Trẻ em nô nức với lễ sám hối ngày cuối năm

GNO - Miền quê ngày cuối năm, ít có chùa nào tổ chức lễ sám hối. Thường thì chỉ có đón giao thừa, bởi ngày này quý thầy bận rộn công việc nhiều. Vì vậy mà chỉ cần biết chùa nào có tổ chức buổi cầu kinh sám hối là các cụ, các cô bác Phật tử liền rủ nhau tham gia, đặc biệt là không bao giờ vắng bóng các em nhỏ.

Ngày 29 Tết, cập rập thời gian là vậy nhưng có rất nhiều em hối thúc ông, bà đưa đến chùa từ rất sớm. Lý do mà các em đưa ra đều y đúc như nhau, đó là: “Đến trễ hết chỗ ngồi”.

ngoc tran2.JPG

Ngọc Duyên và Khánh Băng (trái) rất thích tới chùa

Nói như vậy, có nghĩa là buổi lễ Phật ngày cuối năm, chùa nào cũng đông không thể tả - chật trong, chật ngoài chánh điện, thậm chí nhiều người còn không có chỗ đứng...!

Tại chùa Thiên Châu, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An buổi lễ cầu an bắt đầu lúc 18g45 phút, thế nhưng chưa đến 5g là có cả chục em nhỏ theo ba, mẹ đến chùa chuẩn bị cho buổi lễ sám hối. Gặp nhau, chúng chào hỏi, nói chuyện tíu tít, hết rủ nhau đi lạy Phật, rồi dắt tay nhau đi xem vườn hoa chùa chuẩn bị để đón Xuân.

Dường như chùa trở thành nơi quen thuộc của bọn trẻ nên chúng chơi đùa, chạy nhảy thỏa thích. Quen hay không quen gì thì chúng cũng bắt chuyện với nhau rất thân thiết. Thấy ai cao hơn, lớn hơn là đứa nhỏ hơn liền kêu bằng chị, bằng anh. Mới làm quen, chưa nhớ tên thì chúng gọi nhau bằng biệt danh “chị tóc dài”, “anh tóc ngắn”. Nghe chúng gọi nhau mà quý thầy, cô bác nhìn nhau cười rộn rã.

Thầy An Phúc bảo: “Phải chi sáng giờ có tụi nhỏ này nói chuyện, hủ hỉ thì tụi tui quét dọn đỡ mệt hơn. Nghe tụi nhỏ nói chuyện xưng chị chị, em em thấy thương quá. Bà con gì đâu mà nói chuyện ngọt ngào ghê”.

Nghe thầy nói thế, bác Tuệ Liên, ngoại của cháu Kim Dung liền tiếp lời: “Hôm qua, con nói nó chiều hôm nay con đi chùa, vậy là nó kè kè theo con suốt từ sáng tới giờ. Nó sợ con đi, con bỏ nó ở nhà. Tại nhà lu bu, tính để nó ở nhà coi chừng em cho ba mẹ nó dọn dẹp nhà cửa. Vậy mà nó không chịu. Nó đi theo con nài nỉ miết là: tháng nào sám hối nội cũng dẫn con đi, giờ con ngày cuối của năm không lẽ nội bỏ con ở nhà hả nội. Gật đầu cho nó đi rồi, nó mừng, nhảy tưng tưng. Mới có 5g chiều mà nó đã hối con rồi, nèo nẹo miết nên hai bà cháu mới đi sớm thế này nè thầy”.

ngoc tran3.JPG

Em tới chùa sám hối cùng mẹ

Còn cô Diệu Thanh, ngoại bé Thanh Duy, Bến Lức, tỉnh Long An thì nói: “Cháu ngoại con cũng vậy đó thầy, kêu ở nhà nó không chịu. Con nói nó, mới học lớp 2, đọc chữ chưa chạy, ở nhà đi chứ đi đọc không kịp làm mất trang nghiêm đạo tràng. Vậy mà nó nói, nó sẽ đọc nhỏ để không ai nghe nó đọc thiếu chữ. Ở thành phố, đi xe máy quen rồi, về đây con chở đi chùa bằng xe đạp mà nó cũng chịu ngồi. Đi đường dằn, nhiều ổ gà tưng lên tưng xuống, hỏi nó ê mông không, nó cứ kêu con là ngoại chạy đi, hỏi con hoài lát tới chùa người ta tụng kinh xong rồi quá. Nó còn nôn hơn con nữa, nó hối con làm con đạp xe hụt hơi vậy đó”.

Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên mặc áo đủ màu, đùa giỡn bên hiên chùa, ai thấy cũng thương, khen không ngớt lời. Nhưng có lẽ thương nhất là dù mê chơi đến đâu nhưng cứ độ năm, mười phút là chúng lại ngước lên nhìn đồng hồ xem đến giờ làm lễ hay chưa. Đang tranh cãi về tên các loài hoa, bỗng nghe bé nhỏ nhất trong nhóm gọi: “Còn 10 phút nữa tới giờ sám hối rồi, đừng chơi nữa vào tụng kinh kìa anh, chị ơi”. Vậy là chúng í ới nắm tay nhau vào chánh điện.

Ngoài sân chùa, chúng háo hức với những chỗ ngồi đã tính sẵn lúc chiều nhưng đến khi bước vào, trên gương mặt đứa nào cũng buồn so. Bởi, những vị trí đứng gần sư phụ đã bị các cụ đứng. Chúng chia nhau, đứa đứng ngoài hiên chùa, đứa vào bên trong chánh điện xen cùng các cô chú lớn tuổi. Đến khi buổi tụng kinh kết thúc, bọn trẻ xúm lại với nhau “bàn kế” rằng: “Tối nay, giao thừa nhất định 11g sẽ vô chánh điện ngồi, ngồi hoài luôn cho khỏi mất chỗ”.

Rồi chúng rôm rả chia nhau, đứng giành góc này, đứa giành góc kia. Nghe bọn trẻ hồ hởi nói chuyện, ai ai cũng dành cho bọn trẻ những ánh mắt, nụ cười đầy hoan hỷ...!

Hạnh Ý ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày