Tháng ngày hạnh phúc

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kiến ngồi vắt vẻo trên cây khế ngọt mắt đăm đăm nhìn nắng lọt qua tán lá nhảy nhót giữa những kẽ ngón chân. Thỉnh thoảng thằng bé ngẩng lên dõi theo một chiếc xe khách nào đó chầm chậm rẽ từ đường đê xuống.

Xóm nhà bà ngoại Kiến có nhiều người chạy xe khách. Bốn giờ chiều, những chuyến xe đầu tiên từ nhiều tuyến đường bắt đầu trở về. Cổng nhà bà ngoại rộng, nên nhiều người thuê làm chỗ đậu xe. Nhảy phắt từ xe xuống, mấy bác tài đi qua chỗ Kiến ngồi ngoắt tay bảo: “Xuống đây nhóc!”. Có lúc Kiến ngồi im chẳng buồn nhúc nhích. Nhưng cũng có lúc Kiến tụt xuống nhận từ tay họ nắm kẹo, vài chiếc bánh mì hoặc một món đồ chơi nào đó. Họ thường xoa đầu Kiến bảo:

- Sao buồn thiu thế nhóc? Hôm nào có muốn làm một chuyến xuống thủ đô không?

Mắt Kiến sáng lên, nó hỏi:

- Thật chứ ạ? Chú sẽ cho con đi cùng thật chứ ạ?

Họ cười phá lên:

- Chú đùa đấy. Đời nào bà ngoại cho nhóc cho đi theo. Mà thôi đừng có đợi bố nhóc nữa. Có khi ông ấy đã lấy vợ mới lâu rồi.

- Cháu không thèm đợi bố. Cháu chỉ đợi em Bống thôi mà.

Kiến nói như gào lên trong tiếng khóc, khiến ngoại đang lúi húi đâu đó ngoài vườn phải vội vàng chạy lại dỗ dành. “Thôi mấy chú đừng trêu thằng nhỏ nữa. Tội nghiệp”. Kiến lấy cánh tay chùi nước mắt, lủi thủi ra một góc vườn ngồi lì cho đến tối mịt, ngoại gọi ời ời mới chịu vào nhà.

Hồi trước thằng nhỏ là đứa trẻ lém lỉnh, tinh nghịch, hay cười. Nhưng kể từ khi bố mẹ bỏ nhau, anh em nó mỗi đứa một nơi thì thằng nhỏ trở nên lầm lì như thế. Nó không thể nào quên được ngày bố lôi em lên chiếc xe khách màu đỏ rồi biến mất. Em Bống bé bỏng vẫn còn ngái ngủ, tay ôm theo chiếc gối in hình con gấu có vài vết mốc đen.

Kiến chạy theo xe gào khóc gọi em. Bé Bống đập tay vào cửa kính, khóc theo. Nhưng chiếc xe trôi đi, chỉ còn lại đốm đỏ nhỏ nhoi rồi mất dấu trên đường đê hun hút. Chỉ còn lại nước mắt mẹ và bà ngoại nhạt nhòa. Kiến mãi mãi không hiểu được người lớn nghĩ gì. Tại sao phải chia cách hai anh em Kiến? Câu hỏi ấy Kiến hỏi đến chán không buồn hỏi nữa. Ngoại nói:

- Bố mẹ con không ở được với nhau thì chia tay. Khi ra tòa thì tài sản, con cái đều chia đôi. Bố mẹ con không có tài sản gì thì chia con chia nợ.

- Sao anh em con cứ nhất định phải chia đôi? Sao không thể ở cùng nhau như trước?

Bà ngoại thở dài, xoa đầu Kiến bảo:

- Có những chuyện sau này lớn lên con sẽ hiểu.

Kiến không muốn hiểu. Thằng bé bực bội mỗi khi nghe ai đó nói với nó câu: “Sau này lớn lên…”. Kiến không biết “sau này” là bao lâu. Tại sao người lớn luôn nói với cậu bắt đầu bằng câu “sau này” như thế. Sau này lớn lên, con muốn đi gặp em lúc nào cũng được. Sẽ chẳng ai ngăn cấm; sau này bố mẹ con đều sẽ có gia đình mới; sau này con sẽ quen dần mọi thứ…

Thời gian trôi đi, những chuyến xe khách không mang Bống trở về. Mẹ hình như đã dần quên chuyện cũ. Mẹ cười nhiều hơn, nhất là khi bớt dần vài khoản nợ. Mọi người cũng chán động viên vỗ về Kiến như trước nữa. “Thằng bé phải lớn lên. Nó phải học cách chấp nhận”. Ai đó đã nói thế, từng lời sắc nhọn như những mảnh thủy tinh vỡ vụn dưới nhà hôm bố mẹ xô xát với nhau. Dù đã được quét đi nhưng những mảnh vụn bé xíu vẫn còn sót lại trong nhà, đã đâm vào chân anh em Kiến. Đến tận bây giờ mỗi lần đi qua chỗ đó, Kiến còn thấy ghê chân. Có khi thằng nhỏ nhón một bước thật dài như đã từng nhón qua đống mảnh vỡ nằm vương vãi.

Một tối mẹ về nhà sau giờ làm. Mẹ ôm lấy Kiến thủ thỉ:

- Hay mẹ sẽ đi xuất khẩu lao động vài năm Kiến nhé? Đi như các bác trong xóm mình ấy. Mẹ bạn Trung, chị Nụ, bé Na…

- Mẹ sẽ bay trên bầu trời rồi đi xa tít tận nước nảo nước nào đấy ạ? Tết cũng không được về nhà?

- Vài năm nhanh lắm con ạ. Chỉ ba cái Tết vắng mẹ thôi. Mẹ sẽ kiếm nhiều tiền trả hết nợ nần. Mẹ sẽ đón em Bống về ở cùng mẹ con mình.

- Thật chứ ạ? Nhưng bố có chịu không? Sao mọi người nói mẹ sẽ đi lấy chồng?

- Mẹ không biết sau này thế nào. Nhưng dù có chuyện gì xảy ra mẹ vẫn sẽ nuôi các con khôn lớn.

Mẹ ôm chặt Kiến vào lòng, tay vỗ về, miệng hát ru khe khẽ. Những bài hát này trước kia đêm nào mẹ cũng hát ru bé Bống. Chắc là mẹ đang rất nhớ em. Vậy mà có lúc Kiến từng vùng vằng giận dỗi vì nghĩ mẹ đã không còn thương Bống nên mới để bố mang em đi như thế. Kiến nằm co người lại, bé bỏng trong lòng mẹ. Nó thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ trong mường tượng một ngày em Bống sẽ trở về.

Trong giấc mơ Kiến thấy hai anh em đang chạy luồn dưới những tán cây trong khu vườn nhà ngoại. Bống cười khúc khích nói ngọng níu ngọng nô đòi hái những trái vải đầu mùa. Kiến cúi xuống nhặt những vụn lá khô dính trên tóc em. Vải đầu mùa ngọt lắm, Bống nhằn những chiếc hạt bé xíu ra tay đòi để dành mang đi ươm.

Lũ chim sâu kêu lích chích trên những tán cây. Bống vừa đi vừa hát: “Chim gặp anh Chích Choè, chào anh/ Chim gặp chị Sáo Nâu, chào chị”. Kiến còn mơ thấy buổi chiều hai anh em ra bãi cát sông Hồng thả diều. Bống chỉ sang phía bờ bên kia hỏi ở đó có gì? Kiến chỉ cây cầu lớn tít mãi phía xa, hứa sau này Bống lớn lên sẽ cùng em qua đó. Tỉnh dậy, Kiến thấy như còn hơi ấm Bống đâu đây…

Cuối cùng cũng sắp đến ngày mẹ bay cũng là lúc Kiến được nghỉ hè. Chiều ấy lúc đang ngồi vắt vẻo trên cây khế ngọt, thì chuyến xe màu đỏ đã đưa bố và Bống về trong sự ngỡ ngàng. Kiến cứ ngỡ như một nhấc mơ. Mãi tận lúc khẽ nhéo vào đôi má phúng phính của Bống, Kiến mới tin là thật. Bố nhấc bổng Kiến lên ngồi vào lòng mình, thủ thỉ:

- Anh cả lớn quá. Có nhớ bố không?

- Sao bố không gọi điện về cho con? Bố không nhớ con mà.

- Đợt vừa rồi bố đi làm suốt, ngày nào cũng tăng ca. Về đến nhà thì đã muộn rồi.

- Bố nói dối. Cô giáo con nói, nếu mình quan tâm đến ai đó thì dù bận thế nào cũng luôn có thời gian.

- Là bố sai rồi. Bố xin lỗi Kiến.

- Bố và em sẽ ở đây, cả nhà mình sẽ như xưa chứ ạ?

- Kiến này. Có những chuyện sẽ không bao giờ có thể như xưa nữa. Như bố và mẹ vậy. Nhưng sau này cứ mùa hè và tết bố sẽ cho em Bống về chơi với Kiến.

Bé Bống ôm chầm lấy anh, dùng bàn tay múp míp như nải chuối lau những giọt nước mắt trên má Kiến. Mẹ đã có lịch bay, những ngày được gần hai anh em Kiến ít dần. Mẹ nấu những món thật ngon mà hai anh em thích nhất. Mẹ đưa anh em Kiến đi khu vui chơi trên phố. Đêm đến, mẹ ôm hai anh em Kiến ngủ, ngoài vườn lũ dế vẫn không ngừng đàn hát. Thỉnh thoảng lọt vào tiếng chim cuốc gọi bầy. Tiếng xao xao của cây lá trong vườn khiến Kiến thao thức mãi.

Thằng nhỏ hít hà mùi của mẹ để xem sau này có thật như thằng Trung nói hay không. Nó từng bảo: “Mẹ tớ đi lâu đến mức, tớ đã quên mất mùi của mẹ”. Phải rồi, điện thoại chỉ có thể nhìn được hình ảnh, nghe được tiếng nói chứ làm sao có thể ngửi thấy mùi của mẹ. “Như lúc tớ bị bắt nạt, vừa đau vừa buồn mẹ cũng đâu thể biết”.

Thỉnh thoảng Trung dúi cho Kiến vài thanh kẹo hay vài món đồ chơi “mẹ tớ mua bên Nhật gửi về”. Sau giây phút háo hức mắt Trung thường cụp xuống, buồn rầu. Kiến không muốn sau này phải buồn như Trung. Nhưng bà ngoại nói rồi, bố mẹ từng làm ăn thua lỗ nợ nần rất nhiều. Mẹ phải đi làm xa để lấy tiền trả nợ. Kiến không muốn nhìn thấy mẹ khóc mỗi khi có ai đó đến nhà đòi nợ nữa.

Lần đầu tiên anh em Kiến được đến sân bay. Bé Bống reo hò khi nhìn qua cửa kính, thấy những chiếc máy bay cất cánh bay lên bầu trời. Một trong những chiếc máy bay ấy mang theo mẹ tới chân trời xa lắc. Mãi đến tận lúc ấy Bống mới chợt òa lên nức nở. Kiến dắt em nhìn lên bầu trời lâu thật lâu. Thằng nhỏ nói:

- Bao giờ mẹ về anh em mình lại ra đây đón nhé.

- Bao giờ thì mẹ về?

- Nhanh thôi mà. Mẹ bảo rồi, chỉ cần Bống mạnh khỏe, chăm ngoan là mẹ sẽ sớm về.

Suốt mùa hè Bống ở cùng bà ngoại và anh Kiến. Cách vài ngày bố điện về nói chuyện với anh em Kiến qua chiếc điện thoại mẹ để ở nhà. Có hôm bố dạy Kiến làm bài tập làm văn. Có hôm bố hướng dẫn Kiến xoay khối rubik. Cũng có lúc bố điện về im lặng nhìn hai anh em Kiến chạy chơi với nhau trong nhà. Kiến không còn giận bố như trước nữa. Bố gầy và đen hơn. Ai cũng nói trông bố buồn hơn trước. Có lần Kiến hỏi bà:

- Bà ơi, có thật bố mẹ cháu sẽ không bao giờ cùng chung sống với nhau như trước?

- Bà không muốn nói dối Kiến đâu. Như cái bát vỡ rồi không thể lành. Như bát nước đổ đi làm sao có hớt lại? Bố mẹ cháu đã đi qua cơn bĩ cực, những cay đắng, giận hờn. Giờ có thể làm bạn cùng nhau để nuôi dạy con cái đã là điều tốt.

- Mọi người nói sau này bố mẹ cháu đều sẽ có một gia đình khác.

- Bố mẹ con còn trẻ. Cần có người yêu thương bầu bạn, nhất là lúc về già. Bởi sau này các cháu lớn lên, cũng sẽ có cuộc sống của riêng mình. Các cháu cũng không thể cả đời ở bên bố mẹ mãi được. Nhưng dù bố mẹ có đi bước nữa, thì các cháu vẫn luôn được yêu thương.

Kiến không nói gì, mắt nhìn ra mảnh sân chênh chếch. Bé Bống đang mải đuổi theo con mèo mướp. Chỉ ít ngày nữa Bống sẽ về với bố. Căn nhà này chỉ còn lại bà ngoại và Kiến sớm tối bên nhau. Mảnh sân vắng tiếng cười của Bống, hẳn con chó con mèo còn biết nhớ. Mấy hôm nay Kiến đang làm nốt chiếc diều làm quà cho em Bống. Một chiếc diều hình cánh bướm, bảy sắc cầu vồng. Bống thích mê, buổi tối còn đòi ôm diều ngủ.

Mẹ đi làm về muộn, múi giờ lại lệch nhau. Nên chỉ thỉnh thoảng mẹ mới gọi về nhà. Lần nào mẹ cũng dặn anh em Kiến đủ điều. Mẹ không thấy được buổi chiều mùa hè hôm ấy, một lần nữa bố dẫn Bống lên chuyến xe khách màu đỏ chầm chậm rời đi. Kiến ngồi trên cây khế ngọt nhìn theo lòng như diều đứt dây, chới với. Nhưng Kiến sẽ chỉ nghĩ đến một ngày nào đó bố sẽ lại đưa Bống về đây. Nghĩ về ngày nào đó mẹ sẽ trở về, hai anh em sẽ được sống cùng nhau. Nghĩ về những tháng ngày hạnh phúc sau này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày