GN - Ngày... tháng... năm...
Sắp Tết, má đi chợ, dặn dò ở nhà coi nhà, đuổi gà, không được đi chơi, má mua dép mới để mai mốt đi chơi Tết. Mình nghe thế đã hí hửng lấy dao cắt đứt quai đôi dép cũ (còn mang được) để rồi khi về, má chưa mua được dép mới lại phát hiện đôi dép cũ đã bị mình cắt đứt nên đã bảo mình quỳ xuống và đánh đòn.
Chờ Tết - Ảnh minh họa
Má đét vô mông mình và nói: “Dù có mua được dép mới thì cũng để lại dép cũ mang “xoay cua”, mà có không mang nữa thì con cũng để lại làm kỷ niệm chứ răng lại cắt bỏ?”.
Mỗi lần nhớ lại kỷ niệm này mình cười chảy nước mắt vì cái thời dại dột hồi học lớp 1 hay lớp 2 gì đó. Và, nhớ còn là để khắc ghi lời má, không được phụ bỏ cái cũ, phải biết tiết kiệm mà dùng cho tới khi hư rách mới bỏ... Bài học ấy đến giờ mình rút ra và ghi lại bằng ý của người xưa là không được “có mới nới cũ”.
Ngày... tháng... năm...
Phút giao thừa năm nào cũng vậy, hai má con lại lục tục quảy đôi thùng đi xuống cái giếng nước đuôi làng để “gánh nước về nhà” với ước mong năm mới “tiền vô như nước”. Nhưng rồi, mỗi năm mới sang và đi qua nhà mình vẫn nghèo như cũ, vẫn mái tranh xiêu vẹo, vẫn ốm đau, vẫn nợ nần kéo rê từ năm này sang năm khác.
Và, mình nhớ, vào những ngày cuối năm, ngoại mình hay đi tới mấy nhà chủ nợ để xin khất năm sau, đợi mùa lúa đông-xuân thu hoạch sẽ trả...
Cái nghèo ấy không chỉ có nhà mình mà còn nhiều nhà khác quanh xóm, nhất là những nhà bà góa, con côi, neo đơn như nhà mình. Nhưng được cái, Tết luôn ấm áp trong tiếng cười hoan hỷ của tình thâm giữa những người thân dành cho nhau.
Và, cũng có lẽ đó là những tháng ngày vô lo của mình, những năm mình chín, mười tuổi đó...