Thế giới Phật

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lễ Phật tại nơi kỷ niệm Đức Phật thực hành khổ hạnh tại thánh tích Khổ Hạnh Lâm, Ấn Độ - Ảnh: H.Độ
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lễ Phật tại nơi kỷ niệm Đức Phật thực hành khổ hạnh tại thánh tích Khổ Hạnh Lâm, Ấn Độ - Ảnh: H.Độ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đức Phật nói con người chỉ thấy Phật là con người, chư thiên thấy Phật là chư thiên, hàng Nhị thừa thấy Phật là Nhị thừa, Bồ-tát thấy Phật là Bồ-tát, Phật mới thấy Phật là Phật. Đây là cách thấy khác nhau, cách hiểu khác nhau.

Nói cách nào đó, chúng ta là con người không thể nào hiểu Phật được. Cho nên Phật nói không kể đến hàng nhân thiên, chỉ kể đến hàng Nhị thừa và Bồ-tát thì dù có tập hợp hết các Bồ-tát cũng không thể nào hiểu Phật, hoặc tập hợp hết các A-la-hán cũng không thể hiểu Phật. Vì thế, A-la-hán chỉ hiểu Phật tới mức độ của A-la-hán, còn Bồ-tát tu tới đâu hiểu Phật tới đó. Ngoại trừ các Bồ-tát làm Phật rồi, hiện thân lại làm Bồ-tát thì những người này hiểu Phật.

Từ con người tu lên cho đến thành Phật và thành Phật rồi, ở trong thế giới Phật. Thế giới Phật có hai, thế giới Phật gần nhất và dễ hiểu nhất gọi là thế giới Thật báo.

Người tu Pháp hoa Bổn môn muốn tìm vào thế giới Phật thì đầu tiên chúng ta tìm vào thế giới Thật báo. Thế giới Thật báo có nghĩa là thế giới hoàn toàn tốt đẹp, chỉ có Nhị thừa và Bồ-tát. Người, trời, ma quỷ không vô đây được.

Đức Phật giới thiệu thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà ngầm chỉ thế giới Thật báo của Đức Phật Thích Ca để chúng ta hình dung được mà đi vô. Vì thế giới của Đức Phật A Di Đà chỉ có Nhị thừa đều đắc quả La-hán và hàng Bồ-tát đều là Nhứt sanh bổ xứ Bồ-tát, tức hàng Bồ-tát từ Thập địa trở lên.

Như vậy, thế giới của Phật toàn là người giỏi, người tốt. Mà người tốt thì tìm người tốt làm bạn, người giỏi tìm người giỏi hợp tác, vì mình muốn hợp tác phải tìm người giỏi hơn mới theo được, người dở hơn mình, mình không thể nào theo được. Thí dụ Nguyễn Trãi muốn làm cách mạng phải đi tìm Lê Lợi, vì Nguyễn Trãi thấy Lê Lợi giỏi hơn ông, phước đức nhiều hơn ông thì ông mới tới hợp tác.

Thế giới Phật cũng vậy, thế giới Thật báo của Phật chỉ có Bồ-tát và A-la-hán mới vô đó được. Nhưng ngày nay ta tu Tịnh độ, ta nghĩ Đức Phật nói kinh Di Đà rằng chỉ cần nhứt tâm bất loạn và trì danh hiệu của Phật A Di Đà mười tiếng thì cũng được vãng sanh Cực lạc, tức là về Phật. Nghĩ như vậy, nhưng nhiều khi ta tụng suốt cả ngày, suốt cả đời mà ta cũng không về Phật được, vì chúng ta không hiểu lời dạy của Đức Phật. Ý quan trọng nhất của pháp tu niệm Phật là nhứt tâm bất loạn, mà đạt được nhứt tâm bất loạn là đắc quả A-la-hán rồi.

Nhứt tâm bất loạn là chánh niệm mà chánh niệm là chỉ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Chúng ta tập trung vô ba niệm này, không nghĩ gì khác. Về điều này, nếu trở về Phật giáo Nguyên thủy, ta thấy gần nhau. Vì theo Phật giáo Nguyên thủy, làm gì cũng được, nhưng đòi hỏi phải nhứt tâm bất loạn, tức phải có chánh niệm. Còn mình tu cả đời mà thất niệm, coi như không có gì hết. Đây là điều mà các Phật tử nên nhớ để cố gắng thực tập làm sao nhứt tâm bất loạn mà chuyên niệm Phật A Di Đà.

Điều này tôi đã thực tập trên bảy mươi năm, nhưng đạt tới nhứt tâm khó lắm. Có nhiều cách để thực tập, riêng tôi ở đâu cũng để tượng Phật, trong phòng có bàn để tượng Phật, ở trên nóc tủ cũng để tượng Phật. Coi như tôi nhìn đâu cũng thấy Phật để đạt đến chỗ chuyên trì danh hiệu nhứt tâm niệm Phật mà đôi khi còn không được. Như tôi đang ngồi nhìn tượng Phật, đang chánh niệm nghĩ về Phật, vụt trong tiềm thức tôi khởi lên hôm nay mình giảng kinh, như vậy thất niệm rồi.

Đức Phật dạy mình tu, giữ chánh niệm này ở đâu? Phật tử thường nghĩ mình tập nhứt tâm bất loạn bằng cách lúc nào cũng chuyên trì danh hiệu Phật thôi. Như vậy, công ăn việc làm của mình ra sao? Cho nên, mình phải tập giờ nào việc đó, vì còn sống trên cuộc đời này phải như vậy. Lúc tôi còn đang làm việc, giờ nào lên Học viện Phật giáo, tôi tập trung hết cho vấn đề Học viện, ra Báo Giác Ngộ, tôi tập trung hết cho vấn đề báo, về Thành hội Phật giáo thì tôi tập trung cho vấn đề Thành hội, đi thuyết pháp thì tập trung hết cho thuyết pháp.

“Bất loạn” là đặt tất cả tâm trí vào việc mình đang làm. Khi mình niệm Phật cũng vậy, nhứt tâm bất loạn nghĩa là mình chỉ nghĩ niệm Phật thôi. Như vậy cả đời tu để cuối cùng khi mình sắp chết, không còn làm gì nữa thì mình đạt tới nhứt tâm bất loạn này, mình hướng về Phật để mình về thế giới Phật. Đó là cốt lõi mà Phật tử nên nhớ, không phải nhứt tâm niệm Phật rồi lúc nào cũng niệm Phật, bỏ hết công ăn việc làm là hỏng. Nhờ nhứt tâm vào công việc, mình mới làm được tất cả các công đức trên cuộc đời. Đến khi muốn về Phật, mình nhứt tâm nghĩ về Phật thì mình về Phật được.

Tu hành có hai việc quan trọng nhất là chánh niệm và chánh định. Tất cả những việc khác là trợ duyên, là phụ để hỗ trợ cho chánh niệm và chánh định.

Bây giờ chúng ta chưa thấy được thế giới Thật báo của Đức Phật Thích Ca, Ngài mới vẽ ra thế giới Cực lạc để chúng ta hình dung ra thế giới thực của Đức Phật A Di Đà ở phương Tây giống như thế giới Thật báo của Đức Phật Thích Ca. Tại sao có thế giới Thật báo này? Thế giới Thật báo có được là do tu viên mãn phước đức và trí tuệ mà hình thành thế giới này.

Mọi người chúng ta sống trong thế giới mà Đức Phật nói đó là thế giới của nghiệp gồm có thiện nghiệp và ác nghiệp. Tất cả chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này là do nghiệp mà có mặt ở đây. Và từ nghiệp đó mới khởi lên phiền não, rồi từ phiền não mới đi vào trần lao, đây là cuộc sống của chúng ta xoay vòng bất tận trong sanh tử luân hồi. Thật vậy, từ khi chúng ta sanh ra cho đến khi chết, chúng ta thấy lúc nào cũng khổ, nên Đức Phật xác định cuộc đời là biển khổ. Ai cũng khổ, giàu nghèo gì cũng khổ, hoàn cảnh nào cũng khổ.

Nguyên nhân của khổ đau đều phát xuất từ nghiệp, theo lời Phật dạy, chúng ta chuyển ác nghiệp thành thiện nghiệp gọi là tu phước đức. Phật Thích Ca nói rõ sở dĩ Phật A Di Đà có một thế giới Cực lạc như vậy là do công đức mà thành. Cho nên, người có công đức, có thiện nghiệp thì hình thành được thế giới của công đức, thế giới của thiện nghiệp. Người có ác nghiệp hình thành thế giới của tội lỗi, của ác nghiệp.

Thiện nằm trong ba nghiệp thân, khẩu, ý của con người. Vì vậy mình gặp người chung quanh, nghe họ nói, nhìn việc làm của họ thì mình biết họ thiện hay ác. Nếu tâm họ là thiện thì lời nói của họ là thiện, việc làm của họ cũng thiện. Còn tâm họ nghĩ ác thì lời nói của họ phải ác và việc làm của họ cũng phải ác. Mà thiện nghiệp tạo nên thế giới an lành, ác nghiệp tạo nên thế giới khổ đau. Đức Phật A Di Đà nhờ tu thiện nghiệp trọn vẹn mà Ngài tạo ra thế giới cực kỳ an lành.

Thật vậy, khi chúng ta tu thiện nghiêp, có ý nghĩ thiện, lời nói thiện và việc làm thiện sẽ tác động tốt đẹp vào xã hội để tạo thành thế giới thiện lành. Thực tế cho thấy tâm tốt, lời nói tốt và việc làm tốt của chúng ta mới kết hợp được những người bạn tốt đến cùng hợp tác. Còn những người xấu ác không thể tới được vì họ chỉ thích hợp với người xấu ác.

Thiện nằm trong ba nghiệp thân, khẩu, ý của con người. Vì vậy mình gặp người chung quanh, nghe họ nói, nhìn việc làm của họ thì mình biết họ thiện hay ác. Nếu tâm họ là thiện thì lời nói của họ là thiện, việc làm của họ cũng thiện. Còn tâm họ nghĩ ác thì lời nói của họ phải ác và việc làm của họ cũng phải ác. Mà thiện nghiệp tạo nên thế giới an lành, ác nghiệp tạo nên thế giới khổ đau.

Đức Phật A Di Đà biết rõ chỉ có tạo thiện nghiệp, tạo công đức thì những người bạn có thiện nghiệp, có công đức mới tới với Ngài. Và những người này gặp nhau mới có thể xây dựng được thế giới an vui. Xưa kia Phật A Di Đà cũng như mình, nhưng nhờ gặp Phật Thế Tự Tại Vương dạy, theo đó Ngài thực tập. Đầu tiên Ngài phải đi học với tất cả các Đức Phật khác và phải làm tất cả mọi việc mà các Đức Phật dạy. Công việc này chủ yếu là hành Bồ-tát đạo.

Ta tu theo kinh Pháp hoa là hành Bồ-tát đạo, vì kinh Pháp hoa gọi là giáo Bồ-tát pháp, tức pháp hành của Bồ-tát. Và việc chính yếu của hành Bồ-tát đạo là tu sáu pháp ba-la-mật của kinh Bát-nhã, hay tu mười pháp ba-la-mật của kinh Hoa nghiêm cũng đồng với mười pháp ba-la-mật của kinh Nguyên thủy theo đó, làm bất cứ việc gì cũng nằm trong mười môn ba-la-mật.

Hành Bồ-tát đạo theo kinh Pháp hoa, Phật dạy không được nghĩ tới việc ác của người khác, chỉ nghĩ tới việc thiện của họ, vì nghĩ tới việc ác của người là mình bị đọa. Ai cũng có điều tốt, vì có tốt mới được làm người, nhưng người thì có lúc tốt, có lúc không tốt, có việc tốt, có việc không tốt.

Thí dụ đứa con rất tốt với hàng xóm, nhưng bất hiếu với cha mẹ. Phải biết đó là nghiệp của cha mẹ đã tạo đời trước với đứa con này, cũng như vua Tần Bà Sa La rất cưng chiều thái tử A Xà Thế, nhưng thái tử lại thù ghét vua cha thậm tệ đến mức nhốt vua cha vào ngục ngay sau khi ông được vua cha nhường ngôi theo ý muốn của ông. Đức Phật cho biết vì đời trước Tần Bà Sa La đã giết A Xà Thế, nên ông mang mối hận thù này mà sanh vào làm con Tần Bà Sa La để trả oán thù.

Vua Tần Bà Sa La rất kính tín Phật. Ông giữ chánh niệm ở trong ngục nhứt tâm niệm Phật thì ông thấy Đức Phật hiện vào trong ngục xoa đầu thọ ký cho ông. Đây là hóa thân Phật hiện vô. Ở trong ngục, ông nhịn đói được và sống thanh thản, vì ông không còn lệ thuộc vật chất cũng như tình cảm, không còn ham muốn bất cứ cái gì. Chỉ một lòng nghĩ tới Phật khiến tâm ông thanh tịnh thì giữa tâm Tần Bà Sa La và tâm Phật giao nhau, được Đức Phật hộ niệm, ông liền chứng Sơ quả.

Thực tập pháp tu, ban đầu mắt mình nhìn tượng Phật, tâm mình nghĩ tới Phật và tới mức mắt không nhìn tượng Phật mà tâm mình vẫn nghĩ tới Phật là thấy Phật bằng tâm, đi đến nhứt tâm bất loạn thì mình đi vào thế giới Phật.

Đi vào thế giới Phật, đầu tiên mình đi vào thế giới Thật báo của Đức Phật A Di Đà, trên bước đường tu, mình vãng sanh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà trước.

Phật nói đi về phương Tây qua thế giới Cực lạc cách mười muôn ức Phật độ. Sau Phật nói thêm đi về phương Đông có thế giới Tịnh lưu ly của Đức Phật Dược Sư. Tu theo Pháp hoa, mình coi có duyên với thế giới nào, với Phật nào để hàng ngày công phu tu niệm về Đức Phật đó để khi chết, mình nghĩ về thế giới đó, nghĩ về Phật đó thì mình sanh về đó. Tất cả thế giới này là trạm trung chuyển.

Chung quanh mình có thập phương thế giới, thế giới nào cũng có Phật nhưng cách mình xa là xa cái nghiệp của mình. Nhưng khi mình cắt được nghiệp và sử dụng tâm của mình thì giữa mình với Phật rất gần. Đây là sự thật, vì nghiệp của mình ngăn mình và Phật làm mình không thấy Phật, không tới với Phật được. Vào thế giới Thật báo của Phật khó là vậy, vì thế Phật mới có thế giới trung chuyển.

Và từ trạm trung chuyển là đến được thế giới của Đức Phật A Di Đà rồi và được Đức Phật A Di Đà thọ ký cho mình thì nghiệp mình tiêu hết, thế giới Thật báo của Phật Thích Ca mới hiện ra.

Vì vậy, việc tu hành đầu tiên phải phá được ngũ ấm của con người, vì như đã nói, nếu còn kẹt trong thân tứ đại thì chỉ thấy theo thế giới con người thôi. Bây giờ, bỏ thế giới của mình, qua thế giới của Phật, Bồ-tát, La-hán, mình sẽ thấy khác liền. Lý này Phật đưa thí dụ lương y trị bệnh cho cuồng tử, những người không mất bản tâm uống thuốc Tứ Thánh đế, chứng được lục thông La-hán, tức được sáng mắt, thấy Phật.

Thấy Phật là thấy được Phật thiệt ở trong thân thái tử Sĩ Đạt Ta, trong thân Sa-môn Cù Đàm. Còn mù mắt là thấy bằng mắt thịt chỉ thấy Phật là con người như mình, phải ôm bình bát đi xin ăn.

Đức Phật cũng là con người, nhưng đạo đức của Phật siêu xuất thế gian, hiểu biết của Phật trên con người, việc làm của Phật trên con người mà tất cả mọi người không thể với tới được. Đó là thấy Báo thân của Phật mà các vị A-la-hán dùng thiên nhãn thấy Phật và có thiên nhĩ nghe được Phật thuyết pháp trong thiền định. Đây là Thánh quả mà những vị đệ tử theo Phật khi Ngài còn hiện tiền đã đạt được.

Nhưng qua phẩm Như Lai thọ lượng, Phật nói thêm cho người hậu thế là những người mất bản tâm vì không chịu uống thuốc, không chịu thực tập pháp Phật dạy, họ chỉ muốn núp bóng Phật để sống.

Phật mới nói Ngài vào Niết-bàn là vào thế giới Thật báo của Phật. Nếu các con lấy thuốc uống sẽ khỏe mạnh là sẽ thấy được Phật, chứ Phật không chết. Đức Phật đang ở trong thế giới của Ngài, nhưng vì mình mù mắt không thấy được. Thuốc chữa bệnh mù cho chúng sanh, để vào thế giới Phật được, Phật nói chỉ có Tam thừa giáo là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa.

Thực tập pháp của Thanh văn sẽ đắc quả La-hán, vào đó thấy Phật. Hai là chứng quả Duyên giác vào đó cũng sẽ thấy Phật. Ba là hành Bồ-tát đạo vào đó thấy Phật.

Mình tu Pháp hoa là tu Bồ-tát pháp và thực tập đúng, thường mình thấy Phật. Theo kinh nghiệm tôi thấy Phật qua ba giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một mới phát tâm tu, mình thấy Phật bằng niềm tin. Mình không thấy Phật bằng mắt, nhưng tin có Phật, nên thấy Phật bằng niềm tin, thấy Phật bằng tâm. Không có niềm tin không thể nào tu có kết quả. Niềm tin rất quan trọng, cho nên kinh Hoa nghiêm dạy khởi đầu tu Thập tín, tức giữ niềm tin mình cho thật kiên cố, lần lần mình đi lên được. Đa số người không giữ được chánh tín, vì thường rơi vào mê tín, cuồng tín, cuối cùng không có kết quả, bỏ cuộc. Tu cũng vậy, tu pháp môn này, pháp môn kia, pháp môn nọ, nhưng không được gì hết, vì niềm tin không kiên cố.

Tu Bồ-tát pháp, hành Bồ-tát đạo. Phật nói bố thí quan trọng nhất, tình thương người quan trọng nhất. Mình khởi tâm thương người, cứu giúp họ, nhưng họ không làm vừa lòng mình thì mình bỏ họ và cũng không muốn giúp đỡ ai nữa. Niềm tin phải vững, hoàn cảnh như thế nào cũng không thay đổi.

Như vậy, qua được Thập tín, niềm tin mình kiên cố rồi, mình mới thấy được Đức Phật bằng niềm tin, nhờ đó, cuộc sống mình an lành hơn, tức Phật hộ niệm cho mình được. Trên bước đường tu, giai đoạn một rất khó.

Niềm tin rất quan trọng, cho nên kinh Hoa nghiêm dạy khởi đầu tu Thập tín, tức giữ niềm tin mình cho thật kiên cố, lần lần mình đi lên được. Đa số người không giữ được chánh tín, vì thường rơi vào mê tín, cuồng tín, cuối cùng không có kết quả, bỏ cuộc. Tu cũng vậy, tu pháp môn này, pháp môn kia, pháp môn nọ, nhưng không được gì hết, vì niềm tin không kiên cố.

Qua giai đoạn hai, được Phật hộ niệm rồi, nhưng trụ tâm lại, giữ tâm mình cho thật chắc chắn, không thay đổi để hành Bồ-tát đạo, gọi là Thập trụ.

Trụ tâm được rồi, bấy giờ tu mười môn ba-la-mật, mình quyết tâm tu, hoàn cảnh nào cũng tu. Hành mười môn ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, nguyện, lực và trí, đó là giai đoạn tu Thập hạnh. Và hoàn thành các pháp này, chứng được Thập địa, như vậy hành Bồ-tát đạo trải qua 52 chặng đường. Hành Bồ-tát đạo khó ở chỗ đó, khó hơn tu Thanh văn là mình tu một mình gọi là đi xe dê và đi luôn vào Niết-bàn, thấy Phật dễ.

Thông thường người ta hay đi đường vòng dễ hơn. Nghĩa là đầu tiên tu năm giới để có đủ tư cách con người tốt. Kế tiếp mình tu thập thiện để có phước là có cơ thể khỏe mạnh, ngoại hình dễ coi, thông minh, bạn bè tốt, tiền của nhiều, có năm phước này làm gì cũng được. Còn bây giờ mình không có gì thì khó làm được việc. Đây là con đường vòng từ con người đi lên chư thiên đầy đủ phước báu thì mình xả tục xuất gia theo Phật.

Bỏ nhà đi tu mà mình có phước thì được mọi người kính trọng, quý mến, cúng dường đầy đủ. Đi tu không phải ai họ cũng cúng. Cho nên đi đường vòng xa mà dễ. Đừng thấy người ta tu được cúng dường mà đi tu, không được gì lại khởi tâm ác, khởi lên tham, sân, si của người thế tục, phạm sai lầm lớn, cuối cùng cũng đọa.

Đầy đủ phước báu rồi đi tu tốt hơn và thực hành đúng đắn 37 Trợ đạo phẩm, đắc La-hán thì họ đi vào thế giới Phật, giữa họ và Phật có quan hệ chặt chẽ, nên họ hành Bồ-tát đạo có Đức Phật bên cạnh, họ được an lành. Con đường đó hơi xa một chút mà bảo đảm.

Còn bây giờ mình là phàm phu bạt địa mà hành Bồ-tát đạo cứu người. Mình chỉ có một ổ bánh mì nhưng khởi tâm thương người đói, nhường cho họ ổ bánh mì, rồi bụng mình đói cồn cào, tức quá, tự nhủ lòng mai mốt ai đói kệ họ, không cho ai nữa, như vậy là đã tự tiêu hủy tâm tốt rồi.

Tóm lại, trên bước đường tu, bằng mọi cách đi vào thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà rồi từ đó đi vào thế giới Thật báo của Đức Phật Thích Ca thấy Ngài vẫn hiện hữu an nhiên vĩnh hằng bất tử.

Còn các vị Bồ-tát không cần đi qua thế giới trung chuyển mà đi thẳng vào thế giới Thật báo của Đức Phật Thích Ca để sau đó cùng với Đức Phật Thích Ca hành Bồ-tát đạo trong khắp mười phương. Và tiến sâu nữa, các ngài đi vào thế giới Tịch quang chơn cảnh để thành Phật.

Quan sát xã hội, thấy Đức Phật nói có những vị Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời này, cuộc sống của họ khác hơn người. Họ không quan tâm đến cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, mọi việc họ làm đều thành tựu dễ dàng vì được Phật hộ niệm. Mình cố tìm những người đó để thân cận, học hỏi, hợp tác để được kết quả tốt. Hoặc có những vị cao tăng, Thánh tăng mình theo tu. Như vậy, giúp cho Phật giáo phát triển. Còn những người khác mình không chê, không nói việc của họ. Mình lo việc của mình, lo tu để mau thấy Phật, về với Phật là an toàn nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Săn sóc cha mẹ khi già bệnh

GNO - Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người con khi mất cha mất mẹ, và cũng không có nỗi xót xa nào bằng nỗi xót xa khi hồi tưởng lại những năm tháng cha mẹ còn sống, mình đối xử chưa trọn vẹn đối với các đấng sanh thành.

Thông tin hàng ngày