GN - Nhiều năm sau, người viết vẫn còn hình dung rõ đêm hoa đăng rực rỡ, thiêng liêng ấy. Lời kinh vang rền, ánh nến lung linh sáng lên trong nền đêm sâu thẳm. Hàng trăm con người, áo tràng trang nghiêm, chắp tay thành kính bên hồ bán nguyệt, giữa có tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm.
Giọng thầy MC cất lên chậm rãi: “Mỗi ngọn hoa đăng được đốt lên, cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, an lạc cho mình và người. Mỗi ngọn đèn là ánh sáng xua tan bao vô minh hắc ám, xóa tan bao đau khổ, để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp, một thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc, an lạc. Chúng ta hãy cùng thả xuống những đóa hoa đăng, thả xuống ánh sáng, thả xuống thiện lành, thả xuống những thương yêu...”.
Ảnh minh họa
Sự tôn nghiêm, lòng kính ngưỡng, trong một hoàn cảnh và hình thức phù hợp, đã tạo nên sự linh thiêng hiếm có, khắc sâu vào tâm khảm mỗi người. Không thể phủ nhận, đó là khoảnh khắc của tôn giáo. Tôn giáo không tách rời nghi thức. Và nghi thức không ở ngoài hình thức. Nhưng một tôn giáo nếu chỉ dừng ở nghi thức - hình thức thôi thì sẽ là một tôn giáo rỗng.
Phật giáo hiện được xem là một tôn giáo. Dù vậy, trên hết, Phật giáo vẫn là một tôn giáo thực hành. Một khi lời Phật dạy còn được chúng đệ tử hành trì thì khi ấy đạo Phật vẫn còn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân loại.
Nhưng thực hành lời Phật không có nghĩa phủ nhận hình thức. Song ở đó, hình thức phải ở mức phù hợp, nếu đi quá, cán cân hình thức - nội dung sẽ bị lệch. Điều đó không chỉ được thấy ở tôn giáo nói riêng, mà cả ở những tổ chức xã hội nói chung.
Hiện nay nhiều người phản đối gay gắt những kiểu làm hình thức, lấy thành tích, điển hình gần đây nhất là kiểu tổ chức lễ khai giảng rườm rà, bắt học sinh tập dượt nhiều lần, cho trẻ con đọc thuộc lòng những bài phát biểu soạn sẵn. Nhiều trường hiện nói không với việc thả bong bóng trong ngày khai trường. Lễ khai giảng tổ chức giản dị, vừa đủ ý nghĩa…
Xã hội bắt đầu dị ứng với những kiểu làm hình thức. Bởi chúng không chỉ vô bổ, mất thời gian, tốn kém tiền của mà nhiều khi còn gây hại đến môi trường. Người ta nhận ra một nghịch lý: con người ở những đất nước văn minh thường chú trọng nội dung hơn hình thức - những cuộc họp cấp cao không cần phải tổ chức xa hoa; những bài phát biểu quan trọng không cần phải dài dòng… Trong khi đó, nhiều quốc gia lạc hậu lại ưa chuộng hình thức rườm rà, như thể hình thức sẽ bù đắp cho sự sơ sài, khiếm khuyết về nội dung vậy!
Cho nên, không phải tự nhiên mà người ta ác cảm, dị ứng với những lễ hội, trong đó có lễ hội hoa đăng mang nặng hình thức, lấy “kỷ lục”, lại sử dụng những chất liệu gây hại đến môi trường.
Hình thức vốn rất cần cho cuộc sống, bởi nó chứa đựng nội dung, ở một mức phù hợp. Nội dung là cốt lõi của hình thức. Không có cái cốt lõi này thì việc làm không còn ý nghĩa. Như nếu muốn thả những thương yêu, thì nhất thiết chúng ta phải có những chất liệu thương yêu trong lòng, đó là kết quả của việc thực hành từ bi. Chúng ta đem thương yêu vào đời chứ không phải thả rác vào môi trường. Có như vậy thương yêu mới trở thành chất liệu sống, nhằm cứu thế gian ô nhiễm, đem thương yêu hóa giải hận thù…
* Đọc thêm: Sau sự lung linh của đêm hoa đăng