Nương tựa mình và nương tựa pháp

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phật giáo là tôn giáo chủ trương thực hành, tự lực chứ không cầu nguyện sự ban ơn từ bên ngoài. Điều này càng đúng đắn đối với vấn đề tu tập để giác ngộ và giải thoát. Tuy nhiên muốn thực hành đúng thì không thể tu hành một cách mù quáng hoặc theo cái hiểu của riêng mình mà phải dựa vào Phật pháp.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1221 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1221 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Trước đây khi đọc lời dạy của Đức Phật trong kinh Trường bộ (kinh Đại bát Niết-bàn, số 16): “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác”, tôi không hiểu mấy. Vì một mặt Ngài bảo hãy nương tựa vào chính mình, mặt khác lại bảo hãy nương tựa vào Chánh pháp. Vậy chúng ta cần nương tựa vào đâu, vào chính mình hay Chánh pháp? Và nếu nương tựa vào cả hai thì có chướng ngại nhau không? Bây giờ thì tôi đã thông suốt được điều này, thấy rằng sự kết hợp ấy là cần thiết và không chướng ngại nhau.

Khi Đức Phật dạy hãy nương tựa vào chính mình là Ngài dạy chúng ta hãy đi bằng đôi chân của chính mình, phải tu hành, thực tập bằng chính thân tâm của mình. Bởi vì việc tu hành cũng giống như ăn uống vậy, ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Không ai làm thay cho ai được. Sở dĩ Đức Phật nhấn mạnh sự tự lực là vì bấy giờ hầu hết các tôn giáo đều chủ trương cầu nguyện, van xin thần thánh và đấng Phạm Thiên hoặc các hình thức mê tín khác như tắm sông Hằng để rửa tội. Đức Phật dạy rằng dù cho có thực hành các nghi thức cầu nguyện ấy mà mình không sửa lỗi, tu dưỡng bản thân thì cũng không đạt được lợi ích gì.

Còn khi Đức Phật dạy mình hãy nương tựa vào Chánh pháp, lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa là Ngài dạy chúng ta hãy lấy Phật pháp, lấy chính những lời dạy của Ngài mà ứng dụng vào trong sự tu hành. Ngài nhấn mạnh như thế là vì sợ chúng ta lầm đường lạc lối theo các giáo pháp khác. Bằng tuệ giác từ sự chứng ngộ, Đức Phật thấy rõ rằng các giáo phái đương thời, nếu không rơi vào mê tín dị đoan thì cũng chưa phải là giải thoát hoàn toàn. Chỉ có Phật pháp mới là con đường đúng đắn, là phương thuốc hay giúp chúng sanh vượt thoát khổ đau sinh tử.

“Hãy nương tựa vào chính mình, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa”. Hai điều này phải được kết hợp với nhau mới đưa chúng ta đi đúng đạo lộ hướng đến an lạc và giải thoát. Nếu chỉ kêu gọi nương tựa vào Chánh pháp thì người ta sẽ hiểu lầm rằng Phật pháp cũng cứu chúng sinh theo cách như các vị thần. Còn nếu chỉ kêu gọi nương tựa vào chính mình thì chúng ta có thể đi sai đường. Nương tựa là đem Chánh pháp vận dụng vào việc tu hành của mình (trong kinh nhấn mạnh là tu tập Tứ niệm xứ) thì sẽ nhiếp phục được tham ái ưu bi, đạt được kết quả tốt đẹp.

Phải nói rằng đa số các tôn giáo, giáo phái trên thế giới đều chủ trương, đề cao sự cầu nguyện, tức là xin ơn trên phù hộ, ban ơn cho mình. Những tôn giáo, giáo phái đề cao sự cầu nguyện có rất nhiều người tin theo vì nó đáp ứng, thỏa mãn một đặc tính tâm lý của con người. Đó là tâm lý lười biếng mà muốn thành công và thích dựa dẫm hơn tự nỗ lực. Tín đồ không cần tu dưỡng, không cần phát huy trí huệ để thấy rõ sự thật mà chỉ cần tin tưởng và cầu nguyện thì ơn trên sẽ cho tất cả. Như vậy thì làm sao không ham cho được!

Như có vị bác sĩ bảo bệnh nhân rằng, họ không cần phải tập thể dục, không cần ăn kiêng và thực hiện các liệu pháp dưỡng sinh để phòng ngừa bệnh thật mà chỉ cần uống thuốc của bác sĩ thôi thì bệnh gì cũng khỏi, vậy bạn có tin không, có cho đó là phương pháp hiệu quả không? Nhưng con người thì lại thích như thế. Vì uống thuốc thì nhanh gọn và không phải cực khổ tập luyện hay kiêng cữ những món ăn mà mình thích.

Đức Phật không lừa gạt người như vị bác sĩ kia, cũng không nuông chìu những tật xấu của con người để có tín đồ. Ngài chỉ nói lên sự thật. Sự thật đó có thể làm cho những người lười biếng không vui nhưng sẽ nâng cao giá trị của những người có nhân phẩm. Bất cứ ai có nhân phẩm đều không muốn dựa vào người khác, không muốn cầu khẩn van xin, không muốn vô công mà hưởng lộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày