Tôi vẽ ngựa mừng xuân Giáp Ngọ

GNO - Như thường lệ, cứ đến cuối năm là anh bạn phóng viên Đài PTTH tỉnh đặt hàng cho tôi thư họa một con giáp, để anh ấy đến quay con giáp tôi vẽ vài phút cho chương trình Tết, như tác phẩm tôi đã từng vẽ: Xuân Tân Mão 2011, Xuân Nhâm Thìn 2012…

Th_ h_a GI_P NG_ 2014.JPG

Thư họa Giáp Ngọ 2014 của Lê Đàn

Và năm nay, đề bài cho bức thư họa con ngựa: Xuân Giáp Ngọ 2014, thiệt là khó! Tôi định từ chối, vì với tôi vẽ con ngựa đã khó, huống hồ vẽ con ngựa với những chữ đã mặc định: Xuân Giáp Ngọ 2014; nhưng vì muốn thử thách mình trong lĩnh vực nghệ thuật thư họa  chân dung mà tôi rất đam mê, tự mày mò viết vẽ thực tập hơn mười năm nay, cho nên tôi đã nhận lời anh bạn phóng viên ấy.

 Thư họa chân dung con người, loài vật, hoặc cảnh vật bằng con chữ là một loại hình nghệ thuật thư họa khó hơn nghệ thuật thư pháp viết chữ bình thường, đòi hỏi tác giả phải tư duy rất nhiều. Người theo nghệ thuật này giống như người thợ xây nhà, nhưng xây nhà có phần dễ hơn vì trong tay họ là những viên gạch đồng đều, còn nhà thư họa thì trong tay họ là những cái tên người, tên vật… đã mặc định, gồm những con chữ không đồng đều a, b, c… Thiệt không dễ chút nào!

Sau nhiều ngày vùi đầu “lao tam khổ tứ”, cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm như trả được món nợ lời hứa: không những  một mà là hai tác phẩm thư họa con ngựa ra đời, khá thành công. Tôi đã vẽ trên hai chất liệu giấy và gỗ. Một con ngựa cái: Xuân Giáp Ngọ 2014, và một con ngựa đực: Giáp Ngọ 2014 rất oai phong!

Th_ h_a XU_N GI_P NG_ 2014 - L_ __N.JPG

Xuân Giáp Ngọ 2014 - nội dung bức thư họa mừng năm mới của Lê Đàn

Anh bạn phóng viên truyền hình khá hài lòng khi quay lại cảnh tôi ngồi vẽ 2 tác phẩm này và phỏng vấn năm điều ba chuyện về con ngựa. Tôi cũng nói sơ về con ngựa quý Kiền Trắc của Thái tử Tất Đạt Đa và con ngựa bạch của thầy trò Đường Tăng - Tôn Ngộ Không ngắn gọn, đầy đủ và một vài đức tính đặc biệt của loài ngựa thông minh, người bạn đồng hành của con người trên từng cây số ngày xưa, khi chưa có xe cộ hiện đại như bây giờ. Nhưng người ta vẫn nhớ ơn con ngựa bằng cách gọi “mã lực” cho sức kéo máy móc…

Qua đó, tôi đặc biệt nhấn mạnh về một “khả năng nhận biết họ tộc” rất chính xác của loài ngựa, cụ thể, từ sự nghiên cứu của các nhà khoa học khi tách riêng một con ngựa đực sơ sinh với mẹ nó cách xa nhau không có sự liên lạc; sau mấy năm ngựa đực con trưởng thành, các nhà khoa học lại đem nó về với mẹ. Bằng khả năng đặc biệt, ngựa mẹ nhận ra ngay. Kết luận: họ hàng nhà ngựa không bao giờ loạn luân.

Những ngày cuối năm, chúng ta vừa mới thương tiếc tiễn biệt nhạc sĩ Lê Cao Phan, tác giả bài hát Phật giáo Việt Nam. Bằng nghệ thuật thư họa trên đá, năm 2005, tôi đã thư họa chân dung nhạc sĩ Lê Cao Phan và chép bài hát Phật giáoViệt Nam lên đá, tuy chưa đẹp lắm, nhưng đó là một kỷ niệm bước đầu học vẽ. Tôi xin được giới thiệu với bạn đọc về bức chân dung của cố nhạc sĩ, như mội sự tưởng nhớ.

PGVN L_ CAO PHAN1.JPG

Thư họa chân dung nhạc sĩ Lê Cao Phan của Lê Đàn

PH_T DI L_C - L_ V_.JPG

Thư họa Phật Di Lặc của Lê Vũ

Nghệ thuật thư họa chân dung rất là độc đáo! Tuy khó, nhưng rất hấp dẫn, một số nhà thư pháp và họa sĩ đã có hướng tiếp cận để sáng tác. Hy vọng trong lai sẽ có thêm nhiều nhà thư họa chân dung tài hoa đất Việt như họa sĩ Lê Vũ, một nhà thư họa chân dung nổi tiếng với tập ảnh thư họa 200 danh nhân. Riêng tôi thích nhất tác phẩm thư họa Phật Di Lặc của Lê Vũ.

Mùa xuân gần kề, tôi ngắm nghía mãi hoài hai con ngựa của tôi mới hoàn thành xong, và nhìn sang bức Phật Di Lặc của Lê Vũ với cái bụng bự đang mỉm cười với tôi - nụ cười hỷ lạc.

Tôi vui lắm! Đốt một lò trầm thơm ngát, thư họa chào xuân, tôi vẽ Phật, chân dung của Ngài theo trí tưởng của tôi.

Tịnh khẩu

Thanh tịnh!

Lê Đàn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày