Thái Lan: Chư Tăng được tiêm vắc-xin Covid-19

Chư Tăng tại Thái Lan được xếp vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc-xin Covid-19
Chư Tăng tại Thái Lan được xếp vào đối tượng ưu tiên được tiêm vắc-xin Covid-19
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở Thái Lan, chư Tăng là đối tượng tiếp xúc với nhiều người, vì phải trì bình khất thực và thực hành các lễ nghi, tín ngưỡng, cầu nguyện và chúc phúc cho người dân, nên đã được ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19.

Chư Tăng được ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa virus corona sớm hơn phần lớn dân chúng Thái Lan. Tại Bangkok, trong hai ngày 17 và 18-5-2021 vừa qua, khoảng 500 nhà sư đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.

Với đợt tiêm vắc-xin này, hy vọng rằng chư Tăng có thể yên tâm trở lại những nhiệm vụ tâm linh hàng ngày, như khất thực và các hoạt động cầu nguyện phúc lành đến đại đa số Phật tử tại Thái Lan. Bởi vì chư Tăng tiếp xúc với nhiều người khác nhau chỉ trong một vài ngày nên họ có thể là nguồn lây lan Covid-19 trong cộng đồng nếu bản thân họ bị nhiễm.

“Những hoạt động tôn giáo này khiến quý sư có nguy cơ tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh rất cao. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin cho họ phải tiến hành càng nhanh càng tốt. Chỉ có như thế, họ mới có khả năng miễn dịch và tránh khỏi sự lây nhiễm bệnh dịch từ số đông quần chúng Phật tử”, thông tin từ bệnh viện dành cho chư Tăng ở Bangkok cho biết.

Chư Tăng đang ở trong nơi chờ tiêm vắc-xin Covid-19

Chư Tăng đang ở trong nơi chờ tiêm vắc-xin Covid-19

Trong khi việc tiêm vắc-xin Sinovac được bắt đầu ở Thái Lan vào cuối tháng 2-2021, chỉ có khoảng 1,5 triệu trong số 66 triệu dân của vương quốc này đã tiêm được ít nhất một liều vắc-xin. Chính phủ cho biết đã lên kế hoạch về một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt bắt đầu vào tháng 6 tới. Chiến dịch đó sẽ sử dụng 35 triệu liều vắc-xin Oxford-AstraZeneca nhập khẩu, cùng với 26 triệu liều nữa được sản xuất trong nước qua công ty dược Siam Bioscience.

Tuy vậy, vấn đề mà Thái Lan đang phải đối mặt là sự nghi ngờ đối với tác dụng của vắc-xin. Nhưng thông qua việc tiêm vắc-xin cho các nhà sư, chính phủ Thái Lan có thể nhận được sự tin tưởng và ủng hộ nhiều hơn đối với vắc-xin từ người dân.

Thanathorn Juangroongruangkit, một chính trị gia đồng thời là cựu ứng cử viên Thủ tướng cho biết: “Mọi người không tin tưởng chính phủ và họ không tin tưởng vào vắc-xin mà chính phủ đã bảo đảm cho họ. Lòng tin cần phải có quá trình để hình thành. Bạn không thể xây dựng nó trong một sớm một chiều. Vì vậy, khi chính phủ thông báo rằng mọi người nên tự đi tiêm phòng thì họ lại do dự vì không chắc chắn về tác dụng phụ và hiệu quả của vắc xin.”

Thái Lan đang phải chống chọi với làn sóng dịch bệnh lần thứ ba và cũng là đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay, với số ca nhiễm mới tăng mạnh lên đến mức hàng nghìn người mỗi ngày vào giữa tháng 4-2021. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, tổng số ca nhiễm trên cả nước là 119.585 ca, với 703 ca tử vong. Nhiều trường hợp mới được cho là do chủng biến thể B117 lần đầu tiên được xác định ở Anh. Các chủng biến thể B.1.617.2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ cũng đã được tìm thấy bởi các cơ quan y tế ở Thái Lan trong tháng 4 này.

Vào tháng 1-2020, Thái Lan là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc xác nhận một trường hợp nhiễm virus corona mới. Tuy nhiên, Thái Lan đã nhanh chóng thực hiện các chính sách để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ các vùng biên giới và đã thành công trong việc áp dụng các biện pháp y tế nhằm ngăn chặn sự bùng phát trầm trọng của dịch bệnh. Đất nước này không phải là trường hợp duy nhất phải chịu sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm sau một thời gian dài phòng dịch thành công. Phần lớn các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đang phải trải qua một làn sóng các ca bệnh mới với mức độ đáng lo ngại.

Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho biết: “Những gì chúng ta đang nhìn thấy ở Đông Nam Á chỉ là những dấu hiệu ban đầu, các ca nhiễm đang gia tăng theo cách tương tự như những gì chúng ta đã thấy ở Nam Á cách đây bốn tuần. Làn sóng thứ hai đang thực sự lan rộng khắp châu Á, từ Nam Á sang Đông Nam Á”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày