Thư Tổng Biên tập nhân kỷ niệm 48 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên

Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ - Ảnh: Quảng Đạo
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ - Ảnh: Quảng Đạo
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhân Kỷ niệm 48 năm thành lập, ra số báo đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2024), tập thể Ban Biên tập cùng phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Giác Ngộ xin kính gửi đến chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện hữu tri thức, bạn đọc thân thiết lòng tri ân chân thành, sâu sắc nhất.

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni, cùng quý độc giả thân mến,

Báo Giác Ngộ số 1234 này đến tay bạn đọc nhằm vào những ngày khép lại năm 2023 đầy biến động, trong đó niềm vui cũng có và nỗi lo lắng cũng nhiều.

Gần 50 năm về trước, ngày 1-12-1975, Giác Ngộ được Bộ Thông tin Văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam cấp giấy phép hoạt động báo chí số 07/QĐ-BC, hoạt động liên tục cho tới nay đã tròn 48 năm.

Báo Giác Ngộ trở thành một cơ quan báo chí hoạt động ở lĩnh vực thông tin lâu dài nhất trong lịch sử gần một thế kỷ của báo chí Phật giáo Việt Nam, kể từ năm 1929 với tạp chí Pháp Âm do Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) chủ trương.

Trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ tại số 83 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM sáng 1-1-2024

Trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ tại số 83 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM sáng 1-1-2024

Với các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM, Báo Giác Ngộ sẽ tiếp tục phụng sự Tăng Ni, Phật tử và bạn đọc yêu mến đạo Phật cũng như văn hóa dân tộc qua các ấn phẩm tuần san, nguyệt san, cùng Giác Ngộ online và Giác Ngộ TV trên hệ sinh thái số.

Tròn 48 năm hoạt động và đang bước tiếp trên con đường báo chí hiện đại trong giai đoạn chuyển đổi số nhiều thách thức, Giác Ngộ được kế thừa nền tảng từ những vị lãnh đạo và đội ngũ tòa soạn tiền nhiệm, trực tiếp là từ Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng. Với 32 năm ở cương vị Tổng Biên tập, ngài đã dẫn dắt và làm thay đổi diện mạo của báo như đã có hôm nay.

Bên cạnh đó, nếu không có sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, Nhà nước, TP.HCM; sự tin cậy của Trung ương GHPGVN, trực tiếp là Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM thì chắc chắn Giác Ngộ cũng không thể có được vị trí là cơ quan báo Phật giáo duy nhất, một trong 7 cơ quan báo in tại TP.HCM sau quy hoạch báo chí của Thủ tướng.

Quan trọng không kém, đó là các đơn vị doanh nghiệp đồng hành cùng Giác Ngộ, dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng vẫn thủy chung gắn bó, hỗ trợ bằng nhiều phương thức. Nhân dịp này, xin bày tỏ lòng tri ân đến lãnh đạo các tập đoàn, đơn vị, doanh nghiệp Phật tử đã đồng hành cùng các ấn phẩm, sản phẩm báo chí thuộc Báo Giác Ngộ trong sứ mệnh phổ biến thông tin Phật sự, truyền tải thông điệp của Đức Thế Tôn đến với số đông…

Tròn 48 năm và đang hướng đến kỷ niệm nửa thế kỷ hoạt động báo chí tôn giáo liên tục, Báo Giác Ngộ tri ân các nhân duyên, trợ duyên và khích lệ...

Tròn 48 năm và đang hướng đến kỷ niệm nửa thế kỷ hoạt động báo chí tôn giáo liên tục, Báo Giác Ngộ tri ân các nhân duyên, trợ duyên và khích lệ...

Ban Biên tập cũng chân thành tri ân chư vị thiện hữu tri thức, quý cộng tác viên đã chắt chiu trí tuệ và con chữ để cùng với các ấn phẩm, kênh thông tin Báo Giác Ngộ làm nên giá trị trong lòng bạn đọc suốt 48 năm qua.

Có những con người thầm lặng, với tinh thần thiện nguyện và lòng tha thiết phụng sự, thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, đặc biệt là các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa, luôn âm thầm đồng hành với các công việc đằng sau mặt báo. Nhân dịp này, xin được gởi đến quý cô chú, anh chị những lời chúc an lành và tinh tấn!

Quan trọng hơn, đó là bạn đọc, chư Tăng Ni, Phật tử và những người quan tâm, yêu mến đạo Phật đã và đang dõi theo, góp phần thiết thực nhất là đặt báo, đọc báo và phản hồi về tòa soạn những sáng kiến, góp ý xây dựng, cung cấp thông tin... Nhờ đó, nội dung của các ấn phẩm, tác phẩm báo chí của tờ báo tôn giáo trở nên sinh động hơn.

Báo Giác Ngộ là cơ quan báo in Phật giáo duy nhất hiện nay, và là một trong hai cơ quan báo chí tôn giáo được Chính phủ giữ lại trong quy hoạch báo chí

Báo Giác Ngộ là cơ quan báo in Phật giáo duy nhất hiện nay, và là một trong hai cơ quan báo chí tôn giáo được Chính phủ giữ lại trong quy hoạch báo chí

Và, thật là thiếu sót nếu không nói tới những người đang làm việc tại báo, ở bộ phận tòa soạn cũng như các phòng ban chức năng trực thuộc và lực lượng cộng tác viên ở các tỉnh thành, hải ngoại. Mỗi người một việc đã cùng chia sẻ gánh nặng, chung sức gánh vác trách nhiệm, chịu đựng sự khiêm tốn về chế độ hưởng thụ tài chánh… Chính năng lượng tích cực ấy đã góp phần tạo nên tin, bài, tác phẩm được bạn đọc quan tâm, đồng thời kế thừa và phát huy giá trị mà Báo Giác Ngộ có được như hôm nay.

Mùa xuân về, cảnh vật chuyển mình đâm chồi nảy lộc, hiến tặng sức sống cho đời. Hòa chung trong không khí ấy và cũng nhân Kỷ niệm tròn 48 năm thành lập, ra số báo đầu tiên, tập thể Ban Biên tập cùng phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Giác Ngộ xin kính gửi đến chư tôn đức Tăng Ni, quý thiện hữu tri thức, bạn đọc thân thiết lòng tri ân chân thành, sâu sắc nhất. Và sẽ không chỉ dừng lại ở lời tri ân, mà Ban Biên tập và các thành viên sẽ cố gắng nỗ lực hiện thực bằng hành động, việc làm cụ thể trong năm 2024 này để hướng tới Kỷ niệm tròn 50 năm thành lập, ra số báo đầu tiên!

Kính chúc chư tôn đức Tăng Ni vô lượng an lạc; quý Phật tử, thiện hữu tri thức và bạn đọc cát tường như ý!

Thích Tâm Hải

Báo Giác Ngộ có giấy phép thành lập ngày 1-12-1975, ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976, trụ sở tòa soạn tại số 85 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM (trước đây số 6A Lê Quý Đôn, Q.3), là tiếng nói của Phật giáo yêu nước. Chủ nhiệm đầu tiên là Hòa thượng Thích Minh Nguyệt; Tổng Biên tập đầu tiên là cư sĩ Võ Đình Cường.

Từ năm 1990, báo được chuyển giao cho Thành hội Phật giáo TP.HCM chủ quản; Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Chủ nhiệm, Tổng Biên tập là Hòa thượng Thích Trí Quảng (lúc bấy giờ giáo phẩm Thượng tọa). Từ lúc Hòa thượng Thích Thiện Hào viên tịch (1997), chức danh Chủ nhiệm báo cũng chấm dứt.

Từ tháng 11-2022, Thượng tọa Thích Tâm Hải được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Báo hiện có tuần san, nguyệt san (phụ trương nghiên cứu Phật học), Giác Ngộ online, Giác Ngộ TV, Ban Từ thiện xã hội và các kênh thông tin trên hệ sinh thái số...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày