Tâm ý quyết định kết quả

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đức Phật dạy “Nhất thiết duy tâm tạo” hay “Tâm dẫn đầu các pháp”, tâm ý quyết định kết quả của hành vi con người. Cho nên cùng một việc làm như nhau nhưng xuất phát từ động cơ tâm ý khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.

Đại trí độ luận (quyển I, phẩm Tứ duyên, thứ 32) có đoạn như sau: “Ngài Xá-lợi-phất đem bát cơm cúng dường Phật, Phật nhận xong liền đem cho chó ăn và hỏi:

- Này Xá-lợi-phất! Ông đem bát cơm cúng dường Ta, rồi Ta liền cho chó ăn. Như vậy (ông và ta) ai có phước hơn ai?

Ngài Xá-lợi-phất đáp:

- Phật bố thí cho chó ăn có phước hơn là con cúng dường Phật.

Phật dạy:

- Ai cũng cho Phật là ruộng phước (phước điền) vào bậc nhất, lại thường cho con chó là ruộng ác (ác điền), nên Ta mới đem bát cơm này cho chó ăn để người đời biết rõ là tâm sinh phước, chẳng phải là ruộng (điền) sinh phước.

Hỏi: Như vậy thì cúng dường Phật chẳng có sinh phước hay sao?

Đáp: Tâm là chủ, ruộng (điền) là khách. Ruộng ở bên ngoài trợ giúp cho tâm sinh phước mà thôi. Nếu chẳng do tâm chủ động thì chẳng có thể sinh được phước đức lớn”.

Đoạn đối thoại trên đây là lời cảnh tỉnh và nhắc nhở của Đức Phật dành cho chúng sinh, và càng trở nên có ý nghĩa hơn đối với xã hội hiện nay khi mà đa phần con người ta thích phô trương hình thức, hay thậm chí tệ hại hơn nữa là mượn hình thức tốt đẹp để phục vụ cho mục đích không được tốt đẹp của mình.

Đức Phật là bậc phước điền đệ nhất nhưng không có nghĩa là mọi trường hợp cúng dường cho Phật đều được phước vô lượng như nhau. Có được phước hay không, phước nhiều hay ít còn tùy thuộc vào tâm ý của người cúng nữa. Nếu cúng Phật với tâm thanh tịnh thì được phước, nhưng nếu cúng để cầu danh thì sẽ không có phước bao nhiêu.

Ngày nay ta thấy nhiều người cũng đi chùa, cúng dường hay làm từ thiện nhưng không phải với tâm thanh tịnh. Họ đi đến những ngôi chùa lớn, cúng dường cho những vị có tiếng tăm để quảng bá thương hiệu của họ, hoặc để cho cộng đồng biết họ cũng là người “có tâm” như thế. Và cũng với động cơ ấy, họ làm từ thiện, chứ không phải làm với lòng trắc ẩn, với tình thương, với lòng từ bi cứu khổ cứu nạn. Dù hình thức là làm việc tốt nhưng động cơ tâm ý không tốt cho nên Đức Phật dạy là không được phước bao nhiêu.

Cũng trong Đại trí độ luận (phẩm thứ nhất), Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Đức Phật rằng vì sao Phật thuyết pháp thì Phật là bậc Giác ngộ nhưng Đề-bà-đạt-đa cũng thuyết những giáo pháp ấy thì lại bị đọa vào địa ngục? Đức Phật dạy rằng đó là vì Phật thuyết pháp với tâm từ bi thương xót muốn độ thoát chúng sinh, còn Đề-bà-đạt-đa thuyết pháp vì mục đích danh và lợi.

Điều này cho chúng ta thấy rằng thuyết pháp đúng không chưa đủ mà quan trọng là động cơ thuyết pháp. Ngày nay Phật pháp được phổ biến rộng rãi, việc học giáo pháp không có gì là khó khăn, Tăng Ni hay thậm chí là Phật tử nào cũng có thể đăng đàn làm giảng sư được. Điều này cũng rất tốt thôi, vì giáo pháp cần được truyền bá. Tuy nhiên chúng ta hãy cẩn thận với cái tâm của mình, rằng chúng ta thuyết pháp vì cái gì? Vì truyền bá Phật pháp, giúp ích mọi người hay vì danh tiếng và lợi lộc? Rằng chúng ta có đang đem giáo pháp cao thượng của Đức Phật ra để mưu cầu lợi ích cho bản thân, có trở thành một Đề-bà-đạt-đa hiện đại hay không? Và nếu vậy thì sao tránh khỏi địa ngục đang chờ đợi mình?

“Không phải cái gì lấp lánh cũng đều là vàng”. Những hình thức tốt đẹp thường bị người ta lợi dụng để phục vụ nhu cầu thấp hèn của cá nhân. Cho nên không thể căn cứ vào việc làm bên ngoài mà đánh giá người hay việc đó tốt hay không. Tốt hay không là nằm ở động cơ, ở chữ tâm. Và chính động cơ tâm ý mới quyết định quả báo của việc làm. Khi đúng thời, đúng lúc quả báo sẽ hiện ra theo quy luật nhân quả vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày