Trong tâm có Phật

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1258 - Ảnh: Du Nhiên
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1258 - Ảnh: Du Nhiên
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là chủ đề của cuộc thi viết do Câu lạc bộ Phóng viên - Cộng tác viên Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Phật đản Phật lịch 2568 năm nay. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc trong và ngoài nước.

Mỗi bài viết là mỗi tấm lòng tôn kính đối với Đức Thế Tôn; là những sẻ chia, thao thức làm sao để giữ được tâm an bình giữa một thế giới đầy biến động, giữa cuộc sống đầy bon chen, hối hả; là những kỷ niệm đong đầy về người đã góp phần ươm những mầm xanh, những hạt giống lành vào tâm hồn thơ trẻ…

Tác giả Bùi Thị Kim Loan

Tác giả Bùi Thị Kim Loan

Chia sẻ tại buổi trao giải, chị Bùi Thị Kim Loan, người đạt giải Nhất cuộc thi cho biết: “Tôi gửi bài dự thi với mong muốn được trải lòng mình qua những con chữ. Đó là những trăn trở, âu lo khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống mà bản thân tôi không biết làm cách nào để vượt qua. Cho đến một hôm tình cờ bắt gặp những đóa sen vươn mình trong nắng sớm ở một ngôi chùa làng, bất giác, tôi cảm nhận được rằng, nếu chúng ta cũng mạnh mẽ ‘vươn mình’ thoát ra khỏi những tham, sân, si thì khi ấy, hành trình của mình sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu!”.

“Ngày mới được nghe câu chuyện Đức Phật Thích Ca ra đời nơi vườn Lâm Tỳ Ni, bảy đóa sen nhiệm mầu đã nở dưới từng bước chân của Ngài, mang đến cho nhân loại một Đấng Giác Ngộ, tôi đã lấy làm thắc mắc, tại sao không phải là hoa sa-la vì nơi đó vốn dĩ là rừng cây sa-la? Thì ra đấy mới là điều kỳ diệu.

Hoa sen chính là tượng trưng cho sự vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để thành Chánh quả. Nếu không có bùn thì hoa sen không sống được, từ bùn nhơ mà búp sen vẫn vươn lên nở những bông hoa thơm ngát. Bùn trong ao sen, chính là những thử thách, những cám dỗ của cuộc sống. Con người cũng như sen, sẽ trở nên tỏa sáng lung linh khi vượt qua những thử thách mà cuộc đời mang lại. Đối với hoa sen, bùn là yếu tố cần thiết thì đối với con người, những điều bất như ý mà ta đang phải đối mặt cũng là chất liệu không thể thiếu. Chợt thấy những lo lắng trong lòng cũng tiêu tan, những khó khăn mà tôi đang gặp phải là điều tất yếu trong kiếp nhân sinh này, ta phải chấp nhận như nó là một phần của cuộc sống và mạnh mẽ bước qua.

… Đức Phật không tiếc nuối quá khứ vàng son để có ngày ngự trên tòa sen. Ta cũng nên nuôi dưỡng một tòa sen trong tâm để trở về con đường chánh niệm”.

(Trích tác phẩm “Những đóa tâm sen”)

Do bận công tác ở Hà Nội, nên bạn Đỗ Thùy Linh đã không có mặt ở buổi trao giải, nhưng qua đoạn video clip gửi đến Ban Tổ chức, Linh đã bày tỏ niềm hân hoan khi bất ngờ nhận được giải Nhì của cuộc thi. “Tôi đến với cuộc thi rất tình cờ và không đặt một kỳ vọng nào về giải thưởng, mà đơn thuần, tôi chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ và chiêm nghiệm của mình, muốn đưa ra một góc nhìn cá nhân về một loại tâm thế mà có lẽ bất cứ ai trong chúng ta giữa cuộc đời nhiều xô bồ này cũng đều có thể trui rèn để bản thân có thể sống an yên và thảnh thơi hơn…”, Linh bày tỏ.

Tác giả Đỗ Thùy Linh

Tác giả Đỗ Thùy Linh

“An yên không ở trong quang cảnh mà nằm lẳng lặng trong tâm cảnh, ẩn náu dưới tầng tầng lớp lớp những tạp niệm trầm kha. Đất trời rộng lớn, chúng sinh muôn vàn, đời người vốn được chắp ghép từ vô cùng những vui - buồn, ly - hợp, tâm cảnh con người cũng bị tham, sân, si quấy nhiễu mà không ngơi hỗn tạp. Muốn được an yên, tâm cần phải tĩnh. Tâm không tĩnh, có nhốt mình trong cô tịch cũng là vô ích, ngược lại, tâm tĩnh, giữa miền xô bồ vẫn dễ dàng tìm được an yên.

… Nếu cảnh giới cao nhất của cô đơn là nhìn thế gian phồn hoa, chúng sinh muôn vàn vẫn chẳng thấy đâu là nhà thì cảnh giới cao nhất của tâm tĩnh lặng có lẽ là nhìn vạn vật sinh diệt, ngắm thương hải tang điền, không có gì khiến ta lưu luyến, sân si, chấp niệm. Ta không sầu, không vui, không cầu, không tham. Ta biết chấp nhận và thứ tha, biết buông bỏ và thỏa mãn, biết cảm ơn và biết đủ. Ta không khư khư níu giữ những thứ khiến trái tim ta nặng nề, cõi lòng ta vẩn đục, tinh thần ta mục nát. Ta mặc cho mọi buồn, vui, sướng, khổ trong đời đến rồi rời đi tự nhiên như nước chảy, chẳng đọng lại gì trong cái tâm bằng phẳng của mình. Và thế là tựa ngôi chùa cổ bao đời nay vẫn nằm bình dị giữa phố thị ầm ĩ mặc cho thế gian xoay vần hay năm tàn tháng tận, ta an yên”.

(Trích tác phẩm “Giữa miền xô bồ tìm đâu chốn an yên?”)

Tác phẩm “Ghi chép nơi cửa thiền” của tác giả Nhất Chi Mai (Hưng Yên) đạt giải Ba cuộc thi đã kể lại câu chuyện của Bống - một em bé bị bỏ rơi bên gốc cây thị trước sân chùa khi còn đỏ hỏn vào một buổi chiều đông giá lạnh. Bống đã được Sư thầy đưa vào chùa cưu mang. Bống lớn lên bên tiếng chuông chùa trầm mặc, bên tình yêu thương, tấm lòng nhân hậu của Sư thầy và các vãi trong chùa nhưng vẫn không thôi thắc mắc: “Thầy ơi, mẹ con đâu?”.

Tác giả Nhất Chi Mai

Tác giả Nhất Chi Mai

“Thương những mảnh đời bất hạnh của những em bé bị mẹ bỏ rơi như thế, tôi càng cảm phục những tấm lòng từ bi, hỷ xả đã dang rộng vòng tay cứu giúp những thân phận trẻ thơ khỏi những nghiệt ngã đau thương của cuộc đời.

Và giờ đây bên em, không chỉ có tiếng chuông chùa trầm mặc, không chỉ là không gian cô tịch trời chiều mà Bống đã có một tổ ấm thân thương. Ở đó có Sư thầy dịu dàng, nhân hậu cùng các vãi gần gũi, thân thương.

Một làn gió mát thổi bay bay mái tóc tơ hiu hiu đỏ của Bống. Đôi mắt cô bé sáng long lanh nhìn nhà sư mỉm cười âu yếm.

Bất giác, dưới ánh trăng hiền dịu, tôi thấy những trái thị lặng lẽ tỏa hương trên vòm cây bên cổng chùa đầy gió.”

(Trích tác phẩm “Ghi chép nơi cửa thiền”)

Sư cô Thích nữ Diệu Trí
Sư cô Thích nữ Diệu Trí

Với tác phẩm “Hạt giống lành” - tác phẩm đạt giải Khuyến khích, Sư cô Thích nữ Diệu Trí kể lại câu chuyện về một người cháu ruột đã được bà nội vốn là Phật tử thuần thành “ươm” những hạt giống lành từ thuở bé thơ. Quen nếp ấy, em luôn ngoan ngoãn chắp tay lạy Phật, ngồi yên nghe bà tụng kinh, gõ mõ khi còn rất nhỏ.

“Trong tâm thức ngây thơ hồn nhiên của em, em chỉ biết Phật là một bậc cao quý, một tấm gương sáng về trí tuệ và đạo đức mà bà, mẹ và những người xung quanh đều tôn kính. Và tôi chắc một điều rằng, niềm tin, lòng tôn kính tuyệt đối trước Đức Phật đã giúp cho gia đình tôi, người thân của tôi có những lợi lạc về tinh thần và dưỡng nuôi những giá trị đạo đức cao đẹp của một người Phật tử”.

(Trích tác phẩm “Hạt giống lành”)

Sư cô Thích nữ Diệu Phúc
Sư cô Thích nữ Diệu Phúc

Tác phẩm “Mẹ tôi tu… mót” cũng đạt giải Khuyến khích, tác giả Nguyễn Thị Diệu Hạnh (Sư cô Thích nữ Diệu Phúc) đã kể về người mẹ của mình - một người phụ nữ cả cuộc đời chỉ biết chăm lo cho chồng và các con. Sau những thăng trầm của cuộc sống, những biến chuyển của vạn vật và sau khi con cái đã trưởng thành, bà dần quay về nương tựa Tam bảo, “mót” những thiện sự nhỏ nhặt để tích góp phước đức: “Mẹ thì ít chữ, chỉ biết ăn chay niệm Phật làm lành, nhưng mẹ có niềm tin tuyệt đối vào Tam bảo. Nhờ có Phật, có niềm tin vào nhân quả mà mẹ có thể đi qua những sóng gió của cuộc đời”.

Nhận được giải Bạn đọc yêu thích nhất, tác phẩm “Ngày trở về” của Nguyễn Thị Ngọc Trâm, hiện đang du học ở Hungary, là lời tự sự về những duyên lành đưa mình đến với Phật pháp.

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trâm

“Sau mỗi lần chép kinh, con dần sống chậm lại và hài hòa hơn như những nét bút mềm mại trên từng trang giấy. Con chưa từng tự hào vì đã chép được nhiều bộ kinh, hay việc lạy được nhiều lạy. Mà động lực để con kiên trì đến hôm nay, chính là niềm tin sắt son đối với Phật và niềm vui trong mỗi việc đã làm. Bởi chẳng có gì là đáng giá nếu như bạn không cảm thấy hạnh phúc. Chính vì thế mà con đã bớt đi những việc làm tổn thương đến người khác, hay những việc không lợi ích cho người, cho mình. Mặc dầu không phải là những bậc xuất trần thượng sĩ, hay những vị thấm nhuần Phật pháp như các Sư thầy, Sư cô ở chùa nhưng con vẫn luôn cố gắng để xứng đáng là những người Phật tử, giữ cho mình những tâm nguyện thiện lành. Chỉ mong mọi người yêu thương nhau, mong cho cuộc đời bớt khổ đau, cầu nguyện ánh sáng của Phật pháp chiếu rọi khắp muôn nơi”.

(Trích tác phẩm “Ngày trở về”)

Và còn nữa những tâm tình, hồi ức, sẻ chia trong hơn 100 bài viết gửi về cho Ban Tổ chức cuộc thi, mà trong khuôn khổ một bài viết ngắn không thể nào điểm xuyết hết được. Tuy nhiên, như lời Thượng tọa Thích Quảng Tánh, đại diện Ban Giám khảo cả 2 vòng sơ khảo và chung khảo nhận định: “Mỗi bài thi là một cung bậc cảm xúc, một tâm nguyện, một hoài bão khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên niềm tôn kính đối với Đức Thế Tôn, tấm lòng tha thiết đối với Đạo pháp. Cuộc thi là một sân chơi bổ ích, một thiện duyên giúp cho mỗi người có thời gian hướng về Tam bảo”.

Và xin mượn lời của Đại đức Thích Quảng Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ PV-CTV Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi phát biểu trong lễ trao giải để thay lời kết: “Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 100 bài viết bao gồm các thể loại: tản văn, truyện ngắn, thơ, bút ký... của các tác giả trong và ngoài nước gửi về tham dự. Đây là niềm khích lệ rất lớn đối với những người trực tiếp tham gia công tác tổ chức. Thay mặt Ban Tổ chức, xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả các tác giả có tác phẩm dự thi, dù đạt giải hay không cũng đã góp phần rất lớn tạo nên sự thành công cho cuộc thi lần này để cùng nhau chia sẻ, lan tỏa thông điệp an lành về sự thị hiện của Đức Phật nơi cõi Ta-bà và để cùng nhau giữ vững niềm tin: Trong tâm mỗi người luôn có Phật”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày