Thượng úy trẻ và nhân duyên với Phật pháp

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1212 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1212 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong những chia sẻ của mình, thượng úy Nguyễn Văn Hiệp, phó đại đội trưởng thuộc Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân (xã Tân Dương, Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) cho biết, Phật pháp như thấm vào trong đời sống của bạn, từ công việc đến ứng xử với các mối quan hệ.

Nói với báo Giác Ngộ, Hiệp đã mở lòng nói về duyên Phật pháp của mình:

- Quê tôi, làng nào cũng có một ngôi chùa. Đây là nơi người dân thường xuyên lui tới trong những ngày rằm, mùng một, tín tâm ấy có từ bao đời. Hồi nhỏ, tôi cũng được theo mẹ đến chùa, tuy nhiên chưa có ấn tượng sâu sắc. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ, Phật là một vị thần nào đó để mọi người thờ phụng và mong cầu những điều tốt đẹp.

Gần đây, tình cờ tôi xem được một video trên Facebook, Thiền sư Nhất Hạnh giảng những bài pháp như sự sinh diệt, nguồn gốc của khổ đau, cách thiền hành. Duyên lành đến với Phật pháp cũng bắt đầu từ đó, càng ngày tôi càng thích những lời dạy của Đức Phật thông qua các video ngắn, những bài pháp của Thiền sư. Tôi hiểu được nhiều điều như nhân quả, cõi Tây phương Cực lạc, con đường thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt đến sự giải thoát…

* Điều gì từ lời Phật dạy khiến bạn cảm thấy đây là những giá trị mà mình cần ứng dụng trong cuộc sống, công việc?

- Tôi học thông điệp Từ, bi, hỷ, xả của Phật. Trong công việc và cả cuộc sống, giáo lý đó như kim chỉ nam dẫn dắt chúng ta vượt qua những rào cản, khó khăn của cuộc sống. Tâm từ là sự nhân ái, yêu thương hết thảy chúng sinh, giúp đỡ mọi người đang còn đầy rẫy khổ đau. Tâm bi là sự đau xót trước mỗi cảnh ngộ, lòng thương cảm trước mỗi số phận. Tâm hỷ là sự hân hoan, vui cùng niềm vui của mọi người, không đố kị ganh ghét hơn thua. Và sự công bình yêu thương, đối xử người giàu cũng như người nghèo, vương quyền cũng như dân lành đó là tâm xả. Triết lý này luôn có sự gắn bó với cuộc sống, không tách rời cuộc sống. Chỉ cần thấu hiểu và thực hành tốt, tôi tin ai cũng sẽ luôn có an lạc, hạnh phúc.

Thực sự, lời Phật dạy có công hiệu chữa lành. Tôi nghĩ, ai cũng nên có một người thầy tâm linh để mình nương tựa, vượt qua những áp lực cùng những cám dỗ, tránh sa ngã. Nhờ đó ta giữ được mình an toàn trong mọi thuận duyên lẫn nghịch cảnh.

* Hiệp có phải là Phật tử?

- Tôi chưa phải là một Phật tử. Nhưng theo tôi, mỗi người Việt đều có phẩm chất của một Phật tử. Không đâu xa, nhìn từ mỗi gia đình, khi đứng trước ban thờ tổ tiên, câu đầu tiên mà người mẹ người bà hay nói đó là “Nam-mô A Di Đà Phật”.

Ai cũng là con Phật còn ở chỗ, ai cũng có tâm hướng về điều thiện. Đức Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Trong thời gian tới, tôi cũng muốn được quy y để chính thức trở thành người con của Phật, sống theo Phật và làm theo Phật.

* Tiếp xúc với người trẻ, quân nhân, bạn cùng trang lứa, Hiệp thấy họ có những vấn đề nào cần được quan tâm, định hướng để trở thành người tử tế?

- Thực tế, mỗi một người sinh ra đều có những hoàn cảnh gia đình khác nhau, từ đó hình thành nên tính cách khác nhau. Nhưng chung quy lại, có một vấn đề mà người trẻ cần được quan tâm đó là những ước mơ, khát vọng - làm những điều mình muốn và thích những điều mình làm. Tuổi trẻ là như vậy.

Có dịp trò chuyện với các chiến sĩ nghĩa vụ do mình quản lý, tôi thấy các em luôn mong muốn được làm kinh tế để phụ giúp bố mẹ. Sự định hướng về nghề nghiệp sau khi xuất ngũ cũng rất quan trọng, giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở nghề nghiệp mà còn giáo dục cho các em về lòng biết ơn.

Phật dạy về bốn trọng ân, thức tỉnh bao người con Phật phải nhớ đến bổn phận của mình. Bốn ân ấy là những đạo lý quan trọng, là nền tảng đạo đức căn bản của con người, gồm “Ân cha mẹ, ân chúng sinh, ân quốc gia và ân Tam bảo”.

Lòng biết ơn cha mẹ là hạnh Phật, tâm Phật, nghĩ đến cha mẹ để sống trọn đạo làm con. Biết ơn hết thảy mọi người vì đã làm ra hạt gạo cho ta ăn, cái áo cho ta mặc…, từ đó biết trân quý cuộc sống. Biết ơn sự hy sinh thầm lặng của những người đã ngã xuống vì độc lập, những người lính nơi biên cương hải đảo xa xôi để chúng ta được an tâm học tập, làm việc. Biết ơn Phật, Pháp, Tăng - ba ngôi báu, nhất là Đức Phật, vì muốn giúp chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân trầm mà từ một vị thái tử sống trong quyền quý đã vứt bỏ tất cả để tìm ra con đường giúp chúng sinh.

Thực tập lòng biết ơn như vậy ta sẽ làm tâm mình dần thiện lành, sống có ích, có trách nhiệm hơn với xã hội.

* Ở nhiều quốc gia, quân nhân, cảnh sát thường có những khóa thiền để tĩnh lặng, để có chìa khóa chánh niệm trong công việc. Nhiều thương hiệu lớn cũng đã ứng dụng thiền cho nhân viên của mình. Bạn nghĩ sao về việc này?

- Theo tôi, ứng dụng thiền vào cuộc sống là điều rất đáng làm và nên làm hiện nay. Như đã nói ở trên, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu với chúng ta. Sẽ có một ngày nào đó xuất hiện những nghịch cảnh, những cám dỗ. Sự thiền định giúp chúng ta trở nên sáng suốt trước mọi khó khăn trong cuộc sống. Tu tập tinh tấn giúp chuyển hóa những bất thiện trong thân tâm, để có đời sống thiện lành thanh tịnh. Rèn luyện và gần gũi với những người bạn tinh tấn sẽ giúp chúng ta chuyển hóa tham-sân-si. Từ đó ta sẽ có một cuộc sống an nhiên và hạnh phúc hơn trong công việc, dù là ngành nghề gì.

* Được biết, bạn vừa tham dự một khóa tu mùa hè. Mô hình sinh hoạt này theo bạn giúp ích gì cho người trẻ?

- Tôi tham gia khóa tu mùa hè ở chùa quê, là một tình nguyện viên quản chúng (quản lý các thiện sinh tham gia khóa tu). Trở về chùa tôi thấy tâm mình rất thanh thản, an nhiên. Tôi nhận thấy, không chỉ có mỗi các mẹ các bà lớn tuổi mới chăm đi chùa mà giờ các bạn trẻ, nhất là thanh thiếu niên tham gia làm công quả ở chùa rất nhiều.

Một lần được nói chuyện với vị trụ trì, thầy chia sẻ: “Tham gia các hoạt động của đoàn thể, khi con phụng dưỡng được một trăm người thì công đức của con sẽ được nhân lên một trăm lần, phục vụ chúng sinh chính là cúng dường Như Lai”.

Mô hình khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên thực sự là một khóa học bổ ích, được các phụ huynh hưởng ứng rất nhiệt tình. Trong ngày khai mạc, các bậc phụ huynh đã dẫn con mình đến với một niềm hân hoan, vui tươi.

Tôi ấn tượng nhất là đêm thắp nến tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Nhiều bạn đã bật khóc vì xúc động, có bạn đã mạnh dạn đứng dậy nói với tất cả mọi người bằng một tấm lòng đầy yêu thương bố mẹ của mình: “Con xin lỗi bố mẹ vì nhiều lần đã để bố mẹ buồn”. Cả không gian lúc đó như lắng lại, một cái ôm chân thành cũng đủ khiến mọi thứ trở nên ấm áp và hạnh phúc.

Người trẻ tham gia như thấu hiểu bản thân của mình, biết sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Ai cũng có tâm thiện lành, có Phật tính. Để tâm đó được phát triển thì rất cần sự tu dưỡng rèn luyện - bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như là sự hiếu thuận với cha mẹ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn và siêng làm những điều lành, yêu thương tất cả mọi người, mọi loài. Các khóa tu cho giới trẻ đã lồng ghép thông điệp tích cực ấy, giúp các bạn trẻ thắp sáng ý niệm này, rất bổ ích!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày