TP.HCM: Lễ húy kỵ lần thứ 31 HT.Thích Từ Hạnh

GNO - Tại chùa Hòa Khánh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào sáng nay, 10-11 (14-10- Kỷ Hợi) đã diễn ra lễ húy kỵ lần thứ 31 HT.Thích Từ Hạnh, nguyên Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH.

anhdANH (2).JPG

Di ảnh HT.Thích Từ Hạnh tại chánh điện chùa Hòa Khánh

Chứng minh buổi lễ có HT.Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực HĐCM; HT.Thích Tịnh Hạnh, HT.Thích Như Tín - Thành viên HĐCM; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó BTS GHPGVN TP.HCM; chư tôn đức Văn phòng II TƯGH, Ban, Viện T.Ư, Ban Thường trực BTS TP và Phật tử tham dự lễ tưởng niệm.

Tại buổi lễ, HT.Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TƯGH, trụ trì chùa Hòa Khánh đã thay mặt môn nhơn pháp quyến và Phật tử dâng lời tưởng niệm Giác linh cố HT.Thích Từ Hạnh.

Theo đó, HT.Thích Từ Hạnh, thế danh là Phạm Chí Nguyện sanh năm 1927 tại ấp Đức Phổ, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm lên 15 tuổi, được song thân cho vào chùa học đạo, làm đệ tử của HT.Thích Phước Thành, trụ trì chùa Thiên Phước, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định và được bổn sư thế phát, ban pháp danh là Quảng Y, pháp hiệu Từ Hạnh, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 45.

anhdANH (3).JPG

HT.Thích Tấn Đạt dâng lời tưởng niệm cố HT.Thích Từ Hạnh

Kể từ khi xuất gia, Hòa thượng đã trải qua nhiều lớp Phật pháp tại các tổ đình tòng lâm của từng địa phương và được trưởng thành sau khi nhập học tại các Phật học đường Thiên Đức, Thập Tháp... tại Bình Định và Nha Trang.

Hòa thượng Từ Hạnh được Viện Hóa đạo GHPGVNTN bổ nhiệm giữ chức Ủy viên phụ trách Phật tử, Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Gia Định cũ, rồi được bổ nhiệm trụ trì chùa Phổ Đà - Q.Bình Thạnh. Từ năm 1970 đến năm 1975, Hòa thượng giữ chức Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề tại Quy Nhơn.

Sau năm 1975, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành lập, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Tổng Thư ký, rồi Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM.
Năm 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam hình thành, Hòa thượng được cử giữ chức Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Hòa thượng được Hội nghị cử giữ chức Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH.

3hk.JPG

Chư tôn đức tham dự lễ húy kỵ lần thứ 31 HT.Thích Từ Hạnh

Tại Trường Cao cấp Phật học TP.HCM, Hòa thượng đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng đặc trách học vụ và hành chánh.

Theo tinh thần di chúc của Hòa thượng Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm, trước khi vị pháp thiêu thân, Hòa thượng đã được Giáo hội và Thành hội bổ nhiệm về trụ trì chùa Quán Thế Âm, Q.Phú Nhuận từ năm 1985 cho đến ngày viên tịch 1988.

Trên bước đường phụng sự Giáo hội, Hòa thượng luôn luôn nhắc nhở với các hành giả của Như Lai cần phải nỗ lực hơn nữa trên bước đường tiến tu đạo nghiệp và phục vụ nhân sanh. Hòa thượng đã chủ xướng chương trình thi diễn giảng cho Tăng Ni trẻ tại các hạ trường trong mùa An cư kiết hạ, với mục đích hỗ trợ và phát hiện những “nhân tố mới” trẻ có năng lực để bồi dưỡng và đào tạo trở thành những bậc đống lương phục vụ Giáo hội trong giai đoạn mới.

4hk.JPG

Chư tôn đức thành kính niêm hương tưởng niệm

anhdANH (9).JPG
HT.Thích Như Niệm ban đạo từ chứng minh

Hòa thượng đã xả báo an tường vào lúc 18 giờ 30, ngày 22-11-1988, tại chùa Quán Thế Âm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Bạn đạo từ chứng minh tại lễ trai Tăng, HT.Thích Như Niệm đã nhắc lại những công lao của cố HT.Thích Từ Hạnh đối với đạo pháp và dân tộc. Qua đó nhắc nhở bậc hậu bối không được quên công ơn các bậc tiền bối đi trước để Giáo hội Phật giáo Việt Nam có một tổ chức thống nhất xuyên suốt như hiện tại.

N.Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày