"Tám" với tác giả “Am cỏ thơm” về từ Dharamsala

GN - Chiều 17-10 vừa qua, Lê Nguyên Bảo Trân (sinh năm 1987, quê Khánh Hòa) đã khai mạc triển lãm đầu tay tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Triển lãm gồm 55 bức tranh - thơ thiền được vẽ theo phong cách thủy mặc, gồm sen, cỏ, trà... và sự tĩnh lặng, lắng sâu của những bài thơ thiền được đề trong tranh.

a pgtt b.JPG


Bảo Trân (áo vàng, bìa trái) về từ tu viện Dolmaling
ở Dharamsala - sau đó thực hiện bộ tranh "Am cỏ thơm" - Ảnh: Vi Trần

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP đánh giá khá tốt về những tác phẩm của Trân. Và điều thú vị là tác giả thực hiện triển lãm sau thời gian “an cư” ở một tu viện tại Dharamsala (Ấn Độ). Bạn đã có buổi trò chuyện với PV Giác Ngộ, bắt đầu bằng chia sẻ về tên “Am cỏ thơm”:

- Thực ra cũng không có lý do gì đặc biệt cả. Chỉ vì bộ tranh này tôi toàn vẽ hoa cỏ, nên “cỏ thơm” ý chỉ cho hoa, và “am” ngụ ý như một nơi chốn thanh bần vậy. Phần có lẽ do âm hưởng của những từ rất hay mà tôi từng được đọc như am mây ngủ, am mây tía… nên chắc đã bắt chước đặt theo như vậy.

* Được biết bạn học mỹ thuật công nghiệp, nhưng lại bỏ ngang và vẽ?

- Tôi tốt nghiệp khoa Nội thất, học nội thất chỉ vài năm, còn về mỹ thuật thì được học từ nhỏ, có lẽ vì thế việc thích sáng tác một cách chậm rãi vẫn thấm sâu vào mình hơn là sự năng động của nghề thiết kế. Tôi không đủ giỏi để chọn cái này bỏ cái khác, nhưng mọi thứ cuối cùng lại diễn ra theo lối đó. Trả lời một cách đại khái thì là “do duyên”, nhưng tôi nghĩ duyên cũng do mình âm thầm tạo dựng thôi.

Giờ ngồi soạn lại những lý do của việc đã xảy ra, cũng không biết giải thích làm sao, khi ngay từ đầu nó không phải việc mình kiểm soát tốt được. Tại thời điểm phải quyết đoán, tôi dường như không có cách khác. Đặc biệt là trong hoàn cảnh suốt từ ngày tốt nghiệp, cái tôi đeo đuổi lại không phải là nghề nghiệp.

anh pgtt a (1).JPG
 
anh pgtt a (6).JPG


Vài tác phẩm của Bảo Trân - Ảnh: Vi Trần

* Bảo Trân có thể chia sẻ về điều bạn đeo đuổi rất khác người - với số đông bạn trẻ (ra trường mong ổn định, thăng tiến trong công việc) mà bạn vừa nói không?

- Tốt nghiệp từ năm 2010. Bảy năm qua, tôi chỉ biết mỗi một việc là tìm được nơi có thể theo đuổi việc học và thực hành pháp trọn vẹn, phù hợp cơ duyên của mình.

* Đó có phải là việc Bảo Trân rời VN, đến một tu viện ở Dharamsala (Ấn Độ) - nơi Đức Dalai Lama cùng Tăng đoàn Tây Tạng lưu trú, tu tập?

- Vâng! Với Dharamsala thì tôi biết ơn nhân duyên đã đưa mình đến đó, và nếu được chọn thì tôi vẫn chọn cuộc sống như ở đó. Tôi vẫn luôn nhớ về Dharamsala và tu viện Dolmaling, gần như mỗi ngày. Tôi không muốn quên quãng đời tốt đẹp ngắn ngủi đó. Dù biết đó chỉ là huyễn nhưng tôi ghi nhận cả sự cố chấp khờ khạo đó của mình (cười).

* Thời gian lưu lại và học Phật pháp ở đó cho bạn những cảm nhận mới nào? Những chuyển hóa gì từ bản thân mà bạn cảm thấy thích thú nhất?

- Giống như một đứa trẻ bị lớn, một thời gian dài tôi vẫn không ngừng nghịch ngợm giữa mộng mơ và thực tại. Cả hai đều rõ ràng với mình tới nỗi, lắm lúc không phân biệt được. Nếu ví von cuộc sống mình là một bài thơ, thì có lẽ thời gian ở đó đã trở thành những câu tuyệt vời nhất. Hay, và đẹp. Còn điều thú vị trong lúc tu học có lẽ là thỉnh thoảng nhìn lại thấy mình ổn hơn trước đó một chút, đó là tác dụng của việc học lên mình. Ổn theo cách là bên trong tự đối (với bản thân) thì vững vàng chủ động hơn, bên ngoài tương tác (với xung quanh) thì hài hòa nhịp nhàng hơn, so với trước kia.

a pgtt c.JPG


Bảo Trân cùng mẹ (giữa) và các vị tiền bối ở Hội Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Vi Trần

* Trở lại với “Am cỏ thơm”, để có một triển lãm như vậy, cần thời gian bao lâu và đầu tư nhiều không?

- Với những người xem hội họa là sự nghiệp, là cuộc đời, có lẽ thời gian và tâm sức của họ là không tính đếm nổi. Nhưng tôi thì không được như thế. Tôi về nước vào cuối tháng 12-2016, bắt đầu thực hiện bộ tranh vào tháng 3-2017, vẽ suốt đến tháng 8, và triển lãm diễn ra vào tháng 10 vừa qua.

Trong 5 tháng đó, tôi vẽ liên tục không nghỉ. Phần vì đặc thù của thể loại tôi đang vẽ là có bút pháp nhanh, thời gian thực hiện một tác phẩm có khi chỉ vài giây, một nét cọ, không phải như sơn dầu để có thể chấm phá mỗi ngày. Thường thì, lúc mới bắt đầu làm, cái gọi là cảm xúc, sự ngẫu hứng… có vẻ quan trọng nhất. Nhưng đến lúc phải hoàn thiện nó cho kịp với tiến độ của triển lãm, việc bắt đầu kết hợp công việc với người khác khiến mình phải làm việc kỷ luật hơn.

Khi Hội Mỹ thuật TP.HCM cho tôi cơ hội thực hiện triển lãm cá nhân, tự nhiên tôi có áp lực là phải làm tốt - vì tôi không phải một họa sĩ chuyên nghiệp, trước đó lại không giao thiệp xã hội nhiều với ai, không có kinh nghiệm gì trong công việc… nên sợ ảnh hưởng đến mọi người. Nếu cứ ngẫu hứng mãi thì việc không biết bao giờ mới xong. Thật may là cuối cùng triển lãm cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực.

* Nhiều người xem tranh của Trân đã nhận xét: những bức tranh rất tĩnh lặng, nhẹ nhàng. Bạn nghĩ sao về nhận xét này?

- Tôi trân trọng cảm nhận của mỗi người nên không có ý kiến gì cả. Một phần đó cũng là do cái “tạng” của mình nó thế, muốn vẽ cái gì đó mãnh liệt, táo bạo hơn cũng không được. Nếu chỉ một, hai bức tranh như thế thôi thì không sao, nhưng cả một bộ tranh mà được nhận xét như thế, thì dù mình không muốn đi nữa chúng cũng đã phản ánh phần nào con người mình. Làm những việc thế này, không cách chi tránh được chuyện bị chính tác phẩm của mình “phản bội” lại những gì thầm kín sâu nặng nhất mà mình chỉ muốn riêng giữ (cười).

anh pgtt a (2).jpg
Một tác phẩm của Bảo Trân -Ảnh: Vi Trần

* Sau triển lãm này, Trân sẽ tiếp tục vẽ? Và sẽ tiếp tục đeo đuổi phong cách hiện tại, vẫn nhẹ nhàng và thiền vị như “Am cỏ thơm”?

- Có một điều mà tôi e ngại, rằng không biết triển lãm lần này có bị trở thành một thú “tiêu khiển tâm linh” trong mắt mọi người hay không?! Thực ra điều duy nhất tôi muốn đeo đuổi trong đời này chỉ là việc học và tu, tôi còn trẻ và còn rất nhiều thứ phải học. Nếu bất cứ công việc gì mình làm mà nó đủ sức gánh vác việc trở thành phương tiện hỗ trợ cho mục đích đó, thì tôi sẵn sàng cống hiến thời gian cho chúng. Khi bị cuốn vào công việc, điều tôi rất không muốn là ngày nào đó bỗng quên đi lý do lúc khởi sự.

Về phong cách thì tôi cũng không biết sao, nhưng những bức tranh tôi vẽ trong khoảng thời gian này, chắc chắn sẽ không bao giờ có thể vẽ lại được thêm lần nữa. Tôi không vẽ cả đời được, vì thế những bức tranh và triển lãm đã đánh một dấu kỷ niệm lên tấm lịch cuộc đời mình. Nếu triển lãm lần này được ủng hộ, tôi sẽ có cơ hội tìm tòi sáng tác tiếp. Việc của tôi chỉ là cố gắng làm tốt những việc đến với mình, và đồng thời qua nó, thấy được bản thân tiến bộ.

* Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!

* Làm sao để đủ điều kiện đi tu-học tại Dharamsala như Bảo Trân?

- Về thủ tục thì có thể xin visa du lịch - khá dễ, thời gian 3 tháng. Còn đi học thì phải xin được visa sinh viên của nơi cho mình học.

Về tâm thế cho một khóa “khép mình” và trải nghiệm trong một điều kiện hoàn toàn khác với VN, đó là dễ thích nghi, và tài chính vững vàng. Hai điều đó là quan trọng. Còn những vấn đề khó hơn như những trở ngại về tinh thần, thì tôi nghĩ một khi đã thực sự muốn, người ta sẽ khắc phục được hết.

Lưu Đình Long thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày