Tinh tấn trong đạo Phật khác với nỗ lực ở đời thường

Nỗ lực trên bước đường tu - Ảnh minh họa
Nỗ lực trên bước đường tu - Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Là Phật tử, chắc hẳn chúng ta còn nhớ bài thơ Xuân vãn của Sơ tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông). Nhân dịp xuân về, chúng ta cùng nhau nhắc lại bài thơ này, trước là tưởng nhớ Phật hoàng, sau là vui xuân, nhưng chúng ta không quên tinh tấn tu trì.

Bài thơ của Tổ vẻn vẹn chỉ có bốn câu: "Thủa bé chưa từng rõ sắc không/ Xuân về hoa nở rộn trong lòng/ Chúa xuân nay bị ta khám phá/ Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng" (Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch).

Với bốn câu thơ thôi, nhưng nội dung ý nghĩa Tổ dạy rất sâu sắc. Nếu đọc và suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy bài thơ toát lên hai ý: một là Tổ nói về nét xuân bên ngoài (tức xuân sinh diệt theo vô thường thế gian); và ý tiếp theo, Tổ đề cập đến một mùa xuân miên viễn trong lòng. Đó là sức xuân trường tồn khi người tu đạt được giác ngộ, giải thoát. Hai câu đầu của bài thơ nói về thời niên thiếu; hai câu sau (cũng là ý kết của bài), Tổ nhấn mạnh và nói rõ: Chúa xuân nay bị ta khám phá! Vậy, khám phá cái gì? Tổ đã khám phá ra cái vô thường sinh diệt, để thấy cái Chân thường hằng hữu mà ít người trong chúng ta thấy được. Không phải là người sành về thơ phú, nên không dám luận bàn sâu bài thơ này, lòng chỉ trộm nghĩ, Tổ dạy chúng ta là người tu Phật phải tinh tấn tu trì để dẹp bỏ cái xấu ác (tham, sân, si) hướng tới lộ trình giải thoát, phải tinh tấn lâu dài mới liễu ngộ được sự sinh tử luân hồi.

Tinh tấn khác với nỗ lực

Tinh là tinh chuyên, thuần nhất, không xen tạp, tấn là đi tới không thoái lui. Tinh tấn là luôn luôn chuyên tâm nhất trí, cố gắng không ngừng để tiến tới một mục đích toàn thiện, tốt đẹp, sáng sủa, an vui. Theo nghĩa thông thường, tinh tấn nghĩa là siêng năng, chuyên cần. Nhưng chữ tinh tấn trong đạo Phật có hàm nghĩa chuyên cần, siêng năng để đạt một mục đích chân chính tốt đẹp, đó là mục đích giải thoát chứ không phải siêng năng trong mục đích thiếu tốt đẹp, hẹp hòi, ích kỷ. Người học sinh chuyên cần học hành thi đỗ, để có chức cao, vợ đẹp, hưởng lộc nhiều; người trọc phú mê mải làm giàu, để thu lợi nhiều về cho mình; chàng trai si tình, chuyên tâm làm những việc để được lòng người yêu, như thế không phải là tinh tấn. Và các việc tương tự có tính “bản ngã” ích kỷ như nêu ở trên, chỉ là nỗ lực không được gọi là tinh tấn.

Tính chất của tinh tấn

Tinh tấn trong đạo Phật có những tính chất như sau:

1. Tinh tấn diệt trừ những điều ác chưa phát sinh: Những điều ác còn tiềm phục trong ta, ta đừng cho chúng phát sinh ra. Chẳng hạn từ trước đến nay ta chưa bao giờ trộm cướp, gian tham, cờ bạc, rượu chè, thì từ nay về sau, ta phải tinh tấn giữ gìn không cho những hành vi xấu xa ấy phát sinh.

2. Tinh tấn diệt trừ những điều ác đã phát sinh: Khi ta đã lỡ tạo điều ác, trộm cướp, dâm dật, rượu chè v.v... ta phải siêng năng quyết tâm trừ bỏ.

3. Tinh tấn làm phát sinh những việc lành chưa phát sinh: Như từ trước đến nay, ta chưa giúp đỡ người nghèo khổ, chưa bênh vực kẻ yếu hèn, chưa đi chùa lễ Phật, bây giờ ta quyết tâm thực hiện những điều ấy.

4. Tinh tấn làm tăng trưởng những việc lành đã phát sinh: Từ trước đến nay ta đã tu tâm dưỡng tính, làm nhiều điều phước thiện, bây giờ ta tiếp tục làm những công việc tốt đẹp ấy nhiều hơn nữa.

Tóm lại, tinh tấn là siêng năng, cố gắng không dừng nghỉ trong công việc diệt trừ, chặn đứng cái xấu, cái ác và làm phát sinh, tăng trưởng cái đẹp, cái thiện, với mục đích cuối cùng là sự giải thoát hoàn toàn.

Công năng của tinh tấn

Tinh tấn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy ta tiến mau trên con đường thiện. Không có tinh tấn thì dù có sáng suốt bao nhiêu, có dự định bao nhiêu công trình tốt đẹp, ta cũng không làm được việc gì có ích lợi cho ta và cho xã hội. Tinh tấn như dầu xăng trong bộ máy xe. Máy dù tốt, người lái dù giỏi mà không có xăng, chiếc xe vẫn nằm ỳ một chỗ.

Những bậc vĩ nhân, những đấng cứu thế, danh lưu muôn thủa cũng nhờ luôn luôn tinh tấn, với một ý chí dũng mãnh, quyết tâm giúp ích cho đời. Thất bại không làm cho họ ngã lòng. Trở ngại không làm cho họ thối chí. Nhờ tinh tấn, họ đã chiến thắng tất cả, từ ngoại cảnh đến nội tâm, họ đã đạt được những nguyện ước tốt đẹp, cao quý nhất của nhân loại và nêu cao gương sáng cho hậu thế soi chung.

Tinh tấn chính là ý chí và nghị lực sắt đá của những ai muốn tiến đến địa vị Phật-đà. Người tu hành không có tinh tấn chẳng khác gì kẻ muốn vượt qua biển rộng mà chẳng có thuyền bè. Bao nhiêu những đức tính quý báu như: từ bi, trí tuệ, lợi tha... sẽ trở thành những tiếng nói suông, nếu thiếu tinh tấn. Cho nên lời dặn cuối cùng của Đức Phật Thích Ca với các đệ tử, trước khi nhập Niết-bàn là: “Hỡi các đệ tử! Hãy tinh tấn lên để được giải thoát”.

Noi theo gương tinh tấn của Đức Bổn Sư Thích Ca

Nếu ở đời này có một gương tinh tấn rực rỡ và cao quý nhất, thì đó là gương tinh tấn của Đức Bổn Sư Thích Ca.

Với ý nguyện vĩ đại và cao cả nhất mà người đời chưa ai từng nghĩ đến là sự giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, và tìm con đường giải thoát ấy cho toàn thể chúng sinh, Đức Phật đã cương quyết lìa bỏ cung điện ra đi tìm đạo. Ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, không níu chân Ngài lại được; thành cao, hố hiểm, quan quân không chặn được bước tiến của Ngài; thâm sơn cùng cốc, rừng thiêng nước độc không làm Ngài nản lòng; giông tố bão bùng, nắng mưa, đói rét không làm Ngài nhụt chí. Một khi đã ra đi, Ngài không bao giờ quay đầu nhìn lại quá khứ yên vui để tiếc nuối. Con đường của Ngài là ở trước mặt, là ở trên cao, luôn luôn phải nhìn lên, bước tới. Lúc chưa tìm được đạo, Ngài quyết tâm tìm cho được. Khi đã tìm được đạo rồi, Ngài quyết tâm dẫn dắt chúng sinh lên đường đạo ấy. Tự giác rồi giác tha, và đeo đuổi mãi công cuộc ấy cho đến bao giờ giác hạnh viên mãn: tất cả đều nhờ tinh tấn.

Ai có được ý chí dũng mãnh như Ngài: tìm đạo cho đến quên ăn, quên ngủ, chết lịm ở giữa rừng vì đói khát? Ai nói được một câu quyết liệt, đầy nghị lực sắt thép như Ngài: “Nếu không chứng được Đạo quả, thì dù thịt nát xương tan, Ta quyết không rời khỏi chỗ này”. Có ai đã ngồi thiền 49 ngày liền dưới gốc bồ-đề giữa rừng già u tịch mà không một phút thối chuyển?...

Trau giồi tinh tấn hàng ngày của người Phật tử

Theo thầy tổ, trước tiên muốn trau giồi hạnh tinh tấn cho có kết quả, chúng ta phải đề phòng những trường hợp sau đây:

- Khắc phục tính háo thắng, đây là một tính xấu có thể làm trở ngại rất nhiều trong công việc trau giồi tinh tấn của ta. Có nhiều người vì tính hiếu thắng muốn tỏ ra ta có tài đức hơn người, nên muốn làm những việc vĩ đại tày trời; nhưng sức lực tài năng của họ có hạn, nên dù họ có cố gắng, tinh tấn bao nhiêu cũng vô ích. Chẳng hạn, có anh chàng mới tập bơi, nghe người ta thách bơi qua sông cũng nhận lời. Anh ta dù có cố gắng đem hết sức lực ra để bơi cũng không thoát khỏi chết chìm ở giữa sông.

- Cần đề phòng sự hấp tấp nóng nảy, muốn mau được kết quả. Sự gì, vật gì cũng đều cần có một thời gian để phát triển, trưởng thành. Ta quên sự thật ấy thì không làm được việc gì có kết quả hết. Người muốn diệt trừ ngay một lúc tất cả tính xấu của mình chẳng khác gì đứa trẻ trong một phút cao hứng, vào rừng quyết tâm trừ cho hết thú dữ hay một người lính đơn thương độc mã xông vào trận mạc của quân địch.

Cho nên muốn tinh tấn có kết quả tốt đẹp, cần phải làm việc một cách có phương pháp, phải loại trừ tính hiếu thắng, tính nóng nảy gấp gáp. Ta có thể đặt mục đích cao xa, nhưng hãy tuần tự mà tiến, hết bước này đến bước khác; đi từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Hãy tiến lên một cách đều đặn, đừng có khi chạy thật mau, rồi có khi ngồi để thở, hay quá mệt nằm xuống không thể dậy được nữa!

Ta hãy nghe Đức Phật dạy: “Ta tinh tấn nỗ lực thêm lên mãi, để đạt được mục đích cao thượng nào mà ta chưa đạt được, để làm chủ các phép mà ta chưa làm chủ được, để thực hiện những đức tính nào Ta chưa thực hiện được. Siêng năng tinh tấn thì không việc gì là khó. Giọt nước tuy nhỏ mà thường chảy cũng làm xuyên thủng đá. Nếu các thầy hành đạo mà tâm còn biếng nhác, trễ lười thì đạo quả khó thành, ví như người dùi cây lấy lửa, cây chưa nóng mà đã thôi không dùi nữa thì lửa làm sao có được? Thế cho nên các thầy phải chuyên cần tinh tấn”.

Nếu làm được những điều như Đức Phật dạy, là chúng ta đã dưỡng tính tinh tấn của Phật - vốn luôn sẵn có ở trong ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày