Tết rất đỗi thiêng liêng

GN - Cứ mỗi độ xuân về, vào những ngày Tết thì đa số mọi người đều đi chùa lễ Phật, xin lộc và cầu phúc...

ĐĐ.THÍCH GIÁC NHƯỜNG (Giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM): Mùa xuân là bắt đầu cho cả năm, và quan trọng hơn hết là giờ phút giao thừa và những ngày đầu xuân; vì thế, dù là Phật tử hay chưa phải Phật tử, cứ mỗi độ xuân về, vào những ngày Tết thì đa số mọi người đều đi chùa lễ Phật, xin lộc và cầu phúc cho gia đình, cũng như cầu mọi việc hanh thông. Nhưng dưới góc nhìn của Phật giáo thì mọi việc thành công hay thất bại đều bị chi phối bởi sự nỗ lực trong công việc, thái độ ứng xử công việc của chính bản thân mình.

BTN.JPG

Một góc không gian Tết Gia Lạc lần đầu tiên được phục dựng ở VN

Như vậy, việc đi chùa xin lộc đầu năm, nên chỉ xem là động lực để chúng ta có thêm sức mạnh của sự tự tin trong công việc, là hình ảnh nhắc nhở chúng ta, đây là món quà, là lộc xin được từ trên chùa, xin Phật, Bồ tát - bậc trí tuệ và từ bi, nhờ đó giúp chúng ta thường tỉnh giác, kiểm soát được những việc làm, những dự tính của mình. Nếu được vậy thì việc xin lộc đầu năm sẽ tăng thêm giá trị trong nét đẹp văn hóa. Còn ngược lại, xem lộc chùa như là một phép mầu để chuyển đổi vận mệnh, cuộc sống thì chúng ta rơi vào mê tín. Mà mê tín thì kết quả khó được như ý, có khi dẫn đến những khổ đau không chừng. Mong rằng, mọi người hãy giữ nét đẹp văn hóa đi chùa đầu năm, nhưng cũng phải hiểu được ý nghĩa của sự gần gũi, tiếp cận và xin lộc từ bậc trí tuệ và từ bi, hoặc có thể đó là một cành hoa, một câu chúc, một bài kệ trên chùa.

Phật tử NGUYỄN PHONG CHÂU (30 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM): Tôi thấy cuộc sống bây giờ có nhiều thay đổi theo hướng “hiện đại” nên ngày Tết không còn trọn vẹn ý nghĩa như ngày xưa nữa. Ngày xưa, Tết là dịp sum họp, đoàn tụ, ngày Tết thiêng liêng bên ông bà, cha mẹ…, bao nhiêu phong tục, tập quán được nhắc nhở. Còn bây giờ, ngày Tết đối với nhiều người trẻ đơn giản như là dịp nghỉ dài ngày! Họ có thể đi du lịch xa, đi chơi với bạn bè, thậm chí giải quyết công việc luôn; những ngày thiêng liêng như Tết cũng không còn ý nghĩa nhiều với họ! Đó là điều rất đau lòng.

Do vậy, khi ý thức về điều đó gia đình và xã hội nên bắt đầu nghĩ cách để giáo dục truyền thống cho lớp trẻ (tất nhiên phải nương theo cuộc sống hiện đại, chẳng hạn thi tìm hiểu về ngày Tết xưa thông qua các tờ báo, trang web trên mạng hay chính nhà văn hóa thanh niên…). Nói chung giáo dục từ những cái đơn giản nhất, dễ thấm nhất chứ không hẳn cứ nhồi nhét vì mỗi thời suy nghĩ, tư duy cũng có khác! Và trách nhiệm đó tôi nghĩ phần lớn nằm ở gia đình, sau đó là định hướng chung của xã hội. Trong tinh thần “Phật hóa gia đình”, mỗi gia đình Phật tử có thể đến Tết nên tổ chức đưa con cháu đến chùa lễ Phật, ăn chay… để khơi mầm yêu thương, nếp sống của Tổ tiên trong những ngày Tết thiêng liêng!

Nhà báo THÚY HẰNG (Lao Động): Trẻ em chỉ như một tờ giấy trắng. Mọi hành vi, cử chỉ của các em chỉ được hình thành và duy trì khi có sự tác động, ảnh hưởng của người lớn. Nhà nhà, người người nô nức vui Halloween, Noel hơn cả Tết Trung thu. 

Và ngày Tết cổ truyền, vì làm cả năm quá bận rộn, mệt mỏi, nhiều gia đình chọn giải pháp đăng ký đi du lịch nước ngoài, ngủ bù trong năm và gọi đồ ăn nhanh về nhà cho đỡ mất thời gian nấu nướng, dọn dẹp. Vậy thì ai là người dạy trẻ em phong tục của Việt Nam?

… Dạy văn hóa cho trẻ em, đâu cần phải đao to búa lớn, sách vở, tài liệu nọ kia. Nếp sống, thói quen của người lớn chính là một tấm gương lớn, để trẻ em nhận ra giá trị cốt lõi của phong tục, nét đẹp trong nếp sống người Việt!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày