Tết năm nay: Nhớ tía và thương má nhiều hơn

GNO - “Năm con Út 15 tuổi, nhà tui không còn Tết nữa”. Đó là câu mà má tôi vẫn thường hay nói khi có ai đó vô tình hỏi rằng: Tết nay có vui không? Bởi vì năm tôi vừa tròn cái Tết thứ 15, thì tía tôi ngủ một giấc dài không dậy nữa...

tetcuatoi.jpg
Tết của chúng tôi sẽ được bắt đầu lại một cách ý nghĩa, vì chúng tôi còn má - Ảnh minh họa

Chúng tôi thật sự rất nhớ, nhớ những cái Tết rộn ràng khi còn tía, trong từng góc nhà, góc bếp. Ngay cả con chó, con mèo cũng vẫy đuôi liên tục vào cái thời khắc giao thừa cả nhà quây quần bên nhau ấy. Mùi nhang thoang thoảng đốt lúc giao thừa, mùi bánh mứt còn vương trên khóe miệng tưởng chừng như rất gần nhưng lại thật xa.

Tôi còn nhớ, giao thừa năm đó sau khi đã lì xì cho ba chị em, gia đình chúng tôi ngồi bên nhau, nói với nhau đủ thứ chuyện, tiếng cười vô cùng rộn rã. Tía kể cho chúng tôi nghe về những ngày tuổi thơ của tía khi còn ở với ông bà nội. Kể về mối tình gốc mận của tía má. Thời khắc đó, những tiếng cười giòn tan vang lên trong đêm trước thềm năm mới với đầy hy vọng. Nhưng sáng hôm sau, khi má vào buồng gọi tía dậy sắp xếp đi lên chùa đầu năm thì phát hiện ra tía đã ngủ không bao giờ dậy nữa - giấc ngủ cho mãi những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời. Ngày mùng một Tết, gia đình tôi lặng chìm trong nước mắt. Tía đã đột quỵ qua đời.

Chẳng ai đến nhà tôi vào ngày mùng một Tết ngoài những người bà con thân thiết đến thắp nhang rồi lẳng lặng ngồi nhìn thương xót. Đám của tía cũng lặng lẽ tổ chức một cách vội vã. Hai ngày sau đêm giao thừa, má đưa về nhà một hũ cốt, của tía. Chị Hai quay người chạy vào buồng, hai chị em tôi và má cũng òa theo khóc. Có lẽ, từ đó nhà tôi không còn Tết nữa.

Những năm sau đó, Tết lúc nào cũng được chuẩn bị một cách sơ sài, tận sâu trong lòng chị em chúng tôi, Tết là một khái niệm gì đó mơ hồ và gợi lại nhiều nước mắt. Chiều giao thừa, má tôi sẽ lại chạy chiếc xe đạp cũ ra chợ, mua vài đòn bánh tét, một ít mứt, và một vài đồ cần thiết cho giỗ của tía. Giao thừa, sau khi dọn thức ăn và đồ cúng lên bàn thờ, má và 3 chị em tôi thắp nhang rồi lẳng lặng đi ngủ. Từ lúc tía qua đời, chúng tôi quên mất không nhận ra rằng mỗi năm Tết đến, má tôi càng già đi thêm một chút. Chúng tôi vì quá yêu thương người cha đã ra đi một cách đột ngột mà quên mất rằng, má tôi cũng đang già đi theo năm tháng.

“Người đã mất cũng đã mất, tía mà còn chắc cũng không muốn má con mình đón Tết như vầy”. Chị Hai nói với tôi qua điện thoại. Nói tới đây tôi mới chợt nhận ra, từ mấy năm nay, nhà tôi chẳng có một cái Tết nào đúng nghĩa. Thế là năm nay, chúng tôi về quê đón Tết với má thật sớm.

Chúng tôi sửa nhà, dọn bàn thờ của tía, chưng thêm bình hoa vạn thọ, rồi cùng má đi chợ mua đồ, sắm sửa. Mang Tết về lại với ngôi nhà đã nguội lạnh vì mất mát. Đốt một bếp lửa thật to, nấu một nồi bánh tét như xưa, đặt một chậu mai vàng trước hiên để đón Tết lại về. Suy nghĩ theo một hướng khác tích cực hơn, tôi biết tía cũng đang ở đâu đó, yên tâm và đang mỉm cười với má, với chị em chúng tôi.

Có những nỗi bi thương, không bao giờ quên được nhưng phải gói nó lại, nhìn theo hướng tích cực hơn. Chớ nên để nỗi bi thương chiếm mất những thứ quan trọng ở hiện tại, nếu không thì bi thương cũng chồng chất bi thương mà thôi. Cuộc đời người được mấy mươi năm, người quá cố cũng đã mất, nhưng người thân thiết vẫn còn đó, ở bên cạnh ta.

Ai biết rằng, những người xung quanh mình còn ở bên mình bao nhiêu năm tháng nữa. Vì dòng đời là vô thường, nên nhất định phải luôn trân trọng những khoảnh khắc bên cạnh những người mình thương yêu. Nhờ nhận ra những điều đó mà năm nay, Tết của chúng tôi sẽ được bắt đầu lại một cách ý nghĩa, vì chúng tôi còn má. Tết của chúng tôi đó chính là nhớ về tía và thương má nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo sư Trần Văn Khê

Giáo sư Trần Văn Khê biết tụng kinh từ khi 4 tuổi!

GNO - Trong chương trình giao lưu với các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh tại chương trình “Thai giáo và phương pháp nuôi dạy con”  tại Hà Nội vừa qua, vị giáo sư tài ba và đáng kính Trần Văn Khê đã chia sẻ những câu chuyện làm bất ngờ biết bao khán giả, trong đó có tôi.
Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.

Thông tin hàng ngày