Kể từ sau số này, để ưu tiên cho các nội dung khác theo yêu cầu của độc giả, Giác Ngộ khép lại chuyên trang "1.000 năm Thăng Long". BBT chân thành cảm ơn các nhà nghiên cứu, các tác giả đã nhiệt thành nhận lời mời của BBT tham gia cộng tác với chuyên trang này suốt thời gian qua. Chân thành cảm ơn quý độc giả đã đón nhận, cộng tác và chuyển đến tòa soạn nhiều thông tin liên quan bổ ích, giúp cho BBT trong việc tổ chức nội dung chuyên trang một cách thuận lợi.
Chúng ta cần có những định nghĩa về các giá trị sống, các giá trị văn hóa rõ ràng, không khuôn sáo, cần tôn vinh nó trong xã hội, trong đời sống hàng ngày chứ không thể và không chỉ dừng lại ở việc tái hiện trên sân khấu
Niềm vui ngàn năm một thuở
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Hà Nội, ấn tượng với những con số gắn liền "1.000", với những bữa tiệc văn hóa, nghệ thuật, các hoạt động thể thao, giải trí rầm rộ, thu hút sự chú ý của hàng triệu người dân Việt, kiều bào ở nước ngoài và du khách bốn phương về Hà Nội tham dự.
Khép lại mười ngày diễn ra Đại lễ là chương trình Tổng diễn nghệ thuật tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Quốc gia VTV. Dư âm về Đại lễ có nhiều cung bậc khác nhau, nhưng hầu hết đều hòa và cuốn vào dòng chảy chung, có lẽ không một ai muốn trở thành kẻ bàng quan đứng nhìn sự kiện văn hóa ngàn năm có một!
Người Hà Nội tự hào vì đã kế thừa nếp sống kinh kỳ qua nhiều thời đại của Thăng Long - Đại Việt xưa. Người dân Việt hãnh diện vì dân tộc chúng ta có một bề dày lịch sử, "Tuy từng lúc mạnh yếu khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có" (Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi). Những trang sử vàng của dân tộc, những thời khắc sinh tử, những tấm lòng vô ngã lo mưu kế cho con cháu muôn đời… như sống dậy, trở thành tiếng nói vang vọng trong tâm thức của hàng triệu người dân, thôi thúc mỗi người hãy có một hành động gì đó để xứng đáng với tiền nhân, để không trở nên tủi hèn trước danh lợi, ngoại xâm, để tự hào là người Việt Nam dẫu cuộc sống hiện tại vẫn còn nhiều ngổn ngang, khó khăn… Và, điều quan trọng nhất, để mọi người có thể nắm lấy tay nhau - điều không phải lúc nào cũng làm được vì còn đôi chút ngăn ngại đâu đó trong lòng mỗi người. Trước tổ tiên, chúng ta là con cháu, là anh em, là con một nhà.
Niềm vui Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là niềm vui đoàn viên, niềm vui đoàn tụ trong ngôi nhà Việt Nam được dựng từ nền móng Thăng Long xưa.
Với người Phật tử, ngàn năm Thăng Long gợi nhớ truyền thống gắn bó mật thiết giữa Đạo Phật và Dân tộc, gợi nhớ sự khiêm tốn và ý thức sống là hiện hữu trong các mối nhân duyên, gợi nhớ sự uyển chuyển theo các yêu cầu lịch sử, làm tất cả mọi việc mà không rời xa tâm bồ đề - tâm hướng cầu giải thoát, giác ngộ.
Ngàn năm Thăng Long gợi nhớ lịch sử mấy thiên niên kỷ của một dân tộc luôn phải cảnh giác trước âm mưu ngoại xâm, luôn khát vọng độc lập hòa bình, tôn trọng hiền tài, đoàn kết và sáng tạo. Chính điều đó đã làm nên nội lực, sức mạnh dân tộc, để sống còn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt, trước âm mưu hủy diệt văn hóa và tiếp tục phát triển, hội nhập với thế giới.
Sức sống mãnh liệt đó cũng chính là những giá trị sống được kết tinh, thử thách qua nhiều hoàn cảnh, đã chứng tỏ khả năng tiếp nhận một cách chủ động, khả năng dung hợp, vận dụng một cách uyển chuyển theo yêu cầu của thời đại, là những yếu tố làm nên nền văn hiến Việt Nam, tạo nên sự khác biệt và đa dạng trong biểu hiện văn hóa với các quốc gia lân cận; nói cách khác, chúng ta có một bản sắc văn hóa được hình thành lâu đời, được chắt lọc từ đời sống của nhân dân qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của một dân tộc độc lập lâu dài mở đầu với sự ra đời của kinh đô Thăng Long - thời Lý.
Gian nan kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa Thăng Long
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức, nếu xong Đại lễ xem như kết thúc một niềm vui và hẹn… 1.000 năm tới, thì điều đó có nghĩa là chúng ta bỏ lỡ một vận hội ngàn năm có một. Tiếng trống hợp âm 1.000 chiếc trống dù có lớn thế nào đi nữa cũng sẽ chấm dứt, trả cuộc sống về lại im lặng đời thường. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, có thể nói, đã đánh thức niềm tự hào dân tộc, hãnh diện vì lịch sử của xứ sở, tinh thần đó đã hợp lực gióng lên những tiếng trống bên trong tâm hồn của mỗi người dân Việt, mới thực sự có ý nghĩa dài lâu.
Xác định văn hóa là nền tảng cho mọi phát triển, với một xã hội có nhiều dấu hiệu bất ổn về đạo đức lối sống, khủng hoảng các giá trị làm chuẩn mực trong ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với môi trường sinh thái… mà hàng loạt thông tin tiêu cực đầy dẫy trên các trang báo, chúng ta đã cố gắng cổ xúy cho xu hướng tìm về cội nguồn bản sắc dân tộc, phục dựng và hiện đại hóa các giá trị truyền thống để chấn hưng dân trí, dân khí, mà Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua có thể nói là đỉnh của ngọn sóng này.
Trên xu hướng tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc ấy, chúng ta thiên về hình thức, nặng về phong trào và thành tích hơn là nội dung thiết thực. Đại lễ rộn ràng qua đi, sau niềm vui là ngổn ngang những nỗi lo lắng về chất lượng dân sinh, về định hướng phát triển, vẫn mơ hồ trong việc thừa kế các giá trị truyền thống được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của cha ông ta ngàn năm qua. Sau niềm vui Đại lễ, cảm giác hụt hẫng được báo chí mô tả là mẫu số chung của nhiều người.
Văn hóa không phải chỉ là gạch, là đất vô tri vô giác, mà là sự sống, là trí tuệ, là sáng tạo của tiền nhân ẩn trong những di vật như thế này.
Chúng ta có lịch sử với những trang vàng hào hùng. Tiền nhân chúng ta có những bậc hiền tài có tầm nhìn cao viễn. Với sự kiện này, không ít người hy vọng sẽ hình dung được diện mạo của cha ông ta xưa, thỏa mãn được nỗi ám ảnh: chúng ta là ai, ta là ai? Nhưng dường như diện mạo ấy cũng chưa được phác thảo, vẫn chung chung, mơ hồ.
Chúng ta là một dân tộc có văn hiến, nhưng nội hàm của nền văn hiến ấy vẫn chung chung, là những yếu tố cũng thường có trong các dân tộc khác trên thế giới. Trong các thông điệp, chúng ta vẫn còn sử dụng sáo ngữ rất nhiều, nên chưa chạm vào tâm hồn của đông đảo người dân, chưa đủ sức biến thông điệp ấy trở thành hành động cụ thể, thiết thực ngay trong đời thường, mà hầu hết chỉ dừng lại ở những cuộc mít-tinh, hay thậm chí ở trên sân khấu. Cho nên, chúng ta mới thấy những hình ảnh mà báo chí cho là "không đẹp" trong đại lễ như vặt hoa, leo trèo lên bất cứ chỗ nào có thể để chiếm lĩnh vị trí cao nhất nhằm thỏa mãn nhu cầu mục sở thị, chúng ta mới thấy sau mỗi nơi đám đông tụ họp là… rác, là cỏ và hoa bị dẫm nát không thương tiếc, lạm dụng và rút ruột công quỹ, làm dối làm ẩu...
Dường như hiếm ai nghĩ rằng: không xả rác, tôn trọng và giữ gìn vẻ đẹp chung, giữ sạch môi trường… cũng là hành động yêu nước, yêu Thăng Long - Hà Nội. Những hành động giản dị đó là biểu hiện của người tự trọng, là người có văn hóa, là người thủ đô văn hiến. Người ta cứ nghĩ yêu nước là… chiến đấu, là thi đua gì gì đó nên vắng mặt trong đời sống ngày thường.
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội qua rồi, cơn sóng dồn dập với nào thông tin, nào các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí cũng qua rồi, nhưng sự cần thiết của một tinh thần Thăng Long thiết thực và cụ thể với những giá trị sống được định nghĩa rõ ràng, đầy sức sống, đánh thức được tâm hồn của mọi người mà có thời chúng ta đã làm thành công, nhờ đó đã huy động được sức mạnh toàn dân, đoàn kết làm nên những chiến công lẫy lừng.
Do lịch sử, đặc biệt là do những đợt hủy diệt văn hóa của phương Bắc đối với nước ta trong quá khứ, công việc đó là khó khăn, nhưng nếu không làm được thì chắc chắn chúng ta không kế thừa và phát huy được những giá trị văn hóa Thăng Long - văn hóa dân tộc. Và như thế, công cuộc xây dựng và phát triển của chúng ta khó có thể bền vững. Bởi văn hóa là động lực và cũng là mục tiêu của kinh tế, chính trị và phát triển xã hội.