Trò chuyện với tu sĩ trẻ đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2021

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1132 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1132 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GN - Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (quận 4) là gương mặt tu sĩ duy nhất trong 10 cá nhân đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2021 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức. Lễ tôn vinh diễn ra ngày 5-12 vừa qua tại Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên báo Giác Ngộ về giải thưởng này, thầy nói:

- Trước hết Minh Phú rất biết ơn các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, chư Phật tử gần xa, các tình nguyện viên đã nhiệt tâm đóng góp tài vật và sức lực cho Hội Từ thiện Tường Nguyên trong nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2021 - một năm đầy biến động bởi thiên tai và dịch bệnh. Đối với giải thưởng này, Minh Phú kỳ thực chỉ là đại diện cho họ mà nhận lãnh thôi.

Đại đức Thích Minh Phú (sinh năm 1980), Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4) đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba (2008), Huân chương Lao động hạng nhì (2014) về công tác an sinh xã hội và công tác từ thiện. Ngoài ra, Đại đức còn nhận được Huân chương Hữu nghị của Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia (2014).

Bếp ăn từ thiện phục vụ hơn 26.000 suất ăn mỗi ngày là một trong những mô hình mang lại rất nhiều lợi ích trong mùa dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chương trình “Bác sĩ của F0”, tư vấn cho hơn 10.000 lượt người mắc SARS CoV-2, trao tặng xe cứu thương, bình oxy, dụng cụ y tế… với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng do Đại đức Thích Minh Phú phụ trách cũng là điểm sáng, góp phần cùng lĩnh vực từ thiện của Phật giáo nói riêng và sự hỗ trợ của cả nước nói chung giúp người dân TP.HCM ổn định, vượt qua những khó khăn trong đại dịch.

Tiếp đến, phụng sự, từ xưa đến nay vốn là sự sống của Phật giáo. Một câu trong kinh Hoa nghiêm cô đọng tư tưởng này: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Do đó việc làm của Minh Phú chỉ là sự tiếp nối truyền thống của Phật giáo và tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc, sẻ chia vốn có của dân tộc Việt Nam. Minh Phú rất vui mừng vì bản thân đã đi đúng hướng và phát huy những giá trị từ ngàn đời của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

* Một trong các tiêu chí của giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2021 đối với các cá nhân là phải có sáng kiến, ý tưởng, mô hình tình nguyện mới, mang tính đột phá, được triển khai thực hiện hiệu quả, dễ dàng nhân rộng. Là một trong những người vinh dự được bình chọn, thầy có thể chia sẻ về mô hình hay sáng kiến nổi bật của mình?

- Trong đại dịch Covid-19, Hội từ thiện Tường Nguyên tổ chức chương trình “Bữa cơm yêu thương”, với 300 tình nguyện viên ngày đêm không nghỉ đã nấu và trao tặng hơn 1,8 triệu phần cơm kèm các nhu yếu phẩm đến bà con.

Ngoài ra, khi có chủ chương chấp nhận cho F0 cách ly tại nhà, hội cũng tổ chức thực hiện mô hình “Bác sĩ của F0”, tư vấn cho hơn 10.000 lượt F0, giúp họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe và có kết quả âm tính được hội cấp giấy.

* “Bếp ăn từ thiện Tường Nguyên” là một trong những mô hình mang lại rất nhiều lợi ích trong mùa dịch Covid-19…

- Mô hình này được hình thành và phát triển tính đến nay đã hơn 20 năm, tiền thân là Bếp ăn từ thiện chùa Giác Nguyên. Ban đầu chỉ cung cấp hơn 30.000 phần cơm vào các ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần cho bà con trên địa bàn thành phố. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nó được nâng cấp thành “Bếp ăn yêu thương” như đã chia sẻ ở trên.

“Đoàn kết” và “Từ tâm” chính là bí quyết mang lại sự thành công cho mô hình trong suốt thời gian qua. Nhờ đoàn kết mới có thể tổ chức nấu hơn 26.000 phần ăn mỗi ngày và duy trì liên tục trong 150 ngày. Nếu không xuất phát từ lòng yêu thương đối với chúng sanh trong cảnh thương đau thì mấy ai dám rời xa gia đình hay nén nỗi đau mất người thân trong mùa dịch, để quyết lòng giữ bếp lửa yêu thương luôn rực sáng.

“Đoàn kết” và “Từ tâm” là bí quyết trong công tác thiện nguyện

“Đoàn kết” và “Từ tâm” là bí quyết trong công tác thiện nguyện

* Bên cạnh bếp ăn từ thiện, xin thầy cho biết thêm những hoạt động thiện sự nổi bật khác mà bản thân đã thực hiện trong đợt dịch vừa qua?

- Trong đợt dịch Covid-19, Hội từ thiện Tường Nguyên còn trao tặng 19 chiếc xe cứu thương (1,2 tỷ đồng/xe), 45.000 phần quà rau củ quả, trái cây, gạo, sữa, hạt nêm, 500.000 khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, 2.000 chiếc áo quan, 12.000 mặt thở oxy, 1.000 bình oxy, 50.000 phần thuốc điều trị F0 tại nhà trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành. Với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng.

* Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng với số ca nhiễm bệnh và tử vong đạt mức kỷ lục, thầy có e ngại cho bản thân và các tình nguyện viên nhiễm bệnh khi làm thiện sự hay không?

- Sợ chứ! Chúng tôi thật sự rất sợ! Sợ nhiễm bệnh rồi, sẽ mất đi nguồn nhân lực, ngọn lửa của bếp nấu những “Bữa cơm yêu thương” gửi đến bà con khó khăn, những người đang cần sự trợ duyên qua các chương trình mà chúng tôi được gởi gắm niềm tin.

Từ khi Minh Phú và các thành viên xa nhà, xa người thân, tập trung làm việc với quyết tâm chung sức, chung lòng sẻ chia những thiếu thốn mà bà con phải gánh chịu, thì hai từ “sanh tử” đã không còn là nỗi sợ hiện hữu trong đầu chúng tôi nữa. Mà nỗi sợ lớn nhất chính là “thời gian quá ngắn”, không đủ để nấu nhiều hơn những “Bữa cơm yêu thương”, tặng nhiều hơn những phần quà nghĩa tình mùa dịch đến người dân.

Hỗ trợ bình oxy cho bệnh nhân Covid-19 và trao tặng hơn 1,8 triệu phần cơm trong mùa dịch - Ảnh: NVCC
Hỗ trợ bình oxy cho bệnh nhân Covid-19 và trao tặng hơn 1,8 triệu phần cơm trong mùa dịch - Ảnh: NVCC

* Sau “Bếp ăn từ thiện Tường Nguyên” cùng với các hoạt động thiện sự này, thầy có ấp ủ dự định gì tiếp theo không?

- Hiện tại chúng tôi đang có dự án xây dựng An dưỡng viện Tường Nguyên thiền uyển ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An với 5 khu vực có tiêu chuẩn chăm sóc đặc biệt cho 600 người già và trẻ em.

Mục đích xây dựng an dưỡng viện đó là dành riêng cho Tăng Ni, Phật tử an dưỡng khi về già nếu có nhu cầu. Đây còn là nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi đến khi trưởng thành, tự lập. Người già neo đơn, không có con cái, phận đời trôi dạt cũng được tiếp nhận và chăm sóc. Đặc biệt, cộng đồng LGBT lớn tuổi, không nơi nương tựa cũng là đối tượng mà chúng tôi ưu tiên tại đây.

Môi trường, hoàn cảnh chính là nơi tu tâm tốt nhất cho mỗi người

Môi trường, hoàn cảnh chính là nơi tu tâm tốt nhất cho mỗi người

* Được biết, công tác thiện sự diễn ra thường xuyên thì bản thân phải theo sát nó rất nhiều. Thầy có cách gì để cân bằng việc tu học và làm thiện sự hay không?

- Dân gian có câu: “thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Với Minh Phú, tu hành không phải chỉ ở nơi núi sâu, cũng không chỉ tại đền chùa hay thoát ly xã hội, mà chính ở trong hiện thực cuộc sống mà tôi luyện tâm can. Môi trường, hoàn cảnh chính là nơi tu tâm tốt nhất cho mỗi người. Cách Minh Phú tu tập đó chính là “đối mặt”. Đối mặt với khó khăn, thử thách để trở nên mạnh mẽ. Đối mặt với lợi, danh để không đắm chìm trong danh, lợi.

* Nhiều người cho rằng, làm từ thiện phải “đúng đối tượng”, “kịp thời” hay “phù hợp với nhu cầu cần giúp đỡ” thì mới mang lại hiệu quả? Cá nhân thầy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Minh Phú đồng ý với những ý kiến trên, nhưng cần bổ sung rằng: làm từ thiện trước hết phải hiểu từ thiện là gì. Từ thiện phải đi chung với không vụ lợi và tự nguyện làm vì điều tốt.

Minh Phú thường nghe nhiều người nói bản thân làm “từ thiện từ tâm” nhưng chưa xác định rõ đó là “tâm” gì? Tâm tham danh, tham lợi cũng là tâm. Do đó, đối với Minh Phú, làm bằng cách nào cũng được nhưng phải xuất phát từ “tâm yêu thương” thì mới không lầm đường, lạc lối trong vòng quay danh lợi.

* Hiện nay, công tác thiện nguyện đối diện với rất nhiều thử thách khi xã hội càng phát triển. Theo thầy, làm thế nào để công tác thiện nguyện thật sự hiệu quả, phù hợp với thời đại mới?

- Công tác thiện nguyện xưa nay vẫn vậy, vẫn xuất phát từ “từ tâm”. Tuy nhiên, chúng ta cần có những đổi mới về cách thức tổ chức để đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Đặc biệt là khi ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức làm thiện nguyện để đánh bóng tên tuổi hoặc nhằm trục lợi cá nhân.

Để công tác thiện nguyện được diễn ra một cách tốt đẹp, tránh phát sinh các vấn đề không mong muốn, cần phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, cụ thể là địa phương có người dân cần được giúp đỡ. Đồng thời công khai, minh bạch theo nguyện vọng của nhà tài trợ và phối hợp thực hiện công tác quyết toán tài chính.

Cảm ơn những chia sẻ của thầy. Dịp này, thầy có lời gì gửi đến những người đang làm công tác thiện nguyện, giúp tốt đời đẹp đạo hay không?

- Minh Phú mong muốn lan tỏa đến mọi người một thông điệp mà bản thân đang áp dụng là “Dấn thân giúp đời - Vì người phụng sự”. Người tu sĩ luôn xem việc phụng sự và hy sinh cho chúng sinh là sứ mạng thiêng liêng, là nguyện vọng và lý tưởng sống của mình. Ngay trong phụng sự đã có niềm an vui và phụng sự càng lớn thì an vui càng lớn.

Tiêu chí đạt giải thưởng, đối với cá nhân:

1. Tinh thần cộng đồng: Cá nhân có nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao trong hoạt động vì cộng đồng, luôn sẵn sàng cống hiến, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và nhiệt huyết hoạt động tình nguyện tới những người xung quanh.

2. Hiệu quả hoạt động: Cá nhân có cống hiến tích cực trong việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Đánh giá cao vai trò khởi tạo, quản lý, lãnh đạo triển khai các chương trình; có tinh thần chủ động sáng tạo thiết kế các hoạt động hiệu quả, lôi cuốn vận động được sự tham gia góp sức của đông đảo thanh thiếu niên và cộng đồng tham gia nhằm mang lại giá trị lớn nhất cho đối tượng hưởng lợi.

3. Tầm nhìn, định hướng tương lai: Cá nhân có nhận thức sâu sắc về các vấn đề của cộng đồng; có định hướng hoạt động lâu dài hướng đến việc tạo nên những thay đổi cụ thể đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng.

4. Sáng kiến, mô hình tình nguyện tiêu biểu: Đánh giá cao các cá nhân có các sáng kiến, ý tưởng, mô hình tình nguyện được triển khai thực hiện hiệu quả, dễ dàng nhân rộng; sáng tạo và đổi mới trong cách thực hiện, triển khai. Ưu tiên các sáng kiến, mô hình tình nguyện mới mang tính đột phá.

5. Ưu tiên xét chọn cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày