GNO - Trong hai ngày 29, 30-9, có 33/47 bài tham luận được trình bày tại các phiên thảo luận của Hội thảo Hoằng pháp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó nổi bật lên là các trăn trở mang tính thời đại của chư tôn đức hoạt động chuyên ngành và câu hỏi đặt ra là làm có thể đẩy mạnh sự nghiệp hoằng pháp trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển vượt bậc...
Chư tôn giáo phẩm chủ tọa hội thảo
Áp dụng tính khế lý khế cơ
Là một trong những đại biểu đăng đàn phát biểu đầu tiên, TT.Thích Nhật Từ, UV HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư cho rằng cần áp dụng tinh thần giáo lý về tính khế lý khế cơ của đạo Phật đối với sứ mệnh này.
Theo đó, để phù hợp với thời hiện đại, từ “Pháp sư”, chỉ cho những vị thầy truyền bá chân lý của Đức Phật, có thể thay thế bằng từ “kỹ sư tâm hồn” (spiritual technician) nhấn mạnh về phương pháp, hay “bác sĩ tâm linh” (spiritual doctor) nhấn mạnh về trị liệu, chẩn đoán bệnh, truy tìm nguyên nhân bệnh, cho giá trị sức khỏe và phương pháp trị bệnh.
“Nếu 54.000 Tăng Ni trong 18.447 ngôi chùa trên toàn quốc đều làm vai trò Pháp sư, trở thành “bác sĩ tâm linh” hay “kỹ sư tâm hồn” thì chắc chắn Phật giáo sẽ được nhân dân Việt Nam thuộc mọi thành phần xã hội gồm giới chính trị, doanh nhân, trí thức, tuổi trẻ và giới bình dân đón nhận”, TT.Thích Nhật Từ nhấn mạnh.
Và trong bối cảnh toàn cầu hóa, TT.Thích Nhật Từ cho rằng vai trò chính của Tăng sĩ là nỗ lực hoằng pháp nhằm phát triển Phật giáo và phụng sự nhân sinh. Tăng Ni phải có nhiệt huyết truyền bá chân lý Phật, gồm dịch kinh sách, viết sách Phật học, thuyết pháp, tổ chức các khóa tu và tư vấn tâm linh. Mục đích của việc truyền bá chân lý không chỉ giúp cá nhân đạt được hạnh phúc an vui mà cần cam kết mang phúc lợi cho toàn nhân loại.
Cuối bài trình bày, TT.Thích Nhật Từ còn đưa ra đề nghị, mỗi ngôi chùa cần thiết tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin bằng việc ra trang web, tận dụng mạng xã hội như là một kênh để truyền tải giáo lý Đức Phật.
Trong khi đó, TT.Thích Tâm Như, Phó ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Khánh Hòa thì cho rằng, mỗi vị giảng sư cần nhanh chóng vận dụng truyền thông số một cách hiệu quả. Vì nếu trước kia một bài báo chỉ được in trên giấy, thì ngày nay, sau một vài phút đồng hồ, tin tức và hình ảnh của một khóa tu đã tràn ngập trên những trang báo mạng. Không những thế nếu các phương tiện hoằng pháp truyền thống chỉ có thể giới hạn trong phạm vi người Phật tử, rất ít người không tôn giáo hay tôn giáo bạn có thể tiếp cận, thì truyền thông số với tính chất đại chúng sẽ có thể dễ dàng tiếp cận những đối tượng này. Đây cũng là một sự trợ lực đáng kể cho công tác hoằng pháp của Phật giáo. Bởi lẽ, giáo lý Phật giáo từ rất lâu đã khẳng định được tính chân lý và khoa học đối với toàn nhân loại.
Cũng theo TT.Thích Tâm Như, truyền thông số còn khắc phục được nhược điểm của các hình thức hoằng pháp truyền thống là chỉ truyền đi thông điệp một chiều, truyền thông số giúp người hoằng pháp tương tác chặt chẽ, nhanh chóng với đối tượng hoằng pháp nhờ vào khả năng phản hồi, tương tác của các mạng xã hội. Nhờ ưu thế này, người hoằng pháp có thể dễ dàng tiếp cận những nhu cầu, mong muốn, thắc mắc cũng như những ý kiến đóng góp, phản hồi của mọi người từ đó có những phương hướng thích hợp để hoằng pháp trong thời gian tiếp theo.
Với lợi thế người trẻ sử dụng internet nhiều bằng những phương tiện khác nhau như máy tính, Ipad, điện thoại thông minh,… nên khoảng cách giữa đời sống thật và ảo tại Việt Nam là cực nhỏ. Phật giáo cần nương đó mà đưa giáo lý Phật-đà tiếp cận một cách nhẹ nhàng và gần gũi hơn với các tầng lớp thanh thiếu niên Phật tử”, TT.Thích Tâm Như đề nghị.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, giảng viên Trường Đại học KHXN&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra nhiều thách thức với ngành hoằng pháp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, thách thức ông Lê Bá Trình nhấn mạnh đến nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ tiên tiến để phục vụ nhiệm vụ hoằng pháp “theo kiểu mới”.
“Do yếu tố khách quan và chủ quan của quá trình đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam chưa có lực lượng với trình độ khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao trong những người thực hiện hoằng pháp”, ông Lê Bá Trình nhận định.
Tịnh hóa cộng đồng mạng
Một trong những ý tưởng, thuật ngữ được chú ý và tạo cảm giác thú vị đến toàn thể đại biểu dự Hội thảo kỳ này nằm trong bài tham luận của ĐĐ.Thích An Nhiên, Phó Phân ban kiêm Chánh Thư ký Phân ban TTTT thuộc Ban Hoằng pháp T.Ư khi Đại đức đề cập đến phạm trù “tịnh hóa” dành cho cộng đồng mang.
Theo ĐĐ.Thích An Nhiên, trong vài năm trở lại đây với sự phát triển nhảy vọt của các kỹ thuật truyền thông, bùng nổ của internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, mở ra nhiều cơ hội cho con người tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và trau dồi kỹ năng, tạo môi trường phát triển cho rất nhiều loại hình kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho việc truyền tải lượng dữ liệu từ nơi truyền đến nơi nhận, kết nối thông giao giữa các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với công việc.
Tuy vậy, bên cạnh những thông tin hữu ích, tiện lợi cho cuộc sống, sự “thác loạn” thông tin đối với truyền thông đang là vấn đề thời sự “nóng bỏng”, với mức độ gia tăng ngày càng phức tạp. Khối lượng thông tin “lá cải” phát tán liên tục khiến người tiếp nhận khó kiểm soát, từ đó ĐĐ.Thích An Nhiên cho rằng cộng đồng này cần được tịnh hóa và đây cũng là cơ hội cho ngành hoằng pháp.
Muốn làm được điều này, trước hết cần phải “nâng cao ý thức, giúp người tiếp cận thay đổi lối tư duy chân chính” khi tham gia mạng xã hội và đây là nhân tố quyết định hướng đi tích cực hay ngược lại trong vấn đề tận dụng mạng xã hội.
“Hiện nay, mỗi người đều sử hữu chiếc điện thoại thông minh, việc sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào “ý thức cá nhân”. Một khi tư duy của con người có cái nhìn đúng đắn thì sẽ tạo nên sự tịnh hóa hữu hiệu nhất, giúp làm chủ mọi sự tác động từ mạng xã hội, không a dua theo trào lưu, không lung lòng với số đông, mà cần phải định tâm, sáng suốt, có cái nhìn đúng đắn, khách quan. Từ đó, con người sẽ không chỉ đánh giá hiện tượng, sự việc thông qua những hình ảnh, ngôn từ các nguồn “trôi nổi” trên mạng xã hội mà cần phải truy xét tận tường cốt lõi của sự việc qua các thông tin chính thống“, ĐĐ.Thích An Nhiên khẳng định.
Trong bài tham luận của mình, ĐĐ.An Nhiên còn nhìn nhận thành tựu của thời đại 4.0 mang tính chất trung tính, cách vận dụng của con người sẽ quyết định đúng sai. Cách sử dụng tích cực hay tiêu cực lại phụ thuộc vào ý thức của từng người. Mỗi một tín đồ cần là một thành viên truyền thông của Phật giáo, là cánh tay nối dài của sứ mệnh hoằng pháp trong thời đại công nghệ kỹ thuật số.
>> Khai mạc Hội thảo Hoằng pháp khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Bảo Thiên - Vạn Nhân