GNO - Tại hội nghị Nalanda, Tổng thống Ấn Độ - Mukherjee (ảnh) nói rằng không một nơi nào trên thế giới không bị quấy rầy bởi bạo lực.
Phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Phật giáo Quốc tế kéo dài 3 ngày tại Rajgir, Nalanda, Tổng thống Pranab Mukherjee hôm Chủ nhật (19-3), cho biết triết lý của Phật giáo rất thích hợp trong kỷ nguyên bạo lực ngày nay, "đặc biệt là khi thế giới đang phải vật lộn với những vấn đề phức tạp có vẻ khó giải quyết".
Thủ hiến bang Bihar Nitish Kumar và Thống đốc Ram Nath Kovind cũng đã phát biểu tại buổi lễ này, do Nava Nalanda Mahavihara tổ chức.
Tuyên bố về "Phật giáo trong thế kỷ 21 - quan điểm và phản ứng với những thách thức và khủng hoảng toàn cầu" đã có sự tham dự của hàng trăm học giả Phật giáo, các nhà sư và các đại biểu đến từ 35 quốc gia, với bài phát biểu đặc biệt của Đức Dalai Lama hôm 18-3.
"Không một nơi nào của thế giới ngày nay thoát khỏi tai họa của bạo lực ... cuộc khủng hoảng này đang lan tràn", Tổng thống nói, nhấn mạnh rằng "Phật giáo đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh của con người".
Tổng thống nói, "Giáo dục có nghĩa là sự phát triển của tâm trí và đòi hỏi một bầu không khí có lợi cho việc trao đổi ý tưởng tự do".
Ông Mukherjee kêu gọi các đại biểu "tăng gấp đôi nỗ lực quảng bá những Chân lý đơn giản và Con đường của Đức Phật, cho thấy chúng ta có thể trở thành những công dân tốt hơn và góp phần làm cho đất nước của chúng ta trở thành một nơi tốt hơn để sống".
Tổng thống cũng bày tỏ niềm vui rằng Nava Nalanda Mahavihara đã xuất bản gần đây bộ Pali Tripitaka (Tam tạng Pali) 41 tập bằng ngôn ngữ Devanagari. Ông cũng chúc mừng trường Đại học đã mở khoa Khoa học Phật giáo đầu tiên trên thế giới.
Thủ hiến Nitish Kumar cũng nhấn mạnh nguyên lý Phật giáo và nói rằng có liên quan đến thế giới bạo lực và không tin tưởng ngày nay. Ông Kumar cũng đề nghị mở một "Trung tâm giải quyết mâu thuẫn" tại Rajgir.
Trước đó vào ngày 18-3, Đức Dalai Lama đã đến thăm Nava Nalanda Mahavihara sau khoảng 60 năm và trồng một cây bồ-đề con. Ngài đã dự khánh thành Tòa nhà Khoa học Nagajurna và Cư xá Santarakshita. Nói đến truyền thống của Nalanda, Đức Dalai Lama nói rằng sự đóng góp của Dignaga và Dharmakriti không thể nào bị lãng quên được đối với thế giới.
Văn Công Hưng
(theo The Hindu)