GNO - Hiện nay, các nhân viên đang làm việc hướng tới việc hoàn thiện số hóa danh lục của Thư viện Tây Tạng, trong đó bao gồm những quyển sách cổ ở Lhasa và các bản văn cổ hiếm khác cũng như 150 ebook. Numu, phụ trách Thư viện Tây Tạng, nói.
Trong số các sách cổ được số hóa thì có nhiều kinh sách tiếng Tây Tạng
"Tiếp theo, chúng tôi sẽ xác định các tiêu chuẩn cho việc số hóa các văn bản cổ tiếng Tây Tạng và từng bước cung cấp một dịch vụ đầy đủ cho việc số hoá tài liệu Tây Tạng cho bạn đọc trong nước và ở nước ngoài", ông nói.
Trung Quốc có hơn một triệu quyển sách Tây Tạng cổ xưa, hai phần ba trong số đó là ở Tây Tạng. Hiện nay, khu vực này đã hoàn tất khảo sát các quyển sách cổ ở Ali, Nagqu và Nyingchi.
Hơn 150 tác phẩm kinh điển Tây Tạng được đưa vào danh sách các quyển sách cổ quý giá cấp quốc gia.
Dự án số hóa bao gồm các văn bản tôn giáo, lưu trữ lịch sử và sách y tế.
Hơn 800 cuốn sách về y học Tây Tạng đã được số hóa và bây giờ có thể được tìm thấy trên mạng, theo Trường Cao đẳng Y tế Tây Tạng. Hệ thống tìm kiếm trực tuyến sẽ sớm tiếp cận với công chúng.
Tại trung tâm bảo vệ sách cổ Tây Tạng thuộc Thư viện Tây Tạng, mỗi công nhân - trung bình sẽ hoàn thành việc số hóa 10 quyển sách mỗi ngày.
"Khía cạnh quan trọng nhất của các bản văn cổ là nội dung của chúng. Việc thường xuyên sử dụng sẽ gây tổn hại tới sách, nhưng số hóa sẽ giải quyết được vấn đề này", Benba Cering, thuộc Trung tâm bảo vệ sách cổ Tây Tạng cho biết.
Những văn bản số hóa sẽ được tải lên mạng Internet hoặc được truy cập trong phòng đọc sách điện tử, ông nói.
Đại học Tây Tạng và Trung tâm Nghiên cứu Tây Tạng học Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận hợp tác để cùng thành lập một trung tâm tài nguyên văn học Tây Tạng nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ văn bản và tài liệu cổ.
Văn Công Hưng (Theo China Daily)