáng tạo. Muốn có sáng tạo phải tìm tòi, tưởng tượng, nghĩ ngợi, suy xét và tư duy ra đời. Ngay từ thời mông muội, người tiền sử đã biết tư duy để chế tạo công cụ, giải thích các sự vật, hiện tượng của thiên nhiên và con người để phục vụ cuộc sống và thích nghi với hoàn cảnh chung quanh. Từ đó tư duy liên tục phát triển theo sự tiến hóa của loài người trong từng thời kỳ lịch sử.

Có hai loại tư duy: Suy luận và Trực giác.

Suy luận mang tính khoa học chính xác, có nguồn gốc ở phương Tây, được hình thành bởi các nhà triết học, toán học… ở Hy Lạp cổ đại. Để tìm kiếm, lý giải tự tính, bản chất sự vật và hiện tượng, họ thu lượm kết quả và kinh nghiệm thực tiễn rồi dựa vào nguyên lý, định đề, lý luận, thí nghiệm, phân tích, tổng hợp, đo lường, định lượng, so sánh và kết luận. Thí dụ, họ chia chẻ vật chất ra từng mảnh cho đến đơn vị cuối cùng, nhỏ nhất là nguyên tử và kết luận nó là hạt cơ bản tạo nên vật chất. Theo đó, họ còn kết luận vật chất bất hoại, trường cửu và vạn vật do cái gọi là “tồn tại” mang nhân trạng, đứng trên cả thánh thần và con người, tạo ra và cai quản.

Trực giác mang tính tôn giáo tâm linh của tất cả các tôn giáo trên thế giới nhưng tiêu biểu ở ba tôn giáo lớn của phương Đông là Bà-la-môn giáo, Phật giáo, Lão giáo ở Ấn Độ và Trung Quốc. Ba tôn giáo này cũng tìm kiếm, lý giải tự tính, bản chất của sự vật và hiện tượng nhưng bằng phương pháp thiền định và quán chiếu. Thí dụ, muốn biết cái “bản lai diện mục” của mình là gì, mình cứ việc nhìn thẳng vào nó chứ không thông qua các công đoạn của giác quan và cả ngôn ngữ. Một số phát biểu về việc này như: “Mắt không chen nổi tới đó, tiếng nói cũng không, tâm thức cũng không” (Upanishad). “Cái mâu thuẫn, cái làm cách tư duy thông thường bị lạc lối, xuất phát từ thực tế là, ta dùng ngôn ngữ để diễn tả kinh nghiệm nội tâm của ta, mà thể tính của kinh nghiệm đó lại vượt trên ngôn từ” (Thiền sư Suzuki). “Đạo khả đạo, phi thường đạo” (Lão Tử - Đạo đức kinh) nghĩa là đạo mà gọi được thì không phải là đạo.

Nhìn chung, suy luận và trực giác đều có cùng mục đích nhưng phương pháp thực hành và kết luận lại khác nhau. Suy luận theo nguyên lý Nhị nguyên, chia chẻ vật chất và tách nó ra khỏi tâm thức. Đối với con người cũng vậy, họ cho tâm thức nằm ngoài cơ thể nhưng lại quản lý cơ thể. Sự chia chẻ này vô tình làm cho người ta đồng hóa mình với tâm thức thay vì với toàn bộ con người mình, nghĩ mình là một cá thể cô lập, sống trong thân thể. Hậu quả của nó là tạo ra nhiều mâu thuẫn giữa ý chí có ý thức và bản năng vô ý thức dẫn đến các trạng thái tâm lý tình cảm, xúc cảm như trăn trở, thất vọng, ảo tưởng…. Đó là sự hỗn loạn nội tâm khiến người ta nghi kỵ, sợ hãi, buồn chán, không tin tưởng lẫn nhau. Nghiêm trọng hơn, cách chia chẻ đó còn tạo ra mâu thuẫn giữa các quốc gia, lãnh thổ, vùng miền, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, chính trị dẫn đến xung đột, chiến tranh triền miên, tàn khốc từ trước đến nay gây biết bao đau thương tang tóc cho nhân loại. Trong xã hội cũng có không ít tập thể, cá nhân đối đầu, hãm hại, hạ bệ nhau đến sứt đầu mẻ trán, thậm chí tử vong, trên nhiều lãnh vực.

Trực giác theo nguyên lý Nhất nguyên, vạn vật là một thể thống nhất do cái “thực tại cuối cùng” vận động, biến dịch. Đạo Phật gọi cái “thực tại cuối cùng” là Chân như hay Tâm, đạo Bà-la-môn là Brahman, đạo Lão là Đạo. Nhưng, đạo Bà-la-môn lại biến cái “thực tại cuối cùng” thành đấng siêu nhiên quyền năng tối thượng tạo ra vạn vật, biến các hiện tượng tự nhiên thành thánh thần như thần sáng tạo, thần hủy diệt, thần sấm sét, thần gió mưa… dẫn dắt người ta vào thế giới tâm linh huyền bí, thần thoại hoang đường khiến người ta yếu đuối, thiếu tự chủ, rơi vào mê tín dị đoan, dựa vào các thực thể tâm linh, không tin chính mình (một số phái Phật giáo cũng có khuynh hướng này).

Chỉ có Phật Thích Ca mới nhìn vấn đề một cách toàn diện, tường tận, sâu sắc. Bằng thiền định và quán chiếu, nhìn thẳng vào sự vật, Ngài “thấy” vạn vật do Tâm tạo chứ không phải do bất cứ thần thánh siêu nhiên nào tạo ra, ban cho. Chúng cũng không tự làm nên chúng được mà do duyên sinh, duyên hợp thì thành, duyên tan thì hoại nên tất cả đều là giả tướng, không phải thật tướng (vô ngã), không trường cữu, vĩnh hằng (vô thường). Tuy nhiên, chúng lại là nguồn gốc của khổ và người ta khổ vì ham thích, ước muốn, nắm bắt, ôm giữ khư khư những thứ vô thường vô ngã đó.

Phương pháp thiền quán không thông qua các công đoạn của suy luận mà ngược lại, giúp thiền sinh và người học đạo không bị kẹt trong lý thuyết và mô hình khuôn mẫu; không bị lạc lối bởi sự đa dạng và mơ hồ của ngôn ngữ. Giúp họ chú tâm vào đối tượng, chấm dứt nghi tình và mọi tiến trình suy luận để mở đường tiếp cận Chân như, Giác ngộ như lời Phật dạy: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Chánh tư duy” (Kinh Tương ưng bộ). Kinh nghiệm giác ngộ trực tiếp của cá nhân trải nghiệm và thu lượm được trong quá trình thiền quán, trao truyền cho người sau cũng là yếu tố quan trọng trong việc tu tập. Thiền sư Suzuki viết: “Kinh nghiệm cá nhân là cơ sở của triết lý Phật giáo. Trong nghĩa này thì Phật giáo theo quan điểm thực chứng tuyệt đối, dù cho về sau có những phép biện chứng nào để triển khai đi nữa, để tìm hiểu ý nghĩa của kinh nghiệm giác ngộ”.

Sau khi thành đạo, Phật Thích Ca đã truyền đạt những trải nghiệm thực tiễn và kinh nghiệm giác ngộ trực tiếp của Ngài cho chúng ta. Ngoài những cái “thấy” ở trên, Ngài còn “thấy” thế gian đầy dẫy khổ, nguyên nhân của khổ và chỉ ra con đường diệt khổ có tám ngành. Trong đó Chánh tư duy được Ngài xếp ở vị trí thứ hai, sau Chánh kiến, chứng tỏ nó có vai trò quan trọng không kém Chánh kiến. Nó lại thuộc ý nghiệp, đứng đầu và làm chủ ba nghiệp, không có nó sẽ không có hai nghiệp sau, cho nên thấy đúng mà chưa nghĩ thấu đáo có thể đưa đến nói đúng làm đúng mù quáng! Trong Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật, Tiến sĩ B.R. Ambedkar dẫn lời Đức Phật, nói: “Mỗi người đều có mục tiêu, nguyện vọng và tham vọng. Chánh tư duy dạy rằng những mục tiêu, nguyện vọng và tham vọng đó phải cao thượng và đáng khâm phục, chứ không được thấp hèn và vô giá trị”.

Từ trước đến nay chúng ta tư duy theo cách nào? Dĩ nhiên là theo suy luận, bởi vì nó phổ biến trên khắp thế giới và trong tất cả các lãnh vực, ngoại trừ Phật giáo. Không ai phủ nhận tính ưu việt của nó và những thành công rực rỡ do nó mang lại cho loài người. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì nó chỉ “thấy” bên ngoài sự vật và hiện tượng chứ không “thấy” được bản chất bên trong của chúng. Cho nên, bên cạnh những thành quả đó cũng có không ít những hậu quả khốc liệt mà nhân loại đã hứng chịu do con người và thiên nhiên mang đến. Chỉ có trực giác mới giúp chúng ta suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về sự vật và hiện tượng, mới có hướng xử lý và cải tạo chúng phù hợp với cuộc sống, mới chuyển hóa được những mục tiêu, nguyện vọng thấp hèn và vô giá trị thành cao thượng và đáng khâm phục, đem lại an vui hạnh phúc cho chúng ta và mọi người, như lời Phật dạy.

Đã đến lúc chúng ta nên học tập và làm theo lời Phật dạy, từ bỏ suy luận thay thế bằng trực giác. Hơn nữa, sau khi nền Vật lý hiện đại hay còn gọi là Vật lý hạ nguyên tử khám phá ra nhiều điều mới lạ của vật chất, trong đó có một số điểm phủ nhận kết luận của suy luận trước kia như nguyên tử không phải hạt cơ bản, vật chất do nhiều hạt hạ nguyên tử tạo thành... Và có đến sáu điểm tương đồng với giáo lý Phật giáo như Tính nhất thể của vạn vật, Không và Sắc, sự Dung thông (viên dung)… Thật ra, chẳng có gì ngạc nhiên vì sáu điểm tương đồng đó đã được Phật Thích Ca “thấy” và nói ra trên 2.500 năm trước thì “Điều mà ta phát hiện chỉ nêu thêm thí dụ, xác nhận và làm tinh tế thêm cho một nền minh triết cổ xưa”(J.R. Openheimer, nhà Vật lý hạt nhân người Mỹ). Vậy thì chúng ta còn nghi hoặc, chần chờ gì nữa mà chưa chịu làm theo Đức Phật, chọn trực giác, tư duy theo hướng xuất ly, vô sân, vô hại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày