Tiếng trống mồ côi

Tiếng trống mồ côi
Ban ngày tiếng trống chìm trong biển âm thanh như chờ đêm xuống bớt tiếng ồn nổi lên từng hồi thong thả. Cảm giác người điếc lâu ngày cũng nghe được ngơ ngác hỏi ai mới mất. Chú Hai. Hai nào, ông hàng thịt hay ông Hai Viên bán nước mắm…

Bao giờ khu phố, trong xóm có đám ma, dù giàu hay nghèo ông Hà cũng tìm đến chia buồn, còn theo thức ngồi canh suốt. Kể cũng lạ, ông là người mới đến nhập hộ khẩu thường trú đôi ba năm, chưa đủ độ gọi là tình thâm với mọi người. Như là bằng cách này ông Hà rút ngắn khoảng cách để hòa nhập với địa phương, trong khi dân cố cựu lại có một số, tỉ như tôi thuộc nhóm họ lãng (lãng nhách). Đặc điểm của nhóm họ này thường ngôi nhà giống cái pháo đài trốn vô đó cố thủ, ít khi nghĩ tới một chiều, gió tìm đến gõ cửa… Muốn tránh cảm giác lạnh lẽo chăng. Họ này đưa người chỉ đưa nửa đường, ít khi đưa đến tận nơi cho nhau núm đất lần cuối cùng rồi thôi. Mà cảm giác lạnh lẽo kia xuất phát từ đâu, phải chăng nó có gốc từ nỗi sợ hãi, mà sợ gì nó vẫn còn xa mơ hồ. Mặc dù biết vậy, nhưng khi đi phúng điếu, ít khi tôi chịu ngồi dai, đến nhằm lúc ăn uống tôi cũng không mặn mà cho lắm. Cả rượu cũng thấy lạnh, cho dù uống vô biết liền, trái đất sau ít ly sẽ nóng dần lên. Đôi khi thiên hạ còn hát hồ quảng, múa may trước quan tài đỏ hầm, đèn cầy leo lét. Hóa ra người chết lúc còn sống rất thích văn nghệ, hay đi hát karaoké. Màn này hay xảy ra ở đám tang của dân lao động bình dân thay cho bài điếu văn trịnh trọng. Tình cờ kẻ qua đời chẳng có sự nghiệp gì trên đời lại được người nhớ lâu, nhắc nhở tôi từng chứng kiến như vậy. Cuộc sống tỉ lệ nghịch với điều mình mong muốn dường như mang nhiều sự hài hước. Tôi cũng đã chứng kiến đám tang một ông tướng, ông thích văn nghệ nên có một số cô gái bán bia đến viếng, lính gác cổng không cho vô. Bên trong đám không khí diễn ra trịnh trọng không có ai khóc. Bên ngoài vòng rào các cô đứng khóc thút thít, thương cho một người hào hoa đáng kính trọng hơn bao ông khách khác mà các cô hân hạnh được gặp trên nẻo đường gió bụi.

Thỉnh thoảng tôi có một đêm thức trắng với gia đình ở xóm chỉ biết mặt, chẳng quen thân họ hàng, thí dụ như lần này, được dịp ngồi chung bàn với ông Hà. Chủ nhà tỏ ra xúc động, thấy tôi đến với vẻ mặt đưa đám tưởng đến chia buồn, anh cũng mang nét mặt rầu rầu ngọn cỏ gió đùa lật đật chạy đến bắt tay mời ngồi. Lúc anh bỏ đi chào người khách mới, tôi bỏ qua bàn của ông Hà chen vô ngồi trang trọng giữa mọi người. Sự trang trọng làm tôi quên việc mình mất ngủ, quên việc mục đích đi phúng điếu thật ra để muốn góp ý với chủ nhà, cho đánh trống nho nhỏ thôi, khuya rồi làm phiền hàng xóm. Nhưng sao nói được. Chỗ người đang buồn, đang muốn báo hiếu làm một cái đám ma rình rang, sáng ngày nghe nói còn có một dàn kèn Tây, ba bốn cái trống đánh ầm ĩ chớ đâu chỉ có một.

Bây giờ quay lại với âm thanh tùng… tùng rời rạc, trời đêm rung nhẹ nhưng tiếng trống dành cho ai, biết hồn có nghe.

Tôi kém trí tưởng tượng, chẳng qua nằm một mình thao thức nghe trống, tình cờ trí tưởng tượng được đánh thức bay bổng. Hình dung chuyến xe, xe rời bến mà khách còn dùng dằng ngoái đầu nhìn tới nhìn lui phía sau, không biết nơi sắp đến có gì vui. Chuyến xe sau lục tục chạy tới thay chỗ, lần này tâm trạng khách đi sau lại khác, hoang mang. Liệu người ta có chuẩn bị chuyến đi chơi xa, liệu cánh hồng sắp sửa bay bổng mà vẫn mang nặng hành lý. Nhất là với ký ức của ngày hôm qua. Sống phải chính xác bao nhiêu, chết mơ màng bấy nhiêu, vô tình tiếng trống kèn khêu gợi lại, làm cho trái tim lạnh giá hơi đồng run lên, ấm lên cùng với không gian. Mà khi lắng nghe được không gian, người sẽ quên đi thời gian mới vừa sáng đó đã thấy chiều, suốt ngày lụp chụp lăng xăng mà việc có xong, đâu là sự mãn nguyện. Ở đất rừng Cà Mau, ở những vùng sâu hẻo lánh miệt tứ giác Long Xuyên đất rộng người thưa, xa xa một mái nhà ẩn mình sâu trong vườn dừa. Quen sống biệt lập quạnh hiu nhưng người vẫn cần sự ấm áp, khi đó thân nhân qua đời người hay khua trống. Phố xá dư tiếng ồn ngược lại cần những âm thanh vừa đủ nghe, ban ngày đủ rồi, ban đêm ai đi khua trống gióng chuông. Phải chi trống điểm nhẹ nhàng từng hồi, cũng có thể ngủ được. Ngủ ngon nữa, ai rồi cũng phải giáp mặt với cái chết. Đàng này đang nằm mơ màng, một tiếng tùng vang lên, chờ đợi mãi tiếng thứ hai đâu không thấy, nó rơi đàng nào mất hút, không gian tĩnh lặng khép lại thênh thang, bỗng nhiên hơi thở mất điểm tựa. Chờ đợi mỏi mòn, trong bụng nghĩ người đã cho dẹp trống, nhắm mắt trở lại bất chợt giật mình mở mắt ra nhìn thao láo nóc mùng. Trống vang lên ầm ầm xé tan tành màn đêm, tưởng đâu trời sập xuống đầu. Té ra một đứa say rượu, còn không là một thằng nhỏ phá phách. Đám ma thức khuya hay bày trò đánh cờ tướng, đánh tiến lên để thức canh. Thằng nhỏ buồn ngủ đi lộn nước cờ quân ta nhè ăn quân mình. Lộn nước bài, nhè đôi, nhè liền xé nó ra thành rác. Ông trẻ thua riết đổ quạu, chạy riết đến bên trống chụp lấy cây dùi quết thẳng tay. Điệu trống bỗng trở nên giận dữ mang âm hưởng rock, rap thử ai ngủ nghê được. Lại thêm đám chó nữa, đêm nghe động chộn rộn, chúng phụ họa sủa hùa theo từng hồi.

***

Gặp nhau, ông Hà thoáng hất đầu nhẹ rồi cười thay cho lời chào. Tôi đã quen tính cách vừa gần lại vừa xa kia, lẳng lặng kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, chẳng cần phải khách sáo hỏi han. Có một lần tôi đi làm về thấy ông Hà đứng trước cửa chờ sẵn như đợi ai, hóa ra là ông đợi mình. Thân mật ông mời tôi vô nhà, còn đang đứng chưa nghe mời ngồi, ông Hà vội vàng chỉ cho thấy cạnh bộ ghế, sát tường một hàng rượu ngâm đủ loại tầm ruột, chuối hột, đinh lăng - Của tôi ngâm đó, chú uống thử coi. Rượu ngon lại thiếu khách. Uống một mình cũng được, coi như cụng ly với ông trời. Ông Hà vui vẻ giới thiệu rồi thong thả rót ra hai ly rượu vàng óng. Tôi cũng nghe nói chú cũng lai rai được. Lúc nào buồn ghé anh chơi. Thấy ông tóc bạc gần hết song trẻ trung tính cách. Tính cách quyết định số phận nhưng mà ông nói nghe sao buồn đơn độc. Tôi tự nhiên hỏi vặn - Vui thì sao. Sự thật vui đi chỗ khác chơi, ai đi tìm ông, người đã về hưu thoát ra ngoài guồng máy. Mà tôi có thân với ông bao giờ. Nếu quá tự nhiên sỗ sàng thành ra tôi đùa dai với sự đơn chiếc của người. Thêm một chuyện ngặt, người trẻ tuổi có dịp đối ẩm với người lớn tuổi chẳng ai cấm ông trẻ lại nói nhiều không được. Đôi lúc rụt rè vì còn không được phép tò mò đi quá sâu nếu anh lớn chưa nói, chỉ nên hiểu những gì ở phía sau lời. Giống như đồ rã mục để đó nó còn nguyên, tay đụng vào nó sẽ rã vậy thôi. Hơn nữa sống nơi thành thị, mỗi nhà là thế giới khép kín, nào có ai hiểu ai, thời gian rồi nó đổi lạ ra quen. Sau đó nhân buổi trực tiếp đá banh, đi ngang thấy ông ngồi một mình trước màn hình, sẵn dịp tôi ghé qua. Hai lần, tôi nhớ mình chỉ nghe hơn là nói nhiều. Ông than mình nuôi con mèo, coi bộ nó cũng thấy buồn bỏ đi qua nhà khác, sau nuôi con chó cũng mất, vái con chó đi theo cái chớ đừng lọt vô tay mấy ông bợm nhậu. Ông Hà có hỏi, ông có nên nuôi chim, nhất là chim tu hú, mới buổi trưa kêu nghe bâng khuâng nhớ đồng ruộng. Có vẻ ông Hà là người hoài cổ, khi sang qua chuyện thời sự, ông hay so sánh luôn ngày xưa. Ngày xưa sao mà người tiết kiệm. Lương bổng tuy ít, mỗi tháng còn mua được năm ba cuốn sách, bây giờ đành chịu, giá sách quá cao: Ông Hà với tôi vừa gần vừa xa. Dân trong khu phố cũng có suy nghĩ giống tôi về ông, và nó đã trở nên quen thuộc. Mọi người tỏ ra tôn trọng, không ai tò mò. Gặp nhau trong đám ngồi chung bàn tròn, người không nói câu này cũng nói câu kia, ông ngồi một mình trầm mặt giống như bị bỏ rơi. Đêm bắt đầu nổi gió, đàn muỗi tránh gió dồn hết vào trong đám, muốn ngồi được lâu phải đưa tay đập muỗi. Đám ma có bầu không khí âm âm buồn, sầu trì trì.

Tiếng trống, tiếng mõ lốc cốc, thầy cúng giọng ê a lên xuống nhịp nhàng đọc kinh vãng sanh Cực lạc. Tiếng khách khứa chuyện trò rì rầm, tất cả họp lại thành thứ hợp xướng rền rền ong ong như đàn ong vò vẽ. Hơi người thoát ra cùng với khói thuốc, khói nhang, khói của những bếp lò nấu cháo khuya, nấu nước,… than đỏ rực. Mười một giờ khuya, khí trời mát mẻ bao nhiêu, trong đám nực nội bấy nhiêu. Trong khi ai cũng xoay trở mình, riêng ông Hà kiên nhẫn ngồi yên nhưng mà biết ông có nhìn có nghe. Lâu lâu gặp nhau mỗi người góp một câu đủ chuyện thế giới ta bà, nói riết rồi đem nhân vật nào đó ra làm đề tài để đua nhau nói xấu người ta. Sau cùng không có gì để nói nữa liền đâm ra nói lãng. Tôi nghe mà cũng không nhớ, nói lãng đôi khi có tác dụng như men rượu. Một hàng xóm cách tôi bốn năm chỗ ngồi, đang trầm ngâm bưng ly nước trên tay định uống, nghe nói gì đó chợt để ly xuống bàn chen vô - Tôi hỏi mấy ông, đâu là nỗi buồn, nỗi khổ lớn nhất của cuộc đời? Tình cờ câu hỏi thú vị, một vài người định ra về liền ngồi nán lại. Ai nấy chưa vội có ý kiến, anh tiếp tục - Rồi chán đời không tha thiết sống. Câu trước mở ra nghe được, qua câu sau khép lại lãng xẹt. Đã đành đi đám ma hay nói chuyện bệnh hoạn, chết chóc nhưng đã nói rồi từ đầu, thiên hạ bắt đầu né, anh lại lái nó trở vô. Rõ ràng ai như cũng có lúc nói lãng, không ngờ bàn tròn lại hào hứng lên. Một anh bạn còn trẻ hớt tóc thời trang theo kiểu Hàn Quốc mở đầu phát biểu vòng hai - Thất tình làm cho trái tim bể ra từng miếng, chết đi cho nó xong đời quạnh hiu. Phải vậy không chú Sáu. Chừng như thấy đứa vừa nói còn yêu đời, người ngồi bên trái tôi lên tiếng - Thất tình thì khùng chớ không chết. Hồi xưa tao cũng thất tình, sau đó đi kiếm bồ khác có chết thằng tây nào đâu. Trai thiếu gái thừa, kiếm không ra đối tượng vậy là có tội với đời. Ông trẻ chịu phép ngồi yên. Đến lượt chị đàn bà mặc áo màu xanh dương nói nhỏ nhẹ - Có ai biết được cuộc đời nông sâu, tin tưởng bạn bè chỉ cốt gom hết vốn liếng chưa đủ, còn cầm cố nhà cửa đưa cho, rốt cuộc mất trắng. Có ăn lời không. Ông bạn trẻ như đã thua 1 - 0 lẹ làng chen ngang để gỡ gạc tỉ số, cả bàn buông ra tiếng cười. Đưa ra một đề tài buồn, bàn bạc lát sau hóa thành chuyện vui, nếu có thể cười được - Nhà cửa đất đai của mình, mà mình không có quyền, tụi nó xúm nhau thưa ra tòa. Nó đây là mấy đứa con, chắc là ai cũng nghe nhiều về trường hợp này, còn cả việc cháu nội đi thưa ông nội nữa. Hèn chi ông Hà hay đem chuyện xưa so sánh chuyện nay. Thật tình trước kia rất ít khi thấy gia đình dòng họ đi thưa kiện nhau. Ông Hà đưa mắt nhìn mọi người và ánh mắt ấy chăm chú nhìn tôi như dò xét, chờ tôi coi có nói gì thêm. Quả nhiên thấy tôi vẫn ngồi yên nghe, ông liền kề vô tai thầm thì - Chẳng lẽ chú không có gì buồn sao. Tôi cứ ngỡ ông Hà đắm mình trong nội tâm không chú ý đến xung quanh, nào đâu ông lắng nghe lại đi hỏi riêng, tôi hơi bất ngờ. Hình như ông muốn tìm một sự đồng cảm khái quát đi vào chiều sâu, nãy giờ mọi người như chỉ nêu ra hiện tượng. Ông chọn tôi nhưng mà nỗi buồn của tôi chỉ ở ngoài da, tôi không đủ độ nhạy cảm trước cuộc đời, nó còn có những nỗi buồn không tên sống để dạ chết mang theo. Người khóc còn nghe làm sao nghe được người khi không khóc, tiếng con chim không khóc. Thà là tôi ngồi yên. Chừng như thấy tôi yên lặng là cử chỉ trân trọng người khác, ông tiếp tục nói nhỏ:

- Còn tôi, tôi biết mặt mũi nó rồi, nó đã khiến tôi nhiều lần tìm đến cái chết.

***

Tưởng đâu mình nghe lầm, suýt nữa tôi lặp lại câu nói hỏi để biết chắc hơn, đó là sự thật. Lạ chưa. Nói xong, ông Hà lại tỏ ra bình thản như không có điều gì, đưa điếu thuốc lên môi kéo một hơi, rồi như ngậm khói trong miệng, từ từ ông thả khói bay ra. Hay đó là cử chỉ cho biết là tôi muốn nghe phải chịu khó chờ đợi. Quả nhiên sau đó khách khứa một số ra về, dưới tàng cây mận dựa bờ rạch có hai chiếc bàn bỏ trống. Hai người đổi qua cái bàn ấy, ông bắt đầu kể chuyện đời mình bằng giọng nói trầm trầm - Chú ơi, muốn biết đâu là đệ nhất buồn phải hiểu đâu là đệ nhất vui. Đêm nay thật là tình cờ, anh em có dịp gặp gỡ. Lẽ ra cuộc đời chỉ nên nói chuyện vui. Vì cái vui còn chia sẻ được, chuyện buồn của ai người đó mang. Có ăn hối lộ bị ở tù ráng mà chịu. Ông mở đầu nhát gừng, tôi chỉ còn nước nhẫn nại chờ, ông Hà lại ngậm khói trong miệng, như đắn đo có nên tâm sự cho người khác nghe không, mãi hai phút sau mới quyết định xong. Câu chuyện của ông Hà khá dài, khiến tôi quên chuyện ra về, trời đã hơn mười một giờ khuya. Kể hết ra, đó là câu chuyện dài xin ghi lại tóm tắt:

- Sau chiến tranh, tôi trở về sum họp gia đình gặp lại vợ và đứa con trai. Bà ấy vẫn không thay đổi, năm sau tiếp tục sinh thêm một đứa con gái. Giai đoạn này lương không đủ nuôi bốn miệng ăn, lại thêm cha mẹ già phải phụng dưỡng. Tìm mọi cách xoay xở, cuối cùng vợ chồng theo bài bản khởi nghiệp ban đầu của người nghèo là nuôi vài ba con heo. Vốn liếng không có để biến không thành có, phải đi xin cơm cặn cá thừa ở mấy quán ăn, phải lặn lội đi kiếm chuối cây, rau muống về xắt nhuyễn ra độn thêm với cám. Đây là những ngày tháng cán bộ mà phải mang kim chỉ, đá lửa ra chợ bán, nay thêm quần vo áo vận lội xuống ao kiếm từng ngọn rau muống, mắc cỡ lắm. Tội nghiệp cho bà ấy phải đợi những buổi trưa vắng vẻ len lén lội đầu trên, xóm dưới kiếm từng đọt rau, sợ người ta nhìn thấy giễu cợt chê cười. Gia đình nhờ cần cù vượt qua khó khăn, sau này khi có của ăn của để tôi vẫn không quên, mở rộng trại chăn nuôi ra khá quy mô, ngoài heo ra còn có đào ao cá rộng hàng mẫu đất. Có của ăn của để bỗng nhiên tất cả thay đổi ngỡ ngàng. Tới đây ông Hà lại dừng, vẫn thói quen kéo hơi thuốc ngậm trong miệng, làm như khói thuốc nhẹ có thật lại vừa là thứ ảo ảnh giữ lại không cho bay. Lúc đó tôi là trưởng đầu ngành, bà ấy là chủ tịch phường, đời sống chẳng thể so sánh với thiên hạ. Tuy nhiên cũng đủ tiền để cất nhà cửa khang trang, đủ cho hai đứa con lên Sài Gòn học. Lúc trước nghèo, ai mời đám tiệc mình né. Bây giờ đủ tiền để đi mỗi tháng vài chục thiệp mời đám cưới, tân gia. Còn cho bà ấy đi tham quan, du lịch đó đây để bù lại tháng năm vất vả. Nói chung tôi không giàu, chỉ có đủ tiền mua cuộc sống thong thả, an toàn, không ngờ cuộc sống bất an đã xảy ra ở ngay trong gia đình mình. Đầu tiên là đứa con gái lấy thằng ma cà bông nào đó vác bụng chửa về nhà. Sau đó thằng con trai lại dẫn một đứa con gái mang bầu chang bang đem về làm như nhà tôi là chỗ chứa, rõ ràng con cái là của nợ. Rồi hai vợ chồng nó chẳng giúp gì cho gia đình bỗng dưng bể ra nợ nần hàng trăm triệu bị đưa ra tòa. Heo, cá chưa được giá cao, tôi đành phải kêu bán để trả nợ cho con, chẳng lẽ cho nó ở tù. Đang loay hoay sắp xếp lại gia đình, chưa kịp lấy lại thăng bằng, thình lình tôi nhận được bao thư lạ gởi đến nhà. Mở ra tôi bàng hoàng thấy lá thư không viết chữ nào… mà lại vẽ đầu tôi có mọc hai cái sừng như trêu cợt… tôi ngẩn ngơ, tưởng đâu đất dưới chân mình xụp xuống. Đây là thư của ai đó tốt bụng muốn báo tin. Hay là kẻ xấu muốn phá gia cang. Hay là kẻ thù muốn chọc cho tôi mất bình tĩnh nổi cơn điên. Làm trưởng đầu một ban ngành chẳng phải ai cũng vừa bụng hết và cũng không phải công việc trọn vẹn hết, không có sơ hở khiếm khuyết. Tất cả đang rình rập. Tôi ngầm theo dõi bà ấy, hóa ra những lần đi du lịch, bà ấy gặp một tay luật sư có cái mã bề ngoài. Hai người ngầm hẹn hò dẫn nhau đi chơi. Tôi đau đớn, không biết bà ấy thay đổi từ lúc nào. Hóa ra sự thay đổi diễn ra hàng ngày trước mắt tôi, bắt đầu từ ngày bà ấy thay đổi kiểu tóc dài thành tóc ngắn, đem quần áo đi thêu, thay đổi bóp đầm model. Nhiều lần tôi từ trại chăn nuôi về, bà ấy chê tôi có mùi heo mùi cá. Tưởng thật, tôi vội vàng đi tắm rửa kỳ cọ, xà bông thơm sạch sẽ cho vợ con vui lòng. Vô tư tôi không chú ý, một ông chủ trang trại dưới tay có nhiều nhân viên đâu phải mó tay vô việc gì, thỉnh thoảng ghé qua trại kiểm tra sổ sách rồi về, làm sao có mùi hôi được. Ông bà ta nói thương nhau xấu xí hôi hám cũng thương, lúc không còn tình cảm cử chỉ gì của tôi bà ấy cũng thấy ghét, vậy mà tôi cũng đi tin chẳng chút nghi ngờ. Sự vô tư cuối cùng trong gia đình, vợ con thuộc về một phe, một mình tôi như đơn độc trở thành người xa lạ. Cố dùng lời ăn tiếng nói để giáo dục vợ con, trở lại buổi đầu êm ấm. Chú có biết tất cả ngồi yên như lắng nghe, nhưng không, tôi nhận ra đó chỉ là sự giả vờ. Không khí gia đình trở nên lạnh lẽo, lại vừa ngột ngạt khó thở. Bao lần tôi định làm đơn ly dị nhưng nghĩ, cả hai đều là cán bộ, tỉnh nhỏ như lòng bàn tay, xảy ra chuyện nhỏ cũng xôn xao dư luận tự nhiên trở thành mục tiêu cho thiên hạ bêu xấu. Còn uy tín đâu để làm việc, nhất là chuyện làm ăn đang suôn sẻ. Không được. Tốt hơn là tôi chịu đựng, việc gì rồi nó cũng trôi qua. Cuối cùng rồi nó không qua, cơm nuốt không trôi, nhìn mặt nhau là đã thấy mắc nghẹn. Cuộc sống trở nên vô nghĩa. Một buổi trưa, tôi bình thản khóa trái cửa nhà, lấy rượu ra uống, lấy thuốc ngủ ra đếm, mấy lần mua ở tiệm thuốc Tây gom lại được hai chục viên. Không ngờ số tôi chưa đến hẹn, vắng tôi, ở sở bỗng có việc giải quyết, tôi tắt máy họ gọi không được liền gọi cho bà chủ tịch phường. Bình thường tôi đâu có vậy, bà ấy gọi tôi cũng không được nên sinh nghi, lập tức trở về nhà. Tôi lại tiếp tục sống giống con ốc mượn hồn. Đúng ra bà ấy có sửa đổi chút ít, thằng kia lại gọi điện đến kiếm, rồi đâu vẫn vào đó, kiểu sống vừa có chồng lại vừa có bồ. Thằng con tiếp tục ăn chơi phá của, lại bị đụng xe chở vô nhà thương. Tiền bạc tôi có đầy đủ mà hồn vía lại không có. Một hôm chịu không xiết, từ trang trại chăn nuôi một mình thui thủi buồn quá, tôi mang về chai thuốc trừ sâu tìm cái chết thứ hai. Tới đây tôi hoàn toàn bất ngờ, qua việc tự tử trước đó, mẹ con bà ấy sinh nghi, ngầm kiểm soát mọi hành vi của tôi. Từ lâu tôi giống người tù bị giam lỏng, bị người theo dõi vẫn không hay, muốn chết cũng không được. Mỗi khi tôi bước vô phòng riêng là ở ngoài cửa có đứa rình mò. Nghe thấy có mùi thuốc trừ sâu, lập tức chúng nhào vô phá cửa chở tôi vô bệnh viện cấp cứu. Nhờ bác sĩ, tôi lần lần hồi tỉnh, mắt vẫn còn nhắm nhưng lỗ tai nghe được loáng thoáng tiếng người chuyện trò. Chú có biết tôi nghe vợ con bàn bạc điều gì không. Đến đây tôi kể kỷ niệm hồi nhỏ cho chú nghe, để rồi chú sẽ biết người ta nói gì với người đang nằm bệnh. Số là hồi nhỏ tôi có người bạn chơi rất thân. Một lần hai đứa rủ nhau đi chơi xa, nửa đường bỗng hết tiền. Hai đứa đành phải lội bộ, mồ hôi ra đầm đìa, cởi áo ra vắt vai, khát nước phải đi xin uống. Quãng đường dài hai chục cây số, mãi đến chiều tối hai thằng lết bết đói khát mới mò về được thị xã. Chú coi có đáng giận không. Tới nhà, thằng bạn nhe răng cười hì hì, móc bóp ra khoe mình còn năm đồng bạc. Tại sao có tiền lại không chịu đón xe đi, nó đâu phải thằng ích kỷ. Nhưng rồi nó nói - Tại tao có thói quen lúc nào trong túi cũng phải có tiền dằn túi. Cái này không xài được. Có tiền mà không xài vậy để làm gì. Thằng bạn lúng túng, cuối cùng cũng tìm được lý do, thí dụ nửa đường bị trúng gió bất tử, thí dụ bị lính tra xét giấy tờ chẳng hạn. Hai chục cây số có nhằm nhò gì, lội bộ được, nó đã quen vậy rồi chớ không phải xấu. Tình cờ bạn để lại tôi một dấu ấn. Nói thiệt với chú, trường hợp của tôi cũng giống như vậy. Từ lâu tôi thủ số tiền để phòng thân, tiền này không thể tiêu xài bừa bãi. Lý do đâu ai biết được chuyện ngày mai, cuộc sống biết ai thương ai ghét, ông phó luôn lăm le nhìn cái ghế của mình. Nhất là mình đang làm ăn, có chuyện gì lấy khoản nào mà chạy chọt, chạy án. Thiên hạ cũng giống như tôi vậy thôi. Tới đây chắc là chú đoán ra họ nói gì. Tôi nằm nhắm mắt nhưng tai còn nghe bà ấy thì thầm với hai đứa con - Tao kiếm khắp nơi rồi, không biết thằng chả giấu nó ở đâu. Hai đứa mầy chờ thằng chả tỉnh rồi từ từ hỏi, hỏi cho thiệt khéo. Dù sao tụi mày với thằng chả còn tình cha con, phải nhẹ nhàng, khéo léo không làm cho thằng chả nghi ngờ. Việc gì cũng không qua nhất quá tam ba bận nghe. Thằng chả bị sốc lần nữa là phải chịu.

Hóa ra người ta cứu sống tôi chỉ vì tiền, vì vàng bạc. Hóa ra đi nuôi bệnh chỉ vì không biết di chúc để ở đâu. Tiếng nói khó nghe của bà ấy làm tôi sực tỉnh. Tôi nhận ra mình đã chết hai lần. Rõ ràng cái chết chẳng có ý nghĩa gì, đó chỉ là cái xác. Cuộc sống vẫn còn nguyên, giả dụ có linh hồn, tất cả vẫn còn nguyên nặng nề. Tình cờ nghe mẹ con bàn tính, bóng tối đang vây quanh tôi bỗng biến mất, thay vào ánh sáng cuối đường hầm. Tôi vẫn còn thân nhân, con cháu, dù tôi là người bỏ đi vẫn còn nhiều người khác cần tôi. Cuộc sống nếu không tìm thấy ở chỗ này thì lặp lại ở chỗ khác. Đó cũng là lý do đêm nay tôi ngồi đây đưa tiễn người chết để biết mình còn sống.

Ông Hà kể một hồi dài rồi ngưng nói, lấy thuốc ra hút, đưa mắt nhìn xung quanh. Nhìn vô đồng hồ thấy đã 12 giờ khuya. Mải nghe chuyện không để ý tiếng trống, khi ngồi yên mới nghe, từng hồi trống thong thả, đêm rung lên nhè nhẹ. Tôi không nhớ mình trở về nhà lúc mấy giờ. Vẫn không biết gì về vợ con của ông Hà, trang trại chăn nuôi vẫn còn hay là giải thể, ông không nói, tôi cũng không hỏi, bao nhiêu cũng đủ biết lai lịch người hàng xóm. Sau những giây phút im lặng, ông Hà tiếp tục: "Người xưa tổng kết không gì vui bằng đi xa gặp được người thân, xa cách bao năm được gặp lại. Nỗi buồn nhiều hình thức, luôn ở xung quanh ta. Từ cái vui suy ra đệ nhất đau khổ chính là sống chung dưới mái nhà lại đâm thù ghét nhau. Muốn nhắm mắt quay mặt không thấy đau khổ chẳng bao giờ được, trừ khi chết. Chết là thể hiện quyền tự do tuyệt đối. Nhưng tôi đã mấy lần chết, thấy nó cũng chẳng có gì mới cả, nó vô nghĩa".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày