Tết đọc sách: Mùa xuân trong “Điềm đạm Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Điềm đạm Việt Nam” là tên tập thơ của LệThu - một người con của quê hương Bình Định. Tập thơ được Nhà xuất bản Văn học in năm 2014.

Tập thơ hơn bốn trăm trang với nội dung gồm sáu phần chính: Quê hương - Đất nước, Mẹ - Con, Bạn bè - đồng đội, Tình yêu, Nhân thế, Trường ca quê hương. Tất cả là những hình ảnh chân thực của cuộc sống được cảm xúc, rung động của nhà thơ ghi lại. Có lẽ cũng chính vì vậy nên những vần thơ của nữ thi sĩ luôn trĩu nặng những suy tư trăn trở về cuộc đời. Ngay cả những bài thơ viết về mùa xuân, miêu tả cảnh xuân cũng vậy.

Tập thơ của Lệ Thu

Tập thơ của Lệ Thu

Cảnh xuân

Mùa đông lạnh lẽo qua đi, xuân sẽ về. Đó là một quy luật bất biến của tạo hóa. Và con người, luôn vững một niềm tin như vậy: Vẫn còn cả ngày vui ấm áp/ Chim líu lo về hót cuối trời (Lập xuân). Tiếng chim hót líu lo chính là dấu hiệu đầu tiên đưa ta vào khung cảnh mùa xuân đầy sinh động:

Bao chồi non, lộc biếc trên đời

Gom nhựa sống lên màu tươi thắm

Đất im lặng tận cùng mưa nắng

Chia kiệt mình cho hạnh phúc vươn xanh.

(Lập xuân)

Không gian mùa xuân hiện lên tạo cho độc giả một ấn tượng rất mạnh. Mùa xuân được đặc tả chỉ bởi một gam màu xanh chủ đạo với bao chồi non, lộc biếc,… Không chỉ có vậy, màu sắc của hạnh phúc ấy còn đang không ngừng sinh sôi nảy nở. Thế giới tự nhiên - đất, mưa, nắng,... cứ chắt chiu, dồn nén những nhựa sống để rồi vắt kiệt mình cho hạnh phúc vươn xanh. Vậy là ở đây thực chất đất, mưa, nắng đã tự hy sinh mình để dồn nguồn năng lượng sống cho mầm xanh nảy nở hay đó chính là sự hóa thân của các thực thể này vào sự sống - một thắc mắc còn bỏ ngỏ, chỉ có thể lý giải bằng sự cảm nhận của tâm hồn. Không chói lòa, không kiêu sa. Nó bình dị, dịu dàng, đằm thắm nhưng rất mạnh mẽ và bất diệt.

Tâm hồn của thi nhân thường rất tinh tế, nhạy cảm, và cũng luôn có sự biến đổi theo theo hoàn cảnh (tâm trạng, không gian và thời gian). Vậy nên khi ở giữa một khu vườn với đầy hoa và nắng thì cảnh đi vào trong thơ cũng thật dịu ngọt, đã đầy.

Xuân tỏa thềm mai nắng ngập đầy

Hoa vườn ngan ngát phấn hương bay

(Mùa đi)

Phấn hương ngan ngát được ngọn gió nhẹ nhàng đưa bay đi khắp nơi, gọi bướm, ong về: nắng tạnh vườn xuân/ hoa lại nở/ bướm ong về họp mặt (Chợ Tết miền Trung). Trên dải đất miền Trung, dấu hiệu đặc trưng của ngày Tết là cánh mai vàng thắm: Sáng xuân này/ mai nở thắm bình minh (Nhớ quê kết nghĩa). Mai vàng nở mừng bình minh của đất trời và cũng chính là bình minh của đất nước. Giặc giã qua rồi, màn đêm u tối của bom đạn, chết chóc và đớn đau đã tan đi, đất nước lại trăn trở hồi sinh với sức mạnh diệu kì, bền bỉ. Như nhành mai thắm kia, dù cánh hoa có đi hết một đời cũng chưa bao giờ phai nhạt:

nhành mai thắm (…)

năm cánh vàng không nhạt phai

(Chợ Tết miền Trung)

Cảnh xuân trong thơ Lệ Thu không chỉ quẩn quanh với những lộc non trên cành và những cánh hoa thắm trong vườn mà hơn thế, nó còn là cảnh của đất trời và con người. Hình ảnh cánh đồng lúa lại xanh sau lũ, cô em áo hồng hồi dâu về qua ruộng gợi cho người đọc liên tưởng đến một miền quê thanh bình, yên ả. Đón xuân trong cảnh ấy, bình dị biết bao. Đôi khi con người chỉ cần có vậy, tìm được hạnh phúc cho tâm hồn ở cánh đồng lúa mướt xanh trải dài, ở màu hồng trên áo người con gái. Đó còn là niềm tin về sự hồi sinh và sức sống mãnh liệt của cỏ cây vạn vật, sự lạc quan của con người qua bão táp phong ba:

Lúa lại xanh trên đồng

Sau mấy lần lũ cuốn

Những cô em áo hồng

“Hồi dâu” về qua ruộng

(Xuân về)

Mùa xuân, mùa của đoàn tụ, sum vầy. Những người đi làm ăn xa sau một năm lao động miệt mài lại trở về quê khi Tết đến:

Ai về quê ăn Tết

Tiếng cười chật sân ga

(Xuân về)

Đọc câu thơ ta tưởng như đâu đó bóng dáng nhà thơ đang đứng ở sân ga, một mình lặng lẽ dõi theo từng hành khách lần lượt xuống tàu. Có lẽ nhà thơ đã mỉm cười, ánh mắt đong đầy yêu thương khi nghe tiếng gọi nhau, tiếng nói cười và cả những cái ôm thật chặt của bao người thân thương sau thời gian dài xa cách. Niềm vui đoàn tụ của họ lan tỏa cả sang thi nhân. Họ là ai? Tác giả không hề chú ý nhiều, chỉ biết rằng nơi bức tranh xuân của nhà thơ, sân ga ngày Tết tràn ngập tiếng cười vui đoàn tụ, chợ chiều ba mươi Tết mà vẫn tấp nập, đông vui:

Và người đi tấp nập chợ chiều

Hoa trái ba mươi đắt hàng đến thế

(Chợ Tết miền Trung)

Tiếng cười sum họp, sự tấp nập mua bán chính là kết quả của một năm sung túc, no đủ. Nó là động lực để con người sau Tết lại hăng say làm việc. Khi xuân chín, cũng là lúc người nông dân thấy được thành quả lao động của mình:

Đồng tháng ba vào mùa lúa chín

hương nồng say bịn rịn

bụi lúa xòe ra hình chiếc nơm

gié cần câu ken hạt căng tròn

(Buổi sáng ở Lạc Điền)

Từ cánh đồng lúa xanh lúc đầu xuân, đến tháng ba đã vào mùa lúa chín. Những ruộng lúa chín vàng, bông lúa sai trĩu, hạt căng tròn hứa hẹn một mùa bội thu, no đủ.

Lệ Thu hoàn thành bức tranh mùa xuân với các gam màu tươi sáng đan xen: Màu xanh của cỏ cây, chồi biếc, của cánh đồng lúa; màu vàng thắm của cánh hoa mai, vàng ươm của lúa chín, vàng nhạt của nắng xuân; màu hồng của tà áo cô gái,… Cảnh vật càng trở nên sinh động, tươi vui hơn khi được tô điểm bởi tiếng cười nói, hoạt động sắm tết tấp nập của con người.

Những suy tư

Không chỉ đơn thuần là cảnh xuân mà trong thơ xuân của Lệ Thu còn là những suy tư, trăn trở của thi nhân về cuộc đời. Tuy nói chuyện mưa tạnh, bão qua, xuân về, hoa nở, bướm ong bay lượn nhưng ở đó ta còn thấy được niềm tin yêu, lạc quan của nhà thơ vào cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng. Dù có mưa bão dầm dề, bao lần lũ cuốn nhưng chỉ cần con người có nghị lực và niềm tin thì cuộc sống sẽ mỉm cười. Điều đó được thể hiện rất rõ trong những vần thơ trong bài Chợ Tết miền Trung: Mưa bão qua rồi/ Nắng tạnh vườn xuân/ Hoa lại nở/ Bướm ong về họp mặt. Nghe trong câu thơ như vọng lại lời nhắn nhủ của cha ông thuở nào: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” (Bài ca dao Mười cái trứng).

Đó còn là niềm tin về sự thủy chung son sắt của cuộc đời:

Nhành mai thắm giữa một thời dâu bể

Năm cánh vàng không nhạt phai

(Chợ Tết miền Trung)

Dù trải qua bao gió bão, nắng mưa thì khi xuân về mai vẫn thủy chung giữ vẹn nguyên một màu vàng tươi thắm. Ngay cả khi đã lìa cành thì màu hoa ấy vẫn không hề phai nhạt. Mai là một trong bốn loài cây tượng trưng cho người quân tử: tùng, cúc, trúc, mai. Từ hoa, câu thơ khiến người đọc liên tưởng tới người. Trải qua một thời dâu bể với bao đổi thay của thời cuộc, con người vẫn thế, nữ sĩ vẫn ấp ủ trong tâm hồn mình niềm yêu thương chưa hề vơi cạn.

Qua mùa xuân, nhà thơ còn thể hiện sự nhìn nhận về quy luật của cuộc đời. Vòng quay thời gian không bao giờ thay đổi, cứ tuần hoàn đều đặn với bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông. Thời gian là vô hạn nhưng đời người lại hữu hạn. Ai chẳng phải trải qua sinh - lão - bệnh - tử? Bởi vậy, nhà thơ mới viết:

Mỗi năm một mùa xuân

Mỗi cuộc đời ngày mai mây trắng

Có ai mãi mãi không già

Có dòng sông nào luôn luôn phẳng lặng

(Mây trắng)

Mùa xuân vẫn trở về đúng nhịp thời gian và con người cũng có khi trở thành người thiên cổ. Hai câu thơ cuối không phải là câu hỏi mà là lời khẳng định: con người rồi ai cũng đến lúc phải già đi, cũng như những dòng sông không bao giờ luôn luôn phẳng lặng. “Đừng thấy dòng sông lặng lẽ mà bảo dòng sông không có sóng. Sóng đang nổi lên từ dưới đáy, người ta gọi đó là sóng ngầm” (Nguyễn Quang Sáng - Quán rượu người câm).

Ai đã từng đọc thơ Lệ Thu viết về mùa xuân sẽ thấy từ cảnh vật đến con người tất cả đều toát lên một vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và gần gũi. Cảnh vật và con người hòa quyện vào nhau tạo nên những vần thơ giàu chất chữ tình và đượm những suy tư. Nói như PGS.TS Hồ Thế Hà: Thơ Lệ Thu càng về sau càng lặng lẽ, suy tư và chắt lọc. Chị tự lắng nghe nhịp tim sinh nở của mình trong nhịp đời cuộn trôi thao thiết; qua đó, thể hiện được sức sống tươi non trong từng giọt hồng cầu thi sĩ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày