Tội nghiệp, cuộc đời anh đã trải qua quá nhiều biến động chỉ trong vòng mười lăm năm… Khi đang còn mài đũng quần trên ghế giảng đường Cao đẳng Sư phạm, anh có một tình yêu thật đẹp, và anh đã nuôi tình yêu đó bằng cả trái tim mình. Người yêu anh có tên của một loài hoa thân quen dễ nhớ: Lê Thị Hoa Hồng. Anh và nàng cùng học chung trường, chung khối, chung cả đường đi lối về, nên những tháng ngày mà tình yêu mới chớm nở thật lãng mạn dễ thương. Hai người cùng ra trường, trở thành hai người chèo đò đưa học trò qua dòng sông tri thức cuồn cuộn, nhưng mỗi người chèo chống một phương cách xa nhau. Anh lên miền núi. Nàng ra hải đảo. Những lá thư đôi lứa liên lạc với nhau, hứa hẹn, thì thầm nhỏ to, kèm theo những nụ hôn gió, đều bò chậm còn hơn rùa già bò lên đồi dốc thẳng đứng, nhưng rất quý. Một viễn cảnh tươi đẹp, thơ mộng. Một tương lai êm đềm. Tất cả đều đã được đôi lứa lên kế hoạch một cách chi tiết, tính toán chính xác bởi hai giáo viên chuyên Toán. Chỉ cần vượt được thời gian thử thách là những gì trên giấy trắng mực đen, trong ý tưởng, hay trong những giấc mơ sẽ trở thành sự thật.
Đùng một cái, mẹ anh qua đời. Anh hụt hẫng, trở về chịu tang trong đau đớn khôn tả. Nàng hay tin chậm, cũng xin phép nghỉ đột xuất để về thắp nhang khóc lạy. Hai người được gặp nhau trong hoàn cảnh đau buồn ấy, nên không nói gì được nhiều, chỉ nắm tay nhau để truyền cho nhau sinh lực mà đứng vững giữa biến động đầy xót xa. Rồi thôi, lại chia tay mỗi người một ngả với cái hẹn bâng quơ…
Anh xuống tinh thần từ dạo ấy. Niềm vui, niềm tin có từ những buổi đứng lớp dạy học, từ những giây phút dạy dỗ đám học trò ngây ngô ở vùng rừng núi đìu hiu, đã không đủ làm cho anh khuây khỏa nỗi đau mất mát được mang cái tên phũ phàng: mồ côi mẹ. Cha anh đã mất trong một tai nạn giao thông từ khi anh mới lên ba. Người thân còn lại của anh chỉ có mẹ và người anh trai cộc cằn thô lỗ. Mẹ cũng không còn, anh có lúc tưởng chừng mình không chịu đựng nổi. Nhưng anh dần dần được hồi tỉnh, được xoa dịu cho vơi đi cái rát buốt trong lục phủ ngũ tạng kể từ khi anh tình cờ gặp được thầy Kiến Tâm. Đó là một buổi chiều chủ nhật rảnh rang, anh tản bộ lang thang khắp cái vùng “chó ăn đá, gà ăn muối”, chỉ với mục đích duy nhất là đi cho khuây khỏa qua ngày giờ trống vắng tẻ nhạt. Anh lạc vào tịnh thất nằm trên lưng chừng núi của vị thầy tu pháp môn Thiền. Từ ngày được cái duyên gặp gỡ quý báu ấy, bất cứ khi nào rảnh là anh tìm đến tịnh thất của thầy Kiến Tâm để nghe những lời giáo huấn, để mở mang thêm kiến thức, và cũng để học và hành những “tuyệt chiêu” ngăn diệt khổ đau có hiệu quả tức thì. Anh đang có chút hào hứng khám phá một con đường mới mẻ lạ lẫm, thì được tin từ lá thư của người anh trai dưới thành phố gửi lên báo cho biết: căn nhà của cha mẹ để lại cho hai anh em đã thuộc về quyền sở hữu của người khác. Người anh trai đã đoản hậu bán nhà để trừ món nợ khổng lồ do thua độ liên tiếp cả một mùa bóng đá World Cup. Còn được chừng dăm cây vàng, người anh “dễ thương” đã gửi cho hàng xóm giữ hộ phần chia cho em trai mình, rồi lận túi số còn lại, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn dông tuốt theo một cô bồ đi lưu lạc giang hồ, không hẹn ngày trở lại… Một lần nữa, trời sập trên đầu, đất lún dưới chân anh. Anh xin nghỉ phép về thành phố, nhận số tài sản ít ỏi được chia chác mà khóc rưng rức, rồi trở lên lại miền núi với một tâm thần bất ổn. Anh suy sụp hoàn toàn, bắt đầu chui đầu vào quán mà uống rượu giải khuây, dạy học không còn hứng thú, sống không còn niềm tin, ngại liên lạc với Hoa Hồng, và tự dưng rất sợ gặp thầy Kiến Tâm, như ma quỷ sợ Bụt vậy! Chuyện gì đến cũng đã đến, anh bị Ban Giám hiệu kỷ luật, quyết định trả anh về cho Phòng Giáo dục xử lý vì cái tội rượu chè be bét mất đạo đức của người thầy, dạy không ra dạy, phụ huynh học sinh khiếu nại quá xá. Anh không một lời phân bua, vì biết mình hoàn toàn đã sai lầm, mình như một đoàn tàu đã chệch khỏi đường ray, có bị kỷ luật nặng cũng chẳng oan ức gì. Anh cuốn gói rời khỏi chốn học đường, nhìn về nẻo trước mịt mờ mà lòng ê chề chán ngắt. Phải về lại phố thị phù hoa thôi. Nhưng trước khi hạ sơn xuống phố, thật may, anh lại có đủ can đảm để ghé vào tịnh thất chào thầy Kiến Tâm một tiếng gọi là tạ ơn khai tâm điểm đạo. Anh được thầy giữ lại tịnh thất 3 ngày ăn chay nằm đất, nghe chuyện dưới đất trên trời, và nghe được cả một câu chuyện dài về thuật chăn trâu qua cuốn sách đã nhàu nát cũ mèm mang tên “Thập mục ngưu đồ” (Mười bức tranh chăn trâu) của Thiền tông Phật giáo Đại thừa. Sau ba ngày ba đêm được nghe giảng giải, lĩnh hội được những ẩn ý ẩn dụ của mười bức tranh trông rất chân quê mà lại vô cùng cao siêu thâm thúy, anh có phần nào tỉnh hồn, vơi đi nhiều buồn bực và nỗi giày vò ray rứt, lạy tạ thầy mà trở về với cõi dưới núi.
“Mất dạy”, cái từ mà anh nghe người ta thường dùng để đùa khi nói về một giáo viên bị mất việc, không ngờ có ngày lại rơi vào số phận của chính anh. Đó là một điều sỉ nhục khổng lồ mà anh đã phải còng lưng mang về chốn thị thành. Anh chấp nhận cõng khiêng vác rinh nó như để tự trừng phạt mình, nhưng cũng chính vì sự xấu hổ ấy mà anh đã không dám liên lạc với người mình yêu đang tận tụy với nghề ở ngoài hải đảo xa xôi. Anh chạy trốn nàng, trốn chạy để khỏi nói lên sự thật cay đắng chát chua, thà trốn chạy còn hơn là nói dối, vì anh chưa bao giờ nói dối với nàng dù là nói dối cho vui. Anh trốn chạy nàng bắt đầu bằng một cuộc phiêu lưu tha phương cầu thực, xếp xó trong ba lô những gì liên quan đến một nhà mô phạm, như che giấu một tội lỗi không thể tha thứ. Anh trôi dạt qua những công trường xây dựng, thủy lợi, cao su với đôi tay trắng, vắt tươm sức lao động ra để đánh đổi miếng cơm manh áo qua ngày đoạn tháng. Anh trôi theo dòng sống như đám lục bình trôi trên sông, hết vào
Đáng nhớ nhất là có thời gian được hơn một năm, anh đã dừng chân tại một ngôi chùa làng để đứng trên bục gỗ giảng dạy cho các em học trò nghèo ở lớp học tình thương. Rồi vì chuyện cơm áo bức bối, anh lại cuốn gói ra đi vô định, trở lại với cuốc xẻng búa rựa, dầm mưa dãi nắng trên các con kênh chạy ven theo chân núi, các trạm bơm nằm bên bờ sông hiền hòa, các ngôi nhà đồ sộ sừng sững mọc lên giữa lòng đô thị xôn xao…
Quay đi ngoảnh lại, anh giật mình khi thấy đã trôi qua hơn mười năm. Mười năm hèn nhát chạy trốn, không mảy may liên lạc với Hoa Hồng, anh cũng đã quen dần với những đêm nằm vắt tay lên trán suy tư trăn trở chuyện ngày mai, và trằn trọc hồi tưởng chuyện quá khứ… Anh bỗng dưng không còn sợ gặp Hoa Hồng nữa, mà còn khát khao muốn tái ngộ với nàng, hai người dù đói dù nghèo, dù có thương tật rách rưới thì anh vẫn muốn được sống với người mình yêu, có chết cũng nhắm mắt thỏa nguyện. Còn như nàng đã yên bề gia thất với hạnh phúc tràn trề thì anh mừng cho nàng, vì nàng xứng đáng được như vậy. Nhưng anh không tìm được chút manh mối nào về nàng trong quãng thời gian anh trở về sống nơi chốn cũ. Số là, trong một lần tình cờ, anh làm quen được với một gia đình nề nếp gia giáo, ở ngay tại quê nhà xưa mà anh đã bao năm rời bỏ, qua sự giới thiệu của ông chủ nhiệm tổ hợp xây dựng. Biết “lính” của mình trước kia từng là một giáo viên, nay có đạo đức tốt, chăm siêng làm việc, ông chủ nhiệm đã giới thiệu anh đến làm gia sư cho hai đứa con của người em gái ruột, nhà rất giàu có ở khu dân cư đông đúc hỗn tạp. Anh được gia chủ lo cho một chỗ trọ riêng gần đó, để ngày hai buổi đến nhà dạy kèm cho hai đứa học trò vừa ngỗ nghịch lại vừa u tối đầu óc. Thoát được những cây cuốc cây xẻng, anh cũng mừng thầm, nên ráng gồng mình với việc dạy kèm được đến hai năm thì… bứt. Anh chịu không nổi hai đứa học trò bướng lì và hỗn láo, xin nghỉ việc, và ra bến xe hành nghề bốc vác kiếm tiền độ nhật, và để trả tiền ở trọ. Làm được vài tháng thì anh đổ bệnh, đã đau ngực lại tức lưng, lao động nặng là thở gấp gáp muốn tắt hơi mà chết. Anh nghỉ việc, về nhà trọ nằm dài chịu cảnh thất nghiệp đáng sợ, và sợ nhất là bị bà chủ nhà trọ hỏi tiền tháng. Bế tắc tứ phương. Lại còn Tết đang sắp đến nữa. Có ai còn ham sống nếu như rơi vào hoàn cảnh như anh không? Nhưng anh vẫn phải sống. Anh không sợ cuộc sống không có gì để mất này nữa.
Chính những lúc tưởng chừng như bế tắc, anh đều nhớ đến thầy Kiến Tâm, nhớ đến bài học chăn trâu ngộ nghĩnh và kỳ diệu. Tìm trâu, thấy dấu, thấy trâu, được trâu, chăn trâu, cưỡi trâu về nhà, quên trâu còn người, người trâu đều quên, trở về nguồn cội, và thõng tay vào chợ. Anh chỉ còn nhớ mang máng ý nghĩa của từng bức tranh chăn trâu, vì lâu quá rồi không ôn không tưởng, nhưng anh vẫn nhớ rõ ý nghĩa bức tranh cuối cùng “thõng tay vào chợ” mà thầy Kiến Tâm đã giảng giải rất hay, rất lôi cuốn, rất tuyệt. Vị thiền sư trong bức tranh thứ mười của “Thập mục ngưu đồ” đã đóng cửa tịnh thất, chống gậy đi xuống chợ đời bát nháo, tay cầm bầu rượu, tay xách đuôi con cá chép to đùng để tìm người đời rủ nhậu nhẹt một trận tưng bừng khói lửa cho vui. An nhiên. Tự tại vô ngại. Thiền sư đi vào cõi ma. Vào cõi ma để độ trì cho ma, giáo hóa cho lục tặc cô hồn, chứ không phải cốt để nhậu nhẹt phá giới. Thiền sư đã giác ngộ rồi, vào cõi Bụt rồi, mới dám vào cõi ma một cách ung dung để độ tha cho đầy đủ công hạnh, nên ông ta có uống rượu cũng được, cũng chỉ như uống chén trà, ăn thịt ăn cá cũng được, cũng chỉ như ăn đậu hủ tương chao thôi. Còn người đời như anh, và nhiều người khác trên cõi hồng trần này, còn đứng cách hàng rào của cõi Bụt đến thiên lý vạn dặm, thì thõng tay vào cõi ma là gan cùng mình, có nước bị ma nó nhiếp hóa thành ma không đầu luôn chớ ích lợi gì! Anh hiểu điều đó, biết mình không bao giờ hành được như vị thiền sư, nhưng ít ra anh cũng học được cách thõng tay vào chợ thong dong, cứ giữ “Phật tánh” trong mình cho chặt vững, thì cứ thử bắt chước xem cho biết để đo đong cân đếm được bản lĩnh của mình. Anh đã thử một lần thõng tay vào chợ, đi được chừng vài mười bước thì lạnh mình, chùn chân, mồ hôi toát lạnh cả lưng áo, khi thấy ai cũng nhìn mình bằng ánh mắt đầy cảnh giác. Hỡi ôi… không được rồi là không được rồi, phải cho hai bàn tay vào hai túi quần mau mau! Anh định tâm tỉnh trí, “ngộ” ra mình chỉ là một thằng phàm phu tục tử, khố rách áo ôm, vậy thì đừng có bày đặt nhập vai thánh thiện siêu thoát cho khổ càng thêm khổ. Anh vội cho hai bàn tay vào túi quần ngay sau đó, mới tìm được sự an nhiên mà tiếp bước vào khu chợ Tết náo nhiệt. Mấy cái Tết trước anh đều làm như vậy. Ba ngày vừa qua, hễ buồn chán là anh ra đường, vào thẳng chợ Tết để ngắm nghía, để hít thở, rồi về nhà nằm dài…
Bây giờ, anh lại cứ đi. Anh đi giữa chốn sắc màu rực rỡ và hương mùi phảng phất của trăm hoa vạn món. Anh đi cho quên và cho qua những giờ phút vô vị rỗng tuếch của một kẻ bất đắc chí ăn không ngồi rồi. Anh đứng lại trước hàng hoa, dòng người ngược xuôi chộn rộn đẩy anh đi. Anh đứng lại, dòng người lại đẩy anh đi. Đứng lại, đẩy đi, đứng lại, đẩy đi… rồi anh phì cười khi thấy mình đã được đứng lại, yên vị trước sạp hàng bánh mứt của một chị mặt hoa da phấn rạng rỡ tươi vui. “Mua mứt đi anh!”. Anh cười, một nụ cười mếu máo trông thật thảm hại, rồi lắc đầu rất khẽ. Hai bàn tay anh lúc ấy tự nhiên cùng bảo nhau rúc chui sâu thêm vào bên trong túi quần. Anh đưa mắt nhìn chị bán hàng như để muốn phân trần:“Tôi không bốc mứt của chị để ăn thử đâu, đừng lo!”.
Bất ngờ, anh nhướng mắt lên, chân chôn xuống đất dường như đã lên đến hai đầu gối. Trước mắt anh, chị bán hàng cũng đang trố mắt lên, gương mặt đầy ắp bàng hoàng. “Anh đó ư? Có phải là anh đó không?”. Anh rùng mình khi nhận ra giọng nói thân quen ngày nào. Nghẹn ngào giữa tỉnh tỉnh mơ mơ, anh gật đầu. Cái gật đầu rất dè dặt của anh cũng đủ làm cho chị bán hàng nhổm cả người lên. Chị, chính là nàng Hoa Hồng của anh ngày xưa, luýnh quýnh trèo xuống khỏi sạp, bước lại bên anh, nhìn từ tóc đến ngón chân anh, rồi nức nở: “Em tìm anh từ đó đến nay, mười lăm năm hơn rồi… Sao anh không trốn luôn đi? Sao anh không đi luôn khỏi cuộc đời em đi?”. Anh xúc động, nhún vai nói: “Anh cũng tìm em suốt mấy năm qua, và đã đi lạc luôn rồi, nay không còn là anh nữa đâu!”. Chị đặt hai bàn tay lên hai vai anh, lay liên hồi, hỏi liên tục: “Có vợ con gì chưa? Vợ con có chưa? Lập gia đình chưa? Gia đình có chưa?”. Anh cộc lốc: “Độc thân!”. Thay vì chị hỏi “Thật không?”, nhưng chị sực nhớ là anh chưa bao giờ biết nói dối, nên chị lại nói: “Em… cũng vậy. Và đã trở thành gái già cũng vì anh đó!”. Anh rơm rớm nước mắt, không biết nói gì. Chị khẽ giọng nhưng đầy quyết đoán: “Về sống với em nhé?”. Anh chưa kịp trả lời, đã thấy có bốn, năm người khách ghé vào sạp của chị mua mứt bánh. Chị cười đón khách, mắt nhìn anh, nói: “Phụ bán mứt với em đi, anh!”. Anh chần chừ giây lát, rồi chợt tỉnh, hốt nhiên tỉnh ngộ như thiền sư vừa khai phá một công án thiền.
Đã lâu lắm rồi, đôi bàn tay anh mới rút ra khỏi túi giữa chợ. Anh rút chúng ra khỏi ngục tù ngột ngạt tăm tối một cách nhẹ tênh thông suốt. Thõng hai cánh tay xuống. Và, anh bắt đầu cân mứt cho khách phụ chị bằng đôi bàn tay vừa chộp bắt lại được một tình yêu thất lạc nhiều mùa Xuân qua…