Tết của tôi: Màu cúc về trong gánh Tết

Gánh Tết về nhà - Ảnh minh họa
Gánh Tết về nhà - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Anh bạn tôi kể, ở xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) những năm trước là một vùng quê bán sơn địa cực nghèo.

Cái nghèo đã đeo bám bao đời người gắn bó với quê xứ này bởi đồng ruộng lỗ chỗ xen với đá và đồi. Ngoài việc canh tác trên những mảnh ruộng nhỏ khốn khó ấy, bà con chỉ biết chặt củi đem bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày.

Nhưng có một điều lạ, luật bất thành văn ở xứ này, ấy là những cây củi đẹp nhất, tốt nhất luôn được để riêng ra, dành cho Tết.

Rồi cứ mỗi cuối năm, khi việc đồng áng chừng tạm ổn, bà con chuẩn bị Tết nhất. Trong đó, ai cũng giữ một thói quen - nhà nhà như một - họ chọn một gánh củi thật đẹp, thật đượm lửa (để dành từ nhiều tháng trước, như đã nói) và rủ nhau đem xuống chợ huyện để bán ngay phiên chợ cuối cùng của năm, vào chiều 30 Tết. Họ hy vọng ở đó sự xứng giá với niềm mong đợi.

Đường đến chợ thì xa, gánh củi nặng oằn nhún nhẩy trên vai, thế mà bà con vẫn râm ran chuyện làng chuyện xóm, chuyện chuẩn bị sắm Tết. Những tưởng số tiền bán củi được giá kia sẽ chi dùng cho những mua sắm thiết yếu, thế nhưng thật bất ngờ - họ để dành để chọn mua những cặp hoa cúc mặn mà tươi tắn nhất, đem về chưng trong ba ngày xuân cho đẹp cửa đẹp nhà.

Câu chuyện về người nông dân bỏ công tìm và để dành gánh củi đẹp đem bán vào ngày cùng tháng tận của năm, rồi hân hoan mua về nhà cặp hoa cúc ấy thật đáng trân trọng, mến yêu. Ở đó có phút lóe sáng tâm hồn của những con người một nắng hai sương, chân chất.

Đằng sau việc mua hoa kia là niềm hạnh phúc tuy bé nhỏ nhưng có thật, là sự tưởng thưởng cho tâm hồn, nhất là dịp cuối năm - đầu năm.

Chỉ một điều nhẹ nhàng và giản dị qua sự chọn hoa, cũng cho ta hình dung được phần nào tâm hồn người nông dân bình dị toát lên sự trân trọng cái đẹp.

Hoa cúc được phong là một trong “Tứ quý chi hoa” - mai, lan, tùng, cúc - là biểu tượng cho đức của người quân tử, sự đằm thắm dịu dàng, sự bền bỉ sắc hương, gởi gắm của lòng chung thủy, bền tâm chặt dạ...

Hoa cúc còn có tính gần gụi dễ sẻ chia, không kiêu sa đài các như các kỳ hoa dị thảo khác, không vương giả xa vời mà những người bình dân chẳng khi nào dám mơ tưởng tới.

Chỉ mỗi chuyện dành củi đổi hoa kia, tuy thinh lặng khiêm cung mà nói lên với ta bao điều về ý nghĩa của chân giá trị.

Tết nay lại về, dù biết chắc rằng chẳng còn mấy người gánh củi đổi hoa nữa khi cuộc sống đã no đủ hơn, thế nhưng lòng người vẫn cảm thấy có chút gì đó xuyến xao khó gọi tên khi bất chợt thấy một người gánh hoa cúc, mang duyên cúc về cho mùa xuân mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày