Trau dồi đạo hạnh

Ảnh: Làng Mai
Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một số người thắc mắc: tại sao Phật giáo gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc bất ổn. Theo tôi, nói như vậy không đúng.

Hãy nhìn những tệ nạn trong toàn xã hội, trên tất cả các lĩnh vực, mỗi ngày đều có hàng chục vấn đề, từ tham nhũng cho đến trộm cướp, từ lừa đảo cho tới ma túy... Phật giáo chỉ có một vài sự việc, tỷ lệ rất thấp, sao gọi là liên tiếp? Tất nhiên, tôn giáo thì không thể so sánh với thế gian, nhưng nói như thế để thấy rằng Phật giáo không đáng bị lên án như cách mà dư luận đang bàn tán chỉ trích gần đây. Điều này cũng giống như cơ thể bị ghẻ lở đầy dẫy mà không ai để ý, nhưng lại “la làng” với dấu muỗi chích.

Mỗi lần Phật giáo có một vụ việc bất ổn, trong khi mọi người nhốn nháo lên, tôi vẫn thấy bình thường. Tôi không bao giờ hy vọng Phật giáo (hay bất kỳ lĩnh vực xã hội nào) toàn diện như viên ngọc không tì vết. Bởi vì hy vọng như thế là một ảo tưởng. Nếu mọi thứ hoàn hảo thì chúng ta đang sống ở Cực lạc hay Thiên đường chứ đâu phải ở Trái đất. Đã là đất thì phải có bụi. Mà có bụi thì phải dính bụi, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Mỗi lần có một Tăng Ni nào đó có vấn đề, tôi không hề bị sốc mà chỉ cảm thấy đáng tiếc vì đạo hạnh của họ chưa được trau dồi, trui rèn đúng mức. Và tôi thầm nguyện tất cả tín đồ Phật giáo, nhất là những người xuất gia có ý thức trau dồi đạo hạnh của mình để ngày càng xứng đáng hơn với sự tin tưởng của tín đồ và xã hội dành cho mình.

Trên đời này không có gì là không làm được, trừ khi mình không muốn làm. Đối với một người tu, có ba việc cơ bản cần nên trau dồi, đó là đạo hạnh, trí tuệ và sự giác ngộ. Đạo hạnh là những hành vi phù hợp với đạo đức, thể hiện cụ thể qua ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thân có phạm giới hay bạo hành không? Khẩu có nói những lời chân thật và tốt đẹp không? Và ý có tham, sân, si không? Đạo hạnh không phải tự nhiên mà có. Muốn có đạo hạnh thì trước hết chúng ta phải có ước muốn, ước muốn bản thân sẽ trở thành một người đạo hạnh, rồi mỗi ngày mình đều ý thức để rèn luyện. Lúc đầu thân, khẩu, ý của mình chưa được tế nhị, có thể mình còn nóng tính, còn bốc đồng, nhưng nếu ý thức sửa đổi thì dần dần mình sẽ trở nên nhu nhuyến trong cử chỉ và lời nói. Và tất nhiên, một người có đạo hạnh không bao giờ là người đầy lòng tham danh lợi. Những cái tham này là thứ ung nhọt tàn phá toàn bộ lâu đài đạo hạnh của con người. Người có đạo hạnh cũng là người có lòng từ bi, vô ngã, vị tha.

Đối với việc trau dồi trí tuệ có hai cách, đó là học tập và thiền định. Trước hết chúng ta học kinh điển, học những lời dạy của Đức Phật. Ngoài kinh điển ra, ta cũng cần nên đọc thêm các loại sách minh triết khác. Nhờ học tập ta mới nhận thức được cái nào đúng, sai, cái nào nên làm, không nên làm, và do đó ít mắc sai lầm. Còn tu tập thiền định là điều “bắt buộc” đối với người tu. Tu thiền để nhìn lại chính mình, hiểu mình hơn. Tu thiền để có đủ năng lượng, năng lực chuyển hóa những thói hư tật xấu của mình. Tu thiền đẩy lùi vọng tưởng để trí tuệ chân thật hiển bày.

Vấn đề thứ ba là giác ngộ. Giác ngộ là mục đích tối thượng của người tu. Người tu mà không biết mục đích này, quên hoặc xao lãng mục đích này, không theo đuổi và mong muốn đạt được nó thì không phải là người tu. Chúng ta có thể chưa giác ngộ nhưng chúng ta không được quên mục đích của mình. Nếu quên mục đích ấy, ta rất dễ lạc vào đường ma, làm ma sự, như người đi biển không nhìn ngọn hải đăng thì có thể bị lạc đường. Ngày nào mình còn chưa giác ngộ thì mình phải hổ thẹn vì đã ở chùa rất lâu rồi, ăn cơm chùa mấy mươi năm, sắp mãn cuộc đời mà chưa có tiến bộ tâm linh nào, vẫn còn là một phàm phu, vẫn tham sân y như người thế gian.

Theo thiển ý của tôi, đây là ba điều căn bản mà người tu cần nên ý thức và rèn luyện.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày