TP.HCM công bố kế hoạch mở cửa từ ngày 1-10

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM công bố chỉ thị - Ảnh: TTBCTP.HCM
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM công bố chỉ thị - Ảnh: TTBCTP.HCM
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 30-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau thời gian dài áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó".

Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Lê Hải Bình, Phó ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo TP.HCM về phòng, chống dịch Covid-19.

Trên nguyên tắc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ để triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn", chỉ thị mới của thành phố nhằm đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể; người dân không đồng loạt ra đường.

Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 được tập trung tối đa 70 người.

Theo Chỉ thị mới của UBND TP.HCM, sau ngày 30-9, thành phố không cấp giấy đi đường, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi địa bàn TP.HCM, khi thực sự cần thiết thực hiện theo quy định của Sở Giao thông Vận tải. Nếu đi xe cá nhân cũng sẽ không qua được các chốt kiểm soát liên tỉnh.

Người dân được yêu cầu thực hiện 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác tại nơi công cộng và cả khi làm việc. Hai nhóm đủ điều kiện đi lại, gồm: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vắc-xin yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày).

Quang cảnh cuộc họp báo công bố sáng 30-9-2021 - Ảnh: TTTBCTP.HCM

Quang cảnh cuộc họp báo công bố sáng 30-9-2021 - Ảnh: TTTBCTP.HCM

Người dân quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát hoặc tại địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy...).

Cụ thể, thành phố dự kiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được tổ chức ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) tập trung tối đa 10 người; 70 người nếu 100% người tham gia tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi Covid-19. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có Thẻ xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch của ngành y tế và các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trên các lĩnh vực.

Các ngành nghề được hoạt động trở lại gồm: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện; Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y; Công trình giao thông, xây dựng;

Các ngành nghề dịch vụ thương mại như: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; Cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; Chợ đầu mối, chợ truyền thống; Chi nhánh ngân hàng, kho bạc; Xăng, dầu, gas, hóa chất; Vật liệu; Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

Bưu chính, viễn thông; Xuất bản báo chí; Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử...

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: chỉ được bán mang đi; Đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.

Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật; mít tinh, lễ phát động (trừ trường hợp cơ quan thẩm quyền cho phép); hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

TP.HCM tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra, vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh các tỉnh. Chốt kiểm soát kiểm tra phương tiện, người đi đường bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Thành phố tăng cường kiểm soát lưu động tại điểm mật độ đi lại cao.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt đường thủy tối đa 50% công suất. Vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động nhưng đảm bảo biện pháp phòng dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh.

Shipper vận chuyển hàng hóa bằng xe máy và người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký với UBND quận, huyện được phép hoạt động. Nhóm này phải tiêm đủ liều vắc-xin, hoặc khỏi bệnh Covid-19; được xét nghiệm định kỳ.

Phó Giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang trả lời tại cuộc họp báo - Ảnh: TTBCTP.HCM

Phó Giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang trả lời tại cuộc họp báo - Ảnh: TTBCTP.HCM

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM vừa trả lời tại cuộc họp báo sáng 30-9, cho biết Công an TP.HCM sẽ duy trì 51 chốt, phối hợp với công an địa phương kiểm soát việc ra vào TP, gỡ bỏ các chốt kiểm soát nội đô; Bỏ giấy đi đường và chuyển sang hình thức kiểm tra khác, tăng cường kiểm soát đột xuất trên đường, ngẫu nhiên trong 24/24 giờ (khai báo y tế, VNEID, chờ thống nhất app mới). Người dân cũng chưa được quyền tự do đi về các tỉnh, thành phố khác khi chưa được cho phép.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày