GN - Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc cũng là thời điểm kết thúc một nhiệm kỳ, và bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Nhân sự lãnh đạo có thể thay đổi trong tinh thần kế thừa hoặc được suy cử tiếp tục đảm nhiệm vai trò đứng đầu các ban ngành, viện T.Ư. Nhân sự kiện này, GN đã ghi nhanh nhận định và đề xuất về hướng đi của ngành từ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo 13 ban ngành, viện T.Ư nhiệm kỳ VII.
HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN:
“Tin tưởng ở người trẻ kế thừa, hoàn thành Đại tạng kinh VN”
Hai nhiệm kỳ qua tôi được Giáo hội giao trọng trách đứng đầu Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư. Chúng tôi làm được việc là nhờ kế thừa thành quả của những vị đã đóng góp như HT.Thích Minh Châu, HT.Thích Hiển Pháp, HT.Thích Chơn Thiện… đã có sẵn, mình phát huy thêm. Quan niệm của tôi là luôn tạo điều kiện và giao trọng trách cho thế hệ trẻ để họ làm việc. Vì thế vừa qua chúng tôi đã đề nghị giao trọng trách Ban Phật giáo Quốc tế cho TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS, sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm trong lĩnh vực này. Với điều kiện tuổi trẻ năng động, làm việc tại trụ sở của Giáo hội, tôi kỳ vọng lĩnh vực này sẽ hoạt động tốt hơn, đưa GHPGVN hòa nhập, giao lưu, hợp tác sâu rộng với các Giáo hội, tổ chức Phật giáo trên thế giới.
Đối với Viện Nghiên cứu Phật học, nhiệm kỳ qua Viện cũng chỉ làm được những việc tương đối khiêm tốn. Dự án in Đại tạng kinh VN đến nay chưa thực hiện được với nhiều lý do. Nhiệm kỳ đến phải xúc tiến thực hiện để hoàn thành ý nguyện Phật giáo VN phải có bộ Đại tạng kinh hoàn chỉnh. Đây là tâm nguyện của nhiều người. Các ngành, trung tâm chuyên môn trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học hoạt động khá hiệu quả. Các trung tâm này cũng đã có những công trình trong lĩnh vực của họ, tạo nên những thành quả của Viện. Viện cũng đã có những cuộc hội thảo trong phạm vi quốc nội cũng như quốc tế, các công trình nghiên cứu…
HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư:
“Cần có một bộ phận đủ tâm, đủ tầm…”
Ngành Tăng sự gắn liền với sinh hoạt, đạo hạnh trong đời sống hàng ngày của chư Tăng Ni trong cả nước. Do vậy, việc thực hiện các Phật sự ngành cần có một bộ phận đủ tâm, đủ tầm, được kính ngưỡng và luôn giữ mô phạm trên mọi phương diện tu học. Từ yêu cầu đó, nhiệm vụ quan trọng nhất cần được thực hiện một cách triệt để của ngành là việc chọn lựa cá nhân tiêu biểu, uy tín để tham gia Ban Tăng sự T.Ư khóa mới. Tiếp theo sau đó là công tác trao đổi thông tin với BTS GHPGVN các tỉnh, thành để suy cử nhân sự cho Ban Tăng sự tại các địa phương.
HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư:
“Thống nhất quản lý các cấp đào tạo Tăng Ni, mở khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để nâng cấp chất lượng giảng viên cho cả hệ thống giáo dục Phật giáo”
Giáo dục Tăng Ni là một ngành quan trọng, được chư tôn túc giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội đặc biệt quan tâm ngay từ ngày thành lập. Hiện nay chúng ta có 32 trường Trung cấp Phật học, 8 lớp Cao đẳng và đặc biệt là hệ thống 4 Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, TP.HCM, Huế và Cần Thơ. Các Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội, Huế, và TP.HCM đã xây dựng cơ sở quy mô xứng tầm, đã đưa vào sử dụng cho việc đào tạo Tăng Ni cấp cử nhân và hậu đại học một cách quy củ, đúng tinh thần đào tạo Tăng tài của Phật giáo. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã được đặt đá xây dựng, hy vọng sẽ sớm hoàn thành theo tiến độ, phục vụ cho việc đào tạo chư Tăng Nam tông Khmer tại Việt Nam.
Có thể thấy rằng, nhiều vị tốt nghiệp những khóa đầu của Trường Cao cấp Phật học, tiền thân của Học viện Phật giáo VN, đã và đang tham dự vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của TƯGH, các ban ngành, viện và các tỉnh thành. Ngày nay, thừa kế thành tựu đó, các Học viện phát huy, nâng cao chất lượng và tăng số lượng. Nổi bật phải kể tới Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM với số lượng Tăng Ni sinh đông nhất trong các Học viện, thực hiện nội trú, đã không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho Phật giáo các tỉnh thành cấp cử nhân, mà 5 năm qua, bên cạnh phân khoa đào tạo, còn mở thêm khoa Công tác xã hội và Lớp Sư phạm mầm non, đồng thời sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, đã đào tạo thử nghiệm chương trình thạc sĩ Phật học, khóa I đã tốt nghiệp, đang tiếp tục khóa II, và sẽ tiến hành đào tạo cấp tiến sĩ Phật học sau khi các cơ quan chức năng đồng thuận. Bên cạnh đó, Học viện còn có khoa đào tạo Phật học từ xa cấp cử nhân, với số lượng theo học rất đông, tạo điều kiện cho mọi giới, mọi thành phần xã hội nhằm nâng cao kiến thức về Phật giáo mà không có điều kiện tới trường lớp như các chương trình bắt buộc chính quy.
Trong nhiệm kỳ tới, trên cơ sở những gì đã làm, chúng tôi tin tưởng ngành giáo dục Tăng Ni sẽ tiếp tục có những thành tựu mới; đặc biệt khắc phục những tồn tại dù ấp ủ nhưng chưa làm được trong nhiệm kỳ này. Đó là làm sao để hệ thống và phân cấp quản lý các cấp trung cấp, cao đẳng và học viện một cách hợp lý hơn nữa; đồng thời phải thực hiện cho được các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, nâng cao một cách đồng đều nghiệp vụ sư phạm các cấp thuộc hệ thống giáo dục của Phật giáo VN, đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
Nhóm PV thực hiện
Bài liên quan: Bộ máy cần tinh gọn, nhân sự phải thực làm việc || Cần có cách làm hiệu quả || Củng cố và điều chỉnh đồng bộ ||